Từ bỏ làm lái buôn về trồng chè sạch mới thấu nỗi khổ của nông dân
Về huyện Hải Hà (Quảng Ninh) hỏi thăm gia đình bà Hà Ngọc Quỳnh trồng chè ai ai cũng biết. Khá khiêm tốn khi nói chuyện về phát triển kinh tế gia đình, nhưng khi hỏi về cây chè bà Quỳnh lại có niềm đam mê mãnh liệt.
Bỏ cây vải bén duyên với chè
Dẫn chúng tôi thăm những đồi chè xanh ngút ngàn, bà Quỳnh tâm sự về chặng đường gắn bó với cây chè của mình. Bà Quỳnh và chồng là ông Nguyễn Duy Thuấn “bén duyên” với cây với chè từ năm đầu những năm 1990, khi ông Thuấn về làm việc ở Tổng Công ty chè Kim Anh (Hà Nội), còn bà Quỳnh bắt đầu sự nghiệp buôn bán chè. Bà Quỳnh lặn lội đi khắp các vùng chè trong nước để thu mua các loại chè búp khô đem sang Trung Quốc bán kiếm lời. Sau nhiều năm buôn bán, bà Quỳnh đã tích lũy được 1 số vốn kha khá. Đến năm 1997, vợ chồng ông bà chuyển về xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh sinh sống.
Bà Hà Ngọc Quỳnh chăm sóc đồi chè Ngọc Thúy của gia đình. Ảnh: Đ.T
Thấy bà con trong vùng trồng vải cho hiệu quả cao, bà Quỳnh đã mua lại đồi vải ở xã bên Quảng Long với diện tích trên 10ha. Duyên với chè của bà Quỳnh tạm thời bị gác lại. Khi đó, bà bắt đầu trồng nhiều loại cây ăn quả gồm: Nhãn, na, vải, cam… nhưng chỉ sau 2 năm, các cây trồng này đều bị thoái hoá. Bà Quỳnh nhớ lại: “Kinh tế gia đình lúc đó lao đao, suýt rơi vào cảnh trắng tay”.
Khi việc trồng vải, nhãn, na thất bát, bà Quỳnh quyết định trở lại với cây chè. Năm 2001, bà là người đầu tiên giống thử nghiệm trồng 1ha chè Ngọc Thúy (giống chè được nhập từ Đài Loan). Không ngờ chè Ngọc Thúy hợp đất và khí hậu, cây chè phát triển tốt, bà Quỳnh dồn lực mở rộng quy mô trồng chè. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng bà Quỳnh tự ươm giống để trồng. Từ năm 2002 – 2005, bà đã mở rộng quy mô trồng chè tới cả chục ha, đồng thời vận động bà con trong vùng cùng bỏ cây vải chuyển sang cây chè.
Video đang HOT
Quy mô các đồi chè ngày càng lớn, bà Quỳnh còn đầu tư thêm vào việc thu mua, chế biến chè để giúp ổn định đầu ra sản phẩm cho mình và cho cả bà con nơi đây. Năm 2004, ông bà Thuấn – Quỳnh thành lập xưởng đúng lúc bà con lại chặt chè vì giá rẻ. Sau khi có xưởng chế biến và thu mua chè, bà con đã trồng lại chè.
Hỗ trợ người trồng chè làm giàu
“Trước đây, khi còn đi buôn chè, tôi thường mua rẻ bán đắt. Tôi nghĩ là “con buôn” thấy tiền lời nhiều ai mà chẳng thích. Nhưng khi thực sự bắt tay trồng chè, lao động như 1 nông dân thực thụ, thấm thía sự vất vả tôi mới thấy thương người trồng chè. Bà con lao động quần quật nhưng thu nhập mang lại từ cây chè quá thấp so với công sức bỏ ra” – bà Quỳnh thổ lộ.
Theo bà Quỳnh, bà con trong vùng Hải Hà trồng chè giống cũ năng suất kém, cộng thêm việc kỹ thuật chăm sóc chè không có nên hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài đứng ra thu mua cho bà con, doanh nghiệp chè Thuấn Quỳnh còn hỗ trợ mô hình trồng chè Ngọc Thuý. Theo đó, bà con thực hiện mô hình được doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ giống chè. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hải Hà đã triển khai trồng mới được gần 70ha chè Ngọc Thuý. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, người dân còn được doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến chè.
Bà Quỳnh cho biết, mong muốn lớn nhất của bà là có thể xây dựng được vùng sản xuất chè có chất lượng tốt để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho bà con trong vùng. Vì vậy, bà đang liên kết với các hộ trồng chè từng bước xây dựng thương hiệu cho chè Hải Hà bằng việc sản xuất chè sạch. “Để có chè sạch, ngoài việc chăm sóc chè bằng phân hữu cơ, khi phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây phải tuân theo quy định tiêu chuẩn. Bên cạnh trồng chè sạch thì khâu chế biến, sản xuất và bảo quản chè cũng phải sạch nữa. Chúng tôi còn đầu tư khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng trồng chè”.
Theo Danviet
Nông dân Anh Sơn thu trên 12 tỷ đồng mỗi năm từ chè Gay
Chè Gay Cao Sơn từ lâu nổi tiếng thơm ngon được người sành uống chè khắp nơi ưa chuộng. Chè Gay chủ yếu ở xã Cao Sơn là địa phương có diện tích chè thực phẩm lớn nhất huyện Anh Sơn với trên 540 ha. Nhờ công nghệ sản xuất sạch, chè Gay đang góp phần mang lại nguồn thu nhập hơn 12 tỷ đồng mỗi năm cho người dân nơi đây.
Những năm trước, gia đình Nguyễn Thị Hà ở thôn 4 xã Cao Sơn là một trong những họ khó khăn của xã. Từ khi có chủ trương của địa phương về xây dựng chè sạch, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư trồng 1 ha chè Gay.
Nông dân Cao Sơn sản xuất chè sạch.
Sản xuất theo hướng truyền thống, ngay từ khâu dọn dẹp thực bì, làm cỏ, chăm sóc gia đình chị dùng hoàn toàn bằng sức lao động, không sử dụng hóa chất diệt cỏ cũng như phân bón hóa học. Phân bón được sử dụng chủ yếu từ phân bón hữu cơ, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy diện tích chè của gia đình chị phát triển tốt và cho thu nhập hàng ngày. Bình quân mỗi ngày vợ chồng chị Hà thu hái 40 bó, với giá chè như hiện nay là 5000 - 6.000 đồng/bó, mỗi tháng gia đình chị cũng có nguồn thu 5 -6 triệu đồng.
Ông Ngô Công Đức người dân thôn 4 xã Cao Sơn chia sẻ: Gia đình tôi hiện nay có hơn 1 ha chè xanh, là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Bản thân tôi cũng như người dân nơi đây luôn nhận thức rằng làm chè sạch chính là cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu và giá cả trên thị trường, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Bà con mình, gia đình mình đều uống chè quanh năm mình sản xuất không an toàn đều rất có hại cho người sử dụng. Vì vậy tôi và các gia đình trong xã đều cam kết làm chè sạch. Chè của chúng tôi không chỉ tiêu thụ ở xã, huyện mà còn xuống Vinh, đi ra Hà Nội vì bà con Nghệ An ngoài đó đông đều ưa thích uống chè Gay.
Chè Gay có hương vị thơm ngon, lá chè hơi giòn, uống đậm đà nhất là khi om chè đúng cách. Vò nhẹ nắm chè đã rửa sạch, cho vào ấm rồi chế nước thật sôi vào lướt qua, đổ nước đó đi, rồi tiếp tục đổ nước sôi vào ngập ấm, lấy đũa sạch dằn hết lá chè xuống nước, ủ ấm thì độ sau 30 phút là dùng được. Một số người con quê Anh Sơn công tác và học tập ở Hà Nội nhớ hương vị chè Gay đều nhờ người nhà gửi ra theo xe. Chè để được một tuần, hết lại gửi tiếp.
Vận chuyển chè Gay đi tiêu thụ ở Vinh
Trung bình mỗi ngày người dân Cao Sơn bán ra thị trường từ 8.000 đến 8.500 bó chè. Với giá chè 5000 đồng/ bó, tính ra mỗi năm thu nhập từ cây chè Gay mang lại cho người dân nơi đây là trên 12 tỷ đồng.
Nhờ cây chè mà đời sống của người dân ngày một khấm khá, cho người dân trồng chè thu nhập quanh năm. Và cây chè ngày ngày càng gắn bó, quan trọng với đời sống người dân Cao Sơn - Anh Sơn.
Thu hái chè Gay. Ảnh: Đ.Thọ
Bát nước chè Gay vàng óng sóng sánh. Ảnh: Đ.Thọ
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Cao Sơn cho biết: Hiện nay gần 100% hộ dân ở Cao Sơn đều trồng chè với diện tích trên 540 ha. Từ lâu xã đã có chủ trương vận động bà con phát triển cây chè theo hướng chè VietGAP.
Theo Danviet