Trung Quốc: Sụp đổ cho vay ngang hàng hủy hoại cuộc sống người dân
Hàng trăm nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) ở Trung Quốc đóng cửa trong thời gian gần đây do vỡ nợ, khiến hàng chục ngàn người điêu đứng vì không thể rút lại tiền đầu tư, theo hãng tin Bloomberg.
Hàng chục ngàn người vẫn chưa đòi lại được tiền đầu tư khi hàng loạt công ty cho vay ngang hàng vỡ nợ ở Trung Quốc.
Ảnh: China Daily
Tìm đến cái chết vì mất trắng tiền đầu tư
Trong thư gửi cho bố mẹ hồi đầu tháng 9 sau khi mất trắng gần 40.000 đô la Mỹ tiền đầu tư vào công ty cho vay ngang hàng trực tuyến PPMiao có trụ sở ở thành phố Hàng Châu do công ty này vỡ nợ, một phụ nữ 31 tuổi ở tỉnh Chiết Giang viết: “Con quá yếu thế nên không thể chống lại họ. Công ty cho vay ngang hàng đã bỏ chạy. Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty này không chịu nhận trách nhiệm. Các nhà điều tra làm việc quá trễ nãi. Con quá mệt mỏi và không thấy bất kỳ hy vọng nào”.
Sau đó, người phụ nữ trẻ này treo cổ tự tử. Thông tin về cái chết và bức thư tuyệt mệnh của cô được đăng trên các dòng trạng thái các nhóm thảo luận trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Hàng trăm người khác, cũng là nạn nhân của công ty cho vay ngang hàng PPMiao, đã đến một văn phòng liên quan đến PPMiao ở thành phố Thượng Hải để biểu tình đòi trả tiền vào hồi cuối tháng 8. Nhưng rốt cục, họ bị lực lượng công an và bảo vệ ở đây xua đuổi.
“Tôi đã mất tất cả trong khi tôi cần tiền để đóng học phí mẫu giáo cho đứa con trai ba tuổi vào tháng sau”, một người đàn ông họ Trần, nói trước khi bị đưa lên xe của cảnh sát để ra ga tàu, trở về nông trại của ông ở tỉnh Giang Tây. Gia đình ông Trần đã gom tổng cộng 23.000 đô la từ các thành viên trong gia đình và những người bà con để đầu tư vào công ty PPMiao.
Hơn 400 nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc đã sụp đổ trong vòng hai tháng, từ tháng 6 đến tháng 8, theo công ty nghiên cứu Yingcan Group có trụ sở ở Thượng Hải. Tuy nhiên, số nền tảng cho vay ngang hàng sống lay lắt vẫn còn rất lớn, khoảng 1.800 nền tảng. Ngân hàng đầu tư China International Capital dự báo con số này sẽ giảm còn dưới 200 khi hiệu ứng domino của cuộc khủng khoảng cho vay ngang hàng lan tỏa.
“Thật sốc vì tình hình bung bét nhanh đến mức này. Chúng ta chỉ mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình tái điều chỉnh đầy hỗn loạn của ngành công nghiệp cho vay ngang hàng”, Zennon Kapron, Giám đốc Công ty tư vấn Kapronasia ở Thượng Hải, nhận định.
Mòn mỏi chờ trả tiền
Các nhà đầu tư tụ tập biểu tình đòi tiền ở bên ngoài văn phòng của công ty đầu tư HuaAn Future Assets ở Thượng Hải hồi tháng 8 vì tin rằng công ty này có liên quan đến nền tảng PPMiao. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Sau khi vỡ nợ vào mùa hè này, nền tảng cho vay ngang hàng PPMiao thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh từ thành phố Hàng Châu đến một khu chung cư ở thành phố Nam Ninh, cách Hàng Châu 1.450km. Ngày 6-8, công ty này ngưng hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư và thông báo đóng cửa vì quá nhiều người yêu cầu rút tiền. PPMiao cho biết sẽ hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư trong vòng 3 năm tới.
PPMiao ra thông báo có đoạn: “Chúng tôi cam kết chúng tôi sẽ không bỏ chạy. Chúng tôi sẽ không cắt đứt liên lạc và chúng tôi sẽ hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư theo từng đợt”. Một số nhà đầu tư bị nợ chưa đến 1.500 đô la cho biết họ đã được hoàn trả tiền nhưng rất nhiều nhà đầu tư khác vẫn đang mòn mỏi chờ trả tiền.
Khoảng 4.000 người có nguy cơ mất tổng cộng 117 triệu đô la do PPMiao vỡ nợ, theo một số người gửi tiền đầu tư vào công ty này. Ban đầu, gia đình ông Trần đến trụ sở của PPMiao ở Hàng Châu để đòi tiền nhưng công an chặn họ lại và nói rằng vụ việc đang được điều tra và họ phải chờ kết quả. Sau đó, vào tháng 8, gia đình ông Trần đã đến văn phòng của công ty quản lý tài sản HuaAn Future Assets, một đơn vị thành viên của công ty HuaAn Fund Management ở Thượng Hải để đòi nợ vì tin rằng đây là một trong ba công ty đang sở hữu nền tảng PPMiao.
HuaAn Fund Management là một công ty tư nhân nhưng một số cổ đông lớn nhất của nó là các công ty nhà nước.
HuaAn Future Assets cho biết đã thay mặt cho một khách hàng để đầu tư vào công ty sở hữu nền tảng PPMiao. Sau đó, cả vị khách hàng và công ty sở hữu nền tảng PPMiao đã giấu nhẹm mối liên quan của họ với PPMiao.
HuaAn Future Assets khẳng định sẽ tích cực hợp tác với công an để điều tra vụ việc.
Đối với người phụ nữ ở Chiết Giang, người đã quẫn trí treo cổ tự tử vì không đòi được tiền từ PPMiao, các cam kết này đến quá muộn. “Đừng buồn. Con sẽ ra đi nhưng bố mẹ cần tiếp tục sống. Con đã mất niềm tin vào cuộc sống trong xã hội này. Con không sợ chết nhưng con sợ sống”, cô viết trong thư tuyệt mệnh gửi bố mẹ.
Nhiều người khác cũng đang rơi vào tình cảnh tuyệt vọng vì chưa đòi được tiền đầu tư từ PPMiao. Một nữ nhân viên khách sạn 28 tuổi, người đã đầu tư 450.000 nhân dân tệ (65.500 đô la) vào nền tảng PPMiao, nói: “Tôi dự định sử dụng số tiền này để mua nhà khi lập gia đình nên xem như tôi đã gửi căn nhà mình vào nền tảng PPMiao. Đó không chỉ là tiền tiết kiệm của tôi mà là cả cuộc sống của tôi”.
Thu hút 50 triệu người đầu tư
Hoạt động cho vay ngang hàng ở Mỹ chỉ một phần nhỏ trong các hoạt động đầu tư rộng lớn của người Mỹ. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, cho vay ngang hàng thu hút 50 triệu người tham gia gửi tiền đầu tư với mức lãi suất từ 10% trở lên, cao hơn gấp đôi mức lãi suất của ngân hàng. Tính đến tháng 6-2018, tổng mức đầu tư cho các nền tảng cho vay ngang hàng ở Trung Quốc tăng vọt lên mức 200 tỉ đô la.
Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực siết chặt kiểm soát các hoạt động bát nháo của ngành công nghiệp cho vay ngang hàng, một phần của hệ thống công ty tài chính khổng lồ nằm ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống, hay còn gọi là “ngân hàng bóng tối”.
Hồi đầu mùa hè này, Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC) cảnh báo những nhà đầu tư gửi tiền vào các công ty cho vay ngang hàng nên chuẩn bị cho nguy cơ mất trắng tiền. Dù không phải tất cả các nền tảng cho vay ngang hàng đang gặp khó khăn đều bị cáo buộc lừa đảo nhưng các quan chức quản lý tài chính Trung Quốc nói rằng, nhiều nền tảng trên thực tế lấy tiền của người đầu tư sau trả tiền cho nhà đầu tư trước, một hình thức lừa đảo được gọi là mô hình Ponzi. Một số nền tảng khác lừa đảo trắng trợn, thu hút các nhà đầu tư gửi tiền và ôm tiền bỏ chạy chỉ sau vài tuần hoạt động.
Cho vay trực tuyến bắt đầu nở rộ ở Trung Quốc sau khi chính phủ Trung Quốc thắt chặt tín dụng vào năm 2010. Năm 2012, tổng giá trị đầu tư cho các nền tảng cho vay ngang hàng chỉ chưa đến 1 tỉ đô la. Ban đầu, cho vay ngang hàng trực tuyến ở còn đơn giản, chẳng hạn như một đôi uyên ương lên mạng kêu gọi mọi người cho họ vay để làm đám cưới, sau đó, họ sẽ dùng tiền mừng cưới để hoàn trả tiền kèm lãi suất cho những người này. Các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể lên mạng, tìm kiếm những nhà đầu tư cho vay tiền để mua máy móc mới và cam kết hoàn trả khi hoạt động sản xuất gia tăng.
Ngày nay, các nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến cung cấp dịch vụ đầu tư còn được gọi là thương phiếu, giống như các trái phiếu ngắn hạn do các doanh nghiệp nhỏ phát hành. Trước đây, các thương phiếu này được phát hành bởi các công ty được các ngân hàng thương mại bảo lãnh. Chúng có thể được chuyển nhượng cho tổ chức tài chính khác hoặc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trước khi chúng đáo hạn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp liên quan đến các nền tảng cho vay ngang hàng bị cáo buộc lừa đảo, các nhà đầu tư cho biết họ không được cung cấp các thương phiếu này và số tiền đầu tư của họ bị rút bất hợp pháp.
Đó là trường hợp của công ty cho vay ngang hàng Quark Finance, đóng cửa vào ngày 25-8. Công an Thượng Hải cho biết người sáng lập công ty này đã đến trình diện và cho biết công ty ông bị rút ruột bất hợp pháp. Tính đến tháng 7, Quark Finance còn tồn đọng các khoản cho vay chưa trả trị giá 556 triệu đô la, trong khi đó, các giao dịch đầu tư tích lũy trên nền tảng này đã lên đến 2,3 tỉ đô la. Quark Finance ra thông báo cho biết đang hợp tác với công an để điều tra. Công an kêu gọi các nạn nhân đến các cơ quan chức năng địa phương nộp đơn khiếu nại, chứ không nên tụ tập đông người để biểu tình.
Zennon Kapron, Giám đốc Công ty tư vấn Kapronasia, nói rằng nhiều nhà đầu tư mất tiền vì họ không được thông tin đầy đủ về nhiều rủi ro liên quan đến các nền tảng cho vay ngang hàng trước khi quyết định đầu tư.
Chánh Tài
Theo thesaigontimes.vn
Ai chịu thiệt lớn nhất trong giao dịch vay online lãi suất tới 700%?
Trong mô hình P2P, công ty cung cấp phần mềm chỉ đứng vai trò trung gian và thu phí các khoản vay trong khi cả người vay và cho vay đang hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu ảo.
Vay tiền online hay vay tiền trực tuyến đang bùng nổ hiện nay thuộc nhóm tài chính cho vay ngang hàng (peer- to-peer). Không còn mới trên thị trường tài chính quốc tế, nhưng tại Việt Nam đây vẫn là loại hình cho vay mới và đang phát triển với tốc độ rất nhanh.
Vay online hoạt động thế nào?
Hiện tại ở Việt Nam những cái tên nổi bật nhất trong hoạt động cho vay ngang hàng này phải kể tới Tima, Mosa, Mofin, Moneybank, DoctorDong... Các công ty này chủ yếu cung ứng các khoản cho vay giá trị nhờ từ khoảng 2-20 triệu đồng, và mức lãi suất cũng như thời gian đáo hạn tương đương nhau.
Khác với các mô hình cho vay truyền thống là quan hệ giữa ngân hàng/công ty tài chính (các tổ chức tín dụng) với khách hàng. Trong hoạt động P2P, thực chất chỉ là quan hệ tín dụng giữa 2 chủ thể và công ty cho vay trực tuyến chỉ đóng vai trò là trung gian môi giới.
Theo đó, các công ty như Tima, Mosa, Moneybank hay DoctorDong... chỉ đứng ở giữa trong mối quan hệ cho vay và cung cấp giải pháp công nghệ, sàn giao dịch để người có nhu cầu cho vay gặp được người đi vay. Các công ty này sẽ nhận phí hoa hồng trên mỗi khoản vay được giải ngân thành công.
Một mô hình cho vay ngang hàng qua sàn giao dịch ảo đơn giản hóa.
Việc người vay đăng ký thông tin với công ty cho vay P2P chỉ là bước cung cấp thông tin để thu thập hồ sơ tín dụng để căn cứ vào đó, các công ty này sẽ giới thiệu tới người có nhu cầu cho vay.
Trong khi giao dịch giữa các TCTD và khách hàng, các TCTD này phải đi huy động tiền gửi từ các nguồn khác nhau và phải chịu trách nhiệm về các tiền gửi này. Còn các công ty cho vay P2P hiện nay hoàn toàn không chịu bất kỳ ràng buộc nào với khoản tiền mà người cho vay đã giải ngân. Tuy nhiên, các công ty này vẫn đứng ra làm trung gian thu thập hồ sơ vay, chấm điểm tín dụng, thẩm định, giải ngân và thu nợ hộ bên người cho vay.
Trong mô hình P2P, cũng không có người gửi tiền mà chỉ có người có tiền mang đi đầu tư và người vay tiền.
Ai lợi, ai thiệt?
Theo các chuyên gia tài chính, trong mô hình P2P, các công ty đứng ra cung cấp dịch vụ trung gian hoàn toàn chủ động trong việc lập các hồ sơ vay vốn cũng như giải ngân. Trong khi đó, cả bên cho vay và đi vay đều phụ thuộc hoàn toàn vào sàn giao dịch ảo này.
Ông Phạm Ngọc Long, tiến sĩ kinh tế, chuyên gia ngân hàng đồng thời là Chủ tịch HĐTV Tổ chức tài chính vi mô M7-MFI, cho rằng người đi vay đang chịu rủi ro lớn nhất từ mô hình cho vay online hiện nay.
Hơn 700%/năm là mức lãi suất phi kinh tế. Không loại hình kinh doanh nào có thể sinh ra được mức lợi nhuận như vậy.
Ông Long lý giải mức lãi suất mà người vay tiền online đang phải chịu là lãi suất phi kinh tế, và không có hoạt động kinh tế nào có thể tạo ra mức lợi nhuận lên tới vài trăm phần trăm chỉ trong thời gian ngắn như vậy.
"Người cho vay thì họ đã tính xác suất và tỷ lệ rủi ro để đưa ra mức lãi suất cao, từ đó lấy các khoản vay số đông bù cho thiểu số không may vỡ nợ, thậm chí là xù nợ. Với lãi suất phi kinh tế như thế thì những rủi ro từ cho vay họ toàn toàn có thể bù đắp được", ông Long cho biết.
Vị chuyên gia cho biết cần phải bảo vệ người đi vay khi họ phải chịu mức lãi suất cao "cắt cổ" và một khi đã vướng vào thì không thể gỡ ra nổi. Chưa kể tới việc khi trả nợ chậm hạn hoặc không thể thanh toán được nợ sẽ bị đòi nợ kiểu khủng bố, thậm chí là cả xã hội đen.
Nguy cơ tín dụng đen đang núp bóng cho vay online. Ảnh: Quang Thắng.
Trong khi đó, chia sẻ với Zing.vn, ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, nói rằng người cho vay mới là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất.
Hầu hết công ty cho vay P2P tại Việt Nam hiện này đều chưa được thẩm định về mặt công nghệ. Vì vậy, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn trong khâu vận hành. Nếu phần mềm bị hacker đánh sập, mất dữ liệu coi như là người cho vay mất trắng các khoản đầu tư.
Ông phân tích thêm, hai bên vay và cho vay bị phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu do các công ty P2P này cung cấp dẫn tới không hiểu biết về nhau.
"Sẽ có nhiều trường hợp cung cấp hồ sơ giả, dự án giả. Trong mô hình này việc chia sẻ thông tin hoàn toàn không có cơ sở nên việc chấm điểm hồ sơ của các công ty cho vay P2P cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Hòe cho hay.
Ông Hòe cũng cho biết không loại trừ khả năng có một số công ty lập ra với mục đích lừa đảo người đầu tư, nhận tiền nhưng không đem cho vay mà chiếm đoạt.
Theo vị chuyên gia này, Trung Quốc cũng từng có giai đoạn bùng nổ cho vay ngang hàng và hệ quả là hàng trăm công ty cho vay P2P bị phá sản. Toàn bộ dữ liệu về người vay biến mất, người cho vay không biết lấy cơ sở dữ liệu ở đâu để đòi lại khoản tiền của mình.
Quang Thắng
Theo news.zing.vn
Điểm tin kinh tế sáng: Giá Bitcoin đảo chiều; Hãng hàng không điêu đứng vì bão Mangkhut Hãng hàng không của Hong Kong điêu đứng vì bão Mangkhut; Giá vàng "đóng băng"; Giá lợn tiếp tục tăng nhẹ... là những tin kinh tế đáng chú ý sáng 16.9. Giá vàng "đóng băng" Giá vàng hôm nay 16.9 không có nhiều biến động, giá vàng trong nước giảm nhẹ phiên cuối tuần. Chốt phiên giao dịch hôm qua, Tập Đoàn Vàng...