Trung Quốc nói hội đàm với Mỹ ‘có ích’ nhưng nhiều bất đồng
Cuộc gặp Mỹ – Trung ở Alaska mang tính xây dựng và có ích, dù hai bên có khởi đầu căng thẳng, theo nhà ngoại giao Dương Khiết Trì.
“Cuộc gặp mang tính thẳng thắn và có ích, giúp xây dựng hiểu biết lẫn nhau”, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết sáng 20/3, sau khi kết thúc cuộc hội đàm hai ngày với quan chức Mỹ, đánh dấu lần đầu hai bên hội đàm cấp cao trực tiếp kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Ông Dương thể hiện quan điểm tích cực về sự kiện này, cho rằng mục tiêu của nó là thực thi những vấn đề được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất với Tổng thống Biden trong cuộc điện đàm hồi tháng 2, nhưng nhấn mạnh “vẫn còn nhiều khác biệt quan trọng giữa hai bên”.
“Hai bên cần xử lý quan hệ Mỹ – Trung dựa trên nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhằm tiến tới quan hệ song phương ổn định”, ông Dương nói thêm.
Cuộc gặp của quan chức Mỹ – Trung tại Alaska hôm 19/3. Video: AFP .
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ ý hy vọng Bắc Kinh và Washington có thể đối thoại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tìm kiếm điểm chung trong khi vẫn duy trì khác biệt, thay vì một bên đơn phương đưa ra yêu sách.
“Mỹ không nên coi thường quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc”, ông Vương cảnh báo.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì ở Alaska hôm 18/3.
Cuộc gặp khởi đầu căng thẳng khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết sẽ đưa ra “những quan ngại sâu sắc” của chính quyền Biden với một số hành động của Trung Quốc, sau đó nhà ngoại giao Dương Khiết Trì phản pháo với bài phát biểu dài 15 phút, vượt quá thời hạn hai phút mà quan chức hai bên đã thống nhất trước thềm hội đàm.
Ông Dương cảnh báo Mỹ dừng can thiệp vào “công việc nội bộ” của Trung Quốc và nói rằng Washington nên “ngừng thúc đẩy nền dân chủ với phần còn lại của thế giới”, chỉ ra nhiều người Mỹ “thực sự không mấy tin tưởng” vào nền dân chủ của chính nước này.
Điều này dường như khiến Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ và ông giữ các phóng viên trong phòng họp báo để đáp trả, thay vì bắt đầu cuộc họp riêng với quan chức Trung Quốc. Trước mặt báo giới, Blinken kiên quyết bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh cho rằng ông “trịch thượng”.
Phần phát biểu mở đầu dự kiến chỉ kéo dài vài phút trở thành cuộc công kích ăn miếng trả miếng dài hơn một giờ.
Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) và nhà ngoại giao Dương Khiết Trì họp báo sau cuộc họp hôm 19/3. Ảnh: Xinhua .
Trong bài viết được đăng tải vài giờ sau phiên gặp mặt đầu tiên, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV nói bài phát biểu khai mạc của phía Mỹ đã “vượt quá thời gian giới hạn một cách nghiêm trọng” và “khơi mào mâu thuẫn” khi “tấn công vô căn cứ” vào chính sách đối nội, đối ngoại của Bắc Kinh.
Quan hệ Mỹ – Trung đã xấu đi nghiêm trọng trong bốn năm nhiệm kỳ cựu tổng thống Donald Trump, khi hai nước đối đầu nhau trên nhiều vấn đề từ Covid-19, thương mại, Đài Loan, Hong Kong, cho tới các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Các lãnh đạo Trung Quốc cho biết họ rất mong đưa mối quan hệ với Mỹ trở lại tình trạng ổn định. Song một số nhà phân tích cảnh báo bất kỳ bước đi xuống thang nào của Mỹ cũng có thể giúp Trung Quốc thêm thời gian phát triển năng lực công nghệ và quân sự trước khi căng thẳng lại leo thang
Kỳ vọng từ cuộc 'chạm mặt' Mỹ - Trung ở Alaska
Cuộc hội đàm ngoại giao Mỹ - Trung ở Alaska khó phá vỡ lập trường cứng rắn của hai bên, nhưng có thể tạo tiền đề cho một số nhượng bộ.
Khi Ủy viên Quốc vụ viện, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì gặp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Hawaii hồi tháng 6 năm ngoái, hai bên giống như đến từ hai vũ trụ song song, không có bất kỳ điểm chung nào. Một tháng sau, căng thẳng song phương tiếp tục leo thang, với việc các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước phải nhận lệnh đóng cửa.
Ngày 18/3, ông Dương sẽ một lần nữa gặp mặt các quan chức hàng đầu của Mỹ tại Anchorage, Alaska, nhưng là với tân Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Đồng hành cùng ông Dương trong lần "chạm mặt" đầu tiên giữa hai cường quốc kể từ khi Biden nhậm chức là Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP.
Với những tín hiệu tích cực rất nhẹ từ cả hai phía, giới quan sát cho rằng có khả năng cuộc gặp ở Anchorage, Alaska, sẽ mang đến một số tiến bộ và hai nước sẽ đưa ra các nhượng bộ nhất định.
"Tôi tin hai bên sẽ tái khẳng định về những mối quan ngại quốc gia và lằn ranh đỏ, nhưng cũng sẽ xuất hiện những nỗ lực nhằm trấn an đối phương ở mức độ nào đó", Sourabh Gupta, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung ở Washington, nhận định. "Song chắc chắn là các mối quan ngại và những lằn ranh đỏ sẽ chi phối cuộc thảo luận ở Anchorage".
Ngoại trưởng Vương đã nhắc lại những lằn ranh đỏ đó vào tuần trước, khẳng định các vấn đề như Đài Loan, Tân Cương hay Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc và phải để người Trung Quốc xử lý. Ông này còn cảnh báo Mỹ không can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, tất cả những điều này đều chắc chắn nằm trong danh sách thảo luận hàng đầu của Mỹ, Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, đánh giá.
"Đây nhiều khả năng sẽ là dịp để hai bên nhắc lại lập trường và bày tỏ quan ngại về chính sách của bên kia", bà nói. "Vấn đề nhân quyền, bao gồm cả Tân Cương và Hong Kong, chắc chắn luôn được đề cao trong chương trình nghị sự của Mỹ. Tôi không nghĩ Trung Quốc có thể làm gì để tác động tới điều này".
Hôm 12/3, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan thông báo ngắn gọn trước truyền thông về cuộc gặp với Trung Quốc, cho biết Washington coi những vấn đề mà Ngoại trưởng Vương cảnh báo các nước bên ngoài không can thiệp đều chạm tới "những giá trị và lợi ích cơ bản" của họ.
Sullivan thêm rằng Mỹ cũng quan ngại về tình thế đối đầu gần đây giữa Trung Quốc và Australia, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên biển Hoa Đông và các cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ.
Theo Gupta, Mỹ có thể tìm cách ngăn Trung Quốc thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông lẫn biển Hoa Đông cũng như trong vấn đề Đài Loan, đồng thời đẩy mạnh những hành động liên quan đến cáo buộc gián điệp thương mại, trộm cắp trên không gian mạng hay chính sách không công bằng của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng ông lưu ý rằng ở những vấn đề khác, Mỹ có thể không làm được nhiều.
"Về Tân Cương và Hong Kong, chính quyền Biden sẽ thể hiện thái độ bất bình với những diễn biến hiện nay nhưng không quá cứng nhắc trong việc đặt ra lằn ranh đỏ", Gupta nhận định. "Lý do chính là họ chỉ có thể trừng phạt hành vi vượt lằn ranh đỏ bằng chính sách cấm vận đơn phương, nhưng không thể làm gì hơn để răn đe Bắc Kinh".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã liên tục kêu gọi hai bên "trở lại bình thường", tuyên bố Bắc Kinh có thể hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống Covid-19, phục hồi kinh tế và đối phó biến đổi khí hậu.
Giới chức Trung Quốc cũng gọi cuộc gặp ở Alaska là "một cuộc đối thoại chiến lược", gợi lên ký ức về thời kỳ cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, nơi các quan chức hai bên thường xuyên gặp mặt để thảo luận những vấn đề quan trọng.
Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nhanh chóng xóa bỏ kỳ vọng này khi nói thẳng rằng đó không phải một cuộc đối thoại chiến lược.
"Việc ông Vương và ông Dương sẵn sàng tới Alaska cho thấy phía Trung Quốc coi trọng cuộc gặp này", Zhiqun Zhu, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế kiêm chủ nhiệm khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Bucknell, Mỹ, nhận xét.
Nhưng ông lưu ý rằng bầu không khí chính trị ở Washington sẽ không cho phép Blinken đến Bắc Kinh sau chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khác biệt trong giọng điệu giữa Mỹ và Trung Quốc về cuộc gặp cũng được chuyên gia Yun Sun từ Trung tâm Stimson lưu ý.
"Nếu có bất kỳ ý nghĩa địa chính trị tích cực nào về cuộc gặp thì đó là việc Mỹ và Trung Quốc đang nói chuyện lại với nhau và đối thoại sẽ tốt hơn là không", Yun nhận định. "Tôi nghĩ phía Trung Quốc rất đề cao khía cạnh tích cực này, nhưng tôi không tin Mỹ có chung suy nghĩ như vậy".
Một số nhà quan sát tỏ ra lạc quan hơn, lưu ý đến thực tế là hai nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã chấp nhận tới Mỹ.
"Nếu tất cả thời gian quý báu chỉ được dành để nhắc lại lập trường mà mỗi bên đã thiết lập thì không nên gọi đó là đối thoại", Pang Zhongying, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Hải Dương ở Trung Quốc, đánh giá. "Ít nhất đây cũng là một chuyến đi đến Mỹ và phía Trung Quốc nên nêu lên những vấn đề mà phía Mỹ sẵn sàng hợp tác".
Theo đó, phái đoàn hai bên tại Alaska có thể thảo luận về hợp tác chống biến đổi khí hậu hay tìm cách dọn đường để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Biden bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 5/2021 ở Singapore hoặc hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 10 ở Italy.
Mỹ tạo bàn đạp trước cuộc 'chạm mặt' Trung Quốc Mỹ nói Trung Quốc 'hung hăng hơn' ở Biển Đông Mỹ thống nhất lập trường mạnh mẽ với Trung Quốc Mỹ, Nhật cùng cáo buộc Trung Quốc 'gây bất ổn'
Trung Quốc yêu cầu Mỹ 'sửa sai' Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất nhiều thập kỷ, yêu cầu Washington "sửa chữa sai lầm". Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu của nước này, hôm 5/2 điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cho rằng Mỹ "nên sửa...