Trung Quốc xóa sổ 90 ứng dụng do thu thập thông tin cá nhân bất thường
Hai tuần sau khi áp dụng quy định mới về thu thập dữ liệu, Trung Quốc ra lệnh cho các chợ gỡ bỏ 90 ứng dụng.
MaiMai là 1 trong các số ứng dụng bị gỡ bỏ.
Hôm 13/5, Trung Quốc yêu cầu các kho ứng dụng xóa sổ 90 phần mềm do “thu thập thông tin cá nhân bất thường”. Nó cho thấy sức mạnh của nhà chức trách trong công cuộc quản lý các hãng công nghệ nội địa.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIT) thông báo các ứng dụng sẽ bị gỡ bỏ trong thời gian chưa xác định. Nền tảng đặt vé trực tuyến Damai, ứng dụng đặt phòng khách sạn Tuniu, nền tảng tuyển dụng Maimai… nằm trong số các chương trình bị ảnh hưởng. Những người đã cài đặt vẫn được tiếp tục sử dụng.
Quyết định được MIT đưa ra chỉ 2 tuần sau khi Trung Quốc áp dụng luật mới, xác định loại dữ liệu nào mà ứng dụng được phép thu thập và loại nào không. Một số sai phạm khác của các ứng dụng nói trên bao gồm “ép người dùng sử dụng khuyến mãi mục tiêu”, “thu thập dữ liệu người dùng ngoài phạm vi xác định”, “gây nhầm lẫn để người dùng tải về ứng dụng”.
Video đang HOT
Đây là làn sóng mới nhất trong một loạt chiến dịch từ Bắc Kinh nhằm giám sát chặt chẽ hơn việc thu thập dữ liệu cá nhân và các hành vi khác của Big Tech. Các ứng dụng có thể xuất hiện trở lại sau khi chỉnh sửa theo yêu cầu, tuy nhiên MIT đề nghị các chợ duy trì tiêu chuẩn nghiêm ngặt khi đánh giá ứng dụng.
Trước đây, một số ứng dụng bị xóa vẫn trở lại sau khi thay đổi. Chẳng hạn, trình duyệt UC của Alibaba và công cụ tìm kiếm của Qihoo 360 biến mất khỏi các chợ ứng dụng Trung Quốc sau khi bị Đài truyền hình Trung ương nhắc tên vào ngày 15/3 vì bao gồm quảng cáo lừa đảo. Dù vậy, hiện nay cả hai đều có thể tải về.
Không phải ứng dụng nào cũng may mắn như vậy. Phiên bản Trung Quốc của TripAdvisor là 1 trong 105 ứng dụng bị gỡ bỏ tháng 12/2020 vì truyền bá nội dung khiêu dâm, bạo lực… Ứng dụng này chưa có ngày trở lại.
Phạt 30 triệu đồng khi website TMĐT vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân
Hành vi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước, sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích sẽ bị phạt 30 triệu đồng hoặc đình chỉ hoạt động nếu tái phạm.
Nghị định mới quy định các mức phạt đối với hành vi vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động TMĐT.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ hôm nay (15/10). Theo quy định tại Điều 65 Nghị định này, nhiều hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) bị phạt nặng.
Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức có các hành vi xây dựng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân không đúng quy định; không hiển thị công khai cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân tại vị trí dễ thấy trên website thương mại điện tử.
Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: không hiển thị rõ ràng cho người tiêu dùng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin; không tiến hành kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh, hủy bỏ thông tin cá nhân khi có yêu cầu của chủ thể thông tin.
Không có cơ chế để chủ thể thông tin bày tỏ sự đồng ý một cách rõ ràng khi tiến hành thu thập thông tin, thông qua các chức năng trực tuyến trên website, thư điện tử, tin nhắn, hoặc những phương thức khác theo thỏa thuận giữa hai bên.
Đối với vi phạm không có cơ chế riêng để chủ thể thông tin được lựa chọn việc cho phép hoặc không cho phép sử dụng thông tin cá nhân của họ trong những trường hợp: chia sẻ, tiết lộ, chuyển giao thông tin cho một bên thứ ba hoặc sử dụng thông tin cá nhân để gửi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và các thông tin có tính thương mại khác cũng bị xử cùng mức phạt trên.
Mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm gồm: không thiết lập cơ chế tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc thông tin cá nhân bị sử dụng sai mục đích hoặc phạm vi đã thông báo;
Không xây dựng, ban hành hoặc không thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng hoặc hành vi không công bố trên website chính sách về bảo mật thông tin thanh toán cho khách hàng trên website có chức năng thanh toán trực tuyến.
Đáng chú ý, mức phạt nặng nhất dành cho các hành vi vi phạm về thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng mà không được sự đồng ý trước của chủ thể thông tin;
Thiết lập cơ chế mặc định buộc người tiêu dùng phải đồng ý với việc thông tin cá nhân của mình bị chia sẻ, tiết lộ hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo và các mục đích thương mại khác; hoặc hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng không đúng với mục đích và phạm vi đã thông báo.
Ngoài các biện pháp xử phạt hành chính, quy định tại Nghị định mới cũng có hình thức xử phạt bổ sung đó là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 6 tháng đến 12 tháng khi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm các hành vi thu thập thông tin người dùng mà không được sự đồng ý; thiết lập cơ chế mặc định buộc người dùng cung cấp thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin cá nhân không đúng mục đích.
Đối với những vi phạm này, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Nga siết thêm các hãng công nghệ phương Tây Các hãng công nghệ nước ngoài phải mở văn phòng đại diện tại Nga nếu không sẽ bị phạt như cấm thực hiện các hoạt động quảng cáo. Hôm 13/5, người đứng đầu Ủy ban công nghệ thông tin và chính sách thông tin tại Duma quốc gia (Hạ viên) Nga, Alexander Khinshtein đã đệ trình một dự luật yêu cầu các hãng...