Truyền thông Trung Quốc chỉ trích Mỹ vụ mất ngón tay đất nung Chia sẻ
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích việc bảo tàng Mỹ tổ chức tiệc tùng và không có biện pháp bảo vệ phù hợp đối với các đồ cổ giá trị khiến một ngón tay của bức tượng 2.000 năm tuổi bị bẻ gãy và lấy trộm.
Bức tượng binh sĩ của Trung Quốc trước và sau khi bị mất ngón tay cái (Ảnh: SCMP)
Các phóng viên thuộc đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và hai chuyên gia Trung Quốc tuần này đã tới thăm Bảo tàng Franklin ở Pennsylvania, Mỹ – nơi đang mượn 10 bức tượng binh sĩ trong Đội quân đất nung nổi tiếng thế giới của Trung Quốc để trưng bày.
Chuyến đi của phái đoàn Trung Quốc diễn ra sau khi Michael Rohana, một công dân Mỹ, bị cáo buộc làm gãy và đánh cắp ngón tay cái của bức tượng đất nung 2.000 năm tuổi ở Bảo tàng Franklin hôm 21/12. Khi đó Rohana đã tham dự một bữa tiệc nhân dịp Giáng sinh tại bảo tàng này.
“Việc tổ chức một bữa tiệc bên trong bảo tàng thực sự đã tạo điều kiện cho vụ trộm”, CCTV đưa tin ngày 21/2.
Trong khi tham dự bữa tiệc, Rohana đã đi vào căn phòng trưng bày “Đội quân đất nung và vị hoàng đế đầu tiên”. Tại đây, thanh niên 24 tuổi đã chụp ảnh chung với bức tượng trước khi làm gãy một ngón tay cái ở bàn tay trái của bức tượng và cho vào túi mang về nhà.
Beijing Youth Daily cho biết cánh cửa phòng triển lãm khi đó không được khóa. Theo các bức ảnh do truyền thông Mỹ công bố, vật cản duy nhất ngăn khách tham quan với các bức tượng cổ của Trung Quốc là một dây chắn an ninh. CCTV đã chỉ trích bảo tàng Mỹ vì không chuẩn bị rào chắn phù hợp tại phòng triển lãm này.
“Một số bảo tàng Mỹ chú trọng đến việc triển lãm tương tác. Do vậy, khách tham quan có thể tiếp cận rất gần các đồ vật được trưng bày và có rất ít biện pháp đặc biệt được trang bị để bảo vệ các đồ vật này”, CCTV cho biết thêm, đồng thời đặt câu hỏi tại sao bảo tàng Mỹ mất tới 18 ngày để phát hiện ra kẻ trộm.
Phần ngón tay bị mất của bức tượng đất nung tại Bảo tàng Franklin (Ảnh: CCTV)
Trung tâm Di sản Văn hóa Thiểm Tây, đơn vị sắp xếp cho Bảo tàng Franklin mượn các bức tượng cổ, đã bày tỏ sự phẫn nộ về vụ việc này, kêu gọi phạt nặng Rohana và yêu cầu bảo tàng Mỹ truy cứu trách nhiệm của những người phụ trách an ninh tại bảo tàng. Phía Trung Quốc yêu cầu số tiền đền bù cho thiệt hại này là 4,5 triệu USD.
Sau khi phát hiện ra vụ việc hôm 8/1, Bảo tàng Franklin đã nhờ tới nhóm phụ trách tội phạm nghệ thuật của Cục Điều tra liên bang (FBI) để truy tìm thủ phạm. FBI sau đó đã lần ra dấu vết nơi ở của Rohana và bắt giữ người đàn ông này.
Video đang HOT
10 bức tượng với kích cỡ bằng người thật được trưng bày tại bảo tàng ở Mỹ là một phần trong đội quân đất nung gồm khoảng 8.000 tượng binh sĩ, ngựa và xe ngựa từng được khai quật ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Được tìm thấy bên trong lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng, các bức tượng này có niên đại từ năm 210-209 trước Công nguyên và được định giá khoảng 4,5 triệu USD/tượng.
Cuộc triển lãm tại Bảo tàng Franklin bắt đầu mở cửa từ tháng 9 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng tới. Trong khi đó tại Anh, 10 bức tượng tương tự cũng đã được Trung Quốc cho Bảo tàng Thế giới ở Liverpool mượn cho tới tháng 10 năm nay và được trưng bày sau các tấm kính.
Thành Đạt
Theo Dantri
Theo SCMP
Đến thành Trường An thăm nơi Đường Tăng dịch kinh Phật
Đến Tây An (Trung Quốc), thành Trường An xưa, du khách sẽ có dịp thăm tháp Đại Nhạn, nơi Đường Tam Tạng dịch kinh Phật và là nơi lưu giữ những áng kinh Phật cổ.
Thành phố Tây An (xưa là thành Trường An), thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, là một trong những đô thị cổ nhất ở Trung Quốc với hơn 3.100 năm lịch sử.
Trường An nằm trên đồng bằng Quan Trung là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà, nơi 13 vương triều Trung Quốc là Tây Chu, Tần, Tây Hán, Tùy, Đường, Minh... chọn làm kinh đô trong suốt 1.100 đến 1.500 năm. Ghi dấu nhiều biến thiên trong lịch sử Trung Quốc, thành Trường An gắn liền với những nhân vật như Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng, Võ Tắc Thiên... Nơi đây còn là điểm xuất phát phía Đông của Con đường tơ lụa huyền thoại.
Đến Tây An ngày nay, du khách vẫn còn thấy những "đường xưa lối cũ" của một kinh đô hoa lệ, phố hội tấp nập. Bên cạnh những di tích hoành tráng như khu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng với các hầm chứa đội quân đất nung, khu du lịch viên Phù Dung Đại đường, tường thành Trường An 600 năm tuổi, phố cổ Thư Viên Môn,... Tây An còn nổi tiếng là một thành phố có những địa điểm cổ kính và trầm mặc.
Tòa nhà cổ nổi tiếng nhất trong thành phố là Tháp Đại Nhạn (Dayan), được xây dựng cách đây 1.300 năm, vào thời nhà Đường, khi Phật giáo cực kỳ hưng thịnh ở Trung Quốc.
Tháp Đại Nhạn gắn liền với câu chuyện thỉnh kinh Tây Trúc (Ấn Độ ngày nay) của Đường Tam Tạng (tức sư Huyền Trang, được nhiều người Việt Nam biết đến với tên gọi Đường Tăng) và là nơi lưu giữ những áng kinh Phật cổ.
Tòa tháp có 7 tầng, cao 64,5 mét, bằng đất nện, thiết kế hình nón vuông, và từ đỉnh có thể nhìn bao quát thành phố Tây An. Công trình này nằm trong quần thể Đền Đại Từ Ân. Ngay mặt trước quần thể này là bức tượng sư Huyền Trang lớn. Phía sau quần thể này là Quảng trường Bắc, nơi có đài phun nước lớn và nhiều tác phẩm điêu khắc.
Tương truyền đây là nơi Đường Tam Tạng dịch kinh Phật sau khi đi thỉnh kinh. Năm 629, sư Huyền Trang xuất phát từ Trung Quốc để hành hương đất Phật và năm 645 quay về Trung Quốc. Đường Tam Tạng đã lập một khu dịch thuật kinh khổng lồ để dịch Kinh Phật từ tiếng Phạn sang chữ Hán sau khi thỉnh kinh từ Ấn Độ về. Tháp Đại Nhạn được xây năm 652 dùng để chứa bản dịch Kinh phật của Đường Tam Tạng. Ban đầu tháp có 5 tầng và đã được xây lại năm 704 trong thời Võ Tắc Thiên, bề mặt ốp gạch được trùng tu vào thời nhà Minh.
Khi leo lên chiếc cầu thang xoắn của tòa tháp này để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Tây An, du khách sẽ có thể chiêm ngưỡng các hình chạm khắc và những bức tượng phật. Mỗi tầng đều có bốn cửa vòm để ngắm nhìn phong cảnh bên ngoài.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận:
Tường thành Trường An được xây dựng từ thời nhà Minh, có lịch sử 600 năm
Tòa nhà cổ nổi tiếng nhất trong thành phố là Tháp Đại Nhạn, được xây dựng cách đây 1.300 năm, gắn liền với tên tuổi Đường Tam Tạng - Ảnh: CTV
Tháp nằm trong quần thể Đền Đại Từ Ân
Tòa tháp có 7 tầng, cao 64,5 mét, bằng đất nện, thiết kế hình nón vuông, và từ đỉnh có thể nhìn bao quát thành phố Tây An - Ảnh: CTV
Tên của tháp Đại Nhạn xuất phát từ truyền thuyết về một con ngỗng trời bị gãy cánh vào lúc các nhà sư cầu xin Bồ Tát ban cho thức ăn. Các nhà sư coi đó là dấu hiệu khuyên họ dừng ăn thịt
Đài phun nước ở quảng trường phía sau tháp Đại Nhạn
Bên cạnh những di tích cổ, Cố đô Trường An xưa ngày nay đã trở thành một thành phố phát triển với nhiều tòa nhà chọc trời và cơ sở hạ tầng khang trang. Nếu lên tường thành Trường An tham quan, du khách nên chọn thời điểm mát mẻ - Ảnh: CTV
Bên khu tường thành là khu phố cổ Thư Viên Môn với những dãy phố cổ từ thời nhà Tần, nhà Hán
Đây là khu vực có đông khách du lịch tới tham quan và mua sắm những món quà lưu niệm mang đặc trưng của Tây An
Một cửa hàng bán giấy và bút lông
Một em bé đang chơi một loại nhạc cụ mời du khách mua
Dương Ngọc
Theo NLDO
Ngắm nữ tiếp viên hàng không TQ "xinh đẹp nhất thế giới" Với khuôn mặt khả ái và nụ cười luôn thường trực, Liu Miaomiao được công nhận là tiếp viên xinh đẹp nhất thế giới, theo báo chí Trung Quốc. Liu Miaomiao, tiếp viên của hãng hàng không Thâm Quyến, Trung Quốc Liu Miaomiao, một tiếp viên của hãng hàng không Thâm Quyến, Trung Quốc, được công nhận là tiếp viên xinh đẹp nhất...