Trung Quốc tính xây sân bay nổi cho Trường Sa
Trung Quốc tuyên bố “đạt đột phá” trong nghiên cứu chế tạo sân bay nổi để đưa ra Trường Sa.
Mô hình sân bay nổi Trung Quốc. Ảnh: qq.com
Theo Nhật báo khoa học Trung Quốc, nước này dự tính đưa vật thể nổi cỡ lớn trên biển, hay sân bay nổi, ra Trường Sa, nơi nước này đã xây đường băng trái phép 3.000m trên đá Chữ Thập. Với kết cấu này, Trung Quốc có thể nối dài đường băng sẵn có hoặc tạo thêm sân bay bên cạnh sân bay trên đảo.
Sân bay nổi có thể do vài mảnh vật liệu cỡ lớn hoặc vài chục mảnh ghép thành. Nó dựa vào sức nặng lớn của vật liệu thép để tạo thành kết cấu nửa nổi nửa chìm, “mang lại cảm giác thăng bằng, ổn định không giống những kết cấu công trình nổi khác”. Tổng chiều dài dự tính của sân bay nổi là 2.400 – 3.200 m. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn nằm ở bản thiết kế.
Báo Trung Quốc cho rằng nước này đã qua mặt Mỹ trong việc chế tạo sân bay nổi, điều mà người Mỹ từng nghĩ tới nhưng chưa thực hiện được. Về mặt kỹ thuật, Trung Quốc hoàn toàn có thể chế tạo sân bay nổi, việc thực hiện chỉ còn cần ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao. Không chỉ một công ty mà nhiều công ty nước này cho biết có thể chế tạo sân bay nổi.
Giới quân sự Trung Quốc nhận định chi phí xây dựng một sân bay nổi thông thường không vượt quá 100 triệu Tệ (khoảng 15 triệu USD). Tuy nhiên, sân bay nổi ở Trường Sa có thể mất ít nhất vài trămtriệu Tệ. Đây không phải công trình vĩnh cửu, do đó Trung Quốc sẽ “ít gặp phản đối đến từ các nước khác”.
Video đang HOT
Báo Trung Quốc cũng nêu khả năng Trung Quốc đưa sân bay nổi ra bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines mà Bắc Kinh chiếm đóng từ tháng 6/2012.
Theo tính toán của giới khoa học Trung Quốc, một sân bay nổi với lượng giãn nước 30.000 – 50.000 tấn sẽ đủ sức chứa và là nơi cất, hạ cánh cho khoảng 100 máy bay chiến đấu J-10, J-11, J-15, J-16 và Su-30. Ngoài ra, sân bay này cũng đáp ứng yêu cầu của máy bay vận tải cỡ lớn IL-76, máy bay cảnh báo sớm AWACS-500, máy bay săn ngầm AWACS-200. Thậm chí, sân bay nổi còn là nơi tiếp tế cho tàu đổ bộ hải quân, tàu đổ bộ đệm khí.
Tháng 8/2015, Tập đoàn Jidong của Trung Quốc giới thiệu sản phẩm “cơ cấu nổi siêu lớn” (VLSF) tại triển lãm Thành tựu khoa học công nghệ quốc phòng ở Bắc Kinh. VLSF gồm nhiều môđun nhỏ ghép vào nhau tạo thành “đảo nổi” khổng lồ trên biển. Trang Popular Science dẫn nguồn tin quân đội Trung Quốc, cho biết các “đảo nổi” này nặng khoảngmột triệu tấn, được thiết kế để trở thành những căn cứ quân sự. “Đảo nổi” lớn nhất theo thiết kế của Hãng Jidong dài khoảng 900 m, rộng 120 m, loại nhỏ hơn có kích thước 300 – 900 m.
Văn Việt
Theo VNE
Trung Quốc tức giận vì Mỹ hiện diện ở căn cứ Philippines trên Biển Đông
Trung Quốc hôm qua chỉ trích Mỹ và Philippines sau khi hai nước đồng minh nhất trí tăng hiện diện của Washington tại căn cứ quân sự trên Biển Đông.
Quân đội Mỹ sẽ được phép sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philippines. Ảnh minh họa: Philstar
Mỹ và Philippines hôm 18/3 tuyên bố thỏa thuận cho phép Washington sử dụng 5 căn cứ của Manila, trong đó có căn cứ không quân Antonio Bautista ở đảo phía Palawan. Căn cứ này nằm gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
Thỏa thuận được đưa ra theo Hiệp ước Tăng cường Hợp tác Phòng thủ (EDCA) giữa hai nước. Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cho hay việc triển khai binh sĩ và trang thiết bị đến các căn cứ trên sẽ "sớm" diễn ra.
Khi được hỏi về thỏa thuận, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho rằng sự hợp tác Mỹ - Philippines không nên nhằm vào bất cứ bên thứ ba nào hay gây tổn hại đến chủ quyền hoặc lợi ích an ninh của các quốc gia khác.
"Tôi cũng muốn chỉ ra rằng gần đây quân đội Mỹ hay nói về cái gọi là quân sự hóa Biển Đông. Vậy họ có thể giải thích được việc họ tiếp tục tăng cường triển khai quân đội ở Biển Đông và các khu vực xung quanh không phải là hành động quân sự hóa?", Reuters dẫn lời bà Hoa nói.
Vị trí căn cứ không quân Antonio Bautista (chấm đỏ) và quần đảo Trường Sa của Việt Nam (vòng tròn đỏ). Đồ họa: Washington Post
Mỹ muốn tăng cường năng lực quân sự ở các nước Đông Nam Á và tăng hiện diện trong khu vực này trước những hành động hiếu chiến của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền với hầu hết Biển Đông.
Washington và các đồng minh trong khu vực bày tỏ quan ngại rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông khi xây dựng các sân bay và lắp đặt nhiều thiết bị vũ khí trên các đảo mà nước này chiếm đóng.
Dù tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ cho hay sẽ tăng cường các hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này bằng cách điều tàu hải quân đi qua đây.
Các đồng minh Malaysia và Australia hôm qua cũng tiếp tục kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
"Chúng tôi vô cùng kiên quyết tuyên bố rằng các hoạt động của chúng tôi sẽ tiếp tục, chúng tôi sẽ điều tàu và máy bay đến khu vực này của thế giới như chúng tôi muốn, vì nó cần thiết phải tuân theo luật pháp quốc tế", Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nói sau khi gặp người đồng cấp của bà ở Malaysia.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng nói rằng hoạt động tự do trên biển và trên không cần được duy trì.
Trung Quốc biện minh rằng nước này chưa bao giờ can thiệp vào sự tự do hàng hải và một số thiết bị được lắp đặt trên các đảo đá ở Biển Đông sẽ tạo điều kiện cho hoạt động hàng hải.
Anh Ngọc
Theo VNE
Trung Quốc cảnh báo Nhật không nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị G7 Trung Quốc đã cảnh báo Nhật Bản không nên mang vấn đề tranh chấp tại Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật vào tháng 5 tới, vì sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ 2 nước. Trung Quốc cảnh báo nếu Nhật Bản nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị G7, việc cải thiện mối quan hệ 2...