Trung Quốc muốn xây căn cứ hải quân ở nam Đại Tây Dương
Trung Quốc được cho là đang có kế hoạch xây căn cứ hải quân tại một vịnh của Namibia, phía nam Đại Tây Dương.
Các tàu lớn neo tại vịnh Walvis, Namibia, hôm 29/3 chụp từ vệ tinh. Ảnh: Google Earth.
Tờ Namibian, ấn phẩm địa phương tại Namibia, nhận được một bức thư mật cho thấy Trung Quốc có kế hoạch xây căn cứ hải quân tại vịnh Walvis,Epoch Times đưa tin hôm 29/3. Trong bài viết hôm 20/1, tờ báo cho biết đại sứ Namibia tại Trung Quốc Ringo Abed là người gửi bức thư về Bộ Ngoại giao Namibia.
“Phái đoàn (Trung Quốc) sẽ tới thăm Namibia … để thảo luận… về kế hoạch liên quan đến căn cứ hải quân đề xuất ở vịnh Walvis”, bức thư viết. Nơi đây có thể neo tới 6 tàu chiến Trung Quốc.
Namibia gặp rắc rối với tình trạng đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước này và sự hiện diện của hải quân Trung Quốc sẽ giúp xử lý vấn đề hiệu quả. Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) còn hỗ trợ huấn luyện hải quân Namibia trong chiến đấu cũng như hoạt động dân sự.
Thỏa thuận được tiếp tục đề cập vào ngày 21/3, ngày độc lập của Namibia, khi tân Tổng thống Hage Geingob tuyên thệ nhậm chức.
Trung tá Monica Sheya, nữ phát ngôn viên quân đội Namibia “xác nhận Trung Quốc hy vọng xây căn cứ hải quân ở vịnh Walvis trong 10 năm tới” và Bắc Kinh cùng Windhoek đang đàm phán cấp cao về vấn đề này.
Một bức thư mật khác ghi ngày 22/12/2014 cho biết ông Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn cấp cao Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã gặp ông Abed trước đó ba ngày (19/12) để thảo luận “những vấn đề hai nước cùng quan tâm và có lợi ích chung”.
Một số quan chức Namibia nói thông tin trên là “vô căn cứ”. Số khác phủ nhận họ biết về thỏa thuận hoặc từ chối bình luận.
Video đang HOT
International Herald Leader, một tờ báo chính thức của Trung Quốc, hồi tháng 11/2014 đã đưa tin về căn cứ tại Walvis. Bắc Kinh muốn xây dựng 18 căn cứ ở nước ngoài trong đó có vịnh Walvis,Namibia, cảng Chongjin,Triều Tiên và Koh Lanta, Thái Lan.
Cựu đặc phái viên Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert O’Brien cho biết vịnh Walvis là khu vực nước sâu ở Namibia. Đây cũng là vị trí chiến lược quan trọng, khiến nó trở thành điểm nóng trong Thế chiến I và II.
“Từ căn cứ tại vịnh Walvis, tàu chiến hải quân PLA chỉ cách các cảng nước khác một khoảng cách ngắn”, ông nói. Trung Quốc sau đó có thể tuần tra những khu vực quan trọng quanh châu Phi và Nam Mỹ, đồng thời “tiếp cận tuyến hàng hải Bắc Đại Tây Dương kết nối các nước châu Mỹ, châu Phi và châu Âu”.
Vị trí vịnh Walvis. Đồ họa: vacationstogo.com.
Như Tâm
Theo VNE
Phương Tây giật mình khi nhiều nước mời Nga xây căn cứ quân sự
Khi tin Síp đề nghị Nga triển khai căn cứ hải quân tại đây chưa kịp nguội, phương Tây lại "chết điếng" trước khả năng Nga xây dựng căn cứ quân sự lớn ở Syria.
Đây thực sự là "ác mộng" với những thế lực không ưa Nga, nếu điều này trở thành sự thật, sức mạnh Hạm đội biển Đen của Nga chính thức thoát khỏi cái "ao làng" Biển Đen mà vươn tới Địa Trung Hải và xa hơn là Đại Tây Dương.
Syria sẵn sàng hậu thuẫn Nga
Sputniknews dẫn tuyên bố của Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng Nga có thể xây dựng một căn cứ quân sự lớn ở Syria. "Syria đang chờ đợi một đề xuất như vậy từ Nga và sẽ luôn sẵn sàng đáp ứng".
Tổng thống Syria al-Assad mời Nga đến xây dựng căn cứ quân sự tại Syria (Ảnh AP) "Sự hiện diện của Nga tại những khu vực khác nhau trên thế giới, như ở miền Đông Địa Trung Hải hay tại cảng Tartus của Syria là cần thiết để duy trì trạng thái cân bằng sau sự sụp đổ của Liên Xô hơn 20 năm trước đây. Đối với chúng tôi, sự hiện diện của Nga trong khu vực càng được củng cố thì sẽ càng ổn định hơn bởi Nga đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường sự bình ổn trên thế giới. Chúng tôi hoan nghênh việc mở rộng sự hiện diện của Nga ở Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là trên bờ biển và tại các hải cảng của chúng tôi", Tổng thống Bashar Assad tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Syria cũng chỉ ra sự liên quan trực tiếp giữa các sự kiện ở Trung Đông và ở Ukraine. "Tôi thường xuyên nói đến thực tế có mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng Syria và những gì đang xảy ra ở Ukraine. Thứ nhất, vì cả hai nước đều có ý nghĩa quan trọng đối với Nga. Thứ hai, trong cả hai trường hợp, mục tiêu gây bất ổn đều là nhằm làm suy yếu Nga và tạo ra những quốc gia bù nhìn".
Cơ hội Nga sẽ không bỏ qua
Theo giới chuyên gia quân sự, lời mời gọi của Syria là cơ hội mà chắc chắn Nga khó có thể bỏ qua. Bởi trước đó, căn cứ hải quân của Nga tại cảng Tartus, Syria vốn là tiền đồn cực kỳ quan trọng với Moscow, là nơi để sức mạnh hải quân Nga tiến từ Biển Đen tới Địa Trung Hải.
Về mặt địa lý, Hạm đội biển Đen của Nga bị quây trong "ao làng" Biển Đen. Các tàu chiến của hạm đội này muốn đến được Đại Tây Dương chỉ có một con đường duy nhất là đi qua Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào Địa Trung Hải. Căn cứ Tartus cho phép Hải quân Nga triển khai một phần lực lượng bên ngoài cái "ao làng" Biển Đen để không rơi vào thế bị động.
Nếu mất Tartus, con đường duy nhất để tiến ra Đại Tây Dương của Hạm đội Biển Đen thông qua Địa Trung Hải coi như bị bít mất và Hạm đội Biển Đen gần như bị cô lập.
Điều này sẽ tạo nên một mối đe dọa rất lớn cho an ninh quốc gia Nga. Trong trường hợp xảy ra xung đột ở những vùng biển khác thì Hạm đội Biển Đen gần như không còn khả năng chi viện bởi con đường duy nhất của họ đã bị chặn.
Samum là một tàu tên lửa lưỡng dụng của Hạm đội Biển Đen, Nga (ảnh: Livejournal)
Thực tế hiện nay, chính quyền Damascus đã đồng ý để chuyển đổi Tartus từ căn cứ hậu cần thành căn cứ vĩnh viễn cho Hải quân Nga.
Bắt đầu từ năm 2009, cảng này bắt đầu được cải tạo, nạo vét luồng lạch để tiếp nhận các tàu chiến có tải trọng lớn. Trong năm 2008, đã có các báo cáo không chính thức về việc tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển lớp Slava cập cảng Tartus cùng với 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược khác.
Vào cuối năm 2011, đầu năm 2012, Reuters đưa tin, một đội tàu của Hải quân Nga dẫn đầu bởi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng đã đến Tartus trong các hoạt động hỗ trợ cho chính phủ Syria.
Hiệu ứng Domino
Tờ Al Monitor của Trung Đông ngày 27/3 đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Síp hồi tháng 2/2015 chủ động đề nghị cho Nga triển khai căn cứ quân sự tại quốc đảo này.
Việc Síp cho Nga triển khai căn cứ quân sự sẽ không có gì đáng bàn nếu quốc đảo này không phải là thành viên của EU, liên minh đang áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Lời đề nghị của Síp đặc biệt "nguy hại" một khi Không quân Nga sử dụng căn cứ Andreas Papandreou và một sân bay quốc tế ở Paphos (Tây Nam Síp) địa điểm chỉ cách căn cứ Akrotiri của Không quân Hoàng gia Anh khoảng 50km.
Tờ Business Insider nhận định: Phương Tây đang lo ngại Nga gây ảnh hưởng một loạt thành viên của EU, rõ nhất là Hy Lạp. Hiện nay, Hy Lạp cũng có thể trở thành thành viên EU tiếp theo quay sang ủng hộ Nga và cho phép Moscow thiết lập căn cứ quân sự tại đất nước của mình. Síp và Hy Lạp đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga. Trong khi đó, chính phủ mới của Hy Lạp gần đây đã thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy quan hệ kinh tế và quân sự với Nga, trong khi ngày càng xa rời châu Âu./.
Ngân Giang
Theo_VOV
Phương Tây "chết điếng" vì một loạt nước mời Nga xây căn cứ quân sự Khi tin Síp đề nghị Nga triển khai căn cứ hải quân tại đây chưa kịp nguội, phương Tây lại "chết điếng" trước khả năng Nga xây dựng căn cứ quân sự lớn ở Syria. Đây thực sự là "ác mộng" với những thế lực không ưa Nga, nếu điều này trở thành sự thật, sức mạnh Hạm đội biển Đen của Nga...