Trung Quốc yêu cầu các công ty điện lực duy trì nguồn cung bằng mọi giá
Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các công ty năng lượng nhà nước – cụ thể là các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phát điện chạy dầu diesel, phải bảo đảm nguồn cung trong mùa đông này.
Giao thông ách tắc tại thủ phủ Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh do đèn tín hiệu không hoạt động vì mất điện. Ảnh: Weibo
Hãng tin Bloomberg ngày 1/10 dẫn nguồn thạo tin ẩn danh cho biết lệnh do Phó Thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng) trực tiếp ban hành sắc lệnh, sau một phiên họp khẩn cấp với giới chức cơ quan quản lý vốn nhà nước và bộ phận hoạch định kinh tế. Ông Hàn Chính là người phụ trách ngành năng lượng và sản xuất công nghiệp và thông điệp được ông đưa ra là không chấp nhận để xảy ra tình trạng cắt điện.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) trong phiên giao dịch sáng ngày 1/10 đã tăng trở lại sau phiên giảm giá trước đó. Khí đốt tự nhiên hợp đồng giao sau trên sàn New York cũng tăng mạnh. Giá than Trung Quốc kỳ hạn giao sau tăng lên mức kỉ lục trong ngày 30/9, giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ngay trước kỳ nghỉ tuần lễ vàng. Giá than đã tăng gấp đôi trong năm nay, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện sản xuất tại Trung Quốc lại bùng nổ, sản lượng than khai thác than nội địa suy yếu.
Việc Phó Thủ tướng Hàn Chính triệu tập họp khẩn cho thấy rõ tính chất, mức độ nghiêm trọng về thiếu hụt điện năng. Khủng hoảng năng lượng lần này đã tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh trên cả nước. Nhiều vùng đã phải thực thi biện pháp cấp điện sản xuất hạn chế cho khu vực công nghiệp, nhiều khu dân cư rơi vào tình cảnh bị cắt điện bất ngờ.
Căng thẳng nguồn điện tại Trung Quốc đã lan ra bên ngoài, gây ra những biến động lớn trên thị trường hàng hóa thế giới, đẩy giá cả nhiều mặt hàng, nguyên liệu đầu vào từ phân bón tới silicon tăng mạnh.
Phát biểu với giới chức ngoại giao quốc tế ở Trung Quốc ngày 29/9, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết chính phủ sẽ nỗ lực hết mức để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm nhu cầu cơ bản của đời sống, sinh hoạt, duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất công nghiệp ổn định.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc suy thoái lần đầu tiên sau 18 tháng
Chỉ số chính thức về hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã lần đầu tiên chuyển sang vùng suy thoái kể từ tháng 2/2020 - thời điểm nền kinh tế thứ 2 thế giới chịu cú sốc lớn từ đại dịch COVID-19.
Công nhân làm việc tại một dây chuyền lắp ráp ô tô tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: VCG
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 30/9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 là 49,6, giảm so với mức 50,1 hồi tháng 8. Mốc này cũng chấm dứt chu kỳ mở rộng sản xuất kéo dài liên tục trong 18 tháng qua tại Trung Quốc. 50 điểm theo thang PMI là ngưỡng chia tăng trưởng dương và âm.
Suy giảm này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đối diện với thách thức, sức ép ngày một lớn, đến từ đà suy yếu trên thị trường bất động sản, cùng với đó là khủng hoảng thiếu điện gây khó khăn cho sản xuất trong nước
Một tín hiệu khác đáng lo ngại chính là chỉ số đơn hàng mới trong tháng 9 giảm xuống còn 49,3 so với mức 49,6 của tháng 8 và đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp. Riêng chỉ số đơn hàng xuất khẩu giảm sâu hơn, xuống 46,2 từ mốc 46,7 trong tháng 8.
Trong khi đó chỉ số PMI phi sản xuất phục hồi trở lại, từ mốc 47,5 trong tháng 8 lên 53,2 trong tháng 9, nhờ vào việc Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Trung Quốc thiếu điện, Anh thiếu xăng: Nguồn cơn khủng hoảng năng lượng thế giới là gì? Tình trạng thiếu năng lượng ở Trung Quốc, Anh và châu Âu nói chung đang gây ra những gián đoạn lớn. Một nhà máy sản xuất than ở Hejin thuộc tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc. Ảnh: AP Theo Aljazeera, hàng triệu người ở miền bắc Trung Quốc đã phải sống chung với tình trạng thiếu điện chưa từng có tiền lệ....