Truyền thống ăn nhau thai ngàn năm ở Trung Quốc
Sau khi sinh nở, Wang Lan trở về nhà với một bé gái sơ sinh và nhau thai của cô, thứ mà cô sẽ ăn cùng với súp, một việc chẳng hề lạ lẫm trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Nhưng viên thuốc nhau thai ở Trung Quốc. Ảnh: Bussinessinsider/Flickr
Nhau thai được cho là có lợi cho sức khỏe và những lời truyền miệng về tác dụng của nó đang bắt đầu râm ran ở những nước phương Tây, nơi cũng đã có người tin rằng nó có thể giúp tránh được sự suy nhược sau khi sinh nở, cải thiện nguồn sữa và tăng cường sinh lực.
Việc ăn nhau thai của một đứa trẻ sau khi được sinh ra thực ra khá phổ biến suốt hơn 2.000 năm qua ở Trung Quốc, nơi mà nhiều người nghĩ rằng nó có thể giúp chống lão hóa.
“Nó giờ đang ở trong tủ lạnh còn tôi thì đang chờ mẹ đến và nấu ăn. Sau khi rửa sạch, nó có thể được ninh nhừ để làm súp mà không còn mùi như mùi cá nữa”, Wang nói, và cho biết thêm rằng cô tin nó có thể giúp cô hồi phục sau sinh.
Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của một nước Trung Hoa thống nhất, được cho là đã coi nhau thai là thứ có tác dụng đối với sức khỏe từ 2.200 năm trước. Dưới thời nhà Thanh, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc, Từ Hy thái hậu cũng được cho là ăn nhau thai để duy trì sự thanh xuân.
Một bài thuốc cổ truyền từ thời nhà Minh (1368-1644) cho rằng nhau thai, cơ quan nối bào tử đang phát triển với thành tử cung và có ý nghĩa quan trọng với sự sống của thai nhi, là thứ “vô cùng bổ dưỡng” và “nếu được ăn trong thời gian dài thì có thể giúp đạt được sự trường sinh”.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng thói quen ăn nhau thai bắt đầu trở lại với đời sống của người dân nước này hơn một thập kỷ qua. Một bệnh viện phụ sản ở thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, cho hay khoảng 10% cặp vợ chồng mới có con nhận lại nhau thai để mang về sau khi sinh.
Các công thức được trao đổi trên mạng Internet nói về cách làm thế nào để nấu nhau thai. Một trang web nổi tiếng về sức khỏe khuyên rằng nên ăn kèm với món súp, bánh hấp, thịt viên hay trộn với các vị thuốc cổ truyền khác của Trung Quốc.
Trong khi việc bán các cơ quan nội tạng bị cấm từ năm 2005, các viên thuốc có chứa nhau thai được xay thành bột lại được bán hợp pháp tại các nhà thuốc ở Trung Quốc. Điều này cho thấy những nhau thai được bỏ lại các bệnh viện bằng cách nào đó đã tự tìm được đường để tới các công ty dược phẩm.
“Đó là một vị thuốc bổ để củng cố “khí” và tăng lượng máu trong người”, một thầy thuốc y học cổ truyền ở nhà thuốc Lei Yun Shang ở Thượng Hải nói, với ý nhắc tới “sức sống” mà nhiều người tin rằng luôn chảy trong cơ thể con người.
“Doanh số bán rất tốt. Về cơ bản, mỗi khi chúng tôi có nguồn hàng, chúng đều được bán hết rất nhanh”, một nhân viên bán hàng của nhà thuốc nói trên cho biết.
Video đang HOT
Và không chỉ có những bà mẹ mới sinh mới có nhu cầu ăn nhau thai.
Một người đàn ông giấu tên mới lên chức bố ở Thượng Hải kể rằng những người thân của anh ta rất háo hức để thử thứ dược phẩm khan hiếm này. “Vợ tôi và tôi khi đó vẫn còn ở trong bệnh viên, nên họ đã ăn hết nó”, người này nói.
Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn cũng tạo nên một thị trường đen ngày một phát triển với các bệnh viện, các nhân viên bệnh viện và thậm chí cả các bà mẹ bán nhau thai theo cách vi phạm pháp luật hiện hành ở Trung Quốc.
Năm ngoái, các nhà chức trách Trung Quốc đã điều tra một bệnh viện ở thành phố miền nam Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, vì việc bán nhau thai với giá 20 Nhân dân tệ (khoảng 2 USD) mỗi cái. “Họ (các y tá) nhận tiền và dùng số tiền này để mua bữa sáng”, báo địa phương Xin Kuai dẫn một nguồn tin.
Nhau thai còn được bán với giá cao hơn ở các vùng khác của Trung Quốc, ví dụ như thành phố miền đông Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, nơi những người bán đòi tới 300 Nhân dân tệ (khoảng gần 50 USD) cho mỗi nhau thai. Hầu hết nguồn cung nhau thai là các bệnh viện, tờ Jinan Times năm ngoái cho biết.
Tháng trước, hải quan Hàn Quốc cho hay họ phát hiện những nỗ lực nhập khẩu trái phép khoảng 17.000 viên thuốc dạng bao con nhộng được cho là có chứa thịt đã được nghiền thành bột của các thai nhi đã chết.
Các chuyên gia cho rằng những viên thuốc này có thể thực sự được làm từ nhau thai người, làm dấy lên những lo ngại rằng việc buôn bán các cơ quan người ở Trung Quốc đã bắt đầu vươn ra ngoài biên giới nước này.
Tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc, có không ít người phản đối việc ăn nhau thai. “Tôi biết nó có lợi cho sức khỏe, nhưng ý tưởng ăn thịt người thì thật đáng ghê tởm. Tôi không thể làm việc đó”, kế toán Grace Jiang ở Thượng Hải nói. Jiang đã bỏ lại nhau thai ở bệnh viện sau khi sinh hạ một cậu con trai.
Theo VNExpress
Rùng rợn làm đẹp từ nhau thai
Dùng thai nhi, nhau thai hay các phương pháp làm đẹp bằng dao kéo đều là những cách làm có hại cho sức khỏe, sắc đẹp của người phụ nữ.
Đó là khẳng định của bác sỹ Vương Viễn Đông và chuyên gia nghiên cứu Kinh lạc Dương My Anh, đến từ Trung Quốc, nơi xuất phát của những bài thuốc bí truyền "kinh dị" như báo chí từng đưa tin.
Thuốc làm từ thai nhi là phản khoa học
Vừa qua, dư luận thế giới rất bức xúc về việc một bài thuốc Đông y của Trung Quốc làm từ nhau thai và thai nhi trẻ em (Hà Tử Sa) để bồi bổ sức khỏe, kéo dài tuổi thanh xuân và làm đẹp. Các vị nghĩ sao về vấn đề này?
Chuyên gia Dương My Anh: Nhà tôi có 3 đời nghiên cứu Đông y. Cả gia đình tôi khi biết được thông tin này đều rất sốc.
Tôi tiếp xúc với huyệt vị, kinh lạc trước khi biết mặt chữ và chưa bao giờ tôi được nghe, được dạy về phương pháp lấy nhau thai và thai nhi trẻ em làm thuốc bổ để kéo dài tuổi xuân hay làm đẹp. Đông y chân chính chỉ dùng cây cỏ tự nhiên làm các bài thuốc. Đến động vật còn rất hạn chế sử dụng trong các bài thuốc huống chi là thai nhi người.
Bác sỹ Vương Viễn Đông: Tôi đồng ý với ý kiến của chị My Anh. Đứng trên cả góc độ Đông y và Tây y, tôi đều thấy bài thuốc kia là phản khoa học, không có tính nhân văn.
Như các bạn biết, Đông y có rất nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, những tài liệu chính thống về Đông y mà tôi biết, không có mô tả nào về loại thần dược từ bào thai và nhau thai.
Quan điểm Đông y hay Tây y đều xuất phát từ mong muốn cứu người. Lấy mục đích kinh doanh trên sức khỏe của người khác, đặc biệt là dùng phương pháp nhẫn tâm là đi ngược với đạo đức của người thầy thuốc.
Thuốc làm từ thai nhi liệu có bổ, có an toàn? (Ảnh minh họa)
Tất nhiên, Trung Quốc rộng lớn thế, có những kẻ xấu lợi dụng Đông y làm những việc kinh thiên động địa như trên là không tránh khỏi.
Nhưng vẫn có rất nhiều người tin vào những bài thuốc tương tự như thế và tin rằng đó là những bí kíp kéo dài tuổi thanh xuân, làm đẹp của các bà hoàng như Võ Tắc Thiên, Từ Hy Thái Hậu ...
Bác sỹ Vương Viễn Đông: Đó là sai lầm rất đáng trách của nhiều người. Lỗi này xuất phát từ những hiểu biết cơ bản lệch lạc, mù quáng của một bộ phận nhỏ người trong xã hội chứ không phải rất nhiều người như bạn nói (cười).
Chỉ cần có một kiến thức cơ bản thông thường là bạn có thể hiểu: dùng những thứ như thai nhi trẻ, nhau thai phụ nữ làm thuốc, nhất là trong điều kiện chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh, không đúng các tiêu chuẩn chặt chẽ của việc chế biến các loại thuốc thì chất lượng sẽ như thế nào. Ăn, uống những thứ đó, bạn có khỏe, có đẹp được không? Chưa tính đến vấn đề đạo đức và nhân văn.
Chuyên gia Dương My Anh: Tôi không biết ở Việt Nam như thế nào, nhưng ở Trung Quốc cũng có một số người tin vào những cách làm đẹp rất vô lý được coi là bí truyền.
Bác sĩ Vương Viễn Đông và chuyên gia Dương My Anh.
Theo quan điểm của Đông y, người ta sinh ra có đủ lục phủ ngũ tạng, các kinh lạc tốt là người khỏe mạnh. Các giai đoạn của cuộc đời, con người sẽ có những vẻ khác nhau do các chức năng hoạt động của các bộ phận trên cơ thể. Con người đẹp nhất ở tuổi từ 16 đến 30. Đó là vẻ đẹp toát ra từ sức sống.
Khi người ta bước qua tuổi 30, đặc biệt là phụ nữ, họ rất sợ sự lão hóa. Mọi người tìm cách phụ trợ để kéo dài tuổi thanh xuân. Nhưng điều mà mọi người hay quên đó là sống một cuộc sống lạc quan tích cực: Lao động và nghỉ ngơi hợp lý yêu quý sống chan hòa với mọi người, ít đố kỵ, ... thì các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động nhịp nhàng, khỏe mạnh hơn. Bạn sẽ trẻ, đẹp lâu hơn.
Phẫu thuật thẩm mỹ giống như làm hàng giả
Chị My Anh nói có lý. Nhưng có những người sinh ra đã không được đẹp lắm. Họ muốn đẹp hơn là điều hợp lý. Khi đó, người ta sẽ dùng các phương pháp phụ trợ tác động như: sử dụng mỹ phẩm, phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sỹ Đông cho biết quan điểm về việc này?
Bác sỹ Vương Viễn Đông: Tôi đọc báo, thấy người ta đang có xu hướng phát triển cách làm đẹp thông qua phẫu thuật thẩm mỹ. Phân tích chuyên môn rất dài dòng, nhưng tôi xin đưa ra một hình ảnh so sánh thế này để nói về quan điểm của mình: Nếu các bạn phản đối hàng giả Trung Quốc tràn lan thì tôi cũng phản đối cách làm đẹp bằng cách tác động dao kéo hay các loại mỹ phẩm. Tôi coi cách làm đẹp đó sẽ đưa ra thứ "giả", đánh lừa mọi người.
Mong muốn mình đẹp hơn là chính đáng. Nhưng hi sinh sức khỏe để được cái đẹp trong chốc lát, theo tôi là cách đánh lừa bản thân, ngược đãi bản thân.
Nói như vậy thì anh chị đang nghiêng về cách làm đẹp theo quan điểm của Đông y?
Bác sỹ Vương Viễn Đông: Mỗi người sẽ có những quan điểm riêng để lựa chọn. Ở Trung Quốc, có nhiều chị em phụ nữ muốn tôi cho lời khuyên để làm đẹp, kéo dài tuổi thanh xuân, tôi chỉ nói với họ: Y học không thể phù phép giúp con người ta có hình thức đẹp trong chớp mắt. Nhưng mỗi người có thể làm mình đẹp hơn bằng việc: Học cách để ý đến các kinh lạc, huyệt vị của mình và sống thật vui vẻ.
Đây không hẳn là quan điểm của Đông y hay Tây y, đó là quan điểm của tôi, một người đã hoạt động trong cả hai lĩnh vực Đông y và Tây y. Cái gì lợi nhất cho sức khỏe của con người mà tôi thấy hợp lý thì tôi khuyên mọi người nên làm.
Thế còn chị My Anh, chị sẽ "bắt mạch" và "kê đơn" cho chị em phụ nữ muốn làm đẹp như thế nào?
Chuyên gia Dương My Anh: Mỗi người sẽ được trời cho những kiểu nhan sắc khác nhau, giống như rất nhiều loại hoa trên trái đất. Phát huy vẻ đẹp của mình bằng những suy nghĩ lạc quan, biết cách nghe cơ thể của mình để biết ranh giới giữa việc mình bị bệnh hoặc không bị bệnh để điều chỉnh.
Quan điểm của tôi cũng như bác sỹ Quân: chị em không nên để người ta cắt gọt bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của mình và đưa những loại thuốc mang danh là cải thiện sắc đẹp vào cơ thể mà không biết rõ nguồn gốc. Vẻ đẹp tự nhiên vẫn là thứ tuyệt vời nhất!
Bác sỹ Vương Viễn Đông, sinh năm 1959, ở Phúc Kiến - Trung Quốc. Ông đã có hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực Tây y, là chủ một trung tâm y tế uy tín ở Phúc Kiến. Chuyên gia Dương My Anh, sinh năm 1978, ở Nam Ninh, Trung Quốc. Cô theo học Đông y từ nhỏ vì gia đình có truyền thống 3 đời nghiên cứu Đông y.
Theo eva.vn
Nhau thai khô thuốc trị bách bệnh hay rác y tế? Sau khi sản phụ sinh con, nhau thai (còn gọi là tử hà xa) được mang đi tiêu hủy như một loại rác thải y tế, nhưng lại được các cơ sở Đông Y tại chợ dược liệu bán công khai với quảng cáo bồi bổ sức khỏe, trị bách bệnh. Trị yếu sinh lý, ung thư Ghé tiệm dược liệu Hải A,...