Trung Quốc sắp diễn tập trái phép ở Biển Đông
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam ra thông báo về cuộc diễn tập từ ngày 30/6 đến 5/7 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo thông báo của Cục Hải sự Hải Nam, quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc diễn tập trái phép dài 5 ngày tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bên trong khu vực giới hạn bởi 6 tọa độ 1716.24N 11124.65E; 1802.19N, 11259.45E; 1658.63N, 11348.37E; 1629.12N, 11344.93E, 1541.19N, 11238.17E, 1603.58N, 11126.69E.
Thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam yêu cầu tàu thuyền tránh xa khỏi các khu vực này. Hồi tháng 8/2019, Trung Quốc từng tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật trái phép ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi nước này dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.
Khu vực Trung Quốc sắp diễn tập trái phép (chấm đỏ) tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồ họa: Google Maps.
Video đang HOT
Trung Quốc gần đây thực hiện một loạt hoạt động gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh các nước tập trung đối phó với Covid-19. Bắc Kinh điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bám sát tàu khoan của Malaysia. Tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Bắc Kinh còn đơn phương tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính ở Biển Đông, đặt tên cho các thực thể và cấm đánh bắt cá.
Việt Nam đã nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị”, bà Hằng cho biết.
Tướng Trung Quốc để ngỏ khả năng tấn công Đài Loan
Thượng tướng Lý Tác Thành cho biết quân đội Trung Quốc không loại trừ sử dụng vũ lực nếu không còn cách nào khác ngăn Đài Loan độc lập.
"Nếu khả năng thống nhất trong hòa bình không còn, các lực lượng vũ trang cùng cả nước, bao gồm cả người dân Đài Loan, sẽ tiến hành tất cả bước đi cần thiết để đập tan mọi âm mưu hoặc hành động ly khai", thượng tướng Lý Tác Thành, tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tuyên bố hôm nay.
Phát biểu của tướng Lý được đưa ra tại lễ kỷ niệm 15 năm ban hành luật chống ly khai, được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Luật này giúp Trung Quốc có căn cứ pháp lý cho hành động quân sự chống lại Đài Loan nếu hòn đảo đòi ly khai hoặc sắp có động thái như vậy.
Thượng tướng Lý Tác Thành, tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Ảnh: AP.
"Chúng tôi không hứa hẹn từ bỏ việc sử dụng vũ lực, và bảo lưu khả năng sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ổn định và kiểm soát tình hình ở eo biển Đài Loan", ông Lý nói thêm.
Cũng tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cho biết các biện pháp phi hòa bình là lựa chọn cuối cùng. "Miễn là còn cơ hội dù là nhỏ nhất cho một giải pháp hòa bình, chúng tôi sẽ nỗ lực gấp trăm lần", ông nói.
Tuy nhiên, ông Lật Chiến Thư vẫn "nghiêm khắc cảnh báo" các thế lực đòi độc lập và ly khai ở Đài Loan. "Con đường độc lập của Đài Loan sẽ đi vào ngõ cụt. Bất cứ thách thức nào với luật chống ly khai đều sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc", ông Lật cho hay.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Quan hệ giữa hai bờ eo biển trở nên căng thẳng từ khi bà Thái Anh Văn, người phản đối chính sách "Một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo Đài Loan.
Tình hình leo thang khi bà Thái tái đắc cử với tỷ lệ ủng hộ kỷ lục 61%. Trong lễ tái nhậm chức hôm 20/5, bà tuyên bố muốn đối thoại với Bắc Kinh, nhưng không chấp nhận để họ sử dụng mô hình "một quốc gia, hai chế độ" để hạ cấp Đài Loan và làm suy yếu tình trạng qua eo biển.
Tại kỳ họp quốc hội thường niên tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tái khẳng định mục tiêu thống nhất Đài Loan, nhưng không còn sử dụng từ "hòa bình" trong cụm từ "thống nhất hòa bình", vốn luôn xuất hiện trong bài phát biểu về vấn đề Đài Loan của các lãnh đạo Trung Quốc tại kỳ họp quốc hội trong ít nhất 40 năm qua.
Tuy nhiên, một quan chức Đài Loan cấp cao giấu tên cho rằng phát biểu của ông Lý không phải dấu hiệu thể hiện Bắc Kinh đã thay đổi cách tiếp cận vấn đề hai bờ eo biển. "Họ vẫn đề cập tới mô hình thống nhất một cách hòa bình, nhưng sử dụng cách nói gián tiếp", quan chức này nói.
Chiến tranh thuốc phiện: Hải chiến với người Anh và mối hận trăm năm trong lịch sử TQ Sự thất bại trong chiến tranh thuốc phiện mãi mãi là mối hận không thể xóa nhòa trong lịch sử Trung Quốc. Tự cho mình là quốc gia mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, Trung Quốc dưới đế chế Thanh triều đã chuốc lấy thất bại cay đắng trước quân Anh và chấp nhận để ngoại bang đầu độc cả đất nước...