Trước một Hitler cực mạnh, Churchill trở thành vị cứu tinh của cả châu Âu như thế nào?
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của cuộc Thế chiến II, Churchill đã can đảm đứng ra gánh vác vận mệnh của nước Anh và đồng thời, cũng là cả châu Âu .
Winston Churchill chính thức trở thành Thủ tướng Anh (ảnh minh họa)
Ngày 1.9.1939, quân đội Đức Quốc xã tiến vào chiếm Ba Lan. Thủ tướng Anh Chamberlain kêu gào quân Đức ngừng lại trong vô vọng. Bất lực, hai nước Anh và Pháp buộc phải tuyên chiến với Đức và Ý. Thể chiến II chính thức bùng nổ.
Mãi tới lúc này, người Anh mới tin vào những điều mà người sau này trở thành vị Thủ tướng vĩ đại nhất của họ – Winston Churchill, cảnh báo. Dư luận nước Anh phẫn nộ, chỉ trích sự hèn yếu trước đó của chính quyền và đòi phải cho Churchill chỉ huy quân đội.
Churchill nhanh chóng được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Hải quân. Ngày Churchill quay lại, tất cả tàu hải quân của nước Anh đều đồng loạt giương cờ để chào đón ông.
Điện tín được đánh đi tới các con tàu chiến: “Winnie đã trở về” (Winnie là tên gọi thân mật của Churchill). Người dân Anh đã đặt mọi hy vọng vào sự lãnh đạo của Churchill.
Đến cuối tháng 9.1939, quân Đức với sức mạnh áp đảo, đã chiếm trọn hai nước Bỉ và Hà Lan. Cả châu Âu lúc này mới thấy sự tai hại của chính sách giảm trừ quân bị, mà họ thực hiện trước đó.
Không thể chịu nổi áp lực từ phía dư luận, Thủ tướng Anh Chamberlain từ chức. Churchill được chỉ định lên thay chức vụ này, kiêm luôn Bộ trưởng Quốc phòng.
Churchill không bao giờ chấp nhận đầu hàng trước phát xít Đức (ảnh minh họa)
Theo cuốn “Thủ tướng Anh Winston Churchill, cuộc đời và sự nghiệp”, trong bài diễn văn nhậm chức trước Quốc hội, Churchill đã nói:
“Tôi không có gì để cống hiến ngoài máu, sự khó nhọc, nước mắt và mồ hôi.” Ông kêu gọi người Anh, hãy thực hiện “vinh quang bằng mọi giá, bởi vì không có vinh quang, sẽ không có sống còn”.
Lời kêu gọi của Churchill đã làm gia tăng tinh thần chiến đấu của người Anh, giúp họ có thêm cam đảm, trong cuộc chiến sống còn với lực lượng phát xít Đức.
Tháng 6. 1940 liên quân Anh – Pháp bị Đức đánh cho đại bại. Chính phủ Pháp phải bỏ chạy khỏi Paris, chỉ còn duy nhất nước Anh có thể chiến đấu. Có thể nói, lúc này sự sống còn của cả châu Âu đặt hết lên vai Churchill.
Vấn đề nghiêm trọng đầu tiên đặt ra đối với Churchill, là làm thế nào để giải cứu 340.000 quân Anh – Pháp ở cảng Dunkirk (Pháp), đang nguy ngập do bị quân phát xít Đức bao vây.
Churchill gần như đã bật khóc khi kêu gọi toàn thể nước Anh thực hiện cuộc giải cứu lịch sử. Trong vòng 24 giờ, ông đã huy động hơn 800 tàu thuyền các loại, từ tàu chiến đến thuyền buồm, tàu đánh cá… kéo sang Dunkirk, trong nỗ lực gần như tuyệt vọng.
Những chiếc tàu được sự hỗ trợ của không quân Anh, di chuyển dưới làn mưa bom đạn của quân Đức và hoàn thành sứ mạng một cách thần kỳ. Có khoảng 224 ngàn quân Anh và 111 ngàn quân đồng minh rút lui thành công. Trước đó vài ngày, Churchill chỉ kỳ vọng sẽ giải thoát được cho 50 ngàn quân.
Cuộc di tản Dunkirk thành công có sự đóng góp lớn của Churchill (ảnh minh họa)
Theo các nhà nghiên cứu quân sự, nếu hàng trăm ngàn binh sĩ tại Dunkirk bị tiêu diệt hoặc đầu hàng, thì không chỉ thiệt hại nặng về quân số, tinh thần chiến đấu của người Anh cũng sẽ tan rã. Hậu quả của việc này là gần như cả châu Âu, sẽ rơi vào tay nước Đức.
Sau cuộc rút lui Dunkirk, Thủ Tướng Churchill đã nói với nhân dân nước Anh:
“Chúng ta sẽ bảo vệ hòn đảo của chúng ta bằng mọi giá… Chúng ta sẽ chiến đấu trên bờ biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên các mảnh đất, chúng ta sẽ chiến đấu trên các cánh đồng, chúng ta sẽ chiến đấu trên các ngọn đồi… Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng”.
Tuy nhiên, ông cũng không quên nhắc nhở người dân Anh rằng: “Chiến tranh không bao giờ có chiến thằng bằng những cuộc di tản”.
Tổng thống Mỹ Roosevelt đã lắng nghe lời kêu gọi của Churchill, ông nói:
Video đang HOT
“Những gì chúng tôi cung cấp cho nước Anh sẽ không phải là thứ tiền đổ xuống mương, chừng nào mà ông già đó (Churchill) còn đảm đương nhiệm vụ. Nước Anh sẽ không bao giờ đầu hàng”.
Có một sự thật rằng, Tổng thống Roosevelt chưa bao giờ ưa Churchill. Ông cũng nhiều lần thẳng thừng bày tỏ thái độ của mình về vị Thủ tướng Anh:
“Tôi không bao giờ thích Churchill, nhưng xét về tư cách và sự dũng cảm đáng ngưỡng mộ của ông ta khi chỉ huy hải quân Anh, tôi muốn chuyển lời khen ngợi của mình đến ông ta.”
Chính con gái của Roosevelt – bà Alice, khi được đặt câu hỏi rằng tại sao cha mình lại ghét Churchill đến thế, Alice đã không do dự khi trả lời: “Chỉ vì họ quá giống nhau”.
Tổng thống Roosevelt và Churchill (ảnh minh họa)
Mặc dù quan hệ giữa hai vị nguyên thủ vĩ đại nhất của Mỹ và Anh chưa bao giờ mặn mà, nhưng chính lòng quyết tâm bảo vệ nước Anh, không chịu đầu hàng của Churchill, đã khiến Roosevelt cảm phục.
Churchill cũng có một cách ngoại giao vô cùng khôn khéo đối với Mỹ. Trong bức thư gửi cho Tổng thống Roosevelt, ông viết:
“Nếu chúng tôi từ bỏ cuộc chiến, các ông có thể sẽ có một nước Mỹ với cả châu Âu dưới quyền của Đức Quốc xã đông đảo hơn, mạnh mẽ hơn và được trang bị vũ khí tối tân hơn Tân thế giới (Mỹ) nhiều lần.”
Tháng 3.1941, Churchill thành công ký với Mỹ hiệp ước Lend Lease, cho thuê mượn vũ khí, giúp nước Anh thoát khỏi tình trạng thiếu thốn khí tài.
Sau khi Pháp thất thủ, chỉ còn nước Anh đơn độc trong cuộc chiến chống phát xít. Một tháng sau khi chiếm được Paris, Hitler đã trực tiếp đề nghị một thỏa thuận hòa bình với Anh.
Cụ thể, nước Anh sẽ phải chấp nhận đầu hàng và nằm dưới sự bảo hộ của Đức. Churchill đã thẳng thừng bác bỏ lời đề nghị này, ông nói:
“Trận chiến trên đất Pháp đã xong. Tôi trông đợi trận chiến trên đất Anh bắt đầu. Trận chiến này là sự sống còn của nền văn minh Thiên Chúa Giáo. Hitler biết rằng ông ta sẽ phải hủy diệt chúng ta trên hòn đảo này, nếu không muốn bị bại trận trong cuộc chiến.
Nếu chúng ta bại trận, toàn thể thế giới kể cả Mỹ, sẽ chìm vào trong vực thẳm của một thời đại đen tối mới… Bởi vậy, nhiệm vụ của chúng ta là kết nối toàn bộ sức mạnh và nếu nước Anh và châu Âu còn tồn tại trong một ngàn năm nữa, thì đây là giờ phút quyết định”.
Churchill đã lãnh đạo nước Anh trải qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc Thế chiến II (ảnh minh họa)
Quyết tâm kháng cự của Churchill đã khiến Hitler phần nào e sợ. Đức không điều hải quân mà chỉ sử dụng không quân để oanh tạc nước Anh. Hitler tin rằng, nếu triệt hạ các cơ sở phòng thủ và lực lượng không quân hoàng gia, nước Anh sẽ phải đầu hàng.
Theo History, trận chiến tiêu diệt nước Anh bắt đầu vào tháng 8.1940, không quân Đức đã đánh phá nặng nề thủ đô London và các thành phố lớn khác.
Churchill đã huy động tất cả 25 không đoàn, của không quân hoàng gia Anh bay lên nghênh chiến. Công sức của ông và những phi công đã mang lại kết quả, 56 phi cơ của Đức bị bắn hạ trong một ngày. Quân Đức phải rút lui và nước Anh thoát khỏi mối nguy.
Tuy nhiên, sự oanh tạc dữ dội của không quân Đức đã khiến cho thành phố London trở thành đống gạch vụn. Máy bay ném bom rút, nhưng bom bay V1 của Đức vẫn công phá dữ dội. Hơn 100 ngàn dân thường bị thiệt mạng và London cháy suốt cả một tuần lễ.
Trong hoàn cảnh đổ nát, Churchill đã không ngại lửa đạn, đi an ủi những người dân Anh. Ông thường chào đám đông bằng cách giơ hai ngón tay thành hình chữ V, tượng trưng cho chữ “Victory” hay “chiến chắng”. Churchill cũng là cha đẻ của biểu tượng độc đáo này.
Churchill với biểu tượng chữ “V” huyền thoại (ảnh minh họa)
Đến đầu năm 1941, các trận oanh tạc của không quân Đức đã giảm bớt, nhưng nước Anh vẫn còn đối mặt với nguy hiểm.
Thiếu thực phẩm, thiếu nhiên liệu, nước Anh phải trông chờ vào nguồn tiếp tế từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi chở hàng hóa trên Đại Tây Dương, nhiều tàu Anh đã bị tàu ngầm Đức bắn chìm.
Churchill một lần nữa kêu gọi sự trợ giúp từ phía Mỹ. Tổng thống Roosevelt đã tri ân ông, bằng cách cho nước Anh mượn 50 tàu khu trục để bảo vệ các tàu hàng trên biển.
Những bài diễn văn của Churchill sau đó cũng gây được niềm tin của người dân Mỹ, rằng nước Anh xứng đáng được trợ giúp để chống lại phát xít.
Đặt giả thuyết, nếu như phải đơn độc chiến đấu với nước Đức trong tình trạng khó khăn về mọi mặt, Anh lựa chọn việc đầu hàng, phát xít Đức kiểm soát được toàn bộ châu Âu và mở cuộc tấn công vào Liên Xô, thì có lẽ, cục diện của cuộc Thế chiến II đã không thể lường trước. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Churchill, nước Anh đã chiến đấu ngoan cường cho đến khi kết thúc cuộc chiến.
Sang tận Đức tìm Hitler nói chuyện phải quấy, Winston Churchill gặp hậu quả thế nào?
Vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh đã có lần tức tốc sang nước Đức, đòi "phân phải trái" với Hitler, nhưng cái kết không như ông mong đợi.
Vị thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh đã có một thời kỳ đầy khó khăn (ảnh minh họa)
Sau khi bị "đá" khỏi chiếc ghế yêu quý nhất đời là Bộ trưởng Hải quân, cuộc đời của Winston Churchill trải qua nhiều thăng trầm. Ông không ngừng cố gắng hoạt động trở lại trên chính trường và tiếp tục được giao nhiều chức vụ khác nhau.
Tuy nhiên, đến năm 1929, Churchill chỉ còn giữ lại được một ghế dân biểu trong Quốc hội Anh. Tương lai chính trị của ông lúc này rất tăm tối.
Từ những năm 1930, trước cả khi Hiler lên nắm quyền nước Đức, Churchill đã đưa ra lời cảnh báo về cuộc chiến tranh sắp tới. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, sau thất bại trong Thế chiến I, nước Đức vẫn chưa từ bỏ tham vọng.
Churchill đã có nhiều bài phát biểu trước Quốc hội, chủ yếu tập trung vào phân tích ưu thế của máy bay Đức và sự yếu kém của không quân Anh. Ngày 30.7.1934, trong bài diễn văn tại Hạ viện Anh, Churchill đã phải gắt lên rằng:
"London là mục tiêu dễ bị tấn công nhất trên thế giới. Nó giống như một con bò béo tốt với bốn chân đã bị trói chặt, được đặt nằm dưới miệng con thú săn mồi."
Churchill đã yêu cầu chính phủ nhanh chóng gia tăng sức mạnh của không quân Anh, vì "cần có sự tin chắc vào khả năng giáng trả kẻ thù, sao cho có thể gây ra cho chúng sự thiệt hại chẳng kém gì thiệt hại chúng gây cho ta."
Tuy nhiên, những lời cảnh báo của Churchill chẳng mấy khi được xem trọng. Nhiều người còn chế giễu ông với biệt danh "nhà tiên tri của sách Khải Huyền".
Churchill là một trong những người sớm nhất thế giới, cảnh báo về cuộc Thế chiến II (ảnh minh họa)
Theo cuốn "Thủ tướng Anh Winston Churchill, cuộc đời và sự nghiệp", khi đảng Quốc xã của Hitler ngày càng nổi lên như một thế lực tại nước Đức, tháng 9.1932, Churchill đã quyết định sang Đức để tìm gặp Hitler.
Churchill là một trong số ít người hiểu được khuynh hướng độc tài, trong những bài phát biểu tranh cử của Hitler lúc bấy giờ. Ông đến Đức và liên hệ với Putzi, một nhà xuất bản khá thân thiết với Hitler. Churchill sau đó, được mời tham dự một bữa tiệc tại khách sạn nơi Hitler thường lui tới.
"Anh ta (Putzi) nói rằng tôi phải gặp Hitler và việc dàn xếp cho cuộc gặp chỉ là chuyện nhỏ. Hàng ngày, Hitler đến khách sạn này vào khoảng 5 giờ chiều, và hẳn sẽ rất vui nếu gặp tôi...
Tôi ngưỡng mộ những người bảo vệ quốc gia bại trận của họ, cho dù là tôi thuộc phe bên kia. Nếu ông ta (Hitler) chọn, ông ta hoàn toàn có thể là một người Đức yêu nước", Churchill viết trong hồi ký của mình.
Tuy nhiên, khi Putzi bày tỏ tư tưởng bài trừ người Do Thái của Hitler, Churchill đã không khỏi bất ngờ và thốt lên:
- Tại sao lại đi chống đối một người chỉ vì huyết thống của anh ta?
Churchill vì vậy, lại càng quyết tâm gặp Hitler hơn. Ông muốn đối mặt và thuyết phục Hitler bỏ cái thứ "suy nghĩ điên rồ" đó ra khỏi đầu óc.
Những câu nói tưởng như vô hại của Churchill đã đến tai Hitler khi nào chẳng hay. Hôm sau và những hôm sau nữa Hitler không hề đến cuộc hẹn.
Churchill quyết tâm sang Đức để đối mặt với Hitler (ảnh minh họa)
Sau khi trở về Anh, Churchill là người nhanh hơn bất cứ ai khác lên tiếng về mối hiểm họa từ Hitler. Ông gọi đảng Quốc xã của Hiler là "cái hoàn cảnh đáng ghét đang chi phối nước Đức và nó đang thách thức những quyền lợi của Anh". Như thường lệ, những phát biểu của Churchill lại bị chế giễu và phản đối.
Năm 1934, Hitler chính thức nắm quyền nước Đức và thiết lập chế độ độc tài, tăng cường sức mạnh quân sự. Đối với mối nguy này, chính quyền Anh lại thực hiện chính sách xoa dịu.
Anh đề nghị các quốc gia châu Âu cùng giảm trừ quân bị. Thậm chí, Thủ Tướng Anh khi đó là MacDonald còn ra lệnh cắt giảm binh lực Anh để thể hiện sự gương mẫu.
Churchill đã tỏ ra vô cùng bất mãn với những chính sách này của chính phủ. Ông ngày càng có nhiều bài phát biểu chống đối. Thậm chí, có lần Churchill còn chấp nhận bị phạt 400 bảng Anh (tương đương 12.000 bảng Anh hiện nay) vì hủy hợp đồng diễn thuyết tại Mỹ, để ở lại đọc các bài phát biểu lên án chính quyền.
Đáp lại những nỗ lực không ngừng nghỉ của Churchill, vẫn chỉ là sự thờ ơ và khinh miệt. Tháng 10.1938, một bức thư được gửi đến cho James Hawkey - Chủ tịch đảng Bảo thủ, viết:
"Thật đáng tiếc khi ông ta (Churchill) gây ra sự bất hòa trong Hạ viện vì những bài diễn văn đã đọc... Tôi nghĩ là sẽ tốt hơn nhiều nếu ông ta giữ im lặng và đừng đọc thêm bài diễn văn nào nữa.
Nhiều cử tri từ những khu vực hành chính khác, như Harlow, rất giận dữ với Churchill. Tôi nghe được rằng đã có cuộc biểu tình ở Epping (nơi Churchill sắp ra tranh cử) chống lại ông ta và tất cả như một mớ bòng bong."
Vào thời điểm bấy giờ, người Anh có xu hướng chán ghét chiến tranh và sợ hãi trước sự hiếu chiến của nước Đức.
Những lời phát biểu của Churchill về mối nguy từ chế độ độc tài của nước Đức thường bị chế nhạo (ảnh minh họa)
Tháng 9.1938, Thủ Tướng mới của nước Anh là Chamberlain đã bay qua Munich để gặp mặt Hitler. Tại đây, Anh đã công nhận nhiều yêu sách của Hitler về vấn đề chủ quyền của nước Tiệp Khắc.
Hiệp ước Munich đã cho phép Đức sáp nhập những vùng đất có đa số dân Đức sống ở Tiệp Khắc. Tiệp Khắc đã mất cho Đức gần 30.000 km vuông lãnh thổ.
Khi Thủ Tướng Chamberlain về tới phi trường London, ông đã vẫy chào đám đông bằng bản hiệp ước Munich đã ký với nhà độc tài Quốc xã và hô lớn: "Hòa bình trong thời đại của chúng ta".
Trái lại, Churchill đã coi hiệp ước này là một biên bản đầu hàng nhục nhã. Trước Quốc hội Anh, ông nói thẳng với Thủ tướng Chamberlain:
"Ngài được chọn lựa giữa chiến tranh và sự mất danh dự. Ngài đã chọn sự mất danh dự và ngài sẽ gặp chiến tranh".
"Tất cả những gì mà ngài Thủ tướng làm được, là buộc kẻ độc tài người Đức (Hitler) thay vì ngốn một lúc tất cả những món được dọn trên bàn ăn, giờ lại phải tạm hài lòng với việc được phục vụ từng món một...
Mọi chuyện thế là hết. Im lặng thê lương, bị bỏ mặc, bị tan rã, Tiệp Khắc chìm vào bóng tối", Churchill phát biểu.
Churchill kịch liệt phản đối thủ tướng Anh vì ký hiệp ước Munich với Hitler (ảnh minh họa)
Những lời phát biểu của Churchill đã gây ra một làn sóng phản đối giận dữ từ các dãy ghế trong Quốc hội Anh. Thậm chí, có người còn la ó, gọi bài nói của ông là vô nghĩa, xuất phát từ miệng lưỡi của một kẻ đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chiến tranh.
Ngày 15.3.1939, quân Đức tràn vào Tiệp Khắc mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào. Trước khi rời Berlin tới Tiệp Khắc thị sát tình hình, Hitler tuyên bố một cách hãnh diện: "Tiệp Khắc đã bị xóa sổ."
Sự việc Tiệp Khắc bị Đức chiếm đã trở thành một cú sốc đối với người Anh. Làn sóng ủng hộ Churchill và phản đối chính quyền lan rộng khắp cả nước. Tại hơn 600 địa điểm London, những tờ áp phích được dán kín trên những bức tường với dòng chữ "Đâu là cái giá để Churchill tham chính?".
Cuộc chiến của Churchill lại tiếp tục bắt đầu, nhưng liệu tất cả đã quá muộn, bởi sự chủ quan trước đó của nước Anh?
___________
Chính vì phớt lờ những lời cảnh báo của Churchill về mối nguy từ Hitler và Đức Quốc xã, trong giai đoạn đầu của cuộc Thế chiến II, nước Anh và cả châu Âu đã phải trả giá đắt. Vào những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc chiến, Churchill đã đứng lên trở thành người hùng của cả châu Âu như thế nào? Mời các bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau.
Theo danviet.vn
Tại sao Hitler không thể thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ? Ai cũng biết rằng ước mơ thời niên thiếu của Hitler là được trở thành một họa sĩ nổi tiếng, tuy nhiên, ông ta đã không thể thực hiện được ước mơ đó. Lý do một nằm trong chính những bức tranh vẽ của Hitler. Hitler mơ ước trở thành họa sĩ ngay từ khi còn nhỏ (ảnh internet) Adolf Hitler (1889 -...