Trung Quốc lôi kéo Ấn Độ tạo thế chống Mỹ
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần này đã đến thăm chính thức Ấn Độ với mục đích được cho là nhằm “ve vãn” nước láng giềng khổng lồ này trong bối cảnh Trung Quốc đang bị bao vây bởi Mỹ và các đồng minh.
Thủ tướng Trung Quốc (bên trái) và người đồng cấp Ấn Độ
Tươi cười và niềm nở, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cố tìm cách “vuốt cho mượt lại bộ lông đang xù lên” của Ấn Độ sau cuộc khủng hoảng ở biên giới hai nước gần đây. Ông Lý Khắc Cường đã cam kết làm dịu căng thẳng đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại giữa hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á.
“Trung Quốc sẽ biến giấc mơ của các bạn thành sự thật”, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phát biểu như vậy tại một bữa tiệc có sự tham dự đông đảo của giám đốc điều hành các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và Ấn Độ ở thủ phủ tài chính Mumbai khi ông kết thúc chuyến công du đến Ấn Độ ngày hôm qua (21/5).
Ông Lý Khắc Cường đã chọn Ấn Độ là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc. Điều đó đủ thấy Bắc Kinh coi trọng New Delhi như thế nào. Những động thái nhằm “ve vãn” Ấn Độ của ông Lý Khắc Cường được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh luôn phấp phỏm lo âu về việc họ đang bị Mỹ và các đồng minh bao vây. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của Trung Quốc nhận được phản ứng không mấy mặn mà của phía Ấn Độ.
Ấn Độ đã bị tác động rất lớn bởi cuộc đụng độ gần đây ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra, nước này cũng tỏ ra thận trọng trước mối quan hệ thân thiết giữa Bắc Kinh với Pakistan – địch thủ khó chịu lâu đời của Ấn Độ. Chưa hết, New Delhi còn lo ngại về tình trạng thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc và làn sóng hàng hóa giá rẻ Trung Quốc ngập tràn đang gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nội địa.
Video đang HOT
Ông Lý Khắc Cường đã đem theo 41 giám đốc điều hành các công ty Trung Quốc đến Ấn Độ. Phát biểu tại nước bạn, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, hai nền kinh tế phát triển nhanh chóng như Trung Quốc và Ấn Độ nên giải phóng thương mại song phương và hợp tác kinh doanh với nhau nhiều hơn thay vì phụ thuộc vào nhau để phát triển.
“Với đường biên giới chung kéo dài và lợi ích chung lớn, Trung Quốc và Ấn Độ không nên tìm kiếm mối quan hệ hợp tác ở xa mà phớt lờ đối tác ngay cạnh bên”, ông Lý Khắc Cường đã phát biểu như vậy với giới doanh nhân và các nhà ngoại giao Trung, Ấn.
Công khai và thẳng thắn hơn, ông Hu Shisheng, một chuyên gia về Ấn Độ ở CICIR – một tổ chức cố vấn cho chính phủ ở Bắc Kinh, nói rằng: “Chúng tôi không muốn chứng kiến Ấn Độ trở thành công cụ của các nước lớn khác, đặc biệt là Mỹ, để làm đối trọng hay kiềm chế, kiểm soát Trung Quốc”.
“Thông qua mối quan hệ chặt chẽ hơn, chúng tôi muốn ủng hộ chính sách của Ấn Độ trong việc duy trì sự cân bằng. Sẽ không thực tế khi mong đợi Ấn Độ thân với nước này hơn nước kia”, ông Hu nói thêm.
Đáp lại sự nồng nhiệt của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã làm rõ lập trường cứng rắn của Ấn Độ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ nay với Trung Quốc. Ông Singh nhấn mạnh, quan hệ song phương Trung-Ấn sẽ không thể “nở hoa” nếu không có hòa bình ở khu vực biên giới.
Trong quá khứ, Ấn Độ đã tìm cách tách vấn đề tranh chấp biên giới ra khỏi mối quan hệ rộng hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, khác biệt lần này là chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường diễn ra chỉ vài tuần sau khi binh lính Trung Quốc thâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Độ 19km và dựng trại ở đó. Hành động táo tợn của binh lính Trung Quốc đã gây ra làn sóng tức giận trong người dân Ấn Độ. Cuộc đối đầu giữa hai nước chỉ vừa mới kết thúc hôm 3/5 sau 3 tuần đàm phán cấp cao đầy căng thẳng.
Cuộc khủng hoảng trên đã phủ bóng đen lên quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường và nó có thể là nguyên nhân giải thích cho sự thiếu vắng các thỏa thuận, hợp đồng song phương được ký kết giữa hai nước trong chuyến thăm này.
Thử thách khó chịu
Bất chấp việc ông Lý Khắc Cường đem theo một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu đến Ấn Độ, chỉ có một thỏa thuận kinh doanh lớn được ký kết trong chuyến thăm này. Đó là hợp đồng trị giá 1 tỉ USD giữa Trung Quốc với một tập đoàn năng lượng của Ấn Độ. Một số hợp đồng nhỏ hơn cũng được ký kết với tổng giá trị khoảng 500 triệu USD.
Trung Quốc và Ấn Độ mâu thuẫn sâu sắc với nhau về khu vực rộng lớn khoảng 4.000km ở biên giới hai nước và hai bên đã từng nổ ra một cuộc chiến tranh cách đây nửa thế kỷ.
Trong nhiều thập kỷ qua, chưa xảy ra vụ nổ súng nào giữa hai bên nhưng cuộc tranh chấp ở khu vực biên giới vẫn là một bước cản đối với mối quan hệ thương mại bình thường giữa hai nước láng giềng chiếm tới 40% dân số thế giới này.
Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Lalit Mansingh cho biết, ông đã thấy một sự cởi mở mới giữa lãnh đạo hai nước Trung, Ấn và cả sự sẵn sàng trong việc giải quyết các vấn đề gai góc. Tuy nhiên, theo ông Mansingh, cuộc đối đầu gần đây giữa hai nước ở khu vực biên giới là một thử thách rất khó chịu đối với sự kiên nhẫn của Ấn Độ.
“Họ không muốn chúng tôi kết tình thân với người Mỹ. Nhưng thật nực cười, họ đang thể hiện sự khiêu khích thái quá ở khu vực biên giới. Đó chính xác là những gì họ đang làm”, ông Mansingh cho biết đồng thời thêm rằng, Trung Quốc cũng chọc giận các nước láng giềng có tranh chấp lãnh hải với họ như Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á.
“Bằng cách gây gổ với từng nước láng giềng một sau một thời gian kết tình hữu nghị với tất cả các nước đó, Trung Quốc trên thực tế đang khiến mọi người phải đoàn kết, hợp tác với nhau để chống lại họ”, ông Mansingh nói.
Theo vietbao
Ấn Độ không ủng hộ lập trường TQ về Biển Đông
Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh không ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông.
Thủ tướng Manmohan Singh không ủng hộ lập trường của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông.
Phía Trung Quốc đang cố gắng đưa vào dự thảo Tuyên bố chung, văn bản cần được thông qua theo kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc đến Ấn Độ, những điều mục quy định rằng tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương thuần túy là vấn đề nội bộ của các bên hữu quan và các quốc gia khác không nên can thiệp vào.
Tuy nhiên Thủ tướng Singh đã không ủng hộ quan điểm này và cho rằng ở đây nói về vùng biển quốc tế. Như vậy, rất có thể là trong văn bản chỉ đề cập đến vấn đề an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Theo vietbao
Tân thủ tướng Trung Quốc họp báo lần đầu Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng mới của Trung Quốc, công bố những ưu tiên của chính phủ trong cuộc họp báo đầu tiên vào sáng nay. Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫy chào các phóng viên trong buổi họp báo hôm 17/3. Ảnh: China Daily. Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh lòng trung thành của ông với luật pháp...