Trung Quốc ra tay giải quyết khủng hoảng điện
Giới chức Trung Quốc đã ra lệnh tăng cường sản xuất than và vận chuyển đến các nhà máy nhiệt điện, trấn an rằng đủ nguồn cung khi đông đến.
Hôm thứ Tư (29/9), Trung Quốc đã yêu cầu các công ty đường sắt và chính quyền địa phương nâng cao vai trò của họ trong việc vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện. Động thái được đưa ra sau khi nhiều khu vực then chốt của nền kinh tế phải vật lộn với việc cắt điện, khiến sản lượng công nghiệp bị tê liệt.
“Mỗi công ty đường sắt nên tăng cường vận chuyển than đến các nhà cung cấp điện có lượng tồn kho dưới bảy ngày và khởi động cơ chế cung cấp khẩn cấp kịp thời”, văn bản của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) nêu.
Nguồn cung thiếu thốn, tiêu chuẩn khí thải khắt khe và nhu cầu sản xuất mạnh mẽ đã đẩy giá than tại nước này lên mức kỷ lục. Nhiệt điện vốn chiếm 60% tỷ trọng sản lượng điện của Trung Quốc. Trong khi, nhu cầu dùng điện dự kiến còn tăng cao khi mùa đông đến dần.
Giá than nhiệt giao sau tại Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1.376,8 nhân dân tệ (212,92 USD) một tấn vào hôm nay, gây thêm áp lực bù lỗ lên các công ty điện. Biện pháp hạn chế sử dụng điện đã được ban bố ở các vùng rộng lớn của đất nước, đặc biệt là ba tỉnh đông bắc, nơi có gần 100 triệu người.
Video đang HOT
Một khu phức hợp cung cấp nhiệt sưởi bằng đốt than ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc ngày 15/11/2019. Ảnh: Reuters
“Nếu mùa đông bị cắt điện thì hệ thống sưởi sẽ không hoạt động. Tôi có một đứa trẻ và một người già ở nhà, nếu không có sưởi thì đó là một vấn đề”, Fang Xuedong, 32 tuổi, một tài xế giao hàng ở Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, cách Bắc Kinh 90 phút bay về phía đông bắc, cho biết.
Giới chức các cấp đã nhiều lần lên tiếng trấn an người dân rằng sẽ có điện để sử dụng trong gia đình và sưởi ấm khi mùa đông đến gần. Trung Quốc cũng đang xem xét tăng giá điện công nghiệp để giảm bớt căng thẳng nguồn cung, theo nguồn tin từ Bloomberg .
Việc phân bổ điện đã được thực hiện trong giờ cao điểm ở nhiều khu vực phía đông bắc Trung Quốc kể từ tuần trước. Các bản tin và bài đăng trên mạng xã hội ghi nhận một số nơi gặp sự cố mất đèn giao thông và mạng 3G.
Cũng trong hôm nay, Peoples Daily đưa tin than để sưởi ấm và cung cấp điện ở các tỉnh Đông Bắc như Cát Lâm, Hắc Long Giang và Liêu Ninh đã được đảm bảo, nhờ một số nhà cung cấp và nhà sản xuất đã ký hợp đồng mua than trung và dài hạn gần đây.
Chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường sản xuất than trong nước. Tỉnh sản xuất than hàng đầu là Sơn Tây đã ký hợp đồng cung cấp than trung và dài hạn với 14 tỉnh, theo thông tin từ Xinhua . Trong khi đó, tỉnh trưởng tỉnh Cát Lâm trong tuần này đã đề xuất tăng nhập khẩu than.
Trung Quốc, nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới đã nhập khẩu tổng cộng 197,69 triệu tấn than trong 8 tháng đầu năm, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhập khẩu than trong tháng 8 đã tăng hơn một phần ba do nguồn cung trong nước bị thắt chặt.
Li Shuo, Cố vấn chính sách cấp cao của Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á, kêu gọi Trung Quốc cải cách ngành điện để giúp nước này hấp thụ được biến động giá cả và đảm bảo ổn định. “Sự thiếu hụt điện này sẽ mang lại những tác động lớn về kinh tế và chính trị”, ông nói.
Cũng theo vị chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là giá than cao chứ không phải các chính sách khí hậu. Việc thiếu điện hiện nay chứng tỏ tầm quan trọng của việc cần giảm phụ thuộc vào than đá. Li Shuo nói rằng loại nhiên liệu được coi là cốt lõi cho an ninh năng lượng của Trung Quốc này lại thực tế không an toàn chút nào.
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) ngày 28/9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 từ mức 8,2% xuống mức 7,8%, do tình trạng cắt điện trên toàn quốc đã ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình nước này, đồng thời khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất, trong đó có cả một số nhà cung cấp cho Apple và Tesla.
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo Bloomberg Intelligence, ít nhất 17 tỉnh và khu vực - chiếm 66% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc - đã thông báo một số hình thức cắt giảm điện trong những tháng gần đây, chủ yếu nhắm vào các cơ sở sản xuất công nghiệp nặng.
Gần 60% nền kinh tế Trung Quốc sử dụng nhiên liệu từ than, tuy nhiên nguồn cung này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, cũng như trong bối cảnh chịu áp lực lớn bởi các mục tiêu khí thải trên toàn cầu và tác động từ sự sụt giảm nhập khẩu than trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Australia.
Hồi đầu tháng này, giá than đã đạt mức cao kỷ lục, với những hạn chế đè nặng lên các doanh nghiệp và các hộ gia đình trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Cơ quan quản lý Năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết nhu cầu điện của nước này trong nửa đầu năm nay đã vượt mức độ trước đại dịch.
Goldman Sachs là cơ quan tài chính thứ hai đã hạ cấp dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong những ngày gần đây. Ngày 27/9, các nhà phân tích thuộc tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) cho biết số các nhà máy buộc phải ngừng hoạt động tại Trung Quốc đã gia tăng đột biến vì hai lý do: để đáp ứng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải hoặc do tình trạng thiếu than. Tập đoàn này đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc xuống còn 7,7%.
Nhiều nhà máy, hộ gia đình ở Trung Quốc vật lộn vì thiếu điện Việc cắt điện nhằm đáp ứng mục tiêu tiêu thụ năng lượng đã buộc các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa và khiến một số hộ gia đình phải chật vật sống trong bóng tối. Khói bốc lên từ một nhà máy sản xuất than ở Hejin thuộc tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc.. Ảnh: AP Theo trang The Guardian (Anh),...