Trung Quốc siết nhập khẩu: Hàng trăm hộ nuôi tôm Móng Cái lao đao
Hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở TP.Móng Cái ( Quảng Ninh) đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay vì “cửa” bán hàng sang Trung Quốc đang tắc nghẽn. Nhiều hộ là điển hình nuôi tôm trên cả nước trước đây, nay cũng phải giảm quy mô, sản xuất cầm chừng, hàng trăm ao nuôi bỏ mặc không chăm sóc, phơi dưới nắng mưa…
Nhiều năm nay, tôm thẻ chân trắng là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP.Móng Cái, trong đó thị trường tiêu thụ chủ yếu là nước láng giềng Trung Quốc. Từ việc phát triển sản xuất tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ gia đình ở Móng Cái đã đổi đời, không ít hộ trở thành tỷ phú.
Hiện nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Móng Cái chỉ nuôi cầm chừng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Nhưng từ ngày 16/6/2019 đến nay, Trung Quốc có những thay đổi trong danh mục sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Trong đó, nước này chỉ cho nhập khẩu tôm thẻ chân trắng đông lạnh của Việt Nam, còn tôm thẻ chân trắng ướp đá không còn trong danh mục vào thị trường Trung Quốc. Sự thay đổi này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu nói riêng, nuôi tôm ở Móng Cái nói chung.
Theo ông Bùi Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội nghề cá TP.Móng Cái, hiện nay hầu hết các cơ sở nuôi tôm ở Móng Cái đều phải giảm diện tích nuôi, 90% sản phẩm tôm bán trong thị trường nội địa.
“Nếu tôm nuôi đạt đến kích cỡ 40-50 con/kg, bán sang Trung Quốc sẽ được 160.000 – 170.000 đồng/kg, nhưng bán ra thị trường nội địa chỉ đạt 130.000 đồng/kg. Ngoài chuyện giá bán thấp hơn, bà con còn phải chống chọi với dịch bệnh nên phần nhiều tôm thu hoạch vẫn chưa đạt kích cỡ. Với tôm loại 100 con/kg, bán cho các nhà máy chế biến chỉ đạt 70.000 đồng/kg, trong khi trước đây tôm loại này xuất bán cho Trung Quốc vẫn đạt 120.000 – 130.000 đồng/kg. Việc “hụt hơi” về giá cả như thế này khiến bà con nuôi tôm rất lo lắng” – ông Liêm nói.
Tôm xuất bán cho thị trường nội địa hiện tại chủ yếu là loại 100 con/kg, với giá bán rất rẻ chỉ từ 60.000-80.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Quý.
Video đang HOT
Cũng là hộ nuôi tôm lớn nhất nhì Móng Cái, thời điểm hiện tại ông Bùi Ngọc Liêm không dám thả thêm giống mới, chỉ còn lại số tôm cũ rơi rớt bán lại. Lý do, theo ông Liêm: “Thứ nhất do trái vụ, tôm nuôi không được an toàn. Thứ hai là tôm nhiều khả năng không đạt đến kích cỡ 40-50 con/kg, bán cho các nhà máy chỉ được giá 60.000-80.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ vốn”.
Hiện tất cả các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng muốn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đều phải có mã cơ sở nuôi, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan quản lý Việt Nam cấp.
Tuy nhiên, trong tổng số hơn 1.100 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của TP.Móng Cái, hiện mới chỉ có 1 cơ sở đăng ký được cấp giấy chứng nhận đảm bảo quy định trên. Số còn lại còn chưa nắm rõ quy định, vẫn còn tư duy chủ quan, nên không đáp ứng được các điều kiện xuất tôm vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến sản phẩm bị tồn đọng, thương lái thu mua với mức giá thấp.
Một hộ nuôi tôm điển hình khác là bà Đặng Thị Dịu (khu 7, phường Hải Hòa, TP.Móng Cái) cũng đang lâm vào cảnh rất khó khăn. Bà Dịu cho biết: Thời điểm này hằng năm, gia đình tôi đã xuất bán hết tôm đi thị trường Trung Quốc; nhưng năm nay do quy định về xuất khẩu chặt chẽ hơn nên việc tiêu thụ hơn 25 tấn tôm vụ nuôi xuân hè phải cầm chừng để tìm thị trường tiêu thụ nội địa. Năm nay, nói chung các hộ nuôi tôm rất khó khăn về xuất bán, đều bị thất thu vì giá bán quá rẻ, không đủ bù đắp chi phí đầu tư, nói gì đến lợi nhuận”.
Vụ xuân hè năm nay, TP.Móng Cái đưa vào nuôi trên 1.100ha tôm thẻ chân trắng, hiện đã thu hoạch xong, với tổng sản lượng đạt gần 2.100 tấn. Đây là đợt thu hoạch cuối cùng của vụ nuôi tôm thẻ chân trắng xuân hè 2019 của nhiều hộ gia đình.
Theo tính toán, cứ 1ha nuôi tôm thương phẩm cho sản lượng 20-25 tấn, với giá bán 70.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg thì các hộ nuôi sẽ thiệt hại từ 500-600 triệu đồng/ha.
Theo Danviet
8X Quảng Nam phất lên nhờ nuôi con nhảy "tanh tách" trên cát
Xuất thân gia đình thuần nông, Trần Văn Hận (32 tuổi, thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) phất lên nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm lời hơn 200 triệu đồng.
Quyết chí thoát nghèo
Về xã Duy Vinh, hỏi về anh Trần Văn Hận, ai cũng ai cũng trầm trồ về một người trẻ, kiên trì làm kinh tế rất giỏi.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt trên cát của anh Trần Văn Hận cho lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Trò chuyện cùng phóng viên, anh Hận chia sẻ: Trước đây tôi bươn chải đủ nghề để kiếm sống, ai thuê gì làm đó, thu nhập khá bấp bênh. Tình cờ trong một lần đọc báo, thấy nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt trên cát cho thu nhập cao, tôi bắt đầu nghiên cứu học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật nuôi trên mạng internet, đồng thời đi tham quan một số mô hình thực tế. Sau đó tôi quyết định đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng làm bước đi khởi nghiệp.
Vùng đất Duy Vinh đầy cát trắng, nắng gió, đời sống của bà con nhân dân chủ yếu là làm ruộng, thu nhập không ổn định. Vì thế, Vinh nung nấu quyết tâm xây dựng trang trại nuôi tôm để vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên quê hương.
Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Trần Văn Hận hơn 2.500m2, mỗi năm 2 vụ, sản lượng 4 tấn/vụ, mỗi tấn bán ra thị trường có giá từ 90-100 triệu đồng.
Với nhiệt huyết, cùng sự mạnh dạn của tuổi trẻ, năm 2015 từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, cộng với số tiền tích góp được hơn 200 triệu đồng, anh Hận bắt đầu xây dựng trang trại nuôi tôm, diện tích 1.000m2. Anh Hận nói: "Lứa đầu tiên do kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng thấy hiệu quả và có lãi nên tôi quyết tâm mở rộng diện tích, tiếp tục đầu tư trang trại để nuôi tôm....".
"Năm đầu tiên, số tiền lãi thu được từ nuôi tôm là trên 60 triệu đồng, một con số đáng mơ ước đối với nhiều người trong xã Duy Vinh lúc đó. Hiện nay, với diện tích hơn 2.500m2, mỗi năm 2 vụ, sản lượng 4 tấn/vụ, mỗi tấn bán ra thị trường có giá từ 90-100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi hơn 200 triệu đồng/năm..." - Anh Hận phấn khởi.
Tiếp tục mở rộng quy mô
Chia sẻ kinh nghiệm về nghề nuôi tôm của mình, anh Hận cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống tốt của đơn vị cung cấp giống có uy tín. Trong khâu chăm sóc thì phải chú trọng khoảng thời gian một tháng đầu vì đây là lúc tôm nhỏ, sức đề kháng yếu dễ dịch bệnh do thay đổi môi trường sống, thức ăn, nên phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước nếu có vấn đề gì thì xử lý cho kịp thời.
Theo anh Trần Văn Hận, nuôi tôm thẻ chân trắng quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống tốt của đơn vị cung cấp uy tín.
"Diện tích ao lắng phải tương đương với ao nuôi để có thể cung cấp đầy đủ nước vào ao nuôi và thay nước kịp thời khi xảy ra vấn đề. Độ sâu mực nước dao động từ 0,8 - 1,5m. Các yếu tố môi trường đảm bảo như: nhiệt độ nước từ 25 - 30 độ C, độ mặn từ 5 - 15%, độ pH dao động từ 7,5 - 8,5; hàm lượng oxy hòa tan> 5mg/l, độ trong từ 35 - 45cm...", anh Hận cho biết.
Bên cạnh đó, người nuôi cũng nên chú ý đến mật độ thả, phải đảm bảo phù hợp với mức độ đầu tư cơ sở vật chất, khả năng chăm sóc và kinh nghiệm. Nếu thả nuôi tôm ở mật độ cao sẽ khiến nền đáy bị chai, nghèo dinh dưỡng, tảo không phát triển, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến dịch bệnh hoành hành, gây thiệt hại lớn. Mật độ thích hợp là từ 150 - 200 con/m2.
Năm tới, anh Trần Văn Hận sẽ đầu tư thêm khoảng 1.000m2 để mở rộng quy mô trang trại lên hơn 3.500m2.
Theo anh Hận, quá trình nuôi cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp ngay từ khâu lựa chọn con giống, cải tạo ao nuôi đến quá trình chăm sóc một cách nghiêm ngặt mới giảm thiểu được rủi ro dịch bệnh. Bởi trong nuôi tôm, việc phòng bệnh đặc biệt quan trọng, hơn nữa, nếu tôm đã mắc bệnh thì có chữa trị được tôm cũng chậm lớn, dẫn đến hiệu quả nuôi thấp, thậm chí thua lỗ...
"Hiện nay, đầu ra của tôm thẻ chân trắng khá ổn định, thương lái đến tận trang trại nhà để thu mua. Dù nghề nuôi tôm theo kiểu này khá công phu, nhưng bù lại cho thu nhập ổn định, vì thế trong năm tới, tôi dự tính sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1.000m2 nữa để mở rộng quy mô trang trại lên hơn 3.500m2, nâng cao thu nhập hơn nữa cho gia đình...", anh Trần Văn Hận nói.
Theo Danviet
Kiên Giang: Làm bể lót bạt nuôi tôm thẻ dày đặc, dân trúng lớn Huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao lót bạt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, an toàn, bền vững và hiệu quả. Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân...