Trung Quốc tham gia diễn tập đa quốc gia nhưng mang tâm lý sợ hãi
Trung Quốc thông qua tàu bệnh viện Peace Ark để xây dựng hình tượng hòa bình, nhưng cho tàu do thám đến đã thể hiện tư duy Chiến tranh Lạnh.
Tàu bệnh viện Peace Ark của Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2014
Tờ Bloomberg Mỹ ngày 28 tháng 7 đưa tin, trên một chiếc tàu bệnh viện của Trung Quốc ở vùng biển Thái Bình Dương, các nhân viên trên tàu thể hiện kỹ năng xoa bóp cho các thủy thủ Mỹ.
Hiện trường là không khí hợp tác, cho dù trong cuộc diễn tập hải quân có quy mô lớn nhất thế giới như vậy, Trung Quốc đã lựa chọn không tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn do Nhật Bản chỉ huy.
Theo bài viết, các thủy thủ đã được tham quan tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu (Peace Ark) của Trung Quốc. Tàu này có 8 phòng phẫu thuật, phòng khám nha khoa và phòng thiết bị quét CT.
Mặc dù vậy, Trung Quốc không tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn do Nhật Bản chỉ huy – một khoa mục của diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương 2014″, điều này đã phản ánh giữa Trung Quốc với láng giềng còn tồn tại quan hệ căng thẳng trong vấn đề lãnh thổ.
Ngoài ra, tuy Trung Quốc cử tàu chiến tham gia diễn tập có quy mô lớn thứ hai, nhưng đồng thời lại cử 1 tàu do thám đến vùng biển Hawaii, điều này đã tiếp tục làm trầm trọng thêm mối lo ngại của bên ngoài đối với ý đồ của họ.
Video đang HOT
Tàu do thám Bắc Cực Tinh số hiệu 851, Hải quân Trung Quốc
Nhà nghiên cứu Ristian Atriandi Supriyanto, Viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore cho rằng: “Sự tham gia của Trung Quốc là xuất phát từ danh vọng, hữu nghị và sợ hãi.
Tàu bệnh viện cho thấy, Bắc Kinh muốn cố thể hiện hình tượng hữu nghị, thể hiện họ tiến hành hiện đại hóa hải quân có lợi thực sự cho khu vực (?-pv). Tàu do thám thì lại cho thấy hai bên vẫn không tin tưởng lẫn nhau”.
So với các cuộc gặp (đụng độ) khác căng thẳng hơn, diễn tập Vành đai Thái Bình Dương đã đem lại một phương thức phi đối kháng cho Trung Quốc và Mỹ tìm hiểu thực lực của đối phương. 4 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc được hoan nghênh, nhưng luôn bị loại ra ngoài các hoạt động diễn tập trung tâm/cốt lõi.
Giảng viên cao cấp Jian Zhang, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales cho rằng, tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu là một trong những tàu tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương của Trung Quốc gây chú ý nhất, bởi vì nó tham gia là để tạo dựng hình tượng cho Trung Quốc – sức mạnh quân sự không ngừng tăng lên là vì mục đích được tuyên truyền là “hòa bình” và “nhân đạo”. Bắc Kinh muốn thể hiện họ có thể phát huy vai trò “tích cực và mang tính xây dựng” trong hợp tác an ninh quốc tế.
Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2014
Phó giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế Rosita Dellios, Đại học Bond, Australia cho rằng: “Giữa hai cực – sử dụng hải quân cho nhân đạo và thu thập tình báo kiểu Chiến tranh Lạnh, có lẽ có thể phát hiện ra yêu cầu của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc đối với lực lượng vũ trang của nước này – có khả năng đánh thắng chiến tranh – hoàn toàn không lạc hậu”.
Được biết, ngày 19 tháng 7, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết, mặc dù Hải quân Trung Quốc đã tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương, nhưng lại “không mời mà đến” – cử 1 tàu do thám đến vùng biển quốc tế lân cận Hawaii để theo dõi cuộc diễn tập trên biển do Mỹ chủ trì.
Theo tờ “Nhật báo phố Wall”, động thái này của Trung Quốc làm lộ rõ sự căng thẳng của quan hệ hai nước và có thể làm cho lực lượng phản đối tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc ở Mỹ càng trở nên cứng rắn hơn. Tàu do thám Trung Quốc có thể theo dõi tín hiệu điện tử và thông tin của các tàu khác.
Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2014: Máy bay trực thăng Sea Hawk bay trên tàu hộ vệ Type 054A Hải quân Trung Quốc
Theo người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Darryn James: “Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ luôn giám sát hoạt động của tàu do thám Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Hawaii, khu vực ngoài lãnh hải của Mỹ”. Trong khi đó, một người phát ngôn Lầu Năm Góc giấu tên coi hành động do thám lần này của Trung Quốc là “hành động vô lễ”.
Tờ “Nhật báo phố Wall” cho rằng, việc làm trên của Trung Quốc sẽ khiến cho nước này trong tương lai rất khó có thể phản đối hoạt động tương tự của quân đội nước ngoài đến vùng biển quốc tế áp sát Trung Quốc.
Bài báo cho biết, tàu do thám Trung Quốc được xác định là tàu Bắc Cực Tinh Type 815, là tàu thu thập tình báo tiên tiến nhất, có kinh nghiệm đi biển phong phú của Trung Quốc, thường hoạt động ở vùng biển xung quanh Nhật Bản.
Tàu do thám Type 815 dài 130 m, rộng 16,4 m, mớn nước 6,5 m, lượng giãn nước khoảng 6.000 tấn, sử dụng động cơ diesel, tốc độ 20 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 250 người. Tàu trang bị pháo 2 nòng 37 mm và pháo 2 nòng 25 mm, đuôi tàu có nơi đỗ trực thăng.
Tàu tấn công đổ bộ Mỹ trong diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2014
Diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương” do Mỹ tổ chức được tiến hành 2 năm một lần, năm nay (2014) được tổ chức từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 1 tháng 8, có 23 nước tham gia với trên 25.000 binh sĩ, 47 tàu nổi, 6 tàu ngầm và 200 máy bay. Trong đó, Trung Quốc lần đầu tiên tham gia, với 4 tàu chiến: 1 tàu khu trục, 1 tàu hộ vệ, 1 tàu tiếp tế tổng hợp và 1 tàu bệnh viện.
Trước đó, cũng có nhiều thông tin liên quan đến sự đề phòng lẫn nhau giữa Trung-Mỹ khi Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập lần này. Ngay từ việc tàu chiến Mỹ đón tiếp 4 tàu chiến Trung Quốc trên đường đến Hawaii cũng bị truyền thông Trung Quốc cho là có mục đích do thám. Hai bên thận trọng sử dụng vũ khí trang bị trong quá trình tham diễn để đối phương khó có thể do thám được các thông tin quan trọng.
Hải quân Trung Quốc chỉ được tham gia diễn tập 7 khoa mục như bắn pháo, diễn tập tổng hợp, hành động an ninh trên biển, tập tàu chiến mặt nước, giao lưu y học quân sự, cứu trợ nhân đạo – giảm nhẹ thiên tai, lặn; nhưng không được tham gia diễn tập các khoa mục cốt lõi như săn ngầm, chống hạm, phòng không.
Tàu sân bay trực thăng Ise Nhật Bản trong diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2014
Được biết, vào tháng 6, nói về quan hệ Mỹ-Trung, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Chúng tôi không cho rằng Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng không thể tránh khỏi cuối cùng của chúng tôi, chúng tôi coi Trung Quốc là một nước đối tác có quan hệ có thể không ngừng tăng cường, đây là một quan hệ song phương rất quan trọng”. Mỹ hy vọng Trung Quốc hiểu rõ, Mỹ-Trung tồn tại cạnh tranh, điều quan trọng là hai bên phải tìm được phương pháp hợp tác.
Theo Tri Thức