Truyền thông Trung Quốc đang kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Ngày 16-6, một số tờ báo ở Trung Quốc, trong đó có tạp chí “Tài Kinh”, tạp chí “Cầu thị” đã đăng bài viết của Tào Lâm (ảnh), cây bút bình luận của Báo Thanh niên Trung Quốc, trong đó khuyến cáo truyền thông Trung Quốc không nên xoay theo những “trò hề” kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Tào Lâm
Đoạn mở đầu của bài báo viết, thời gian qua nhiều chương trình truyền hình và tiêu đề trên trang nhất của nhiều tờ báo khiến cho người xem thấy sợ, “cảm giác như chiến tranh sẽ bùng nổ ngay ngày mai vậy. Toàn những luận điệu giật gân, động một cái là “nhất định phải có một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản”, “một cuộc chiến mới giữa Trung Quốc – Nhật Bản sẽ là cuộc chiến cho người dân Trung Hoa rửa nỗi nhục”, hay “phải có một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc với Việt Nam”, “phải chiến đấu với Hoa Kỳ”, “Quân đội đã sẵn sàng cho chiến tranh”… Các phương tiện truyền thông nói ra từ chiến tranh dễ dãi như trò trẻ con vậy. Cứ như chiến tranh không hề liên quan đến mạng người, mà chỉ là trò chơi trên máy tính. Dù những kẻ khoác áo “phần tử hiếu chiến cực đoan” như vậy không phải là đa số, song vẫn được không ít trang mạng hâm mộ”.
Tác giả phân tích: “Có nhiều cơ quan truyền thông tùy tiện nhắc đến từ chiến tranh, tự coi mình là “phe chủ chiến”, bên ngoài mặt tỏ ra “cứng rắn”, hô hào cho chủ nghĩa dân tộc, nói cho cùng vẫn là tâm thế của một quốc gia yếu đuối”, đồng thời khẳng định: “Thực ra một quốc gia thực sự lớn mạnh không phải là quốc gia có khả năng phát động một cuộc chiến tranh, mà là có khả năng từ chối và tránh cho mình rơi vào một cuộc chiến tranh, đồng thời là một quốc gia có đủ tư cách nói không với chiến tranh, làm cho quốc dân tránh được những tổn thương vì chiến tranh. Nuôi quân ngàn ngày không phải để cho một cuộc chiến, mà là để không có chiến tranh xảy ra”.
Một trong những nguyên nhân giúp cho Trung Quốc lớn mạnh, theo tác giả bài báo, là “tránh xa chiến tranh”, vì “môi trường hòa bình và ổn định đem lại nhiều cơ hội hơn cho quốc gia phát triển”. Điều đó hoàn toàn rõ ràng, bởi “nhìn lại một thế giới biến động hơn 30 năm qua, không có nước nào trong số các quốc gia bị cuốn vào chiến tranh lại giữ được sự ổn định về kinh tế, còn xã hội thì rối loạn, cuộc sống của người dân khốn khó, cả quốc gia và quốc dân đều bị tổn thương”.
Bày tỏ tin tưởng rằng “các nhà lãnh đạo sẽ không bị huyễn hoặc bởi những tiếng nói này, mà sẽ nhìn những vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình phát triển một cách lý tính hơn, nhận thức rõ ràng hơn về sự cần thiết của một môi trường hòa bình cho sự phục hồi dân tộc”, song là một người làm trong giới truyền thông, Tào Lâm cũng khuyến cáo: Tuy nhiên, chính phủ cũng vẫn cần phải cảnh giác với những tuyên bố điên cuồng về “chiến tranh tùy tiện”, phòng ngừa việc nó đánh lừa dư luận và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. “Một nước lớn cần có sự ổn định để phát triển chứ không thể bị người ta xỏ mũi dắt đi”.
Chính vì vậy, tác giả mong muốn “Truyền thông Trung Quốc nên đồng thuận rằng: có được môi trường hòa bình không dễ, kinh tế nhất định phải được xây dựng trên nền tảng hòa bình. Những luận điệu rêu rao chiến tranh đó, bên ngoài thì tưởng như “ yêu nước”, nhưng thực ra chỉ là một biểu hiện của những kẻ thiếu hiểu biết. Nếu để những người này ra chiến trường thực sự, chắc sẽ sợ đến mất mật. Họ chưa từng được chứng kiến chiến tranh, nếu từng thấy sự tàn khốc của chiến tranh, chắc chắn sẽ không nói ra từ đó một cách giản đơn như vậy”.
Theo An Ninh Thủ Đô
Video đang HOT
Các vua Việt Nam đều quan tâm khẳng định chủ quyền
Các vị vua chúa Việt Nam rất quan tâm khẳng định chủ quyền tại 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa một cách lâu dài, ổn định. Đặc biệt là vua Minh Mạng.
Giới nghiên cứu sử phương Đông đều chung đánh giá: Minh Mạng là vị vua ở phương Đông có tầm nhìn chiến lược về biển đảo sớm nhất trong vùng. Trong khi các quốc gia xung quanh như Trung Quốc chỉ mải lo phát triển phần lục địa thì vua Minh Mạng đã có nhiều quyết sách mạnh mẽ, táo bạo để củng cố chủ quyền, tập trung khai thác hải sản vật trên 2 quần đảo này. Ông đã cho trồng cây, xây miếu thờ, xây nhà ở trên Hoàng Sa...
Chủ quyền chưa bao giờ đứt khúc
Năm 1773, quân Tây Sơn làm chủ dải đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận sau 2 năm khởi nghĩa. Đội Hoàng Sa ở xã Vĩnh An tỉnh Quãng Ngãi bấy giờ đặt dưới sự kiểm soát của quân Tây Sơn. Hoạt động của đội Hoàng Sa vẫn tiếp tục và được chính quyền Tây Sơn quan tâm dù đang "lưỡng đầu thọ địch" với phía Bắc là nhà Trịnh, phía Nam là nhà Nguyễn.
Trước khi lên đường ra Hoàng Sa, ông Hà Liễu, cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) gửi đơn lên chính quyền Tây Sơn. Trong đơn có đoạn: "Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm thêm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, các cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp".
Ngày 14/2 năm Thái Đức thứ 9 (Năm 1786), quan Thái phó Tổng lý quân binh dân chức vụ thượng tướng công có chỉ thị gửi đội Hoàng Sa trả lời như sau: "Sai Hội đức hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cỡi 4 chiếc thuyền câuvượt biển, thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba cùng đá quý đều chở về kinh tập trung, nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá sẽ bị trị tội...".
Thời gian sau, nhà Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn quản lý cả đất nước vào năm 1802, công cuộc khai thác, khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa được đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa.
Chỉ một năm sau khi lên ngôi Hoàng đế, tháng 7 năm Quý hợi (1803), vua Gia Long cho củng cố lại đội Hoàng Sa. Sách Đại nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ, quyển 12 chép rằng: "Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập lại đội Hoàng Sa". Và vào tháng giêng năm Ất hợi (1815) vua Gia Long quyết định: "Sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình".
Từ năm 1816, nhà vua còn cử cả thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra đảo. Những người Pháp cộng tác với vua Gia Long cũng ghi rõ sự kiện này. Giám mục Taberd đã viết: "Chỉ đến năm 1816 mà ngài (vua Gia Long - TG) đã long trọng treo tại đó (quần đảo Hoàng Sa - TG) lá cờ của xứ Đàng trong". Ghi chép của nhà truyền giáo Gutzlaff cũng cho biết thêm rằng, thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam.
Ở đây cần nói thêm, những ghi chép của các tác giả phương Tây đương thời chỉ là ghi nhận sự kiện xảy ra. Vì không phải là những nhà nghiên cứu nên các tác giả trên không đề cập đến chủ quyền của Việt Nam đã có trên Hoàng Sa từ trước đó khá lâu.
Châu bản ngày 13/7 năm Minh Mạng thứ 16 về việc trị tội một số quan lại và xét thưởng một số dân binh
Xây miếu, trồng cây trên Hoàng Sa và Trường Sa
Các vị vua chúa Việt Nam rất quan tâm khẳng định chủ quyền tại 2 quần đảo này một cách lâu dài, ổn định. Đặc biệt là vua Minh Mạng (1791 - 1841). Từ thời vị vua này trở đi hoạt động của thủy quân trên đảo Hoàng Sa bên cạnh đội Hoàng Sa trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thành lệ hàng năm. Lực lượng thủy quân giống như "lực lượng đặc biệt" gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương có nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo.
Các vua triều Nguyễn trực tiếp theo sát và ra các chỉ dụ rất cụ thể cho "lực lượng đặc biệt". Vua Minh Mạng còn sát sao hơn, có chỉ dụ cho từng chuyến đi ra đảo.
Năm Minh Mạng thứ 16 (Năm 1835) nhà vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công cho tỉnh Quảng Ngãi cất miếu tại Hoàng Sa theo thể chếnhà đá. Sách Đại Nam thực lục chính biên, quyển 154 cho biết, mùa hạ năm đó nhà vua sai cai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu cách tòa miếu cổ 7 trượng. Bên trái và phía trước miếu xây bình phong. Ba mặt miếu đều trồng các loại cây.
Sách Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông chép rằng, các quân nhân đến đảo thường mang theo hạt quả thủy nam rải ở trong và ngoài miếu cho cây mọc để tìm dấu mà nhận. Vua Minh Mạng cũng nói rõ, thuyền buôn đi qua đây thường bị hại, va phải đá ngầm chìm đắm nên trồng cây cốt làm dấu để nhận ra đảo mà tránh.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua phê (châu phê): "Thuyền đi đến đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu". Cạnh đó, nhà vua còn ra các chỉ dụ thưởng phạt thường xuyên cho các chuyến công vụ ra đảo. Thông thường, dân binh đội Hoàng Sa luôn được thưởng từ 1 đến 2 quan tiền và miễn thuế vì cực khổ vất vả theo đoàn. Còn các viên chỉ huy như cai đội, chánh suất đội, các viên chức tỉnh phái mà chậm trễ, lơ là đều bị trị tội rất nặng.
Theo Đại Nam thực lục chính biên, thời gian chuẩn bị đi Hoàng Sa và Trường Sa là từ hạ tuần tháng giêng. Ngay từ năm Minh Mạng thứ 15 nhà vua đã có chỉ dụ cho các tỉnh ven biển phải đóng 2 - 3 thuyền nhanh, tuyển mộ dân ven biển làm thợ lái, thủy thủ. Mỗi thuyền cần đủ 20 người làm thủy binh thuộc tỉnh để khi khẩn cấp sẽ tuần tiễu, thông báo, vận tải cho nhanh.
Châu bản thời nhà Nguyễn về Hoàng Sa
Ngoài việc tổ chức khai thác như trước kia, thời vua Minh Mạng còn xúc tiến các hoạt động đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia. Từ năm 1836 nhà vua còn quy chuẩn các hoạt động thể hiện chủ quyền. Châu phê của nhà vua năm Minh Mạng thứ 17 ghi rõ: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc. Trên mặt bài khắc dòng chữ: "Minh Mạng thập thất niên Bính thân thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương đồ chi thử, hữu chỉ đẳng tư" (Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ)".
Mỗi năm, cột mốc đều ghi rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ huy "lực lượng đặc biệt" được phụng mệnh triều đình làm nhiệm vụ đánh dấu để ghi nhớ. Theo những sử sách còn lưu giữ tên những người chỉ huy đội thủy quân đặc biệt của các năm như sau: Năm Minh Mạng thứ 16 là cai đội thuyền Phạm Văn Nguyên; năm Minh Mạng thứ 17 là chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật; năm Minh Mạng thứ 18 là thủy sư suất đội Phạm Văn Biện... Tính ra số đảo được đánh dấu mốc rất lớn. Tuy nhiên, do trải qua nhiều biến cố lịch sử chiến tranh nên bị thất lạc không ít nên chưa tổng kết được có bao nhiêu đảo đã được cắm cột mốc.
(Còn nữa)
Theo Duy Chiến
Vietnamnet
*Bài có sử dụng tư liệu nghiên cứu của tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, người sang lập và cố vấn Quỹ Văn Hóa Giáo dục tại TP.HCM
Theo Dantri
Trận chiến Hoàng Sa và dư luận quốc tế Thấm thoắt 40 năm đã trôi qua, lớp bụi thời gian đã phần nào làm lu mờ sự kiện hải quân Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974, song quá khứ đau thương ấy, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc về một Hoàng Sa của Việt Nam bị kẻ thù chiếm...