Tự chủ thực chất thì không cần quy định kéo dài thời gian làm việc với GS, TS
Việc quản lý người lao động trong trường đại học hiện nay vẫn theo bậc của viên chức gây ra nhiều rào cản.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018. Điểm đáng chú ý của dự thảo là đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư giảng viên có trình độ Tiến sĩ đã tới tuổi nghỉ hưu.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trên là hoàn toàn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Điều này một mặt vừa có thể tận dụng được nguồn chất xám của người thầy, vừa tránh được những hụt hẫng trong đội ngũ khi mà tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của Việt Nam hiện đang thấp so với khu vực và thế giới.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 24/8/2021, tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ là 31,12% (năm 2020 là xấp xỉ 30%).
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học đều đang thiếu lực lượng nhà khoa học đầu ngành và tỷ lệ tiến sĩ phần lớn ở các trường còn rất thấp so với sàn chung của khu vực, thế giới.
Do đó việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu có trình độ tiến sĩ trở lên sẽ đáp ứng được nhu cầu nhân lực, đội ngũ giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học, giúp các trường giữ chân được lực lượng giảng viên “máy cái”.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Hiệp đây chỉ là giải pháp ngắn hạn chứ giải pháp dài hạn, căn cơ thì cần phải nhìn câu chuyện này một cách sâu xa hơn.
Tiến sĩ Phạm Hiệp – Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: NVCC)
Tiến sĩ Phạm Hiệp lý giải, trước năm 2013 khi Nghị định 141/2013 /NĐ-CP chưa được ban hành thì giáo sư, phó giáo sư hoàn toàn vẫn có thể ở lại làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học tuy nhiên chuyển từ biên chế sang hợp đồng lao động. Chính cơ chế này tạo ra sự khác biệt về chế độ dẫn tới không đủ hấp dẫn các nhà khoa học đầu ngành – đội ngũ trình độ cao bởi lẽ khi đó trong cùng một cơ sở giáo dục đại học tồn tại 2 nấc khác nhau (biên chế và hợp đồng lao động)
Trong thời gian tới, để các trường đại học công lập hiện nay không tồn tại hệ thống song trùng này thì cần xóa bỏ tư duy về việc hai hệ thống quản lý người lao động trong một đơn vị. Hay nói cách khác là gắn liền với quá trình tự chủ, mà ở đây là tự chủ nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học thì cần bỏ hệ thống viên chức để toàn bộ giảng viên trong nhà trường chỉ là người lao động làm việc theo Luật Lao động và Luật Giáo dục đại học chứ Luật Viên chức không can thiệp nữa.
Tức là người lao động làm việc theo vị trí việc làm, độ tuổi nghỉ hưu tuân theo Luật Lao động, còn dấu mốc 60 hay 65 tuổi chỉ là ngưỡng chứ không phải giảng viên quá độ tuổi đó thì không được phép làm việc nữa.
Video đang HOT
Trong cơ chế đó thì tiến sĩ cũng có thể làm việc đến 70 tuổi nếu đủ khả năng và nhà trường lại có nhu cầu giữ lại, thậm chí cử nhân, thạc sĩ cũng có thể tiếp tục làm việc nếu nhà trường có mong muốn và vẫn có thể đóng góp cho nhà trường. Khi đó tạo ra cơ chế cạnh tranh công bằng, sòng phẳng giữa các trường đại học trong việc thu hút nhân sự giữa trường công với nhau, giữa trường công và trường tư với nhau.
“Vấn đề tự chủ cũng như làm việc theo vị trí việc làm đều là những nội dung đã đề cập, thảo luận gần chục năm nay nhưng chưa triển khai rốt ráo nên vẫn còn nhiều gò bó, gây lúng túng cho các trường”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh.
Khi Nhà trường phải tuân thủ quá nhiều quy trình, quy định thì làm sao có tự chủ thực chất
“Tôi cho rằng Dự thảo Nghị định này chỉ giải pháp tình thế, khi mà câu chuyện tự chủ đại học về quản lý nhân sự và phân công công việc theo vị trí việc làm chưa được triển khai rốt ráo, đầy đủ. Nếu khi được triển khai đầy đủ, đồng bộ thì những nội dung nêu trong Nghị định 141/2013 hay dự thảo Nghị định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến sẽ tự đi vào dĩ vãng.
Vì bản thân tự chủ quản lý nhân sự và phân công lao động theo vị trí việc làm rất linh động để các trường chủ động vận dụng chứ hiện nay khung pháp lý khá gò bó, tạo ra nhiều rào cản”, chuyên gia Phạm Hiệp lý giải.
Tiến sĩ Phạm Hiệp nêu, việc quản lý người lao động trong trường đại học hiện nay vẫn theo bậc của viên chức mặc dù quy định về tuyển dụng, sử dụng viên chức thông thoáng hơn nhưng vẫn có nhiều rào cản.
Ví dụ quy trình tuyển dụng giảng viên cũng làm viên chức thì vẫn phải tuân theo quy trình của Luật Viên chức với nhiều thủ tục, nhiều ràng buộc.
“Có nhà khoa học rất giỏi với nhiều công bố quốc tế trong lĩnh vực thuộc Khoa học xã hội, đã từng đi học ở nước ngoài nhiều năm nhưng để tuyển vào làm viên chức tại Việt Nam thì phải có chứng chỉ Tin học. Rõ ràng bao lâu nay không có chứng chỉ tin học họ vẫn làm khoa học giỏi làm việc ở đại học hàng đầu thế giới nhưng bây giờ, nếu không có chứng chỉ đó thì họ lại không đủ điều kiện làm việc cho đại học ở Việt Nam
Thế nên mới có chuyện nhiều người thích chuyển từ trường công sang trường tư vì không thể chịu nổi những quy định về đào tạo bồi dưỡng theo ngạch bậc viên chức. Thậm chí ngay cả cấp trưởng khoa, trưởng bộ môn cũng phải đi học những chương trình cứng nhắc của viên chức quản lý trong khi cái trường đại học cần là nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp cận khóa học nước ngoài. Nhưng quy định thì họ vẫn phải học gây tốn nguồn lực, tốn thời gian mà không tạo ra được giá trị trực tiếp cho sinh viên, kết quả nghiên cứu….
Chưa kể, có trường hợp trưởng khoa phải đi học khóa học đào tạo theo yêu cầu của ngạch viên chức mà người dạy có khi chính là cựu học viên, nghiên cứu sinh mà vị trưởng khoa đã từng hướng dẫn. Đó là chuyện rất kỳ cục.
Chưa cần so với khu vực, thế giới mà so sánh ngay với một số lĩnh vực trước đây nhà nước bao cấp mạnh rồi dần dần tự chủ ít, đến tự chủ hoàn toàn rất nhanh như báo chí, y tế, thể thao họ cạnh tranh nhân lực rất sòng phẳng. Chuyện phóng viên di chuyển từ báo này sang báo khác, bác sĩ từ bệnh viện này qua bệnh viện khác công tác là chuyện bình thường, do đó đối với lĩnh vực giáo dục đại học giảng viên từ trường nọ sang trường kia là chuyện bình thường, làm được như vậy thì giảng viên, sinh viên càng được lợi nhiều – đây là 2 đối tượng quan trọng nhất của trường đại học.
Cuối cùng, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, vấn đề tự chủ đại học bây giờ không còn là câu chuyện được quyết vấn đề A, hay vấn đề B vì thực tế đều theo quy định của Luật giáo dục đại học 2012 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 thì các trường đã được quyết hầu hết các hoạt động nội bộ rồi.
Chỉ có điều, trong nhiều trường hợp, cái tự chủ đó vẫn không thực chất vì Nhà trường phải tuân thủ quá nhiều quy trình, quy định, tiêu chí cứng nhắc, ví dụ như trong việc tuyển dụng hay đào tạo bồi dưỡng kể trên. Điều này dẫn đến việc các trường không thể phát huy được sức sáng tạo và khai thác được hết khả năng của mình.
Để dễ so sánh, Tiến sĩ Hiệp dùng hình ảnh bắt cầu thủ Quang Hải, Công Phượng vào sân chỉ được sút bằng chân phải mà không được sút bằng chân trái, hoặc vừa đá vừa bị trói tay thì có giỏi đến mấy cũng sẽ không thể ghi bàn được.
Trong khi đó, mặc dù ủng hộ đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, song Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng quy định về tuổi nghỉ hưu đối với giảng viên đại học cần mở hơn, tùy thuộc vào nguyện vọng, tình hình sức khỏe của giảng viên và nhu cầu của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, để không làm mất đi cơ hội của lớp trẻ thì đi kèm theo đó là những điều kiện nhất định.
Cụ thể, khi đến tuổi hưu, giảng viên còn sức khỏe và có thể công tác thì cứ nghỉ hưu theo đúng quy định. Sau đó, nếu muốn tiếp tục giảng dạy và đủ điều kiện sẽ ký hợp đồng lao động với cơ sở giáo dục đại học theo luật hiện hành.
GS Phạm Hồng Quang: kéo dài thời gian làm việc giảng viên đại học là hợp xu thế
Đại học Thái Nguyên gồm 7 trường thành viên, với số lượng hơn 800 tiến sĩ, chúng tôi chưa thấy việc kéo dài thời gian làm việc này có gì bất thường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, dự thảo có đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.
Dự thảo nêu rõ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Ảnh: TL.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên về vấn đề này. Thầy Quang nói: "Trước hết, tôi thấy quan điểm kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên các trường đại học có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư và Phó giáo sư đã đủ tuổi nghỉ hưu là đúng, là trân trọng sự cống hiến của các thầy, là hợp với xu thế.
Xét về mặt nghiệp vụ chuyên môn tôi thấy hoàn toàn hợp lí, phù hợp với thực tiễn hiện nay, phần lớn các thầy đã cống hiến đến giai đoạn nghỉ hưu nhưng vẫn còn sức khỏe rất tốt, vẫn có khát vọng được cống hiến, và cụ thể là rất nhiều thầy đã và đang tham gia quản lí, giảng dạy tại các trường đại học ngoài công lập rất hiệu quả.
Với Đại học Thái Nguyên, thực tế chúng tôi cũng đã triển khai việc này từ lâu, theo quy định cũ thì thời gian kéo dài của Giáo sư từ 10 năm trở xuống, Phó giáo sư là 7 năm và Tiến sĩ là 5 năm, hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách về đãi ngộ như lúc còn đang công tác bình thường, chỉ có điều là các thầy không tham gia làm công tác quản lí.
Về phía nhà trường, tôi thấy có một số thuận lợi như việc các thầy vẫn tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh, vẫn tham gia đào tạo cao học, viết giáo trình, biên soạn sách, vẫn chủ trì các đề tài khoa học công nghệ các cấp,... dẫn dắt, bàn giao công việc cho thế hệ trẻ, cho đội ngũ kế cận, có thể nói rằng chất lượng rất tốt. Về phía các thầy, tâm lý cũng rất vui, nhưng cũng có một số ít thầy vì sức khỏe nên đã xin nghỉ. Nhưng về cơ bản theo tôi chính sách này rất tốt.
Thực tế ở nhiều nước trên thế giới, việc làm cho người về hưu rất được coi trọng, nhất là ở một số lĩnh vực Khoa học cơ bản, những vấn đề nghiên cứu sâu đòi hỏi một tầm tích lũy, khá nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có trình độ vẫn tiếp tục làm việc và có kết quả rất tốt. Như vậy cũng là huy động, tận dụng được nguồn tri thức chất lượng cao, tốt cho các cơ sở giáo dục đại học".
Bí thư Nguyễn Thanh Hải trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh:TL
Liệu có ảnh hưởng đến cơ hội của thế hệ trẻ?
Theo thầy Quang: "Thực tế có 2 vấn đề, càng ở giai đoạn tuổi cao thì chắc chắn sức khỏe có ảnh hưởng, tuy nhiên ở ngưỡng nhất định thì vẫn có thể kéo dài thời gian làm việc. Hơn nữa các thầy không tham gia công tác quản lí nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến việc thăng tiến của thế hệ trẻ.
Về vị trí việc làm, các trường đại học hiện nay với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34/2018/QH14) quy định về yêu cầu tính chất tự chủ, tự chủ về học thuật, về tài chính,...Tự chủ tổ chức nhân sự rất cao nên vị trí việc làm cũng không có ảnh hưởng gì lớn đối với thế hệ trẻ. Nếu các thầy ở lại mà vẫn giữ các chức vụ quản lí thì mới ảnh hưởng, còn các thầy chỉ làm chuyên gia, chuyên môn, tư vấn thì theo tôi ở góc độ nào đó sẽ được các thế hệ trẻ trân trọng".
Thầy Quang nói: "Qua kinh nghiệm nhiều năm triển khai nội dung này tại Đại học Thái Nguyên gồm 7 trường thành viên, với số lượng hơn 800 tiến sĩ, chúng tôi chưa thấy việc kéo dài thời gian làm việc này có gì bất thường.
Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực ngành đào tạo, do số lượng sinh viên ở những ngành đó giảm sút, dẫn đến số giờ dạy không tăng, và cũng một phần vì sức khỏe nên có một số thầy cô tự nguyện xin nghỉ khi đến tuổi quy định.
Quan điểm của tôi là khoa học không có tuổi, sức sáng tạo của các thầy rất lớn, ở một giai đoạn tích tụ của trường đại học và đến một ngưỡng tuổi nào đó thì kết quả ngày càng tốt. Tuy nhiên theo luật đến độ tuổi thì các thầy vẫn phải nghỉ hưu, nhưng việc kéo dài là trân trọng bởi các thầy vẫn còn khả năng cống hiến, đây cũng là sự trân trọng khoa học.
Mỗi năm, một trường đại học cỡ trung bình có khoảng 5 đến 7% các thầy nghỉ hưu trên tổng số, các thầy có nguyện vọng, nhà trường có nhu cầu và tỉ lệ các thầy được nhà trường kéo dài thời hạn làm nhiệm vụ chuyên môn lên đến 90%. Với yêu cầu nhà trường luôn mong muốn có nguồn nhân lực trình độ cao, nếu các thầy có sức khỏe, có sự cống hiến tốt,...thì các trường đại học lúc nào cũng đón nhận".
Đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên ĐH đủ tuổi nghỉ hưu Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó dự thảo đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu. Đề xuất kéo dài thời...