Trung Quốc: Thủ đô Bắc Kinh đối mặt nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng sau khi liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc mới lây lan trong cộng đồng trong vài ngày qua.
Trước tình trạng này, nhà chức trách y tế Bắc Kinh đã nhanh chóng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, quận Triều Dương ở thủ đô Bắc Kinh, nơi có khoảng 3,5 triệu cư dân, sẽ triển khai 3 đợt xét nghiệm axit nucleic hàng loạt, bắt đầu từ ngày 25/4 sau khi quận này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất trong đợt bùng phát dịch gần đây nhất ở thủ đô của Trung Quốc. Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh quận Triều Dương ngày 24/4 cho biết sẽ tiến hành xét nghiệm đối với những người đang sinh sống và làm việc ở quận này vào các ngày 25, 27 và 29/4.
Triều Dương đã báo cáo 11 ca mắc mới COVID-19 từ chiều 23 đến chiều 24/4, nâng tổng số ca mắc ở quận này kể từ ngày 22/4 lên 26 ca, bao gồm học sinh, giáo viên của một trường trung học cơ sở cùng những người thân của họ. Tổng cộng 1.230 người tiếp xúc gần với các ca bệnh đã phải cách ly.
Hai khu dân cư ở quận Triều Dương ngày 24/4 lần lượt được xếp vào khu vực có nguy cơ cao và nguy cơ trung bình. Người dân ở Triều Dương được khuyến khích làm xét nghiệm trước khi đi làm vào ngày 25/4 và giảm tối đa các hoạt động xã hội. Cơ quan phòng chống dịch của quận Triều Dương cho biết việc xét nghiệm mở rộng nhằm ngăn chặn và cắt đứt tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19, qua đó bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Theo các chuyên gia y tế, Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp hiệu quả và mạnh mẽ để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn, và kết quả xét nghiệm axit nucleic hàng loạt sẽ là chỉ số để thành phố thủ đô quyết định có thực hiện thêm các biện pháp chống dịch như phong tỏa một số khu vực hay không.
Video đang HOT
Trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, một số khu vực ở Triều Dương có các ca mắc COVID-19 đã xảy ra tình trạng người dân mua sắm hoảng loạn và một số khu chợ bị thiếu rau tươi tạm thời vào chiều 24/4. Để xoa dịu tình hình, các công ty thương mại điện tử thực phẩm tươi sống ở Bắc Kinh đã ngay lập tức kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp để phân bổ và tăng nguồn cung hàng hóa, bao gồm thịt, gia cầm, trứng, sữa, trái cây tươi và rau quả. Tuy nhiên, nhiều nền tảng thương mại điện tử về thực phẩm đã báo cáo tình trạng thiếu khả năng phân phối khi người dân cố gắng mua thực phẩm trực tuyến vào cuối ngày 24/4.
Trong cuộc họp báo hôm 24/4, Cục Thương mại Thành phố Bắc Kinh đã nhấn mạnh đủ nguồn cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày ở thành phố và các tuyến giao thông đến nguồn cung cấp hàng hóa đang hoạt động bình thường. Cơ quan này kêu gọi các nền tảng thương mại điện tử chính tăng lượng hàng dự trữ và bổ sung nhân lực để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng phản ứng của công chúng Bắc Kinh là một trong những bài học rút ra từ đợt bùng phát dịch bệnh ở Thượng Hải, nơi người dân bị thiếu lương thực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Phát biểu với truyền thông Trung Quốc, một chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc giấu tên cho biết nhờ rút ra bài học từ đợt bùng phát dịch ở Thượng Hải và ở các tỉnh khác, Bắc Kinh sẽ có thể đối phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn.
Theo chuyên gia này, kể từ khi dịch bệnh tái bùng phát, Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch “mạnh mẽ” nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, bao gồm xét nghiệm axit nucleic càng nhiều càng tốt, thực hiện các cuộc điều tra dịch tễ rất chính xác và phong tỏa bất kỳ khu vực nào có nguy cơ dịch bệnh.
Về việc Bắc Kinh có phong tỏa toàn bộ thành phố hay phong tỏa một phần hay không, chuyên gia này nhận định điều đó phụ thuộc vào phạm vi lây nhiễm ở Bắc Kinh. Ông nói: “Khi kết quả xét nghiệm axit nucleic ở Triều Dương và các khu vực khác được công bố, sẽ cung cấp cho chúng ta bức tranh về tình hình dịch bệnh tổng thể ở Bắc Kinh. Sẽ có nhiều biện pháp hơn được thực hiện sau đó.”
Kể từ ngày 22/4, tổng số ca mắc COVID-19 ở Bắc Kinh đã lên tới 42 ca, liên quan đến 6 quận của thành phố. Trong số các ca mắc có giáo viên, sinh viên, công nhân trang trí nội thất, một người giao hàng và một đầu bếp làm việc tại một nhà hàng, thực khách và những người lớn tuổi trong một nhóm du lịch. Trong cuộc họp báo ngày 24/4, giới chức chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết, virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan trong thành phố trong một tuần và nhiều ca nhiễm mới đã được phát hiện.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh thành phố Bắc Kinh Bàng Tinh Hỏa cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca mắc ở thủ đô Trung Quốc do các ca nhập cảnh, các đợt bùng phát dịch bên ngoài Bắc Kinh cũng như dòng người gia tăng trong kỳ nghỉ lễ 1/5 sắp tới.
Bà Bàng Tinh Hỏa cho biết các mẫu giải trình tự gen của 4 ca mắc COVID-19 ở Bắc Kinh cho thấy các trường hợp này nhiễm biến thể Omicron và liên quan đến các đợt bùng phát dịch theo cụm bên ngoài Bắc Kinh. Gần 1/4 số người bị nhiễm từ 60 tuổi trở lên và 50% trong số này chưa được tiêm phòng.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Thượng Hải thông báo ghi nhận 51 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 24/4, tăng so với 39 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Thành phố này cũng ghi nhận 2.472 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng, tăng so với 1.401 ca một ngày trước đó. Ngoài ra, có 16.983 ca mắc mới không triệu chứng được ghi nhận tại Thượng Hải, giảm so với 19.657 ca một ngày trước đó.
Hiện Thượng Hải là nơi bùng phát dịch COVID-19 mạnh nhất tại Trung Quốc.
Trung Quốc đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho gần 1 tỷ dân
Tính đến ngày 6/9, Trung Quốc đã tiêm hơn 2,11 tỷ liều vaccine COVID-19 cho người dân. Trong đó, trên 969,7 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine, theo ông Mễ Phong, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại trung tâm y tế cộng đồng ở Qingxiu, Nam Ninh, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, hôm 27/8. Ảnh: Tân Hoa xã.
Theo NHC, tính đến cuối tháng 8, trên 1,07 tỷ dân Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19, chiếm 76% dân số. Với dân số trên 1,41 tỷ người, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất là vào cuối năm nay thông qua chiến dịch tiêm chủng hàng loạt.
Theo ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc, để đạt mục tiêu này, Trung Quốc cần phải tiêm chủng đầy đủ cho 83,3% dân số. Điều đó có nghĩa là khoảng 1,17 tỉ dân cần được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc đã đạt ngưỡng tiêm chủng trên 80%, trong đó thủ đô Bắc Kinh đã hoàn thành tiêm cho 95% người từ 18 tuổi trở lên.
Theo các chuyên gia y tế, đợt bùng phát COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc đã được kiểm soát một cách hiệu quả một phần nhờ vaccine COVID-19. Zheng Zhongwei, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ y tế thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói rằng nếu không nhờ các đợt tiêm chủng hàng loạt, trước đợt bùng phát gần đây, thì sẽ có thêm nhiều ca nhiễm biến thể Delta và nhiều trường hợp nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc.
Ông trích dẫn một nghiên cứu của nhóm nhà dịch tễ học hàng đầu nước này cho biết vaccine Trung Quốc có khả năng bảo vệ 100% đối với các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng. Theo nghiên cứu, hiệu quả của vaccine đối với các trường hợp mắc bệnh trung bình, nhẹ và không triệu chứng lần lượt là 76,9%, 67,2 và 63,2%.
Trung Quốc đã thực hiện chiến dịch tổng lực "tiêm chủng cho tất cả những ai có thể" khắp đất nước, từ thành phố lớn tới làng mạc nhỏ. Tại các công ty nhà nước, ban lãnh đạo giục nhân viên đi tiêm bằng cách hình thức khuyến khích như phát phiếu mua hàng.
Ngoài ra, biện pháp mạnh cũng được sử dụng để khiến người dân phải tiêm vaccine. Có một số khu dân cư cảnh báo người dân rằng họ sẽ không được vào lại nếu chưa tiêm. Một trung tâm thương mại ở Thượng Hải còn yêu cầu khách xuất trình chứng nhận tiêm chủng mới cho vào. Công viên ở tỉnh Hà Bắc cũng không cho khách chưa tiêm vào và hướng dẫn họ ra trung tâm tiêm chủng gần đó.
Để đẩy nhanh tiến độ, Trung Quốc cũng đã thiết lập các điểm tiêm chủng tạm thời tại các trung tâm mua sắm, nhà ga, khuôn viên trường đại học, tòa nhà văn phòng và các cộng đồng dân cư trên khắp Trung Quốc. Nhiều xe tiêm chủng lưu động đã được triển khai giúp người dân đi tiêm chủng thuận tiện hơn.
Mặc dù có chiến dịch tiêm chủng thần tốc, nhưng Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trước sự đe doạ của biến thể Delta. Cho đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận trên 95.000 ca mắc COVID-19 và vượt ngưỡng 4.600 ca tử vong.
Khả năng Hàn Quốc điều chỉnh chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 19/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) được đề cử, ông Rhee Chang-yong, đã trình bày phương hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ ở mức độ phù hợp để kiềm chế lạm phát, đồng thời đảm bảo duy trì động lực tăng trưởng kinh tế. Đồng won của Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN...