Truy thu thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần thực hiện có lộ trình
Nhiều ý kiến cho rằng, khi quy định chưa đầy đủ để truy thu thuế giao dịch bất động sản thì không nhất thiết quá “so đo” với người dân, mà cần thực hiện có lộ trình để đảm bảo “thấu tình đạt lý”…
Một khu đất đã được người dân phân lô. Ảnh: KN
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thuế cho thấy, số thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng 3,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021. Trong giai đoạn này, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh với 60.289 hồ sơ, số thu tăng hơn 326 tỷ đồng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Thái Minh Gia, có nhiều trường hợp người nộp thuế kê khai giá mua bán bất động sản thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế . Tuy nhiên, việc xác định giá giao dịch mua bán nhà, đất thực tế trên thị trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để làm căn cứ ấn định thuế, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế, cán bộ thuế.
Tại Bình Định, Cục Thuế Bình Định đã trình dự thảo để tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành chỉ thị và chỉ đạo thực hiện đồng bộ trên toàn Tỉnh về công tác quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là sớm ban hành bảng giá đất sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường.
Video đang HOT
Trước mắt, Cục Thuế Bình Định chủ động đưa ra giá tham chiếu theo từng khu vực (theo cơ sở dữ liệu giá trúng đấu giá, giá đền bù, giá lịch sử chuyển nhượng, giá từ các công ty môi giới bất động sản, giá tham khảo trên các trang mạng xã hội, Internet… để đưa ra giá bình quân). Trên cơ sở giá tham chiếu, các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng giá khai thuế cho người nộp thuế và làm thủ tục công chứng hợp đồng mua bán.
Bên cạnh đó, các phòng thanh tra, kiểm tra thuế rà soát giá chuyển nhượng tại các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn Tỉnh theo giá tham chiếu, trường hợp có bất hợp lý thì cảnh báo và mời doanh nghiệp đối thoại để điều chỉnh, nếu doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì hoàn thiện hồ sơ chuyển tin báo tội phạm đến cơ quan điều tra theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TCT ngày 7/4/2022 của Tổng cục Thuế.
Đồng thời, công khai tất cả các trường hợp chuyển nhượng bất động sản (doanh nghiệp cho cá nhân, cá nhân cho cá nhân) trên Cổng giao tiếp điện tử giữa cơ quan thuế với người dân để toàn dân giám sát, phản biện và tham gia quản lý.
Người dân đến nộp thuế tại Cục thuế Hà Nội. Ảnh: TL
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc xác định giá bất động sản theo giá thị trường trước khi tính thuế là điểm “tù mù” gây ra bức xúc giữa người dân và cán bộ thuế, khiến việc giải quyết hồ sơ thuế bị kéo dài.
“Từ trước đến nay, qua các hướng dẫn và thực tế triển khai, người dân hiểu rằng việc nộp thuế khi giao dịch bất động sản theo khung giá nhà nước là hợp lệ, hợp pháp, còn giá ghi trên hợp đồng là theo thỏa thuận của các bên. Đến nay, cơ quan thuế yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và truy thu là chưa thỏa đáng. Khung giá đất là do cơ quan nhà nước quy định và điều chỉnh định kỳ, việc bồi thường đất khi làm dự án cũng dựa theo khung giá này, nhưng tại sao người mua, bán đóng thuế theo khung giá đó lại bị thanh kiểm tra? Sự khác biệt giữa giá giao dịch thực tế và giá kê khai trên hợp đồng đã diễn ra nhiều năm nay nhưng đột ngột vào diện xem xét truy thu thuế dẫn đến bất công cho những người giao dịch không đúng thời điểm”, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA), việc cơ quan thuế yêu cầu kê khai lại giá giao dịch với hàng chục ngàn trường hợp giao dịch bất động sản tại TP.HCM khiến thời gian xử lý kê khai thuế kéo dài quá 5 ngày theo quy định, nhiều trường hợp 10 ngày, thậm chí 15 ngày vẫn chưa xong, gây đình đốn hoạt động sản xuất kinh doanh và bức xúc trong xã hội. Thực tế, có trường hợp giá mua, bán cao hơn bảng giá nhà nước, lại có trường hợp thấp hơn giá nhà nước.
Theo vị Chủ tịch HOREA, nhiều quốc gia trên thế giới đều dùng phương pháp định giá hàng loạt, khi đó chấp nhận mức giá đạt 70% giá thị trường là có thể chấp nhận được. Việc đòi hỏi từng trường hợp cụ thể phải đúng giá thị trường để tính thuế là không hợp lý và không cơ quan quản lý nào làm được vì không đủ nguồn lực.
“Để giải quyết nhanh tình trạng này, trước mắt, các địa phương cần điều chỉnh ngay bảng giá sàn đất đai, nếu thấy thấp có thể nâng lên, điều này thuộc thẩm quyền của địa phương. Còn trong giai đoạn này, ai hưởng lợi từ mức giá sàn thấp và kê khai cao hơn một chút thì không nên quy là phạm luật. Nhà nước có thể thu sót một chút do chính sách chưa theo kịp thị trường. Đừng quá so đo với người dân”, ông Châu nhấn mạnh.
Xử phạt nếu kê khai giá chuyển nhượng bất động sản không trung thực
Theo Cục Thuế Hà Nội, bên cạnh nhiều cá nhân đã tự giác chấp hành tốt pháp luật thuế khi thực hiện chuyển nhượng bất động sản, trên địa bàn vẫn tồn tại tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng, hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế không tương ứng với thực tế giao dịch, dẫn đến kê khai thiếu các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
Người dân làm thủ tục về thuế. Ảnh minh họa: Thùy Dung/TTXVN
Để ngăn chặn tình trạng trên, mới đây Cục Thuế Hà Nội đã gửi thư khuyến cáo: Người nộp thuế thực hiện trung thực về việc kê khai giá thực tế chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như khi kê khai các nghĩa vụ thuế phát sinh để bảo vệ chính quyền lợi của bản thân.
Cục Thuế Hà Nội khuyến nghị, để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có với cơ quan thuế, cơ quan chức năng cũng như khi phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện do nguyên nhân từ việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản không chính xác, trung thực và đầy đủ, cơ quan thuế một lần nữa yêu cầu: Người nộp thuế cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về thuế và các pháp luật có liên quan khi kê khai giá mua bán chuyển nhượng trên hợp đồng công chứng và khi kê khai nghĩa vụ về thuế, phí phải nộp. Đồng thời, đấu tranh, phát hiện và thông báo đến cơ quan thuế, cơ quan chức năng mọi hành vi khai sai, gian lận và trốn thuế liên quan đến hoạt động mua bán, chuyển nhượng bất động sản.
Cũng theo Cục Thuế Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế, UBND thành phố Hà Nội về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; cũng như căn cứ các quy định của pháp luật, người nộp thuế có trách nhiệm khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế hoặc hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính; có trách nhiệm giải trình, bổ sung thông tin tài liệu đầy đủ, đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra thông tin người nộp thuế kê khai trên hồ sơ khai thuế và thực hiện tính thuế, thông báo thuế cho người nộp thuế. Trường hợp thông tin trên hồ sơ khai thuế của người nộp thuế không đầy đủ, không chính xác, cơ quan quản lý thuế có quyền không chấp nhận hồ sơ khai thuế hoặc thông báo cho người nộp thuế để giải trình, bổ sung thông tin tài liệu.
Theo quy định, cơ quan quản lý thuế có quyền ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật về Quản lý thuế đối với các hành vi khai sai, trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp vi phạm pháp luật về thuế mà có dấu hiệu tội phạm trốn thuế theo quy định tại Điều 47 Bộ Luật hình sự số 12/2017/QH14 ngày 20/06/2017 của Quốc hội, cơ quan quản lý thuế sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Siết chặt quản lý thuế trong chuyển nhượng bất động sản Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế) Lý Thị Hoài Hương cho biết, việc quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiện nay gặp nhiều khó khăn, do liên quan đến rất nhiều Luật cũng như nhiều cơ quan ban, ngành và ý thức tự giác thực hiện...