Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu: Sớm muộn Trung Quốc sẽ lập ADIZ ở Biển Đông
“Với việc Trung Quốc đã hoàn thành xong việc xây đảo nhân tạo, tiếp đó là đưa cả pháo hạm, vũ khí rồi cân nhắc đưa tên lửa phòng không ra các đảo đó thì việc Trung Quốc sẽ lập vùng nhận dạng phòng không ( ADIZ) trên Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian”, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nhận định.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 48 diễn ra tại Malaysia hồi tuần trước đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế. Nội dung quan trọng nhất vẫn là vấn đề Biển Đông, những hành động xây cất đảo nhân tạo trái phép của phía Trung Quốc trong hơn 1 năm qua đã được các đại biểu đem ra bàn bạc, phân tích rất thẳng thắn.
Đặc biệt, điều khiến dư luận tỏ ra khá bất ngờ là tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị: “Trung Quốc đã ngừng xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông”.
Lập tức, nó đã khiến cho các đại biểu tham dự cũng như nhiều nhà quan sát tỏ ý hồ nghi về “độ chân thực” của tuyên bố này do ông Vương Nghị phát ra.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia quân sự, cựu tướng lĩnh qua các thời kỳ, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu – nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân đã dành cho Báo Năng lượng Mới – PetroTimes một cuộc trao đổi thẳng thắn để cung cấp đến bạn đọc thông tin đa chiều xoay quanh nội dung trên.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu – nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân.
Mở đầu cuộc trò chuyện, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nhấn mạnh: “Việc một lần nữa Trung Quốc lại đưa ra một lời hứa hẹn rằng đã ngừng xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông là hành động chỉ mang tính hình thức thôi. Bản thân họ thừa hiểu bản chất của sự việc đang đi tới đâu rồi”.
Dù vậy, vị cựu tướng lĩnh phòng không cho rằng, trong vòng 3 năm qua, đây là hội nghị có thể nói là thành công nhất của khối ASEAN.
“Còn nhớ hồi năm 2012, Hội nghị AMM lần thứ 45 tại Campuchia đã không thể ra tuyên bố chung vì nhiều bất đồng sâu sắc về vấn đề Biển Đông. Tại AMM – 48 năm nay, vẫn là vấn đề Biển Đông nhưng khối ASEAN đã cho thấy được sự đoàn kết, đồng lòng để nêu bật được quan ngại chung của khu vực về những hành vi cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc trên biển trong thời gian qua”, Trung tướng Mậu cho hay.
Qua những diễn biến liên quan mà các cơ quan thông tấn cung cấp, tướng Nguyễn Xuân Mậu đặc biệt lưu ý: “Tình hình khu vực đang có những diễn tiến phức tạp. Trung Quốc ngày càng ngang ngược. Song hành với đó là thái độ vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của Mỹ, Nhật và một số cường quốc khác. Chúng ta cần có cái nhìn tổng quan thật đầy đủ để sớm nhận ra âm mưu, dự đoán hành động tiếp theo của Trung Quốc trên bàn cờ thế giữa Trung Quốc – ASEAN – Mỹ”.
Nhấn mạnh tới yếu tố đoàn kết nội khối, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân cho rằng, tại Hội nghị Ngoại trưởng vừa qua, các nước ASEAN về cơ bản đã đoàn kết nói lên những quan ngại chung. Nhưng đằng sau thì vẫn còn yếu tố lợi ích quốc gia riêng của từng nước trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông.
Hình ảnh các vị đại biểu tham dự Hội nghị AMM – 48 thống nhất ra bản tuyên bố chung trong đó, nhấn mạnh tới các quan ngại về tình hình Biển Đông (Nguồn: IT).
“Chỉ có Việt Nam, Philippines và Malaysia là 3 nước có lợi ích thiết thân, rõ ràng trong tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc nên ngôn từ diễn đạt tại hội nghị cũng như trong tuyên bố chung là khá mạnh mẽ, nhất quán. Trung Quốc tưởng chừng có thể chi phối được cả khối nhưng họ đã nhầm”, vị cựu tướng nhận định.
Theo một số thông tin được trích dẫn từ CSIS (Mỹ), hiện nay Trung Quốc đã hoàn thành đường băng dài khoảng 3.000m trên bãi đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tướng Mậu dự đoán, trong tương lai, rất có thể Trung Quốc sẽ không chỉ muốn sở hữu một đường băng. Họ sẽ còn xây thêm đường băng nhằm phục vụ cho mục đích quân sự, nhằm dễ bề khống chế khu vực này từ phía biển.
Vị tướng đã ngoài 90 tuổi thẳng thắn cho rằng: “Với dã tâm bành trướng lãnh thổ lãnh hải của mình, Trung Quốc luôn là một “ẩn số khó đoán định” đối với cộng đồng khu vực và quốc tế”.
Về nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sớm muộn sẽ lập vùng nhận dạng phòng không ( ADIZ) trên Biển Đông, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nói: “Khả năng này theo tôi thấy là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi, họ đã hoàn thành xong việc xây đảo nhân tạo. Tiếp đó, họ đã đưa cả pháo hạm, vũ khí rồi cân nhắc đưa tên lửa phòng không ra các đảo đó. Đấy là chưa kể đường băng dài hàng ngàn mét ở Đảo Chữ Thập có khả năng đáp ứng cho hàng chục máy bay quân sự ra đó”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông cho rằng, Mỹ đang là một yếu tố đặc biệt mà Trung Quốc phải dè chừng.
ADIZ do Trung Quốc tuyên bố trên biển Hoa Đông.
Trước đó, Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Bởi việc đơn phương thành lập ADIZ trên vùng biển sẽ ảnh hưởng lớn đến tự do đi lại.
“Mọi động thái khiêu khích, tập trận hải quân của Trung Quốc trong thời gian qua đều chỉ là nhằm đối phó với những động thái cứng rắn của Mỹ. Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các bên có những hành động phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Khi một trong các bên đi ngược lại điều này thì đương nhiên, Mỹ cũng như Nhật Bản, Úc cũng sẽ phải vào cuộc cùng những hành động cụ thể”, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu đánh giá.
Vị tướng này nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tiếp tục chính sách đối ngoại đúng đắn, khôn khéo của mình nhằm phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.
Theo Minh Nhật – Thảo Phượng
PetroTimes
Ảnh phân giải cao Trung Quốc rầm rộ xây đảo nhân tạo
Những tấm ảnh chụp từ vệ tinh với độ phân giải cao được công bố đầu tháng 3 năm nay cho thấy các hoạt động xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam diễn ra rầm rộ với những khu vực được cải tạo nằm ở bãi Vành Khăn, bãi Xu-bi, bãi Chữ Thập cùng nhiều bãi san hô khác.
Đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép trên bãi Gạc Ma.
Trung Quốc đang nhanh chóng, một cách trái phép, biến nhiều bãi san hô của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành các căn cứ quân sự của nước này. Đây được xem là một phần trong chiếc lược củng cố vị trí của Trung Quốc trên Biển Đông, bất chấp những phản đối của các nước trong khu vực và thế giới.
Những căn cứ mới xây dựng này nhiều khả năng được Trung Quốc sử dụng để gây sức ép lên các hoạt động quân sự cạnh tranh khác trong khu vực. So với mục đích hỗ trợ và tăng cường giám sát không lưu trong bối cảnh Trung Quốc dự tính thiết lập vùng cấm bay (ADIZ) trên Biển Đông, những căn cứ mới có vẻ như mang nhiều tiềm lực hơn thế.
Bãi Chữ Thập
Cách đường bờ biển Trung Quốc hơn 1.000km, tính đến tháng 3/2015, bãi Chữ Thập đang tiệm cận đến việc trở thành một căn cứ hải quân/không quân kết hợp lớn hơn bất kì căn cứ nào cùng loại trên quần đảo Trường Sa.
Bãi Chữ Thập với cảng mới xây dựng và một đường băng dài tới 3.300 mét. Khu vực màu xanh nhạt ở giữa là rạn san hô ban đầu, sau được Trung Quốc bồi đắp, mở rộng.
Căn cứ mới này có một cảng biển có thế đón những tàu hải quân lớn nhất của Trung Quốc, cũng như sở hữu một đường băng đủ dài (3.300m) cho các máy bay chiến đấu và hỗ trợ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Hải quân và Không quân Trung Quốc.
Cảng mới xây ở bãi Chữ Thập cho phép Trung Quốc tiếp cận nhanh đến các vùng nước sâu (2.000m, chỉ cách bờ vài km), một cảng biển phù hợp cho việc làm căn cứ tàu ngầm hơn các vùng nước nông quanh cảng của hạm đội Nam Hải tại đảo Hải Nam.
Bãi Gạc Ma
Các công trình trên bãi Gạc Ma.
Những công trình mới được xây dựng tại bãi Gạc Ma khả năng bao gồm các tháp radar (hoặc chống máy bay), các ụ súng và một tòa nhà lớn, nhiều tầng với diện tích trên 530m2. Tuy nhiên, trái ngược với những thông tin trước đó, không có dấu hiệu của việc xây dựng đường băng.
Bãi Vành Khăn
Tại bãi Vành Khăn, một chiếc tàu nạo vét bồi đắp một khu đất mới ở mép phía nam trong khi đó một khu đất khác chưa từng được đưa tin cũng đang thành hình ở rìa phía tây.
Bãi Vành Khăn.
Cùng lúc đó, hoạt động xây dựng cũng diễn ra tại bãi Tư Nghĩa, bãi Ga Ven và bãi Châu Viên với các tòa nhà cao tầng, tháp radar và có khả năng có các ụ súng cùng những bức tường gia cố biển lẫn các bãi đậu tàu đã hoặc gần như hoàn thành. Các tòa nhà tại bãi Tư Nghĩa và Ga Ven gần như đồng nhất, và tương tự với tòa nhà ở bãi Gạc Ma.
Sự tương đồng của các công trình trên các bãi Ga Ven, Tư Nghĩa và Gạc Ma.
Tại hai địa điểm ở phía tây nam bãi Xu-bi, khu đất mới đang hình thành với sự hiện diện của bốn tàu nạo vét và trên 10 tàu xây dựng liên quan.
Bãi Xu-bi.
Ở mũi phía bắc của bãi Én Đất có khu vực đất mới hình thành lẫn dấu vết của những tàu nạo vét trên đáy biển gần đó. Tuy nhiên không có con tàu nào xuất hiện trong các tấm ảnh.
Bãi Én Đất.
Những vùng nước sâu gần tám bãi san hô được phân tích ở đây có thể còn là các kênh hoạt động của tàu ngầm thuộc hải quân các nước khác, ví dụ Mỹ, Việt Nam, Singapore, Nhật Bản... Hải quân Trung Quốc được cho có thể sử dụng những căn cứ mới xây dựng này để triển khai lực lượng quân sự cố định cũng như hỗ trợ các loại hình không quân, hải quân và giám sát chống ngầm khác.
Cảng biển tại bãi Chữ Thập.
Đô đốc Harry B. Harris Jr. - tân tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, ghi nhận, trong khi các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chỉ tôn tạo với tổng diện tích chừng 40,46 ha trong hơn 45 năm qua, thì "chỉ trong 18 tháng, Trung Quốc đã bồi đắp tới 1.214,1 ha".
Bãi Tư Nghĩa.
Tại diễn ra trong tháng này tại thủ đô Washington (Mỹ), một học giả Trung Quốc đã đặt câu hỏi: Philippines cũng có các hoạt động xây dựng tại vùng biển này, cũng như Trung Quốc. Vậy đâu là sự khác biệt hay có một tiêu chuẩn kép ở đây?
Bãi Ga Ven.
Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam cho biết, sự khác biệt vô cùng lớn trong hoạt động xây dựng này là việc một bên xây dựng với mục đích phòng vệ trong một bên lại xây dựng nhằm mục đích tấn công.
Bãi Châu Viên.
Theo ông Lee Hsiang-Chou, người đứng đầu Cục An ninh Đài Loan, tầm quan trọng mang tính chiến lược của việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại quần đảo Trường Sa trở nên rõ ràng vào tháng 9/2014, thời điểm đích thân ông Wu Shengli, tư lệnh của Hải quân Trung Quốc, thân chinh thị sát các cơ sở xây dựng trái phép của nước này.
Ông Lee cũng cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân cho phép xây dựng 5 địa điểm quân sự mới của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa.
Theo Anh Minh/ SIA
baotintuc.vn
Gần 1.200 trẻ mầm non đối mặt với nguy cơ không có chỗ học Với việc hai trường mầm non thuộc quản lý của Cục Hậu Cần - Quân chủng Phòng không Không quân thông báo sẽ giải thể sau hai tháng nữa khiến nhiều phụ huynh bị "sốc". Gần 1.200 trẻ đang theo học hai trường này đang đối mặt với nguy cơ không có chỗ học. Theo tìm hiểu của Dân trí, Trường mầm non...