TS. Nguyễn Đức Thành: Năm 2019, tăng trưởng tín dụng 15% là hợp lý
Nếu như trước đây, việc tăng trưởng kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, thì giờ đây, cơ cấu kinh tế đã tốt hơn…
TS. Nguyễn Đức Thành.
Ngày 20/12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất lần thứ tư trong năm 2018, thêm 0,25%. Quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tỷ giá trong nước? Trong năm 2019, nếu tín dụng tăng không cần quá cao thì nền kinh tế có thể sẽ vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cao như năm 2018 hay không?
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế -ĐHQGHN, đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Fed vừa có quyết định tăng lãi suất lần thứ tư trong năm 2018. Theo ông, động thái này sẽ có tác động như thế nào đến tỷ giá trong nước?
TS. Nguyễn Đức Thành: Trước hết, phải nói rằng nguyên nhân Fed tự tin tăng lãi suất là do nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018. Và thực tế cho thấy nền kinh tế Mỹ phục hồi rất nhiều thông qua dự luật về thuế, với việc nới lỏng tài khóa, ngân sách,… Nhưng dư địa tăng lãi suất của Mỹ không còn nhiều.
Hiện có nhiều dự báo nhưng theo tôi việc Fed tăng lãi suất ít tác động đến tỷ giá VND. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta nên thận trọng với các đồng tiền khác đang giao dịch với Việt Nam, nhất là quan hệ đồng CNY – VNĐ. Còn tổng quát kinh tế Việt Nam 2018 ta thấy xu hướng tăng trưởng ấn tượng, kiểm soát lạm phát tốt. Tôi tin tăng trưởng GDP cao, kiểm soát lạm phát tốt thì tỷ giá không đáng lo vào cuối năm.
Điều đáng lo trong năm 2019 là kiểm soát nợ công. Tôi cho rằng, đây là điều đáng lo nhất của kinh tế vĩ mô trong năm tới.
Video đang HOT
Vậy đâu là đIểm tựa cho kinh tế Việt Nam trong năm 2019, thưa ông?
Có hai điểm tích cực trong năm 2018. Thứ nhất, đó là tăng trưởng nông nghiệp. Chính phủ đã rất quyết tâm trong việc đẩy mạnh nông nghiệp. Ngoài ra chúng ta cũng đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ. Đó là nền tảng để có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018. Ta cũng thấy chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng 2018 là tốt. Đây là cơ sở tăng trưởng cho năm 2019.
Báo cáo mới đây của NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2018 có thể tăng thấp nhất trong 4 năm, liệu xu hướng này có tiếp tục trong năm sau không, thưa ông?
Tôi nghĩ, xu hướng tăng trưởng tín dụng ổn định trong năm 2018 sẽ tiếp tục trong năm 2019 vì kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt, thâm dụng vốn trong nền kinh tế giảm, nên không có lý do gì để ta tăng mạnh tín dụng năm 2019.
Nếu như trước đây, việc tăng trưởng kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, thì giờ đây, cơ cấu kinh tế đã tốt hơn. Chúng ta đã phát triển được nền công nghiệp phụ trợ, ngành dịch vụ, nông nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Khi thâm dụng tín dụng được cải thiện, thì nên có chính sách tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong dài hạn. Tôi nghĩ tăng trưởng tín dụng khoảng 15% là hợp lý.
Xin cảm ơn ông!
TRẦN THÚY
Theo bizlive.vn
Siết tín dụng để kìm lãi suất
Hầu hết các dự báo mới đây đều nhận định rằng, tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 sẽ giảm tốc, chỉ ở mức 14 - 15%. Cùng với đó, chủ trương gia tăng về chất lượng tín dụng thay vì số lượng cũng khiến ngân hàng tiếp tục siết lại nguồn vốn cho vay.
Năm 2019 được dự báo tín dụng sẽ siết lại.
Khoảng 15% là hợp lý
Nếu như năm 2018 dần khép lại với việc ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế. Điều này sẽ tạo điểm tựa tăng trưởng cho năm 2019. Nhìn lại năm 2018 cũng nhận thấy, tăng trưởng nông nghiệp khá ấn tượng, Chính phủ rất quyết tâm trong việc đẩy mạnh phát triển tam nông. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2018 cũng được đánh giá là tốt. Tất cả tạo ra cơ sở tăng trưởng cho năm 2019.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Lê Trung Thành thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong năm 2019, chúng ta cần quan tâm tới diễn biến tiếp theo của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Có thể cuộc chiến này sẽ kéo theo các hệ luỵ ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác. Hay như sự rút vốn hàng loạt tại thị trường Châu Á, dù ở Việt Nam chưa xảy ra nhưng cũng cần phải đề phòng.
Do vậy, theo ông Lê Trung Thành, xu hướng ổn định tăng trưởng tín dụng năm 2018 sẽ tiếp tục trong 2019, vì kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt, thâm dụng tín dụng trong nền kinh tế giảm, nên không có lý do gì để tăng tín dụng 2019.
Hiện nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng đã có nhiều động lực. Trước nay, các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn ngân hàng, trong khi giờ đây cơ cấu kinh tế đã tốt hơn, công nghiệp phụ trợ được chú trọng; những ngành như dịch vụ, phát triển nông nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng.
"Khi thâm dụng tín dụng tốt hơn, thì nên có chính sách tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong dài hạn. Tôi nghĩ sẽ khoảng 15% là hợp lý" - TS Lê Trung Thành nhấn mạnh.
Hầu hết các đánh giá gần đây đều cho rằng, sau một giai đoạn dài tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao từ 18% trở lên, hoạt động cho vay của các ngân hàng đã có dấu hiệu chậm lại trong năm 2018 và được dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2019. Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2019, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo việt (BVSC) dự báo, tăng trưởng tín dụng trong 3 - 5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/ năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015 - 2017 (trung bình 18,1%) xuất phát từ cả cung và cầu tín dụng.
Trong báo cáo, BVSC dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 chậm lại ở mức 6,4 - 6,5%. Kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ đi đôi với nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh từ phía doanh nghiệp có thể giảm tốc. Lãi suất được dự báo tăng 0,25% - 0,5% trong năm 2019 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2019, những yếu tố trên vẫn còn tiếp diễn, mục tiêu ổn định vĩ mô sẽ tiếp tục là trọng tâm, nên kiểm soát chặt chẽ tín dụng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với tỷ lệ dư nợ tín dụng/ GDP đã ở mức cao là 130%, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) càng phải thận trọng hơn trong việc cung tín dụng cho nền kinh tế.
Lãi suất có xu hướng tăng
Theo nhìn nhận của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2019, lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều. Cùng với đó, đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.
Bình luận xu hướng lãi suất năm 2019, TS Nguyễn Xuân Thành đến từ ĐH Fulbright cho rằng, lãi suất vẫn là một ẩn số của năm 2019. Vị chuyên gia cho biết những tháng cuối năm 2018, số liệu thị trường cho thấy lãi suất đang tăng dù tín dụng tăng chậm lại. Tuy nhiên, không rõ việc lãi suất tăng này chỉ là tín hiệu thời vụ hay tín hiệu tăng lãi suất của năm 2019.
Vào ngày 20/12 vừa qua, FED đã chính thức điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD. Và ngay tại thị trường Việt Nam, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại (đặc biệt là các kỳ hạn dài) cũng đã điều chỉnh tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn cũng phản ánh lãi suất cho vay đã tăng lên.
Nhìn lại tổng quan thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tổng tài sản các định chế tài chính tăng 11,5% (năm 2017 tăng 17,5%). Trong đó, tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng 95,5%. Cung ứng vốn của thị trường vốn gia tăng. Chất lượng tải sản được cải thiện, cụ thể tỷ lệ nợ xấu hệ thống tài chính là 2,4% (năm 2017 là 2,5%). Cung tiền và tín dụng so với GDP tăng nhẹ: Tổng phương tiện thanh toán (M2)/GDP ước khoảng 168%; Tín dụng/GDP là 134%. Tín dụng năm 2018 ước tăng 14-15%, thấp hơn 3-4 điểm% so với năm 2017. Cung tiền, tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.
Lãi suất trên thị trường tiền gửi của khách hàng tổ chức kinh tế và cá nhân tăng. Lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm 2018. Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91% (năm 2017: 8,86%).
Theo các chuyên gia, việc siết tín dụng, đặc biệt là đối với hoạt động cho vay ở những lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tại thời điểm này là cần thiết để chủ động kiểm soát lạm phát, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ đang leo thang.
Thuý Hằng
Theo daidoanket.vn
Argentina bị hạ mức xếp hạng tín dụng Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã hạ mức xếp hạng tín dụng dài hạn của Argentina từ B xuống B trong bối cảnh tình hình kinh tế phức tạp của quốc gia Nam Mỹ này. Thông cáo của S&P cho biết, quyết định hạ xếp hạng tín dụng của Argentina do tăng trưởng kinh tế giảm, tỷ lệ...