TTCK tuần qua: Chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp của VN-Index, mất tổng cộng 36 điểm (-3,8%)
Trong tuần từ 17/12 – 21/12, nhà đầu tư giao dịch khá thận trọng trước hai sự kiện tác động lớn đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là quyết định nâng lãi suất của Fed và hoạt động tái cơ cấu danh mục của quỹ ETFs. Điều này khiến cho áp lực bán chiếm nhiều ưu thế.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ngay từ phiên giao dịch hôm thứ Hai (ngày 17/12), các chỉ số chứng khoán lớn như VN-Index và VN30-Index đã giảm lần lượt 18,39 điểm (1,93%) và 13,5 điểm (1,47%). Trong đó, các mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn tới chỉ số chung là VHM, VCB, và GAS khi đóng góp vào đà giảm lần lượt là -1,56, -1,24 và -1,09 điểm.
Đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn HOSE và HNX đạt gần 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng so với phiên hôm trước khoảng 471,3 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch gia tăng trong bối cảnh thị trường suy yếu được đánh giá là dấu hiệu tiêu cực, phần nào biểu hiện tâm lý thận trọng, lo ngại của nhà đầu tư.
Tâm lý này tiếp tục chi phối trong các phiên giao dịch tiếp theo khi nhà đầu tư chờ đợi kết quả từ phiên họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất và kế hoạch trong tương lai của cơ quan này. Đà giảm của các chỉ số VN-Index và VN30-Index được rút ngắn nhờ lực cầu bắt đáy trong nước.
Ngày 19/12 (theo giờ địa phương), Fed đã chính thức công bố quyết định tăng lãi suất từ 2,25% đến 2,5%. Mặc dù thông tin này đã được nhiều chuyên gia dự báo trước nhưng vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK Mỹ. Cụ thể, chỉ số Dow Jones đầu phiên tăng gần 400 điểm nhưng sau đó nhanh chóng quay đầu, giảm tới 351,98 điểm (-1,49%) về mức 23.323,66 điểm.
Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư tỏ ra tin tưởng vào việc Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp lần này. Tuy nhiên, một điểm sáng tích cực là việc Fed có kế hoạch tăng lãi suất 2 lần cho năm 2019 và chỉ 1 lần trong năm 2020.
Diễn biến của TTCK Mỹ cũng có những tác động tiêu cực tới TTCK trong nước. Cụ thể, thị trường đã có diễn biến giằng co, chỉ số VN-Index giảm 1 điểm về mức 918,24 điểm và cũng là phiên giảm thứ 6 liên tiếp.
Video đang HOT
Đồ thị phân tích kỹ thuật chỉ số VN-Index và đánh giá xu hướng của chuyên gia BVSC (Nguồn: BVSC)
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong 3 lần Fed tăng lãi suất trước đó, TTCK Việt Nam cũng phản hứng hết sức tiêu cực với tin tức này. Do đó, không loại trừ khả năng, các phiên giao dịch trong tuần tới tiếp tục không mấy khả quan.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 21/12), nhà đầu tư dành sự quan tâm lớn cho đợt cơ cấu danh mục Quý 4/2018 của 2 quỹ ETFs ngoại là FTSE ETF và VNM ETF. Tuy nhiên, quy mô giao dịch cũng không có nhiều sự đột biến về thanh khoản.
Tại kỳ cơ cấu lần này, cổ phiếu HNG được thêm vào danh mục của FTSE ETF còn GEX được thêm vào VNM ETF. Nhưng kết thúc phiên, cổ phiếu GEX giữ nguyên mức giá tham chiếu còn HNG giảm 3,4% xuống 15.700 đồng/cổ phiếu.
Ở chiều hướng ngược lại, trong số 3 cổ phiếu bị loại khỏi danh mục của FTSE thì HBC tăng 1,4%, HSG và DXG giảm lần lượt 2,1% và 0,8%. Còn VCG bị loại khỏi danh mục của VNM ETF thì lại bất ngờ tăng mạnh 7,9% lên 26.000 đồng/cổ phiếu.
Về diễn biến các nhóm ngành, theo thống kê của BVSC, hầu hết các ngành đều giảm điểm trong tuần qua.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 3,47% do việc nhiều cổ phiếu trong ngành giảm điểm như: CTG, STB và VPB với mức giảm lần lượt 6,71%, 5,47% và 5,05%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm 6,35% do các cổ phiếu như: HCM, VIX và VND giảm lần lượt 10,47%, 7,22% và 7,01%. Tương tự, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm 1,6% do VRE, VHM và NVL giảm lần lượt 9,01%, 7,39% và 5,22%.
Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần bán ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 181 tỷ đồng./.
Theo Trí Thức Trẻ
TTCK tuần từ 17 21/9/2018: "Loạn nhịp" trong phiên tái cơ cấu danh mục của quỹ ETFs
Dù có nhiều biến động trong tuần, nhìn chung, chỉ số VN-Index vẫn giữ được đà tăng ngắn hạn nhờ sự nâng đỡ của dòng tiền tại các nhóm ngành có vốn hóa lớn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thị trường chứng khoán (TTCK) khởi đầu tuần với áp lực bán chiếm ưu thế (sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp) khiến các chỉ số chính như VN-Index và VN30-Index có sự điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 3,73 điểm, từ mốc 991,34 điểm về 987,61 điểm; chỉ số VN30-Index giảm 6,2 điểm, từ 960,3 điểm về 953,79 điểm.
Trải qua thử thách đầu tuần, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy chỉ số VN-Index đã có sự tích lũy tốt, chuẩn bị cho sự bứt phá khỏi vùng hỗ trợ từ 950-955 điểm và vùng kháng cự tại 1000-1020 điểm.
Ngoài ra, thanh khoản thị trường được cải thiện mạnh tại các phiên tăng điểm, giúp củng cố niềm tin vào đà tăng của chỉ số VN-Index và VN30-Index trong tuần, bất chấp lo ngại về biến động đến từ các hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ chỉ số ETFs diễn ra vào cuối tuần.
Về diễn biến các nhóm ngành, số liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy nhóm cổ phiếu dầu khí đã giúp nâng đỡ trị trường khá nhiều trong tuần qua. Chỉ số nhóm ngành dầu khí tăng 3,28% nhờ việc cổ phiếu PVD, GAS và POW tăng lần lượt 8,87%, 7,31% và 7,43%.
Trợ lực cùng nhóm cổ phiếu dầu khí, các cổ phiếu ngân hàng cũng tăng điểm trên diện rộng giúp chỉ số ngành tăng 3,26%. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất là TCB, VPB, STB với mức tăng lần lượt 12,08%, 8,01% và 5,83%.
Tiếp sau các cổ phiếu ngân hàng là nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng 2,6% nhờ HCM, VCI, SSI tăng lần lượt 6,84%, 5,2% và 2,49%.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm 0,84% do ảnh hưởng của việc NVL, TCH, VHM và VIC giảm lần lượt 11,5%, 8,84%, 3,79% và 2,38% trong tuần.
TTCK trong nước chỉ gặp thách thức thực sự trong phiên tái cơ cấu danh mục của hai quỹ VNM ETF và FTSE ETF vào ngày 21/9 và chỉ số VN-Index có diễn biến đảo chiều liên tục.
Cụ thể, khởi đầu phiên sáng, chỉ số VN-Index có diễn biến thuận lợi nhưng áp lực bán tăng mạnh vào cuối phiên đã khiến chỉ số này quay đầu giảm điểm. Dù lực cầu quay trở lại ở vùng giá thấp đầu phiên chiều đã giúp VN-Index tăng điểm trở lại, nhưng khi bước vào phiên khớp lệnh đình kỳ xác định giá đóng cửa (ATC), cũng là lúc các quỹ ETFs tiến hành tái cơ cấu danh mục, chỉ số này lại tiếp tục biến động mạnh.
Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1002,97 điểm, tăng 42,67 điểm so với phiên giao dịch đầu tuần. Việc chinh phục mốc 1.000 điểm cũng là vùng kháng cự mạnh có thể khiến chỉ số này điều chỉnh trong một số phiên tới.
Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài có tuần bán ròng trên cả hai sàn với tổng giá trị là 755,04 tỷ đồng, tập trung phần lớn vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/9/2018.
Đáng chú ý, các cổ phiếu được quỹ ETFs thêm mới là VHM và GEX đều giảm điểm. Trong khi đó, các cổ phiếu bị bán ra có diễn biến phân hóa.
Trong khi cổ phiếu BMP tăng điểm, các cổ phiếu như NVL, TCH và KDC lại giảm sàn trước áp lực bán của các quỹ ETFs trong phiên ATC. Ngược lại, các cổ phiếu DXG, SSI, STB, VCB dù gặp áp lực bán từ các quỹ ETFs nhưng vẫn tăng lần lượt 2,2%, 0,9%, 0,4% và 0,3%.
Khối lượng giao dịch tăng đột biến vào phiên cuối tuần đến từ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs, nếu loại bỏ yếu tố này, thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện đáng kể so với tuần trước. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang có sự lạc quan đối với xu hướng tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, dòng tiền có thể sẽ vẫn có sự phân hóa mạnh, tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần tới
Theo viettimes.vn
VN Index trái chiều tin tốt Mặc dù các chỉ số vĩ mô đạt như mục tiêu của Chính phủ, doanh nghiệp niêm yết vẫn hoạt động tốt, nhưng VN Index lại vận động theo hướng ngược lại. Điều này cho thấy TTCK đang nhạy cảm với các tin tức bên ngoài hơn bao giờ hết. Trong tốt Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 9 tháng năm...