Trung Quốc: Những tiếng phản đối Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu lộ rõ
Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc về các chính sách của ông, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang chuẩn bị cho lễ duyệt binh kỷ niệm chấm dứt Chiến tranh Thế giới Thứ 2 vào ngày 3/9 ở Bắc Kinh
Theo “Nhân dân Nhật báo”, khi nền kinh tế của Trung Quốc lâm vào khủng hoảng, trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra “một làn sóng phản đối quyết liệt ngoài sức tưởng tượng” nhằm vào ông Tập. Và dường như làn sóng này đã trở nên công khai sau cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo Đảng tại khu nghỉ dưỡng ven biển Bắc Đới Hà. Thông thường, đây là dịp để vận động hành lang và đưa ra những thỏa hiệp, và sau đó, các phương tiện truyền thông nhà nước sẽ đưa tin rằng các nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận về chính sách. Tuy nhiên, năm nay mọi việc lại khác hẳn khi thông tin về cuộc họp này khá im ắng.
Giới báo chí Trung Quốc cho rằng có điều gì đó không mấy tốt đẹp đã diễn ra với ông Tập Cận Bình tại cuộc họp, và điều này diễn ra trùng hợp với thực tế là ngày càng có nhiều ý kiến quan ngại về sự quản lý kinh tế ở đất nước này. Các thị trường chứng khoán lên xuống một cách bất thường, trong khi các nhà lãnh đạo Đảng tìm mọi cách để kiểm soát giá cổ phiếu. Và sự sụt giá bất ngờ của đồng nhân dân tệ đã làm chao đảo thương mại toàn cầu. Các nhà kiểm duyệt đã cấm các phương tiện truyền thông Trung Quốc tiết lộ cho công chúng toàn bộ câu chuyện về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, để không gây hoang mang cho các nhà đầu tư.
“Thời báo Hoàn cầu”, một tờ báo theo đường lối cứng rắn, cho rằng các phương tiện truyền thông phương Tây muốn chứng kiến sự kết thúc của mô hình chính trị và kinh tế ở Trung Quốc, và vì thế đã phóng đại mọi việc. Tờ báo này viết: “Họ nghĩ rằng một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ khiến cho đất nước Trung Quốc rơi vào hỗn loạn”.
Tuy nhiên, chính các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã tiết lộ quy mô của làn sóng phản kháng trong nội bộ Đảng Cộng sản nhằm vào Chủ tịch Tập Cận Bình. Tháng này, một số lượng lớn bất thường các bài báo đăng trên tờ “Nhân dân Nhật báo” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ năm 1948 – đã lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu về việc thao túng quyền lực ở hậu trường. Đây rõ ràng là một sự ám chỉ đến cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, năm nay đã 89 tuổi, và những nhân vật có liên quan đến người kế nhiệm ông năm 2002 là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Một số người được cho là thuộc nhóm có liên quan đến “căn cứ quyền lực” của ông Hồ Cẩm Đào trong phái “Đoàn Thanh niên”, mà nhóm này có cả Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Video đang HOT
Tuần trước, khi trao đổi với các phóng viên nước ngoài, một nhân vật ở Bắc Kinh đã nói rằng có khả năng ông Lý Khắc Cường sẽ nhận trách nhiệm về những rắc rối kinh tế hiện nay. Xem ra, những lời nói bóng gió trên các phương tiện truyền thông đó còn ôn hòa hơn so với bài báo được đăng nổi bật trên “Nhân dân Nhật báo” và được các phương tiện truyền thông khác đăng tải lại. Bài báo nói trên, được viết bởi tác giả có bút danh là “Guoping” – nhiều ý kiến cho là ám chỉ đến một nhóm bình luận cấp cao – cho biết các cuộc cải cách kinh tế của ông Tập Cận Bình và nỗ lực chống tham nhũng của ông đã vấp phải “những khó khăn lớn”. Bài báo nhấn mạnh: “Đã diễn ra một làn sóng phản đối dữ dội ngoài sức tưởng tượng đối với các cuộc cải cách này”.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bài báo nói trên đã thừa nhận một thực tế mà nhiều người ở Bắc Kinh cũng như những người bất đồng chính kiến ở Hong Kong đã nói tới hơn một năm nay, đó là trong nội bộ Đảng Cộng sản, có rất nhiều người vừa sợ, vừa ghét ông Tập Cận Bình. Một nguồn tin ở Hong Kong có mối quan hệ mật thiết với giới chóp bu nói: “Chính trường Trung Quốc hiện nay giống như một trò chơi có tổng không, và hiện có một mối quan ngại sâu sắc rằng không biết ông Tập Cận Bình đã tập trung được bao nhiêu quyền lực trong tay. Người ta đang lo ngại rằng ông Tập Cận Bình sẽ trở thành một Mao Trạch Đông nữa và không bao giờ từ bỏ quyền lực. Hiện có cảm giác rằng họ (các thành viên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc) đang quay lưng chống lại nhau và không ai được an toàn”.
Ngày 3/9 tới, khi đón tiếp các nhân vật quyền lực như là Tổng thống Nga Vladimir Putin trên hàng ghế danh dự tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Tập Cận Bình sẽ vẫn phải thể hiện phong thái điềm tĩnh của người lãnh đạo như thường lệ. Với 12.000 quân nhân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và 1.000 quân nhân đến từ các quốc gia khác, cuộc duyệt binh tại lễ kỷ niệm sẽ trở thành một màn trình diễn sức mạnh mà cả Bắc Kinh và Moskva đều biết làm thế nào để thể hiện một cách hoàn hảo nhất.
Theo Nghiên cứu biển đông
Bà Vũ Thị Thư tái đắc cử Chủ tịch Hội Phật tử tại Séc
Hơn 50 đại biểu đại diện cho Phật tử của 12 chi hội ở Séc đã đến dự Đại hội lần thứ 3 Hội Phật tử diễn ra 29/8 tại Praha.
Phát biểu tại Đại hội lần thứ 3 Hội Phật tử, bà Vũ Thị Thư, Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2011-2015 đã nêu bật những hoạt động chính của Hội thời gian qua, trong đó có việc tổ chức các kỳ đại lễ lớn hàng năm như Đại Lễ Thượng Nguyên, Đại lễ Phật Đản và Đại Lễ Vu Lan, thu hút hàng ngàn Phật tử và bà con yêu kính đạo Phật tham dự.
Ngoài ra Hội còn tổ chức các chương trình như Đạo phật và Tuổi trẻ, Xuân an vui, Trại hè về nguồn dành cho các cháu thanh thiếu niên, các khóa hoằng pháp viên, các lễ cầu an, cầu siêu, và phóng sinh.
Đại hội lần thứ 3 Hội Phật tử Việt Nam tại CH Séc. (ảnh: SecViet)
Nói về các hoạt động của Hội, bà Thư chia sẻ: "Cùng với cộng đồng người Việt Nam, chúng tôi quảng bá Phật pháp cho tất cả bà con cộng đồng xa quê. Thứ hai nữa là trước đây chỉ có 5-6 nơi thờ tự thôi, còn bây giờ lên tới 12-13 chỗ. Thành công đó chúng tôi cho rằng nó đã lan tỏa trong cộng đồng Séc, và không chỉ ở Séc mà còn sang tất cả các nước khác nữa như Ba Lan, Hungari, và Đức."
Bà Thư cũng khẳng định, trong thời gian tới, Hội sẽ thường xuyên tổ chức các khóa tu có chất lượng cho bà con Phật tử, hoàn thiện những khóa tu cho các cháu thanh thiếu niên, nâng cao chất lượng các buổi lễ hội. Hội sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động từ thiện hướng về quê hương, đồng thời tăng cường giao lưu chia sẻ với các Hội phật tử ở các nước trong khu vực.
Do thường xuyên tổ chức nhiều các hoạt động Phật sự và hướng về cộng đồng, nên các hoạt động của Hội luôn được đánh giá cao trong các tổ chức Phật giáo và hội-đoàn ở Châu Âu.
Đại đức Thích Trí Đắc, trưởng đoàn giáo thọ Hội phật tử Việt Nam tại các nước Châu Âu. (ảnh: SecViet)
Đại đức Thích Trí Đắc, trưởng đoàn giáo thọ Hội phật tử Việt Nam tại các nước Châu Âu cho biết: "Hội Phật tử Cộng hòa Séc đã mang nền giáo dục của Đức Phật đến cho bà con làm cho bà con gắn kết bên quê hương thứ hai này giống như quê hương nhà, giữ được nét đẹp truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt. Nó như là chất keo để kết nối bà con xa xứ tai Cộng hòa Séc nói riêng, và cũng tập hợp được cộng đồng người Việt của mình tại Ba Lan, Hungari, Đông Đức, Hy Lạp như anh em một nhà".
Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Đại sứ Trương Mạnh Sơn biểu dương những thành tích của Hội phật tử trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Hội tiếp tục có nhiều hoạt động gắn kết Phật tử và bà con người Việt tại Cộng hòa Séc, giúp họ ổn định và hòa nhập tốt với nước sở tại.
Đại hội đã bầu ra ban Hội đồng điều hành mới nhiệm kỳ 2015-2019 gồm 35 người, và Phật tử Vũ Thị Thư tái đắc cử là Chủ tịch Hội./.
PV
Theo_VOV
Tổng thống Mỹ Obama sẽ không dồn ép ông Tập Cận Bình đến cùng? Mặc dù Trung Quốc đang suy yếu vì nền kinh tế đi xuống, Tổng thống Mỹ Obama nhiều khả năng sẽ không gây sức ép trong chuyến thăm của ông Tập vào tháng 9 tới. Theo phân tích của tác giả David Ignatius đăng tải trên tờ Washington Post, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã lên kế hoạch đối phó với...