Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động trên biển
Sự kiện 11 tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và Miyako của Nhật cũng như những diễn biến gần đây của Trung Quốc trên biển Đông không khỏi khiến các nước khu vực và thế giới lo ngại về hoạt động ngày càng mở rộng của hải quân Trung Quốc.
Tàu Hải Tuần 31 làm lễ khởi hành đi xuyên biển Đông để đến Singapore sáng 15-6, tại đảo Cao Lan nằm ở phía tây Chu Hải (Quảng Đông) – Ảnh: Chiannews.com
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Toshimi Kitazawa, kể từ năm 2008 tàu chiến Trung Quốc đã liên tục đi đến vùng biển gần đảo Okinawa. “Chúng ta nên quan ngại việc họ đi đến đó hay còn đi đâu nữa” – Kyodo News dẫn lời ông Kitazawa nhận định.
Hồi tháng 4-2010, một đoàn tàu Trung Quốc cũng đi gần Okinawa và trong một trường hợp, một máy bay trực thăng Trung Quốc đã bay gần hai tàu khu trục Nhật đang giám sát hoạt động của tàu Trung Quốc.
Video đang HOT
Tham vọng Thái Bình Dương
Philippines dỡ bỏ các cột mốc trên biển Đông Theo AFP, ngày 15-6 hải quân Philippines cho biết đã dỡ các cột mốc, biển báo “nước ngoài” bằng gỗ cắm tại khu vực Reed Bank (bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của VN, hiện bị Philippines chiếm giữ), Amy Douglas Bank và Boxall Reef. Người phát ngôn hải quân Philippines Omar Tonsay cho biết việc dỡ các cột mốc này diễn ra vào tháng 5. Trước đó, phía Philippines từng cáo buộc Trung Quốc đặt cột mốc và phao trên vùng tranh chấp trên biển Đông. Dù vậy, ông Tonsay cho biết hải quân Philippines không xác định các cột mốc này có phải do phía Trung Quốc cắm hay không.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng một trong những mục tiêu của hải quân Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa là hoạt động trong khu vực từ trước đến nay hải quân Mỹ vẫn chiếm ưu thế là vùng biển tây Thái Bình Dương, phía bên ngoài Nhật, Đài Loan và Philippines.
“Các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên hơn và có quy mô lớn hơn – giáo sư Lyle Goldstein thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ nhận định – Đặc biệt là khi Trung Quốc có tàu sân bay”.
Song song với việc mở rộng tầm hoạt động ra Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng tăng cường phát triển các hệ thống vũ khí hải quân. Tàu sân bay Varyag được mua từ Ukraine đang được sửa sang lại và dự kiến đưa vào vận hành trong năm nay để triển khai loại máy bay chiến đấu mới J-15 Flying Shark.
Các quan chức Mỹ và Cục An ninh quốc gia Đài Loan khẳng định Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D, có khả năng tấn công tàu sân bay. Loại tên lửa đặt trên mặt đất này có tầm bắn khoảng 1.500km, cho phép quân đội Trung Quốc nhắm bắn tàu trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng đang phát triển loại máy bay tàng hình Chengdu J-20.
Theo tiến sĩ Andrew Erickson thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, quân đội Trung Quốc muốn phát triển chiến dịch “ngăn chặn tiếp cận” để hạn chế sức mạnh hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương trong trường hợp xảy ra khủng hoảng với Đài Loan.
Vỏ bọc dân sự
Giới chuyên gia phương Tây cũng nhận định các tàu dân sự Trung Quốc đang trở thành vỏ bọc để hải quân nước này khẳng định chủ quyền trên các vùng biển tranh chấp. Cựu quan chức hải quân Mỹ Bernard D. Cole, hiện đang giảng dạy tại Trường Chiến tranh hải quân Mỹ, cho biết trong thời gian qua, hải quân Trung Quốc đang mở rộng quyền kiểm soát hoạt động đối với Bộ chỉ huy thực thi luật ngư nghiệp, Tổng đội hải giám và các tổ chức kiểu như lực lượng tuần duyên của Trung Quốc và chỉ huy trực tiếp lực lượng dân quân là các tàu đánh cá.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 15-6 cho biết tàu Hải Tuần 31, tàu tuần tra biển lớn nhất Trung Quốc, đã bắt đầu chuyến đi xuyên biển Đông để đến thăm Singapore. Giám đốc Sở Hải sự Quảng Đông Lương Kiến Vĩ cho biết tàu Hải Tuần 31 sẽ đi qua quần đảo Hoàng Sa và phía tây quần đảo Trường Sa trước khi cập cảng Singapore rồi đến eo biển Đài Loan. Trong suốt hành trình dài 1.400 hải lý, tàu sẽ triển khai công tác giám sát quản lý môi trường, tình hình trật tự hàng hải, kiểm tra các giàn khoan dầu khí, hoạt động của các tàu đang đo đạc hải dương trên biển Đông. MỸ LOAN
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2006 từng nhấn mạnh “hải quân (Trung Quốc) đang tăng cường nghiên cứu lý thuyết về các chiến dịch hải quân và khám phá ra chiến lược, chiến thuật của chiến tranh nhân dân hàng hải trong điều kiện hiện đại”.
Cựu tham tán quân sự Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh Dennis J. Blasko nhận định chiến thuật sử dụng lực lượng dân sự của hải quân Trung Quốc có tác dụng “không mang tính chất khiêu khích, dẫn tới nguy cơ đụng độ như việc sử dụng lực lượng quân đội”.
Số lượng tàu dân sự Trung Quốc hoạt động trong các vùng biển tranh chấp tăng mạnh trong những năm qua, kéo theo đó là số vụ đụng độ với tàu các nước khác. Các quan chức Mỹ và châu Á khẳng định có những bằng chứng cho thấy các tàu dân sự này có phối hợp với hải quân Trung Quốc.
Báo cáo của Lầu Năm Góc tháng 5-2008 cho biết một số tàu đánh cá đã chở và cung cấp đạn dược cho hai tàu chiến Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Chiết Giang.
Theo chuyên gia Cole, một số quan chức ngư nghiệp Trung Quốc khi lên tàu đến các vùng biển tranh chấp đã mặc đồng phục và mang theo súng đạn. Trong vụ Nhật bắt giữ thuyền trưởng tàu Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật, báo chí Nhật đưa tin thuyền trưởng con tàu này là một sĩ quan hải quân Trung Quốc.
Theo Tuổi Trẻ