Trung Quốc mất một suất dự AFC Champions League
Không có đội bóng nào của Trung Quốc đủ điều kiện thay CLB Giang Tô ( Jiangsu) để tham dự AFC Champions League 2021.
CLB Giang Tô, đương kim vô địch Chinese Super League, đã đưa ra thông báo ngừng hoạt động hôm 28/2. Điều này đồng nghĩa đội Giang Tô sẽ không chỉ bỏ lỡ giải vô địch quốc gia 2021, mà còn tự động từ bỏ quyền tham dự AFC Champions League.
Theo Titan Plus , Trung Quốc còn 3 suất dự AFC Champions League mùa này, bởi theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), chỉ có 4 đội đứng đầu giải vô địch quốc gia mới đủ điều kiện tham dự.
CLB Giang Tô dừng hoạt động khiến Trung Quốc mất một suất dự AFC Champions League. Ảnh: Sina.
Ban đầu, Trung Quốc có 4 suất dự giải đấu cấp câu lạc bộ cao nhất của bóng đá châu Á, với 3 đội được vào thẳng và một đội đá play-off. Tuy nhiên, CLB Sơn Đông (Shandong), đội vô địch Cúp Liên đoàn, bị AFC tước quyền tham dự vì vi phạm quy định liên quan đến các khoản nợ phải trả quá hạn.
Video đang HOT
CLB Thượng Hải (Shanghai), đội xếp thứ 4 tại giải vô địch quốc gia Trung Quốc, được chỉ định thay thế đội Sơn Đông. Theo đó, không còn đội bóng nào của Trung Quốc đủ điều kiện thay thế CLB Giang Tô tham dự AFC Champions League mùa này.
Tại AFC Champions League 2021, Trung Quốc sẽ tham dự 3 đội, gồm Quảng Châu (Guangzhou), Bắc Kinh (Bejing Guoan) và Thượng Hải. Cả 3 đội này được vào thẳng vòng bảng.
Suất play-off sẽ được AFC phân bổ cho các liên đoàn thành viên có thứ hạng thấp hơn ở khu vực Đông Á. Titan Plus nhận định suất này thuộc về Hàn Quốc. AFC sẽ tiến hành điều chỉnh lại bảng đấu và các trận play-off trong thời gian tới.
Đây không phải lần đầu tiên điều này xảy ra tại AFC Champions League. Ở mùa giải 2018, Saudi Arabia có 4 suất, nhưng chỉ có 2 đội tham dự. Hai đội đứng thứ 3 và 4 tại giải vô địch quốc gia nước này không xin được giấy phép và mất cơ hội thi đấu. Lẽ ra, các đội đứng thứ 5 và 6 sẽ thay thế hai đội trên, nhưng vì quy định của AFC chỉ lấy các đội trong top 4 nên 2 suất còn lại được phân bổ cho các thành viên khác ở Tây Á.
Mặt trái của bóng đá Trung Quốc
Nhiều đội bóng Trung Quốc bị giải thể hoặc ngừng hoạt động do thâm hụt tài chính và nợ lương cầu thủ.
Theo Sina , trong 10 năm qua, 45 câu lạc bộ đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá Trung Quốc, trong đó, nhiều nhất vào năm 2020 với 16 đội. CLB Giang Tô (Jiangsu) là thành viên mới nhất gia nhập danh sách này.
Đương kim vô địch Chinese Super League trải qua 3 tháng đầy khó khăn, trước khi Tập đoàn Tô Ninh (Suning) quyết định dừng đầu tư vào bóng đá. Đội bóng đối diện khoản nợ lên tới 77,3 triệu USD và tuyên bố ngừng mọi hoạt động bóng đá của các tuyến vào chiều 28/2.
Giang Tô ngừng hoạt động sau 5 năm lên chơi Chinese Super League. Ảnh: Sina.
Những năm qua, Trung Quốc được coi là mảnh đất màu mỡ của các ngôi sao bóng đá thế giới trong những năm cuối sự nghiệp. Các câu lạc bộ vung tiền để chiêu mộ những cầu thủ và huấn luyện viên tên tuổi.
Sự bạo chi của ông chủ các đội bóng giúp Chinese Super League trở thành một trong những giải đáng xem nhất châu Á. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái.
Mức lương cao ngất ngưởng của các cầu thủ trở thành bài toán lớn trong chi phí hoạt động của câu lạc bộ, cộng với việc các khoản thu về nhỏ giọt, tạo ra sự chênh lệch lớn trong vấn đề thu chi.
Sina cho biết thu nhập bình quân của các các đội tại Super League năm 2018 là 106,1 triệu USD, chi tiêu bình quân là 174,2 triệu USD và mức lỗ trung bình là 68 triệu USD.
Việc mang về những ngôi sao không giúp các cầu thủ nội học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm. Thành tích đội tuyển quốc gia Trung Quốc cũng sa sút nghiêm trọng.
Chính vì sự kém bền vững trong cách đầu tư này, Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc phải đưa ra hàng loạt biện pháp giới hạn lương của cầu thủ trong những năm gần đây và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các cầu thủ. Tuy nhiên, bóng đá Trung Quốc khó có thể hồi phục nhanh chóng.
Năm 2020, có tới 16 CLB chuyên nghiệp rút khỏi bóng đá Trung Quốc, trong đó có những đội bóng giàu truyền thống như Liêu Ninh (Liaoning).
Ngay trước khi bước vào mùa giải 2020, 14 đội bóng Trung Quốc đã chủ động tuyên bố rút khỏi các giải đấu chuyên nghiệp vì vấn đề tiền lương chưa được giải quyết. Trong danh sách này, có 1 CLB thuộc Chinese Super League, 4 đội thuộc giải hạng Nhất và 9 đội thi đấu ở hạng Nhì.
Theo Sina , việc đương kim vô địch Trung Quốc tuyên bố dừng hoạt động chỉ là khởi đầu cho cuộc khủng hoảng của bóng đá nước này. Nhiều đội bóng khác sẽ lâm vào tình cảnh tương tự trong tương lai gần.
Thiên Tân (Tianjin) đang là đội bóng có nguy cơ giải thể tiếp theo vì khoản nợ 15,5 triệu USD.
Sự sụp đổ của đội bóng vô địch Trung Quốc Tiền bạc từng giúp Giang Tô (Jiangsu) trở thành đội bóng mạnh nhất Trung Quốc, nhưng họ đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khỏi giải Chinese Super League. Mùa hè 2019, ban lãnh đạo Real Madrid thông báo với Gareth Bale rằng anh chưa thể rời Bernabeu. Người đại diện Jonathan Barnett chuẩn bị sẵn mọi thứ cho anh ở Trung...