Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế
Chuyển đổi số đang ngày càng tiến sâu vào từng ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, truyền thông đa nền tảng được xem là xu hướng tất yếu mà các cơ quan báo chí đều đang hướng đến.
Trong giai đoạn hiện nay, truyền thông số đang góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Có dữ liệu về độc giả
Tại toạ đàm truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế mới đây, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trước đây, các cơ quan báo chí dựa vào quá nhiều nền tảng khác nhau. Những năm gần đây đã thay đổi.
Người dùng đọc thông tin trên mạng xã hội. Ảnh: TTXVN.
“Xây dựng nền tảng riêng là rất khó nhưng chúng ta cần chủ động thu thập dữ liệu độc giả, nếu hiểu độc giả và nắm được thị hiếu thì nắm phần thắng 50%. Từ đó, cơ quan báo chí sẽ chủ động trong việc sản xuất nội dung. Nếu chúng ta sử dụng công cụ phân tích có thể biết xu hướng người dùng. Theo thống kê, người xem trung thành thường chiếm 20% và chúng ta cần đưa cho họ nội dung tốt để giữ chân họ. Những người đi ngang qua chiếm tới 80% nhưng không mang lại giá trị. Do đó, các cơ quan báo chí cần dành năng lượng, vật chất để giữ 20% quan trọng, mang lại nhiều tiền cho chúng ta”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
“Người ta nói về việc radio, truyền hình sẽ “chết” dưới tác động của mạng xã hội nhưng hiên chưa có đơn vị nào “chết” nhưng khó khăn là có thật, trong khi đó digital đang phát triển. Nếu không chuyển đổi số chắc chắn là khó tồn tại. Chúng ta nên làm ngay hơn là chờ đợi. Không có cách nào khác, các cơ quan báo chí cần có sự chuyển đổi số phù hợp”, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết.
Ông Nguyễn Ánh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1 cho rằng, nói đến chuyển đổi số nói đến 10 năm nay rồi, truyền thông số dựa trên sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Trước là phát một chiều nay thì phát trên mạng thì có sự tương tác với khán giả. Internet có nhiều ứng dụng, tạo cơ hội và internet lan toả toàn cầu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, truyền thông mới trên không gian internet phải đảm bảo sự tương tác giữa người đọc và người xem và chúng ta chịu sự giám sát cũng như tương tác liên tục với người đọc. Ngoài ra, trên không gian số, chúng ta có một cơ hội chưa bao giờ có là tìm lại được người đọc, người xem thực sự của mình là ai, thu thập được dữ liệu khá đầy đủ về hành vi đọc, nhu cầu đọc của độc giả để có thể phục vụ họ tốt hơn.
Video đang HOT
Trao đổi về khó khăn trong chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nhiều cơ quan báo chí tự cân đối ngân sách cũng rất khó khăn chứ không nói gì đến câu chuyện đầu tư phát triển. Do đó nhà nước cũng có thể có những nguồn lực để đầu tư từ nguồn ngân sách. “Nhưng nhà nước có vai trò quan trọng hơn là kéo những doanh nghiệp trong nước có hạ tầng số, có lợi thế về công nghệ, về tài chính có thể đồng hành với việc chuyển đổi số của báo chí”, ông Lâm cho biết. Đây không phải đơn thuần là kêu gọi doanh nghiệp giúp báo chí, mà là chỉ ra mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp viễn thông, hạ tầng số với các cơ quan báo chí trong hệ sinh thái số. Nội dung phải là hàng hoá quan trọng nhất của hạ tầng số, vì thế đơn vị làm nội dung (cơ quan báo chí) và doanh nghiệp hạ tầng số đều cần đến nhau”, ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định.
Nhà nước sẽ có những định hướng, dẫn dắt các cơ quan báo chí nên làm gì trước, sao cho vừa sức, có những cách làm chuyển đối số phù hợp thực tế của Việt Nam, đi theo cách hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện riêng của từng cơ quan báo chí…
Phòng chống tin giả
Về vấn đề phòng chống tin giả trên các nền tảng số, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí khẳng định, tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm. Bản thân người đọc tin cũng phải có trách nhiệm trang bị cho mình những kỹ năng nhận diện, phòng tránh tin giả, bắt đầu bằng việc chia sẻ có trách nhiệm, hoặc hạn chế chia sẻ những tin tức đọc được trên mạng.
Đối với cơ quan quản lý và các nền tảng truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chúng ta không thể mãi “thả gà ra đuổi” và chạy theo để xử lý hậu quả. Sẽ phải có những biện pháp đón đầu, ngăn chặn từ gốc hiệu quả hơn. Ví dụ cơ quan quản lý sẽ làm việc nhiều hơn với các nền tảng mạng xã hội, như: TikTok, Facebook, YouTube… Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới sẽ phải làm tốt hơn việc ngăn chặn tin giả. Đã có những lúc và thậm chí đến bây giờ những nền tảng này vẫn đang hưởng lợi từ việc để cho tin giả phát tán. “Các mạng xã hội xuyên biên giới phải làm tốt hơn việc này. Phải chấm dứt việc hưởng lợi từ việc phát tán tin giả, nếu không làm thì phải có chế tài”, ông Lâm cho biết.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: “Các cơ quan báo chí phải mang thông tin chính thống vào không gian mạng. Chúng ta không thể để mạng xã hội trở thành nơi độc diễn của những nguồn thông tin không chính thống”.
Ông Lê Quốc Minh cho rằng, tin giả càng ngày càng nhiều hơn và quy mô lớn hơn. Tin giả hiện do con người tạo ra nhưng sau này là do trí tuệ nhân tạo tạo ra nhiều gấp trăm lần và với sự hỗ trợ của mạng xã hội phát tán nhanh và vấp tin giả là chắc chắn. Người có trách nhiệm và cơ quan báo chí cũng có thể bị đăng nhầm tin giả. Điều này xảy ra với cơ quan báo chí trên cả thế giới và Việt Nam. Đấy là chưa kể dip fake và với xảy ra với thời sự, kinh tế là lớn nhất.
“Về giải pháp, kênh thông tin chính thống cần phải chuẩn chỉnh. Người dùng bơi trong lượng thông tin khổng lồ cả chính thức lẫn giả thì xu hướng họ sẽ tìm về tin chính thống để kiểm định. Cơ quan báo chí chính thống định hướng xác thực, không chạy đua với mạng xã hội. Yếu tố “đúng” đặt lên hàng đầu”, ông Lê Quốc Minh cho biết.
Ông Lê Quốc Minh khẳng định: “Truyền thông có vai trò quan trọng trọng cuộc sống. Do đó, trước lượng thông tin khổng lồ, người đọc xu hướng lựa chọn thông tin phù hợp phục vụ cuộc sống của mình”.
Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng của phục hồi kinh tế hậu COVID-19
Ngày 25/2, Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế", với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và học giả thế giới, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy những thay đổi chính sách, tài chính và thể chế nhằm mang lại sự phục hồi kinh tế xanh, sạch và bao trùm hậu COVID-19.
Hội nghị diễn ra đúng thời điểm Việt Nam đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19 theo cách tạo ra tăng trưởng, việc làm, bền vững và bao trùm. Hội nghị cũng cung cấp một nền tảng cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác chia sẻ tầm nhìn, kiến thức và thực tiễn tốt nhất liên quan đến kích thích kinh tế xanh, phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hành động vì khí hậu, kinh tế tuần hoàn, quản trị tiên tiến và toàn diện, tài chính và đầu tư xanh.
Bên lề Hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam đã có những trao đổi với báo chí về các nội dung Hội nghị bàn thảo.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Xin bà chia sẻ mục đích của Hội nghị quốc tế "Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế"?
Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng khi tìm cách phục hồi hậu COVID-19 bằng việc tạo ra tăng trưởng, nhiều việc làm, bền vững và bao trùm.
Trước mắt, Việt Nam phải đối mặt với ba thách thức chiến lược, đó là: giải quyết tác động môi trường từ tăng trưởng (rủi ro về khí hậu, thiên tai, môi trường và sức khỏe, cũng như suy thoái tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học) bằng cách hướng tới một mô hình kinh tế năng suất và chống chịu tập trung vào tái tạo thiên nhiên và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên trong một nền kinh tế tuần hoàn trung hòa carbon.
Tăng trưởng và bền vững bao trùm, bao gồm điều chỉnh khung pháp lý và đảm bảo thực thi chính sách để bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương và tiếp cận công bằng với các dịch vụ cơ bản, cơ hội kinh tế, để không ai bị bỏ lại phía sau, giảm thiểu bất bình đẳng, giảm nghèo đa chiều và dễ bị tổn thương, cũng như xây dựng một xã hội công bằng cho tất cả mọi người.
Ưu tiên các khoản đầu tư bền vững và có trách nhiệm hơn, thúc đẩy khả năng cạnh tranh xuất khẩu, bao gồm việc tạo ra các hệ thống sản xuất carbon thấp và thị trường ngách, bằng việc thúc đẩy đổi mới, các kỹ năng liên quan đến các ngành công nghiệp lần thứ 4, bao gồm cả đối với phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, như là chìa khóa để khởi động lại tăng trưởng năng suất và thu nhập, tiếp cận các nguồn tài chính dài hạn phù hợp.
Khi tìm kiếm những chuyển đổi cần thiết để giải quyết ba thách thức nêu trên, Chính phủ nhận thấy sự cần thiết của đổi mới quản trị trong toàn bộ Chính phủ và toàn xã hội. Điều này bao gồm quản trị mang tính dự đoán, thích ứng và nhanh nhạy, hay còn gọi là "quản trị 3A".
Để giải quyết những nỗ lực cần thiết trên nhiều lĩnh vực và chủ đề, Hội nghị sẽ quy tụ các nhà phát triển quốc gia và toàn cầu để chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc giải quyết thay đổi chính sách và thể chế trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức.
Với tư cách là mạng lưới phát triển toàn cầu của Liên hợp quốc, ủng hộ sự thay đổi và kết nối các quốc gia về tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực, UNDP rất vui mừng được hợp tác với Chính phủ Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế này, quy tụ các nhà lãnh đạo và học giả trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc thúc đẩy chính sách, tài chính và thay đổi thể chế để mang lại sự phục hồi kinh tế xanh, sạch và bao trùm hậu COVID-19.
Xin bà cho biết Hội nghị sẽ tập trung vào những nội dung gì?
Hội nghị cung cấp nền tảng cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác chia sẻ tầm nhìn, kiến thức và thực tiễn tốt nhất liên quan đến kích thích kinh tế xanh, phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hành động khí hậu, nền kinh tế tuần hoàn, quản trị tiên tiến và toàn diện, tài chính xanh và đầu tư.
Hội nghị sẽ giải quyết các vấn đề phát triển cơ bản hiện nay mà Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm: Đảm bảo khả năng phục hồi và khả năng phục hồi xanh; tăng cường vai trò của chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và nền kinh tế tuần hoàn, phù hợp với các cam kết COP26 đầy tham vọng của Việt Nam; kích thích sự đổi mới và chuẩn bị lực lượng lao động cho các việc làm trong tương lai; thúc đẩy sự phục hồi bền vững thông qua thương mại, đầu tư và đổi mới.
Hội nghị kéo dài một ngày sẽ có ba phiên với các bài phát biểu quan trọng và các cuộc thảo luận. Phiên 1 sẽ tập trung vào "Phục hồi xanh và khả năng phục hồi", những biện pháp mà các nước đã làm để giải quyết và đưa ra các quyết định khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, xanh, carbon thấp; và những cơ hội để thúc đẩy các quốc gia chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Phiên 2 về "Thương mại, đầu tư và đổi mới để phục hồi bền vững" sẽ thảo luận về cách Việt Nam nên điều chỉnh cách tiếp cận đối với các hiệp định thương mại và FDI để thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững, bao trùm, khuyến khích đổi mới và năng suất lao động trong nước.
Phiên 3 tập trung vào "Tăng cường vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phục hồi xanh và phục hồi toàn diện". Các đại biểu sẽ thảo luận để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của các nước khác về sức mạnh tổng hợp giữa thị trường cạnh tranh và các chính sách đổi mới của Chính phủ? Các quốc gia đã đưa ra những chính sách và cấu trúc quản trị nào để thúc đẩy tính bền vững và phục hồi toàn diện? Cách tiếp cận theo định hướng sứ mệnh có thể giúp Việt Nam đối phó với các vấn đề như Đồng bằng sông Cửu Long và nghèo đặc hữu ở vùng cao, vùng sâu vùng xa như thế nào?
Hội nghị quốc tế sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo tư tưởng và nhà hoạch định chính sách nổi tiếng trong nước và quốc tế. Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cùng với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Giáo sư Joseph E. Stiglitz - từng đoạt giải Nobel về kinh tế năm 2001, Phó Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNTAD) Isabelle Durant, Giám đốc điều hành Quỹ khí hậu xanh (GCF) Yannick Glemarec, Giáo sư Đại học Tổng hợp London Mariana Mazzucato, lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và các diễn giả từ các quốc gia, đối tác phát triển quan trọng bao gồm Botswana, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore và Nam Phi.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bứt tốc giải ngân đầu tư công - Bài 1: Đưa nguồn vốn 'mồi' vào nền kinh tế Năm 2021 là năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công được thực hiện trong bối cảnh khu vực và thế giới có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn, phức tạp hơn so với...