Trung Quốc siết ngành dạy thêm 120 tỷ USD
Để giảm áp lực nuôi dạy con, Trung Quốc công bố quy định mới về học thêm, trong nỗ lực siết chặt ngành công nghiệp 120 tỷ USD.
Quy định mới này cấm dạy thêm trực tuyến và trực tiếp trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, cũng như dịp cuối tuần trong năm học chính. Lệnh cấm sẽ được thực hiện thí điểm tại 9 tỉnh thành, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Giang Tô, trong thời gian 12 tháng trước khi áp dụng toàn quốc.
Việc dạy thêm vào buổi tối trong tuần, thường từ 20h tới 21h, sẽ bị cấm trong các địa phương thực hiện thí điểm. Quảng cáo học thêm “quá mức”, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông chính thống và nơi công cộng, sẽ bị cấm, đồng thời học phí sẽ bị kiểm soát chặt.
Quy định có thể được Bộ Giáo dục và các cơ quan chức năng công bố sớm nhất vào tuần tới và có hiệu lực vào tháng 7. Thay đổi này nhằm vào thị trường dạy thêm khốc liệt cho học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12, hay còn gọi là K-12, ngành phát triển như vũ bão trong những năm gần đây tại Trung Quốc, với giá trị lên tới 120 tỷ USD.
Các nguồn tin cho hay quy định mới nhằm giảm áp lực học hành cho trẻ em, thúc đẩy tỷ lệ sinh bằng cách giảm chi phí nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ. “Các quy định mới sẽ nghiêm khắc hơn dự kiến”, một nguồn tin thân cận với cơ quan soạn thảo luật cho hay. “Ngành công nghiệp dạy thêm nên chuẩn bị đối mặt điều tồi tệ nhất”.
Học sinh tan trường ở Bắc Kinh năm ngoái. Ảnh: AP.
Hai nguồn tin cho hay lệnh cấm dạy thêm vào cuối tuần trong năm học có thể khiến các công ty dạy thêm mất đi 70-80% doanh thu.
Video đang HOT
Hơn 75% học sinh K-12 từ 6 tới 18 tuổi đều tham gia học thêm sau giờ học chính khóa ở trường năm 2016, theo số liệu gần nhất của Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc. Nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ này đã tăng lên trong những năm gần đây.
Quy định siết chặt ngành dạy thêm đã buộc kế hoạch gây quỹ hàng tỷ USD của một công ty lớn cung cấp dịch vụ dạy thêm bị trì hoãn vô thời hạn, theo ba nguồn tin. Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước tuyên bố trường học nên chịu trách nhiệm về việc học của học sinh, thay vì công ty dạy thêm.
“Các sở ngành giáo dục đang khắc phục hiện tượng này”, ông Tập nói.
Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc và Bộ Giáo dục không trả lời yêu cầu bình luận.
Cổ phiếu niêm yết trên sàn New York của các công ty dạy thêm tư nhân Trung Quốc như Tập đoàn Giáo dục TAL, Tập đoàn Công nghệ và Giáo dục Sao Phương Đông, Tập đoàn Gaotu Techedu đã giảm 12-17% trong phiên đóng cửa ngày 16/6, sau khi thông tin về lệnh cấm được lan truyền.
Khi thu nhập tăng lên ở Trung Quốc, các gia đình khá giả đều mong muốn con cái thành công trong xã hội đầy cạnh tranh. Cạnh tranh khốc liệt tới mức làm nảy sinh một thuật ngữ phổ biến trong nuôi dạy trẻ, đó là “jiwa” (gà công nghiệp), chỉ các bậc cha mẹ lo lắng “tiêm máu gà” cho con bằng cách đưa con đi học thêm đủ lớp ngoại khóa.
Ngoài việc bảo vệ học sinh khỏi căng thẳng, Bắc Kinh coi những thay đổi này là động lực tài chính để các cặp vợ chồng sinh thêm con trong bối cảnh tỷ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc đang suy giảm nhanh chóng.
Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở thành thị Trung Quốc, trong đó giáo dục chiếm phần lớn, làm nản lòng nhiều bậc cha mẹ. Theo truyền thông địa phương, chi phí cho một gia đình bình thường nuôi dạy con tăng từ 490.000 tệ (76.000 USD) năm 2005 lên gần hai triệu tệ năm ngoái, theo báo cáo của một tổ chức nghiên cứu nhà nước.
Dân số Trung Quốc từ năm 2010 tới 2020 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ, theo kết quả điều tra dân số tháng trước, làm dấy lên lo ngại về thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai.
Trung Quốc nới lỏng chính sách về đăng ký hộ khẩu
Hệ thống hộ khẩu Trung Quốc được cho là yếu tố gây ra khoảng cách giữa hai tầng lớp dân cư - thành thị và nông thôn. Nhưng giờ đây, người dân sẽ được tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc chọn nơi họ muốn sống và làm việc với chính sách hộ khẩu mới.
Chính sách hộ khẩu trong những năm gần đây đã trở nên ít cứng nhắc hơn khi các thành phố Trung Quốc cạnh tranh để thu hút nhân tài. Ảnh: Getty Image
Khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Nam Trung Quốc tại Quảng Châu vào năm ngoái, Liao Haoke không nghĩ nhiều về nơi sẽ đăng ký hộ khẩu thường trú.
Thay vào đó, anh dành phần lớn thời gian cho xây dựng sự nghiệp. Hồi tháng 7, anh được nhận vào làm chuyên viên nhân sự tại một công ty quốc doanh ở Quảng Châu với một mức lương và bảo hiểm ổn định.
"Bạn cùng lớp của tôi cũng không để tâm quá nhiều về vấn đề đăng ký hộ khẩu khi đi tìm việc, vì bây giờ có thể dễ dàng đăng ký ở bất kỳ đâu ngoại trừ Bắc Kinh. Chúng tôi chỉ tập trung vào công việc và lợi ích cá nhân", Liao cho hay.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), chính sách hộ khẩu - vốn được áp dụng để giới hạn lượng người sống và làm việc tại một khu vực - trong những năm gần đây đã trở nên ít cứng nhắc hơn khi các thành phố cạnh tranh để thu hút nhân tài.
Theo cuộc điều tra dân số mới nhất, dân số Trung Quốc đã tăng từ 1,4 tỷ người lên 1,412 tỷ dân vào năm 2020, nhưng tỷ lệ sinh đã giảm 18%. Các số liệu thống kê cũng chỉ ra lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ giảm trong thập kỷ tới và quốc gia đang chứng kiến tốc độ già hóa dân số nhanh.
Những thách thức về nhân khẩu học đã thúc đẩy chính quyền các tỉnh và thành phố nới lỏng hệ thống đăng ký hộ khẩu.
Ví dụ, bất kỳ sinh viên mới tốt nghiệp nào tại Quảng Châu đều có thể đăng ký cư trú miễn là họ đóng bảo hiểm xã hội. Ngày 9/5, giới chức tại Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) đã công bố một bộ hướng dẫn mới về giới hạn cư trú.
"Những bước đi mới này rõ ràng được đưa ra nhằm thu hút nhân tài ở lại địa phương để hỗ trợ mục tiêu phát triển các doanh nghiệp sản xuất của Hà Nam", nhà kinh tế Yang Jianguo giải thích.
Hệ thống hộ khẩu được cho là đã phân chia người dân thành hai nhóm xã hội - cư dân thành thị và cư dân nông thôn cũng như hạn chế khả năng di chuyển của người dân.
Trong khi những ai có hộ khẩu thành phố được hưởng các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí thì người ngoại tỉnh lại thường bị từ chối tiếp cận các phúc lợi cơ bản. Vấn đề đã rơi vào mức gần như khủng hoảng vào những năm 1980 khi hàng chục triệu nông dân đổ về các thành phố để làm việc trong các nhà máy thời kỳ bùng nổ.
Cai Fang - Phó Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho biết vào năm 2017, số lao động nhập cư đạt đỉnh với 172 triệu người nhưng tốc độ tăng đã giảm kể từ đó. "Họ không có hộ khẩu ở đô thị và không được hưởng các dịch vụ công cơ bản. Vì vậy, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề như không có lương hưu, bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế và trợ cấp thất nghiệp. Quan trọng hơn, giáo dục cho con cái cũng là một vấn đề không thể giải quyết dễ dàng và kết quả là những người lao động nhập cư trở thành một lực lượng lao động không ổn định. Hộ khẩu đã trở thành một hạn chế đối với quá trình đô thị hóa của Trung Quốc", chuyên gia Cai Fang chỉ ra.
Vào đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc thông báo trong kế hoạch 5 năm mới, ngoại trừ các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, chính quyền địa phương các tỉnh nên dần loại bỏ các hạn chế đối với những người từ tỉnh khác sang làm việc và đảm bảo đối xử công bằng cho người ngoại tỉnh. Các thành phố có dân số từ 3 triệu đến 5 triệu người nên xem xét việc bãi bỏ hoàn toàn hệ thống này.
Yi Fuxian - một nhà khoa học tại Đại học Wisconsin-Madison - cho hay trợ cấp tài chính giữa các cấp chính quyền là một yếu tố thương lượng đằng sau cuộc cải cách.
"Mỗi địa phương đều muốn có dân số đông hơn. Hệ thống tài khóa của Trung Quốc khiến nhiều chính quyền địa phương phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ được chuyển từ các cấp chính quyền cao hơn. Dân số ngày càng tăng đồng nghĩa với việc họ nhận được nhiều hỗ trợ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xin phê duyệt xây dựng cơ sở hạ tầng như các dự án đường sắt và đường cao tốc", nhà khoa học giải thích.
Trung Quốc siết dạy thêm để thúc đẩy sinh con Các cơ quan chức năng Trung Quốc đang soạn thảo các quy định cứng rắn nhằm hạn chế việc dạy thêm, học thêm bên trong và bên ngoài trường học, theo Reuters. Các quy định mới được đề xuất bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc và một số cơ quan khác. Theo nguồn tin của Reuters, chúng có thể được công bố vào...