Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của kẻ khác thế nào?
Trung Quốc giống như ánh nắng mặt trời đang làm tan chảy lớp băng ở Bắc Cực. Từng ngày, từng năm trôi qua, từng giọt nước đổ ra biển. Nó chậm rãi, dần dần, nhưng đáng chú ý.
“Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của bạn. Họ khiến cho thực phẩm sản xuất trở nên đắt đỏ hơn. Họ làm cho nước ngọt trở nên khan hiếm hơn”, Michael Silverstein, một đối tác cấp cao tại Nhóm Tư vấn Boston (BCG) ở Chicago nói.
Và ở BCG, các nhà phân tích gọi đó là “hiệu ứng boomerang” – một tập hợp của những kết quả khó dự đoán đang và sẽ tác động tới Mỹ trong con đường phát triển. Trong những năm 1980 và 1990, ngay trước lúc Trung Quốc ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, đồ giá trẻ của họ tràn ngập đất Mỹ từ giày thể thao, ga trải giường tới búp bê Barbie. Sản xuất ở Mỹ đình đốn, và ngày nay, hầu như mọi người đều vẫn đổ lỗi cho Trung Quốc về việc này.
“Thời điểm này lại hoàn toàn khác biệt. Chúng ta sẽ đi theo con đường khác. Nhu cầu của tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ dẫn tới cuộc siêu cạnh tranh về hàng hoá, và không chỉ có ngô hay đậu tương, tôi còn muốn nói tới nguyên liệu mà người nông dân cần để làm ra hai thứ ấy: phân bón và nước”, Silverstein nhấn mạnh.
Theo ước tính của BCG, người Trung Quốc sinh ra trong năm 2009 sẽ tiêu dùng gấp 38 lần so với người sinh ra năm 1960. Nó cùng đồng nghĩa với việc họ cũng sẽ sử dụng rất nhiều đậu nành.
Trong năm 1960, thịt gà và thịt lợn chiếm khoảng 4% lượng calo hàng ngày. Nhưng tới năm 2020, chúng sẽ chiếm khoảng 28%. Nhu cầu khổng lồ trong việc sử dụng đạm động vật buộc Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng thịt gà và thịt lợn. Nó đồng nghĩa với Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều thịt hơn, và các công ty thực phẩm Mỹ từ Tyson đến Brasil Foods sẽ phải tìm mọi cách để sản xuất nhiều hơn từ gia súc, vật nuôi vốn đang đảm bảo nguồn thực phẩm cho người địa phương.
“Chúng tôi thấy câu chuyện tiêu dùng của người Trung Quốc là không thể dừng lại được. Chúng tôi không chỉ nói về thị trường hàng hoá xa xỉ, mà còn về những thứ cơ bản nhất”, Jamie Kramer, phụ trách nghiên cứu chuyên đề chiến lược tại J.P. Morgan Private Bank ở New York cho biết.
Hãy xem xét con số này: theo Viện Brookings, trong năm 2009 Trung Quốc mới chiếm khoảng 3% số người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu của thế giới, trong khi đó, con số này ở Mỹ là 21%. Tới năm 2020, Trung Quốc được dự báo tăng lên 13% trong khi Mỹ sẽ giảm xuống còn 12%. Điều đó là bởi người Trung Quốc (và người châu Á nói chung) đang trở nên giàu có hơn.
Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc khác với lớp trung lưu ở Mỹ. Thu nhập GDP theo đầu người của họ vào khoảng 7.400 USD và ở Mỹ là gần 45.000 USD. Theo con số này thì thậm chí thu nhập của Trung Quốc tăng gấp ba lần cũng sẽ chưa bằng Mỹ.
Tuy nhiên, có một điều phải tính tới đó là “số lượng”. Có câu nói thế này “khi một triệu người Trung Quốc cùng nhảy, họ có thể tạo ra trận động đất”. Đó là chưa kể, người Trung Quốc đang kiếm được nhiều tiền hơn trước khi nền kinh tế dịch chuyển dần từ các nhà máy sản xuất đồ giá rẻ sang những công xưởng chế tạo điện thoại thông minh hay các tấm pin mặt trời. Và tiền lương của họ cũng cao hơn. Công nhân di cư có thể mua hai cân gạo thay vì một cân, tầng lớp trung lưu thành thị có thể mua hai chiếc xe hơi thay vì một chiếc. Và nếu bạn là General Motors, và bạn có rất nhiều tiền để chi cho chiến lược thị trường, thì bạn sẽ tiêu nó ở đâu?
Video đang HOT
Đó chỉ là một ví dụ mang tính ẩn dụ về việc người Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của kẻ khác thế nào. Còn đây là cách họ sẽ khiến điều đó trở nên thực tế trong thời gian tới, Silverstein cảnh báo trong cuốn sách “Giải thưởng 10 nghìn tỷ” mà Harvard Business Review Press xuất bản hồi tháng 10.
Trong năm 2010, 99% sản lượng ngô của Trung Quốc làm thức ăn chăn nuôi. Con số này chiếm khoảng 20% sản lượng ngô thế giới sẽ dùng làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc ở Trung Quốc. Nhập khẩu ngô của Trung Quốc sẽ tăng từ 2 triệu tấn hiện nay lên 15 triệu tấn tới năm 2020. Phần lớn ngô sẽ đến từ châu Mỹ như Mỹ, Brazil và Argentina.
BCG ước tính, người tiêu dùng Mỹ sẽ chứng kiến giá ngô tăng 57% trong vòng 10 năm tới do nhu cầu của người Trung Quốc.
Giá ngô đắt đỏ cũng đồng nghĩa với việc thực phẩm trở nên đắt đỏ ở Mỹ do ngô cũng được sử dụng để nuôi gà, lợn và trong nhiều nông trang chăn nuôi gia súc. Gia tăng 57% trong chi phí thức ăn năm 2020 có thể khiến giá thịt bò tăng 20% cùng thời điểm.
Mùa vụ gieo trồng rất cần nước. Chế độ ăn tập trung nhiều vào thịt động vật của Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu nước tăng gấp 10 lần. Trên thế giới, tiêu thụ nước đã đi trước nguồn cung ứng bền vững và tăng ở mức 2,2%/năm. Và tại Trung Quốc, nguồn cung cấp nước luôn căng thẳng vì nạn hạn hán.
Xuất khẩu thực phẩm Mỹ sang Trung Quốc kéo theo nhu cầu sử dụng nước tăng 18%. Nghĩa là để có nguồn thực phẩm xuất khẩu tới người tiêu dùng Trung Quốc, Mỹ cần tiêu tốn khoảng 41 nghìn tỷ lít nước mỗi năm – gấp hai lần lưu lượng sông Colorado (theo BCG).
“Hiệu ứng boomerang sẽ không kết thúc trong những cuộc bạo loạn hay nạn thiếu đói thực phẩm với người Mỹ”, Silverstein nói. Tuy nhiên, sẽ cần cuộc cách mạng trong nông nghiệp để thực hiện điều này. Những kịch bản ngày tận thế hiếm khi diễn ra theo đúng như thế. Nhưng xem xét thực tế về nhu cầu tiêu dùng ngày một lớn của người Trung Quốc với mọi loại hàng hóa, từ xa xỉ tới nhu yếu phẩm, thì các công ty nhất là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải tìm ra cách để sản xuất nhiều thực phẩm hơn
Theo Dantri
Ý đồ của Nga khi công khai vụ bắt và trục xuất điệp viên CIA
Chính quyền Nga hôm qua đã chính thức ra lệnh trục xuất một điệp viên CIA bị giới chức nước này bắt giữ trong lúc đang tìm cách tuyển mộ một nhân viên chống khủng bố Nga. Các nhà phân tích cho rằng Mátxcơva có ý đồ riêng khi công khai vụ việc.
Trong thông báo được phát đi ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận Ryan C. Fogle, một người vừa bị cơ quan chức năng Nga bắt giữ, là nhân viên đại sứ quán nước mình tại Mátxcơva. Tuy nhiên Washington không có bình luận nào về cáo buộc của phía tình báo Nga rằng đây là một điệp viên chìm của CIA
Ryan C. Fogle sau khi bị bắt.
"Chúng tôi có thể xác nhận rằng một nhân viên của đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva đã bị bắt giam trong thời gian ngắn và đã được thả", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói. "Chúng tôi đã thấy thông báo của Bộ Ngoại giao Nga và không có bình luận gì thêm vào thời điểm này".
Khi bị phóng viên truy hỏi ông Ventrell chỉ nói: "Tôi không thể nói thêm bất kỳ điều gì về chi tiết vụ việc".
Các quan chức khác khi được hỏi đều đề nghị chuyển câu hỏi tới CIA. Tuy nhiên, cơ quan này từ chối bình luận.
Trong khi đó phía Nga đã ra lệnh trục xuất ngay lập tức đối với Fogle. Không những vậy Mátxcơva còn triệu đại sứ Mỹ Michael McFaul lên trong ngày hôm nay để yêu cầu giải thích về vụ việc.
Trước đó, Cơ quan an ninh liên bang Nga FSB xác định Ryan C. Fogle là một điệp viên của CIA làm việc dưới vỏ bọc của nhân viên sứ quán Mỹ. Khi bị bắt người này mang theo một lượng lớn tiền mặt, dụng cụ hóa trang, dao, thẻ nhân viên đại sứ quán Mỹ, một bức thư tuyển mộ hứa hẹn trả thù lao hàng triệu USD để đổi lại việc "hợp tác lâu dài" cùng nhiều thiết bị khác.
FSB khẳng định Fogle đang tìm cách lôi kéo một nhân viên lực lượng chống khủng bố của Nga phụ trách khu vực Caucasus đầy bất ổn của Nga. Đây cũng là quê hương của 2 nghi phạm vụ đánh bom Boston làm rúng động nước Mỹ.
Ý đồ của Nga sau vụ bắt giữ
Trong thông báo của mình, Bộ Ngoại giao Nga tỏ ra khá gay gắt khi tuyên bố: "Những hành động khiêu khích với tinh thần của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh sẽ không có ích gì trong việc củng cố niềm tin của hai bên".
Fogle chính là nhân viên ngoại giao Mỹ đầu tiên trong khoảng một thập kỷ gần đây bị cáo buộc một cách công khai làm gián điệp tại Nga.
Mặc dù Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu, Nga và Mỹ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động do thám nhau. Năm ngoái, một số người Nga đã bị khép tội làm gián điệp tại Mỹ và bị kết án nhiều năm tù.
Hiếm điệp viên nào bị bắt với quá nhiều bằng chứng rõ ràng
Theo phân tích của các chuyên gia, việc một điệp viên CIA bị bắt với những bằng chứng rõ ràng như tiền mặt số lượng lớn, thư tuyển mộ, bản hướng dẫn tuyển người, tóc giả... sẽ khiến CIA bị mất mặt.
"Nếu thông tin là chính xác, thì vụ việc sẽ tạo ra một ấn tượng xấu kinh hoàng khi bị bắt với một tài liệu hướng dẫn kiểu như "101 cách trở thành điệp viên" và tóc giả. Anh ta chắc hẳn phải rất khờ khạo", Mark Galeotti một giảng viên tại đại học New York, người chuyên nghiên cứu về các cơ quan mật vụ Nga khẳng định.
Samuel Greene, giám đốc viện Nga tại đại học Nhà Vua tại London thì gọi các bằng chứng của vụ án là kỳ lạ. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng các điệp viên sẽ đưa cho nhau chỉ dẫn bằng văn bản", ông Greene nói và cho biết thêm rằng FSB đã thu được cả thẻ nhân viên ngoại giao của Fogle. Điều đó cho thấy anh ta đã mang cả các đồ dùng cá nhân trong lúc làm nhiệm vụ và bị bắt.
"Có thể đó là những gì CIA vẫn làm, cũng có thể là các cơ quan truyền thông tại Kremlin nghĩ rằng chúng ta ngu ngốc đến độ đó, hoặc có thể là cả hai", ông Greene nói tiếp.
Trong một đoạn video dài 5 phút do FSB cung cấp cho truyền hình Nga, một sỹ quan Nga đã nói chuyện với 3 người có vẻ là các nhà ngoại giao Mỹ tới đón Fogle tại văn phòng của FSB. Vị sỹ quan Nga nói rằng Fogle đã gọi điện cho một sỹ quan phản gián của FSB phụ trách khu vực Caucasus vào lúc 23 giờ 30 ngày thứ Hai. Sau khi bị từ chối gặp mặt, Fogle gọi điện lần hai và chào giá 100.000 euro nếu người này chịu cung cấp thông tin cho Mỹ.
Theo ông Galeotti, việc Nga công khai vụ bắt Fogle cho thấy một ý đồ chính trị sau vụ bắt giữ. Ông cho biết các vụ việc kiểu này không phải hiếm nhưng việc làm to chuyện như vậy thì ít gặp.
"Thường thì, theo thông lệ những vụ việc như thế này được giải quyết một cách kín đáo, trừ khi họ muốn đưa ra thông điệp nào đó", Galeotti nhận định. "Nếu một nhân viên sứ quán bị phát hiện là gián điệp, người ta sẽ cứ để anh ta tự do, bởi sau khi xác định được danh tính, họ có thể theo dõi xem anh ta nói chuyện với ai, làm gì. Không có lí do gì để làm rùm beng lên, bắt giữ và trục xuất họ".
Do đó ông nhận định có thể Kremlin đang muốn dùng vụ việc như là một cách để đối phó với phe đối lập hơn là với Washington. Và vụ bắt giữ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quan hệ Nga-Mỹ.
Theo Dantri
Nghi phạm đánh bom Boston đã được chôn cất Sau một tuần nằm trong nhà tang lễ vì không tìm được nơi chôn cất, cuối cùng thi thể của Tamerlan Tsarnaev, nghi phạm đánh bom Boston, hôm qua đã được chôn cất tại ngoại ô thành phố Worcester. Tamerlan Tsarnaev cuối cùng cũng được chôn sau nhiều ngày bị từ chối Thông tin được cảnh sát thành phố Worcester xác nhận với...