Trung Quốc “ngậm bồ hòn” trong nhiều dự án lớn với Triều Tiên
Là đồng minh thân thiết lâu năm, vậy nhưng Trung Quốc cũng đang tỏ ra giận dữ trước cách hành xử của Bình Nhưỡng. Đã có không ít dự án hợp tác giữa hai nước được triển khai rầm rộ rồi bị bỏ dở khiến Bắc Kinh phải “ngậm bồ hòn”.
Để thấu hiểu sự giận dữ của Bắc Kinh với đồng minh lâu năm Triều Tiên, bạn chỉ cần lái xe qua khu Đô thị mới Dandong, một phần của khu biên giới từng được kỳ vọng là biểu tượng cho sự hợp tác Trung – Triều.
Binh lính Triều Tiên ở phía bên kia của Khu đô thị mới Dandong
Từ thành phố chính Dandong chạy xe về phía Tây Nam, khu đô thị được đầu tư nhiều tỷ USD nhìn thật ấn tượng ở phía chân trời. Một “rừng” những tòa cao ốc mọc lên được bao quanh bởi những trung tâm thương mại khổng lồ, thậm chí còn to hơn cả những tòa nhà chính phủ. Thêm một vòng đu quay lớn cùng một sân bóng rổ tiêu chuẩn quốc tế càng khiến quang cảnh khu đô thị thêm ấn tượng.
Nhưng, cũng giống như mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, những công trình xây dựng đó chỉ ấn tượng khi nhìn từ xa. Một khi đã đến khu đô thị mới, bạn sẽ hiểu vì sao những người dân địa phương gọi đây là “thành phố ma”.
Bất chấp nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc buộc các viên chức tới sống ở đây, chỉ có lèo tèo một vài người dân giữa thành phố với hơn 60 tòa chung cư. Nếu muốn, bạn cũng có thể nằm vài phút giữa đại lộ trung tâm 10 làn xe mà rất ít khả năng sẽ bị xe đụng. Còn vòng đu quay khổng lồ thì chưa từng động đậy.
Rất nhiều người tại Dandong khẳng định thất bại của dự án này là do những lời hứa về cải cách kinh tế không được thực hiện từ phía Triều Tiên.
Bên cạnh các mối lo ngại khác của Trung Quốc về chính quyền của Kim Jong-un sau những vụ thử hạt nhân hay đe dọa chiến tranh, việc Bình Nhưỡng không tuân thủ kế hoạch hợp tác kinh tế đã góp phần làm xấu đi mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm này.
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, quân đội Trung Quốc ban đầu đóng tại Dandong đã tham gia can thiệp để bảo vệ Triều Tiên trước sự tấn công của Mỹ và Hàn Quốc, góp phần tạo ra đường biên giới liên Triều ngày nay.
Tuy nhiên kể từ đó đến nay Trung Quốc đã thay đổi lớn và không ngừng khuyến khích người láng giềng thực hiện những cải cách từng được Bắc Kinh triển khai những năm 1980, với hy vọng việc mở cửa sẽ giúp kinh tế của Bình Nhưỡng được cải thiện, giảm bớt sự lệ thuộc vào hỗ trợ từ Trung Quốc.
Thế nhưng Triều Tiên vẫn một mực từ chối và khiến Trung Quốc nổi giận, chuyển sang ủng hộ lệnh cấm vận của Liên hợp quốc với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hôm 12/2.
Trở lại với khu đô thị mới Dangdong, đây từng được dự định sẽ là thành phố gần kề thành phố Sinuiju của Triều Tiên ở bên kia bờ sông Yalu. 11 năm trước, Sinuiju được xác định trở thành một “đặc khu kinh tế”, nơi Bình Nhưỡng có thể thí điểm cải cách thị trường, giống như những gì Trung Quốc đã làm trong những năm 1980 và 1990.
Ở thời điểm đó Sinuiju được hoạch định trở thành một Thâm Quyến của Triều Tiên sau khi thành phố này trở thành đặc khu kinh tế thành công nhất của Trung Quốc. Thế nhưng Sinuiju giờ đây chỉ là một minh chứng cho sự ảo tưởng vẫn đang kìm hãm đất nước và người dân Triều Tiên.
Lo lắng về những ảnh hưởng mà Trung Quốc có thể tạo ra tại Sinuiju, và có lẽ cả những vùng khác của đất nước, những cải cách từng được hứa hẹn chưa bao giờ được triển khai.
“Triều Tiên đơn giản là không nằm trong xu thế cải cách kinh tế chung”, Adam Cathcart, biên tập viên trang web SinoNK.com chuyên về quan hệ Trung – Triều khẳng định. “Đó là một sự mất mặt đối với chính phủ Trung Quốc. Họ từng không ngừng nói (với doanh nghiệp Trung Quốc) rằng đã đến lúc đầu tư, Kim Jong-un sẽ mở cửa. Câu hỏi cần đặt ra là vì sao Triều Tiên lại quá thô lỗ với Trung Quốc đến vậy?”
Video đang HOT
Hòn đảo Hwanggumpyong vẫn chưa có dấu hiệu của sự đầu tư
Đến nay Sinuiju trông không khác vài năm trước: một đám những tòa nhà không đèn điện kiểu Xô Viết được bao quanh bởi những nhà máy mà ống khói hiếm khi nhả khói. Việc xây dựng một cây cầu 4 làn xe chạy, nối khu đô thị mới Dandong với Sinuiju với toàn bộ chi phí 300 triệu USD do Trung Quốc tài trợ, hầu như đã bị tạm dừng. 8 cọc móng khổng lồ được đóng trên sông Yalu với các cần cẩu ở phía trên không có động tĩnh nào suốt cả tuần qua.
Ở phía xa của Đô thị mới Dandong là hòn đảo Hwanggumpyong rộng 11 km vuông, một phần lãnh thổ của Triều Tiên, dù trong mùa khô nhìn “hòn đảo” giống như nằm bên phía bờ Trung Quốc của sông Yalu.
2 năm trước, tại một lễ ký linh đình với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao hai nước, trong đó có người chú đầy quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Jang Song-taek, Bình Nhưỡng tuyên bố chấp thuận cho Bắc Kinh thuê hòn đảo này 100 năm. Trung Quốc đã dự định xây dựng Hwanggumpyong thành một khu công nghiệp, nơi các doanh nghiệp nước mình có thể tận dụng lao động giá rẻ của Triều Tiên.
Vậy nhưng một lần nữa, kế hoạch này không được thực hiện. Lối vào Hwanggumpyong từ phía Trung Quốc giờ đã bị một chốt kiểm soát quân sự chặn bằng hàng rào thép gai. Đằng sau chốt này vẫn có thể thấy một tấm bảng lớn mang dòng chữ “Chào mừng tới khu kinh tế Hwanggumpyong”. Nhưng suốt tuần qua chỉ có duy nhất một hoạt động diễn ra tại đây là một nhóm binh sỹ Triều Tiên đứng tụ tập hơ tay vào lửa để sưởi.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thể hiện sự giận dữ khi hé lộ rằng thỏa thuận hợp tác này có thể bị chấm dứt hoàn toàn. Những người ủng hộ khu Đô thị mới Dandong thì nói rằng thành phố của họ sẽ chỉ có thể phát triển nếu Triều Tiên tôn trọng các cam kết. Nhưng đến giờ vẫn không ai biết liệu nhà lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng Kim Jong-un có ủng hộ khu kinh tế gần biên giới Trung Quốc này.
Trong khi đó các thương nhân Trung Quốc, những người từng tin rằng họ sẽ phát tài nhờ sự mở cửa của Triều Tiên, chua chát thừa nhận họ đã có nhiều bài học về sự cảnh giác khi làm ăn với các đối tác láng giềng.
“Rất nhiều trường hợp, hai bên cùng hợp tác 6 – 8 năm và rồi khi đến lúc phải thanh toán, phía Triều Tiên nói: “Ồ, chúng tôi vẫn còn nợ anh 100.000 USD sao? Chúng tôi sẽ không trả đâu”, Chen, một doanh nhân 68 tuổi và đã làm ăn tại Sinuijus từ năm 1994 cho biết. “Đơn giản là không có sự tin cậy nào”.
Theo Dantri
Giải mật cuộc đối đầu tàu ngầm Xô - Mỹ ở Biển Đông (kỳ I)
Mùa hè năm 1972, tàu ngầm Guardfish (SSN-612) đang triển khai ở biển Nhật Bản khi mà các sự kiện trên thế giới đã đẩy vị thuyền trưởng, trung tá hải quân David C.Minton III và thủy thủ đoàn của ông tham gia vào một cuộc phiêu lưu để đời.
Tiền Phong giới thiệu câu chuyện về cuộc chạm trán hải quân giữa tàu ngầm hai cường quốc Liên Xô và Mỹ ở Biển Đông trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, qua lăng kính người Mỹ.
Từ trên xuống dưới, nhìn qua kính tiềm vọng: Máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Liên Xô Tu-16, Tu-95 và tàu ngầm Charlie.
Ngày 9 tháng 5, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã nóng lại khi cuộc đàm phán hòa bình tai Paris đổ vỡ, và các lực lượng của Mỹ đã bắt đầu thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng và các cảng quan trọng khác của miền Bắc Việt Nam. Mục đích cuộc phong tỏa nhằm ngăn chặn quân đội Bắc Việt Nam mà cuộc tiến công của họ đang được tiếp tế bằng đường biển bởi các đồng minh. Tàu Guardfish đã nhận được điện tín thông báo về khả năng sẽ có sự đáp trả bằng hải quân từ phía những người Xô Viết.
Tình hình thế giới rất căng thẳng. Không ai biết Liên bang Xô Viết sẽ phản ứng thế nào trước cuộc phong tỏa thủy lôi này. Tàu ngầm Guardfish đang ở độ sâu kính tiềm vọng tại một vị trí gần căn cứ hải quân lớn nhất của người Xô Viết tại Thái Bình Dương. Vào chiều tối ngày 10 tháng 5, một mục tiêu tiếp xúc bề mặt bị phát hiện ở ngoài kênh và nó đang di chuyển với tốc độ cao cắt ngang các đường giới hạn thông thường của kênh thủy đạo và hướng thẳng về phía tàu ngầm Guardfish đang chờ đợi. Khi tiếp xúc lại gần hơn nữa trong bóng tối đang sẫm lại, chúng tôi đã xác định được một cách trực quan đó là một tàu ngầm tên lửa Xô viết lớp Echo-2.
Tàu ngầm đó có lượng giãn nước 5.000 tấn, được cấp nguồn năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân, mang theo 8 tên lửa Shaddock diện-diện (surface-to-surface missiles) có thể bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 200 dặm. Guardfish bám theo nó. Chẳng mấy chốc Echo-2 lặn sâu xuống nước tiến theo hướng Đông-Nam với vận tốc lớn. Đó phải chăng là cuộc xuất kích đáp trả sự phong tỏa Hải Phòng bằng thủy lôi?
Trong hai ngày sau, tàu ngầm Liên Xô thường xuyên giảm tốc độ dành nhiều thời gian lặn ở độ sâu kính tiềm vọng, có thể để nhận các mệnh lệnh chi tiết từ tư lệnh hải quân chỉ huy nó. Trong khi lắng nghe Echo, Guardfish cũng bơi chậm lại, điều đó mở rộng đáng kể phạm vi phát hiện của sonar trên tàu. Trước sự ngạc nhiên của thủy thủ đoàn và sự báo động, có lẽ họ đã phát hiện ít nhất hai và có thể là ba chiếc tàu ngầm Liên Xô trong khu vực. Một tàu ngầm đã rất khó theo dõi, đeo bám ba hoặc bốn tàu ngầm là điều không thể! Vì vậy họ tập trung mọi nỗ lực duy trì tiếp xúc với Echo II mà họ đã xác định được bằng trực quan.
Tàu ngầm tuần dương chiến lược mang tên lửa đạn đạo Delta qua kính tiềm vọng.
Khi Echo II tiếp tục di chuyển tới lối ra phía nam của Biển Nhật Bản, thuyền trưởng phải thực hiện hai quyết định quan trọng. Thứ nhất, việc triển khai của ba, cũng có thể là bốn tàu ngầm Liên Xô có đáng để phá vỡ sự im lặng vô tuyến điện hay không? Ưu tiên số một trong tất cả các chiến dịch giám sát tàu ngầm là phải cung cấp được sự cảnh báo sớm về một cuộc triển khai bất thường của các tàu hải quân Liên Xô. Đây là loại báo cáo, gọi là báo cáo khẩn, chưa bao giờ được gửi đi trước đây.
Thuyền trưởng xác định rằng bây giờ là lúc cho Guardfish phá vỡ sự im lặng đó và ông đã thông báo cho chỉ huy chiến dịch biết tình hình tại chỗ. Thứ hai, Guardfish nên từ bỏ nhiệm vụ giám sát của mình trong Biển Nhật Bản để tiếp tục bám theo chiếc tàu ngầm Liên Xô? Lệnh hoạt động về trường hợp này vẫn im lặng chưa thấy tới, nhưng thuyền trưởng có cảm giác rằng người chỉ huy chiến dịch của họ muốn biết nơi người Xô viết sẽ đến. Bởi vì ông không thừa thãi thời gian để chờ đợi mệnh lệnh nên ông viện dẫn một tín điều bí mật của các chỉ huy tàu ngầm, "Không có can đảm, sẽ không có dải băng anh hùng". Và thế là họ theo đường của họ!
Theo dõi là một nhiệm vụ phức tạp. Đối với một chiếc tàu ngầm để không bị phát hiện thì vị trí tiếp xúc, và đương nhiên, cả tốc độ của nó cũng phải được xác định bằng cách sử dụng các phương vị sonar thụ động. Dải thụ động đòi hỏi Guardfish cần liên tục cơ động để tạo ra phương vị thay đổi so với đối tượng tiếp xúc. Quá gần bạn có thể bị phát hiện, quá xa tiếp xúc có thể bị mất. Những thao tác cơ động này thường được tiến hành trong khu vực lạc hướng của đối tượng tiếp xúc, điểm mù phía đuôi tàu.
Tàu ngầm Echo II hàng giờ đảo hướng để xóa khu vực lạc hướng này (baffle area). Đôi khi đó là cú ngoặt rất thụ động đến 90 độ để sonar của con tàu có thể lắng nghe mọi điều đằng sau nó và vào các thời điểm khác, con tàu lại chủ động quay 180 độ và phóng thật nhanh trở lại theo hướng cũ về phía Guardfish. Thao tác cơ động này rất nguy hiểm tạo ra khả năng một vụ va chạm thực sự. Ít nhất nó sẽ tạo ra cơ hội phát hiện sự hiện diện của Guardfish khi khoảng cách giữa 2 tàu ngầm gần lại. Khi Echo thực hiện thao tác cơ động xóa vùng mù thủy âm, Guardfish cố gắng dự đoán Echo-II sẽ quay hướng nào, nhằm bám theo một cách vô hình tàu ngầm Xô Viết từ phía đối diện. Ngoài ra, Guardfish còn phải ngay lập tức giảm tốc độ sao cho im lặng đến mức có thể và dành nhiều thời gian và tăng khoảng cách hơn nữa cho đến khi Echo II quay trở lại hướng di chuyển trước đây của nó.
Chiến hạm đầy uy lực Sovremenny của Liên Xô.
Ở Washington người ta cần có các báo cáo tình hình thường xuyên để đánh giá mối đe dọa và ý đồ của các lực lượng Xô Viết. Tổng thống Nixon và Cố vấn An ninh Quốc gia của ông hàng ngày được giới thiệu các phúc trình tóm tắt. Do việc truyền sóng radio tần số cao công suất lớn từ Guardfish là đối tượng để phát hiện và định vị bởi mạng lưới chặn bắt sóng điện từ của Liên Xô, một phương pháp liên lạc thay thế đã được thiết lập.
Máy bay chống ngầm P-3 của Hải quân đã bay những phi vụ bí mật trên các vị trí dự đoán có Guardfish và nhận được các báo cáo tình hình thông qua các bản tin ngắn phát trên tần số siêu cao hoặc trực tiếp từ Guardfish ở độ sâu kính tiềm vọng hoặc thông qua các phao phát tín theo khe thời gian, các bộ truyền phát tiêu hao nguồn nhỏ có thể lập trình với một bản tin ngắn và phóng ra từ bộ ejector tín hiệu (signal ejector) trong khi Guardfish vẫn đang ở độ sâu theo dõi.
Figure 33.-Submarine Signal Ejector.
Trong gian đoạn theo dõi này, bất kỳ tàu ngầm nào đang ở trên Thái Bình Dương đều được triển khai khẩn trương nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu sân bay đang hoạt động ngoài khơi duyên hải Việt Nam, cũng như để dò tìm các tàu ngầm Xô viết. Sự triển khai này tạo thành một vấn đề nhiễu loạn qua lại, đối với bản thân tàu ngầm Guardfish, cũng như đối với bộ tham mưu chiến dịch hoạt động tàu ngầm này.
Guardfish được trao nhiệm vụ đến bất cứ nơi nào mà tàu ngầm Echo Xô Viết đi tới và bộ tham mưu phải tái bố trí sự triển khai các tàu ngầm thường xuyên để đảm bảo rằng nhiều tàu ngầm Mỹ êm hơn sẽ không gây nguy hiểm cho nhau hoặc cho bản thân Guardfish.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Echo-II.
Tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay Kiev.
Một lần khi đang ở trong biển Philippines Echo II quay về phía tây nam tiến theo hướng đến Bashi Channel, một eo biển giữa Đài Loan và các đảo nhỏ phía bắc đảo Luzon quần đảo Philippines. Bashi Channel thường được dùng như thủy đạo bắc vào Biển Đông và thuyền trưởng phải chắc chắn rằng đó là mục tiêu của Echo II, nhưng dấu vết của họ lại tiếp tục dẫn về phía nam so với hướng bình thường. Sau đó, Echo II đi chậm lại và chuyển lên chiều sâu kính tiềm vọng rồi tiếp tục chủ động đi rất nhanh dựa trên máy dò sâu của mình có thang đo ngắn không phù hợp với độ sâu của nước ở khu vực này. Tàu ngầm đã mất dấu!
Trong khi ở độ sâu kính tiềm vọng, con tàu Xô Viết chắc đã phải thu nhận được một sự chỉnh sửa tốt bởi vì Echo II đã lặn xuống sâu, hướng về Bashi Channel, tăng tốc độ lên 16 hải lý. Sau khi báo cáo về sự điều chỉnh hướng nhanh chóng này qua các phao phát tín hiệu, Guardfish tăng tốc phóng theo tàu Xô Viết, biết rằng việc tái định vị các tàu ngầm Mỹ sẽ gần như là không thể nếu dựa trên bản tin ngắn này. Như là một biện pháp phòng ngừa chống va chạm với một tàu ngầm Mỹ, thuyền trưởng thay đổi độ sâu đến 100 mét, độ sâu thường được sử dụng bởi các tàu ngầm Liên Xô và đó là độ sâu mà các tàu ngầm Hoa Kỳ thường tránh. Mối lo sợ của ông đã được chứng minh khi Guardfish phát hiện một tàu ngầm của Mỹ đang tiến xa về phía bắc với tốc độ rất cao.
Ngày 18 Tháng 5 Echo II đi vào Biển Đông và chuyển đến một điểm ngoài khơi cách bờ biển đảo Luzon khoảng 300 dặm. Trong tám ngày, nó thiết lập lưới cơ động chậm rãi tạo nên một khu vực tuần tra hình chữ nhật cách xa khoảng 700 dặm tới tuyến mà các tàu sân bay của chúng ta đang di chuyển dọc theo bờ biển Việt Nam và vượt xa ngoài phạm vi xạ kích tên lửa 200 dặm của nó.
Trong khi nhóm theo dõi phải vật lộn để duy trì tiếp xúc với Echo II, các sự kiện trên thế giới đang chuyển sang xu hướng hòa bình hơn. Sau các cuộc đàm phán lâu dài, Tổng thống Nixon đã đến Moskva tham dự hội nghị thượng đỉnh lịch sử của mình với Tổng Bí thư Brezhnev của Liên Xô. Trong thời gian hội nghị thượng đỉnh, ngày 24 tháng 5, Cố vấn An ninh quốc gia Kissinger thông báo cho ông Brezhnev rằng Hoa Kỳ đã biết việc Liên Xô triển khai các tàu ngầm và sự hiện diện của họ quá gần khu vực chiến tranh Việt Nam là một hành động khiêu khích và cực kỳ nguy hiểm. Trong hai ngày kể từ cuộc đối chất này, người Liên Xô nhắm mắt làm ngơ và tàu ngầm Echo bắt đầu hướng về phía bắc.
Sau khi vượt qua Bashi Channel tàu ngầm Echo thiết lập một khu vực tuần tra thứ hai trong biển Philippines về phía nam đảo Okinawa. Khu vực này của đại dương có những đặc tính về thủy âm tồi nhất đến mức có thể. Nó thường bị đan chéo bởi các giao thông thương mại dày đặc và vào ban đêm tiếng ồn sinh học và các cơn mưa thường xuyên làm nhiễu loạn sonar. Duy trì tiếp xúc trở nên khó khăn hơn so với trước đây, làm cho Guardfish cần phải bám đuổi ở những khoảng cách gần hơn và gần hơn nữa.
Một thủ tục dài nhằm chuyển sự theo dõi cho một tàu ngầm khác của Mỹ, vừa được phát triển bởi bộ tham mưu, được phát trên mạng truyền tin rộng rãi. Trong khi Guardfish đang ở độ sâu kính tiềm vọng sao chép tin nhắn khẩn cấp này, tàu ngầm Echo II đã bất ngờ nổi lên độ sâu kính tiềm vọng và phát hiện trực quan được Guardfish. Các thao tác cơ động tiếp theo của cả Guardfish và Echo II diễn ra rất mãnh liệt và ở tốc độ cao. Việc cố giữ tiếp xúc cảnh báo được chứng minh là không thể và tiếp xúc với Echo II đã bị mất.
Victor-II.
Khi Guardfish trở về Guam vào ngày 10 tháng 6, thủy thủ đoàn đã bơi ngầm 123 ngày với chỉ 8 ngày ngừng đi biển để sửa chữa. Họ đã thực hiện hai hoạt động có yêu cầu đặc biệt bao gồm cuộc theo dõi 28 ngày tàu ngầm Xô viết Echo II trong những điều kiện cực kỳ căng thẳng, nhưng tinh thần của Guardfish cực kỳ cao. Các sĩ quan và thủy thủ đoàn tự hào rất chính đáng về những gì họ đã hoàn thành.
Chi tiết cuộc chạm trán, truy đuổi hết sức căng thẳng, gay cấn giữa lực lượng tàu ngầm chiến lược Xô - Mỹ ở Biển Đông nhìn nhận thế nào bởi chỉ huy hai phía Liên Xô và Mỹ sẽ được đăng tải trong các kỳ tiếp theo.
(còn tiếp)
Theo Dantri
"Bão lửa" Kachiusa Việt Nam và các loại pháo phản lực Hệ thống pháo phản lực đã trở nên nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Dàn pháo phản lực với sức hủy diệt khủng khiếp khiến quân Đức khiếp sợ được những người lính Xô Viết đặt một cái tên khá trìu mến Kachiusa cũng có mặt trong quân đội Việt Nam. Kachiusa BM-13 đã thật sự trở thành loại pháo...