TS Nguyễn Tùng Lâm: Cần nhìn tổng thể SGK Tiếng Việt lớp 1-bộ Cánh Diều, không chỉ bắt “vài ba lỗi”
“Thường với sách giáo khoa sau lần đầu vẫn có lỗi chỗ này chỗ khác, không có ai làm được “tuyệt đỉnh” ngay lần đầu. Chúng ta nên chia sẻ, thông cảm như vậy”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Trao đổi với PV vào chiều 14/10, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội, 1 trong 7 thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới GD&ĐT giai đoạn 2016-2021 cho biết, liên quan đến những lùm xùm về SGK Tiếng Việt lớp 1 – bộ sách Cánh Diều, nếu xác định có “sạn” thì cần thiết phải “nhặt”.
Ông nói, việc dư luận xã hội có ý kiến về bộ sách là rất tốt, các cơ quan chức năng, Bộ GD&ĐT, các tác giả cần trân trọng lắng nghe, không thể “lấp liếm”.
“ Ngay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT mới đây cũng cho rằng, cần trân trọng các ý kiến, đồng thời phải tiếp thu nghiêm túc“, TS Tùng Lâm nói.
TS Lâm cho hay, tới đây sẽ phải thẩm định lại SGK Tiếng Việt, trong đó đặt ra trách nhiệm của Hội đồng thẩm định cũ và chắc chắn sẽ có một nhóm hoặc Hội đồng khác đánh giá độc lập lại toàn bộ bộ sách.
“ Việc để lọt những chi tiết còn gây tranh cãi trong SGK, Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt cần phải chịu trách nhiệm và rút kinh nghiệm.
Trong trường hợp này, Hội đồng thẩm định sẽ phải làm tiếp, rà soát lại một cách kỹ càng để trả lời công luận. Với những vấn đề, nội dung nào mà họ đã có ý kiến mà tác giả bảo lưu, không nghe theo khuyến nghị thì tác giả phải chịu trách nhiệm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo tôi thời gian tới cần có một quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về trách nhiệm của tác giả về việc tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định. Đồng thời, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ có những cách khác, có thể một nhóm, Hội đồng độc lập để đánh giá một cách khách quan“, TS Tùng Lâm đề xuất.
TS Nguyễn Tùng Lâm.
Ông cũng cho rằng, nên chăng trước khi đưa ra thẩm định, các tác giả, nhà xuất bản nên đưa bản thảo sách lên mạng lấy ý kiến của dư luận xã hội.
Mọi người cần hết sức bình tĩnh và phải nhìn tổng thể, đọc hết bộ sách để thấy rõ nội dung trong đó, chứ không chỉ bắt “vài ba lỗi”.
“ Thường với sách giáo khoa sau lần đầu vẫn có lỗi chỗ này chỗ khác, không có ai làm được “tuyệt đỉnh” ngay lần đầu. Chúng ta nên chia sẻ, thông cảm như vậy. Tuy nhiên, mức độ lỗi chỉ cho phép đến đâu“, TS Lâm nói thêm.
Còn TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục cho rằng, điều 32 Luật Giáo dục mới quy định toàn bộ nội dung và chất lượng SGK sẽ do Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm chứ không phải tác giả. Đối với SGK Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều không phải là vấn đề phù hợp thấp hay cao mà đã là “sạn” rồi. Những thứ không phù hợp lứa tuổi điều kiện ngôn ngữ học sinh lớp 1 phải khẳng định chưa đảm bảo chất lượng của SGK.
Tuy nhiên, ông cho hay, trước những phản ứng của xã hội, các bên liên quan phải lắng nghe và Bộ GD&ĐT cần có rà soát, để có tài liệu hướng dẫn, tránh gây phản ứng trong xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Chính phủ về sách Tiếng Việt lớp 1
Tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là nội dung nào chưa hoàn thiện thì phải chỉnh sửa để sách hoàn thiện hơn.
Chiều nay (12/10), Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo với Thường trực Chính phủ về các vấn đề của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mà báo chí phản ánh trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có các chuyên gia giáo dục, đại diện cơ quan quản lý nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1, nội dung chương trình nặng..., Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát lại toàn bộ nội dung sách và những vấn đề báo chí nêu. Tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo đó là nội dung nào chưa hoàn thiện thì phải chỉnh sửa để sách hoàn thiện hơn.
Phản ánh từ báo chí về sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1, nội dung chương trình nặng...(Ảnh minh họa: Sachcanhdieu)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Với tinh thần điểm nào, chỗ nào chưa hoàn thiện, Bộ sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng, đặc biệt là yêu cầu các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải rà soát, giải trình rõ và tiếp thu. Nếu điểm nào chưa phù hợp, Bộ chỉ đạo phải hoàn thiện để sách càng ngày càng tốt hơn.
"Tới đây Bộ cũng mở rộng thêm kênh góp ý, phản biện thêm ngay từ khâu mà các nhóm tác giả, các nhà xuất bản đề xuất bản thảo để có điều kiện cho đông đảo thầy cô, nhân dân góp ý", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, tuy không nghiên cứu về sách giáo khoa lớp 1, nhưng qua nghiên cứu về tâm lý của giáo viên, học sinh, phụ huynh có con học lớp 1 cho thấy, không phải tất cả giáo viên đều khó khăn khi triển khai dạy chương trình mới.
"Tôi thấy các thầy, cô được tập huấn kỹ, nắm được các yêu cầu và phương pháp giáo dục, họ đều rất hoan nghênh và họ thấy thực hiện được chương trình. Tuy nhiên, một số giáo viên do chưa được tập huấn kỹ nên chưa nắm hết được nên thấy lúng túng. Đặc biệt phụ huynh học sinh có có ưu điểm tốt là cùng về dạy con ở nhà, nhưng vì họ lại chưa được hướng dẫn, chưa được làm rõ phương pháp của yêu cầu giáo dục đổi mới này thành ra họ thấy lúng túng, thấy chương trình nặng...", TS. Nguyễn Tùng Lâm lý giải.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 nặng, có nhiều nội dung chưa phù hợp. Phụ huynh học sinh, xã hội chưa hiểu rõ về phương pháp giáo dục mới, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa phối hợp với giáo viên để hướng dẫn cho phụ huynh hiểu và đồng hành với giáo viên.
"Về phía quy trình, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã thực hiện tốt, thực hiện đúng ban hành những văn bản quy phạm và thực hiện quy trình để có được chương trình sách giáo khoa mới. Những ý kiến đóng góp của cử tri, của nhân dân là rất tâm huyết, đáng trân trọng. Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến đóng góp của cử tri và có những hướng dẫn các thầy các cô thực hiện tốt truyền tải chương trình mới", ông Phạm Tất Thắng lưu ý.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo biên soạn nội dung, chương trình sách giáo khoa, đồng thời đánh giá cao sự cầu thị của lãnh đạo Bộ việc tiếp thu ý kiến góp ý.
Tuy vậy, việc phản hồi lại đối với các ý kiến góp ý của lãnh đạo Bộ thực hiện còn chậm nên xã hội không biết được các công việc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai. Vì vậy, Bộ cần tăng cường hơn nữa thông tin về sách giáo khoa để xã hội biết và tinh thần là phải cầu thị, lắng nghe ý kiến phản biện.
"Tất cả mọi ý kiến, góp ý của người dân, đặc biệt liên quan đến giáo dục cần phải rất trân trọng. Khi còn nhiều ý kiến góp ý, bức xúc đến mức gay gắt thì chúng ta phải hết sức biết ơn, cám ơn và nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị. Cũng có những vấn đề thuộc về chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đúng thì chúng ta phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Còn những gì tiếp thu được thì tiếp thu, nhưng tinh thần đầu tiên là phải trân trọng thực sự bằng tấm lòng và phải tiếp thu một cách rất khoa học", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ, cùng với tiếp thu ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có giải pháp để đưa các bản thảo sách lên mạng internet, từ đó xin ý kiến góp ý rộng rãi của toàn xã hội trước khi thẩm định. Như vậy sẽ giảm bớt được các lỗi khi hoàn thiện sách./.
Khi sách giáo khoa lạm dụng sự vay mượn Trong khi kho tàng ca dao, dân ca, truyện cổ tích... của Việt Nam vô cùng phong phú, những nhà biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều lại ôm đồm và lạm dụng truyện ngụ ngôn nước ngoài một cách khó hiểu! Một trong những lùm xùm của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều...