“Trung Quốc vẫn chỉ là một đứa trẻ to xác”
“Người ta đã nói quá nhiều về một viễn cảnh Hoa Kỳ suy thoái và sắp phải nhường vị thế số 1 thế giới cho Trung Quốc. Trên lý thuyết, điều này là có thể nhưng liệu Trung Quốc sẽ “thống trị thế giới” kiểu gì khi mà họ còn chưa thu xếp ổn thỏa “việc trong nhà” của mình?”, ông Christopher R. Hill-kiến trúc sư nổi tiếng cho các chính sách ngoại giao của Mỹ trong thập niên 1990 và 2000 đặt câu hỏi.
Ngày 22/8, mạng tin Project Syndicate đã đăng tải bài phân tích có tiêu đề “Sự chia rẽ trong nhà của Trung Quốc” của ông Christopher R. Hill – Hiệu trưởng trường nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Denver (Mỹ) về các chính sách ngoại giao của Trung Quốc và khả năng của viễn cảnh “Trung Quốc trỗi dậy, chiếm đoạt ngôi vị số 1 thế giới và “cầm trịch” trong các vấn đề quốc tế thay cho Hoa Kỳ”. Ông Christopher R. Hill nổi tiếng với vai trò là một trong những kỹ sư trưởng cho các chính sách ngoại giao của Mỹ trong thập niên 1990 và 2000, là người góp công lớn dẫn đến kết thúc cuộc chiến tranh ở Bosnia và là thành viên đặc biệt của phái đoàn quốc tế đến Kosovo cuối những năm 1990 cũng như là nhân vật dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ tham dự các cuộc hội đàm 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ngoài việc đảm nhiệm chức vụ đại sứ Mỹ tại nhiều quốc gia, ông Hill còn được biết đến với vai trò trợ lý cấp cao về các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương cho ngoại trưởng Mỹ.
Đường lưỡi bò giống như một chiếc thòng lọng đang siết cổ chính kẻ vẽ ra nó là Trung Quốc
Trong bài phân tích của mình, ông Christopher R. Hill khẳng định các chính sách ngoại giao đã từng làm nên vị thế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế đang bị thay thế bởi chính sách có thiên hướng “to tiếng, chỉ tay vào mặt người khác, tự cho là mình đúng và chỉ biết tố cáo ngược”. Đây cũng là cơ hội để Trung Quốc tranh thủ vươn lên với hình ảnh là một “cường quốc thân thiện, sẵn sàng đầu tư không vụ lợi”… và nhăm nhe chiếm ngôi của người Mỹ.
Nhưng có điều, Trung Quốc vẫn còn quá non nớt trong cuộc chơi ngoại giao quốc tế và cái mà nhiều quốc gia nhìn thấy “Trung Quốc vẫn chỉ là một đứa trẻ to xác trong hành trình tập làm người lớn”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã rất sai lầm khi áp dụng kiểu cưỡng bức mang phong cách từ thế kỷ 19 trong những cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á. Bất chấp những bằng chứng về pháp lý và lịch sử không thể chối bỏ, Trung Quốc tự vẽ ra một tấm bản đồ với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) và tuyên bố độc chiếm biển Đông thành cái “ao nhà” của mình. Điều đáng ngạc nhiên là tấm bản đồ với đường 9 đoạn ấy lại là di sản của một nước Trung Hoa dưới thời Tưởng Giới Thạch (năm 1949) – kẻ mà họ đã đánh đuổi và phải chạy ra tới tận đảo Đài Loan. Trong các tuyên bố của mình, Trung Quốc cho rằng biển Đông là lãnh thổ của họ “từ hàng ngàn năm trước” nhưng những gì mà họ có thể trưng ra lại chỉ mới có từ khi Trung Quốc bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng (năm 1945) đến nay. Ai cũng biết, Trung Quốc có lịch sử khá dầy về văn hóa nhưng về lĩnh vực hàng hải họ lại chẳng có chút tên tuổi nào và thậm chí còn thua xa những láng giềng ở phía Nam. Dẫu vậy, bằng những thành tựu kinh tế mà họ đã đạt được trong những năm gần đây (cùng với sự hỗ trợ của một số hạm đội tàu chiến), Trung Quốc vẫn nhất quyết thể hiện tham vọng chiếm đoạt biển Đông bất chấp các quốc gia láng giềng lên tiếng kêu gọi họ chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế và tôn trọng những cuộc đàm phán ngoại giao.
Trong lúc này, Trung Quốc lại mắc phải một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khi họ ra sức tuyên truyền cho người dân trong nước rằng Biển Đông là của họ thì ngược lại, những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc ngay lập tức chĩa mũi dùi vào chính phủ và tố cáo rằng “Chính phủ đã quá nhu nhược và yếu kém nên không bảo vệ được lợi ích quốc gia”. Hàng ngày, mạng Internet dù đã được kiểm duyệt rất gắt gao của Trung Quốc vẫn ngập tràn những lời chỉ trích dạng này.
Ra sức tuyên truyền về cái gọi là chủ quyền của mình trên biển nhưng chính Trung Quốc lại đang vấp phải mũi nhọn chỉ trích của dư luận trong nước và bị coi là “hèn kém, không bảo vệ được lợi ích quốc gia”.
Những sức ép từ trong nước cũng khiến Trung Quốc rất khó có được sự chủ động thoải mái trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế mà việc giải quyết tranh chấp với láng giềng ở Biển Đông là ví dụ. Trên thế giới, việc tranh chấp lãnh hải là khá phổ biến nhưng dư luận trong nước liên tục đòi hỏi Trung Quốc phải “thể hiện sức mạnh” bởi hiện tại kể cả các nước nhỏ lẫn nước lớn trên thế giới vẫn không ngừng chế nhạo Trung Quốc.
Bên cạnh những hành động sai lầm và nông nổi ở Biển Đông, uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng không thể tăng cao hơn bởi đến nay họ vẫn là một quốc gia ủng hộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Thậm chí, khi có một sự cố bất thường xảy ra, Trung Quốc cũng không thể hiện được “vị thế” của mình. Chẳng hạn như vụ Triều Tiên nã đạn pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc, đẩy tình hình trên bán đảo này căng thẳng như một thùng thuốc súng, đáng lẽ khi đó Trung Quốc phải nhanh chóng lên tiếng nhưng họ đã tỏ ra rất “thong thả” và đẩy mối quan hệ song phương với Hàn Quốc xấu đi đáng kể. Không chỉ có Hàn Quốc mà cộng đồng quốc tế sau đó cũng tỏ ra rất coi thường Trung Quốc.
Theo infonet