Trung Quốc sẽ “vượt mặt” Mỹ trong 15 năm tới?
Báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) cho biết Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2032.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)
Bloomberg ngày 26/12 dẫn báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) tại London, Anh cho biết các nền kinh tế lớn tại châu Á sẽ tiếp tục phát triển từ năm 2018 và sẽ dần vươn lên các vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Năm 2018, CEBR dự báo Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và vượt Anh, Pháp, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Sau đó tới năm 2027, nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục vươn lên vị trí thứ 3, vượt Đức, Nhật Bản và chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc.
Tới năm 2032, 3 trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thuộc về khu vực châu Á, trong đó đáng chú ý nhất là Trung Quốc với vị trí số 1. Mỹ có thể sẽ phải nhường “ngôi vương” cho Trung Quốc trong năm này, nhưng vẫn xếp trên Ấn Độ và Nhật Bản.
Cũng trong năm 2032, Hàn Quốc và Indonesia sẽ lọt top 10 nền kinh tế mạnh nhất thế giới, thay thế vị trí của Italy và Canada trong nhóm 7 nền kinh tế lớn (G7).
Video đang HOT
Bảng xếp hạng cho thấy sự thay đổi về thứ tự của các nền kinh tế lớn nhất thế giới từ nay tới năm 2032 (Ảnh: Bloomberg)
Đối với trường hợp của Nga, nước này được cho là dễ bị tổn thương trước các biến động của giá dầu thế giới do phụ thuộc quá lớn vào ngành năng lượng. CEBR dự báo nền kinh tế Nga sẽ tụt xuống vị trí thứ 17 trên bảng xếp hàng năm 2032, tức hạ 6 bậc so với thời điểm hiện nay.
“Xu hướng thú vị đang nổi lên đó là tới năm 2032, 5 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nằm ở châu Á, trong khi các nền kinh tế châu Âu bị tụt hạng còn Mỹ mất vị trí dẫn dầu”, nhà kinh tế học kiêm đồng tác giả báo cáo của CEBR Oliver Kolodseike cho biết.
Cũng theo chuyên gia Oliver, “công nghệ và đô thị hóa sẽ là những nhân tố quan trọng góp phần thay đổi nền kinh tế thế giới trong 15 năm tới”.
Thành Đạt
Theo Dantri
Chuyên gia phát hiện điểm bất thường trong ảnh tên lửa của Triều Tiên
Triều Tiên bị nghi ngờ đã chỉnh sửa các ảnh chụp về vụ phóng thử tên lửa gần đây nhất trước khi công bố trên truyền thông, một số chuyên gia nhận định.
Vụ phóng tên lửa sáng 29/11 của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Truyền thông Triều Tiên tuần trước đã đăng một loạt hình ảnh về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 được cho là tên lửa mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên.
Marco Langbroek, một chuyên gia về vũ trụ của Hà Lan cho biết, ông nhận thấy điểm khác lạ về những chòm sao trong các bức ảnh mà Triều Tiên công bố.
"Có điều gì đó rất kỳ lạ, để chụp các ngôi sao, các nhiếp ảnh gia sẽ phải phơi sáng lâu hơn để lấy thêm ánh sáng. Tuy nhiên, phơi sáng lâu có nghĩa ảnh chụp các chuyển động sẽ mờ hơn", ông Langbroek cho biết.
Chuyên gia Langbroek xác định phương hướng của những bức ảnh dựa vào hình dạng các cột khói bốc lên từ động cơ tên lửa.
Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-15 vào nửa đêm 15/11. Tên lửa này được cho là đã bay xa 960km, bay cao 4.500km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Thông thường, khi chụp ảnh tên lửa vào ban đêm, các nhiếp ảnh gia sẽ sử dụng một khẩu độ mở rộng để bắt kịp chuyển động bay lên nhanh của tên lửa. Vì vậy các ngôi sao sẽ không hiện rõ nét trong ảnh, kể cả ở Triều Tiên, nơi được coi là ít ô nhiễm.
Cùng quan điểm này, Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm nghiên cứu Harvard-Smithsonian, nhận định: "Những hình ảnh trông vẫn rất nét, tôi thấy có gì đó không đúng".
Chuyên gia Langbroek chỉ ra, không phải tất cả các bức ảnh bị nghi có sự "chỉnh sửa". Một bức ảnh tên lửa Hwasong-15 dựng đứng trước khi phóng cho thấy các ngôi sao ở phía xa cùng các hình ảnh mờ mờ ở góc dưới bên phải, dấu hiệu cho thấy hiện tượng phơi sáng lâu để chụp trời đêm.
Minh Phương
Theo Dantri
Tổng thống Trump và chiến lược 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương' của Mỹ Ba cụm tàu sân bay Mỹ sắp tham gia cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Tây Thái Bình Dương, trong bối cảnh chính quyền Triều Tiên không có ý định chấm dứt tham vọng hạt nhân và tên lửa. Ảnh: US Navy Chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của Mỹ Ngày 18/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lần đầu...