Trung Quốc lợi dụng tập trận với Nga để lo đối phó với người nhái Việt Nam
“Người nhái Việt Nam thường tác chiến với tinh thần sẵn sàng hy sinh. Họ một khi rời khỏi tàu vũ trang hoặc tàu ngầm thì không dự định quay trở lại…”
Cùng với bài viết đánh giá lực lượng đặc công người nhái của Hải quân Việt Nam, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” gần đây cũng vừa có bài viết cho rằng, Trung Quốc đã tiến hành diễn tập mọi khoa mục phải “xuất phát từ chiến đấu thực tế”, trong cuộc diễn tập “Liên hợp trên biển 2014 giữa Trung-Nga trong tháng 5 vừa qua, hai bên không chỉ tập tấn công-phòng thủ trên biển, trên không liên hợp truyền thống, ứng phó với những tình huống đặc biệt như phòng thủ bãi thả neo, mà còn tập riêng cách thức ứng phó với các cuộc tập kích của người nhái.
Đặc công nước Việt Nam (ảnh tư liệu)
Theo bài báo, “40% tổn thất chiến tranh trên biển trên thế giới xảy ra ở bãi thả neo”. Trong diễn tập Trung-Nga, chính ủy tàu hộ vệ tên lửa Liễu Châu số hiệu 573 Type 054A là Trương Lập Tùng cho biết: “Sự kiện Trân Châu Cảng là trường hợp thất bại phòng thủ bãi thả neo điển hình”.
Theo lời Trương Lập Tùng, một bình luận viên quân sự của TQ: “Bãi thả neo sở dĩ quan trọng có ít nhất 4 nguyên nhân: Trước hết, bãi thả neo gần đất liền, hạm đội lúc này thường đi đường thẳng, tính cơ động khá kém, dễ bị phục kích. Thứ hai, tàu từ khi nhổ neo đến khi cơ động thường mất ít nhất 20 phút, trong thời gian này tàu chiến tương đối đứng im, hầu như trở thành bia ngắm.
Đặc công nước Việt Nam (ảnh tư liệu)
Thứ ba, khi đối phương dùng tàu nhỏ hoặc người nhái để tấn công thì đây là những mục tiêu quá nhỏ, không dễ sử dụng biện pháp kỹ thuật để phát hiện. Thứ tư, sau khi tàu chiến vào bãi thả neo, độ cảnh giác của binh sĩ kém nhất, điều này giống với đạo lý lực lượng lỏng lẻo nhất khi ra lệnh thu binh thời cổ đại”.
Báo của TQ cho biết: “Tối ngày 22 tháng 5/2014, sau khi hạ đạt mệnh lệnh diễn tập phòng thủ bãi thả neo, vài nhóm nhỏ tác chiến đặc biệt trên tàu hộ vệ Liễu Châu đã chạy đến các vị trí chiến đấu.
Từ khi có tiếng cảnh báo chiến đấu đến khi vào vị trí chiến đấu, thời gian không hơn 1 phút. Các nhóm nhỏ tác chiến đặc biệt được trang bị súng ngắm, thiết bị nhìn đêm hồng ngoại và dụng cụ truyền tin bảo mật, nắm bắt cẩn thận bất cứ dấu hiệu áp sát nào của người nhái và bảo đảm “bắn chết” trong thời gian đầu tiên.
Trương Lập Tùng cho rằng: “Nhóm nhỏ tác chiến đặc biệt chỉ là một trong nhiều thủ đoạn để phòng thủ bãi thả neo”. “Toàn bộ phòng thủ là lập thể, toàn phương vị, chẳng hạn nói cấp cảnh giới hạm đội ở trạng thái phòng thủ bãi thả neo thậm chí cao hơn quá trình hành quân; các biện pháp phòng thủ trên bờ biển và trên không sẽ tìm kiếm tàu ngầm tầm xa để cảnh giác phóng thích người nhái; xung quanh bãi thả neo sẽ vẽ ra ranh giới đỏ, không cho phép bất cứ tàu thuyền bên ngoài nào đến gần, bởi vì tàu cá vũ trang một số nước rất giỏi dựa vào đó để tập kích hoặc đến gần thả người nhái”.
Video đang HOT
Đặc công nước Việt Nam (ảnh tư liệu)
Bài báo dẫn lời một chuyên gia hải quân giấu tên cho rằng, trang bị kỹ thuật của người nhái Mỹ tốt nhất, còn người nhái Việt Nam lại là nhân viên vũ trang có cường độ huấn luyện lớn nhất, ý chí kiên định nhất trong các nước Đông Nam Á:
“Người nhái Việt Nam thường tác chiến với tinh thần sẵn sàng hy sinh. Họ một khi rời khỏi tàu vũ trang hoặc tàu ngầm thì không dự định quay trở lại những phương tiện này, hoặc là hy sinh hoặc luồn sâu tác chiến độc lập sau lưng địch”.
Vì vậy, đối phó với các cuộc tập kích, tấn công của người nhái không thể chỉ dựa vào nhóm nhỏ bắn tác chiến đặc biệt trên tàu, “quyết không cho phép tàu cá vũ trang vượt qua ranh giới đỏ của bãi thả neo, phải tiêu diệt trước khi vượt qua. Ngoài ra, dùng bom gây chấn động đối phó với người nhái sẽ có hiệu quả hơn”.
Theo Giáo Dục
Tư liệu chủ quyền: Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa
Dù bị thế giới lên án, Trung Quốc đã nhảy vào cưỡng chiếm Hoàng Sa, với rắp tâm biến vùng lãnh thổ của quốc gia khác thành "vùng tranh chấp".
Năm 1909, chính quyền địa phương của nhà Mãn Thanh bắt đầu "dòm ngó" đến Hoàng Sa; thời Quốc dân đảng, Trung Quốc bắt đầu âm thầm đưa quân ra đồn trú trên một số đảo để tạo ra "chuyện đã rồi". Đến thời thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), mưu toan chiếm đoạt Hoàng Sa và Trường Sa đã thành hành động xâm chiếm trắng trợn của Trung Quốc: Tấn công chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974, thảm sát lực lượng công binh Việt Nam và chiếm bãi Gạc Ma trên Trường Sa năm 1988.
Ảnh tư liệu
Những bước chuẩn bị cho dã tâm chiếm đoạt
Là quốc gia cùng ký hiệp định Geneve năm 1954, Trung Quốc hiểu hơn ai hết Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc về Việt Nam, được thế giới công nhận và được giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý.
Ngày 1/6/1956, ngoại trưởng chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Vũ Văn Mẫu tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa. Vài ngày sau, nhà nước Cộng hòa Pháp cũng lên tiếng xác nhận.
Ngày 22/8/1956, hải lục quân VNCH đổ bộ lên đảo chính của Hoàng Sa, dựng bia, kéo cờ. Trong cùng ngày, lực lượng hải quân tỏa ra đổ bộ lên các hòn đảo chính thuộc Trường Sa, dựng các cột đá chủ quyền và kéo quốc kỳ.
Tháng 10/1956, hải quân Đài Loan chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba). Tranh thủ cơ hội, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập tức nhảy vào chiếm đảo Phú Lâm.
Hoàn cảnh lịch sử phức tạp lúc này tạo ra những thách thức vô cùng lớn với chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo. Cuộc chiến tranh Lạnh đang bước vào thời kỳ gay cấn, căng thẳng đã ít nhiều chi phối đến thực thi chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo. Trung Quốc đã triệt để tận dụng thời khắc đó để trục lợi và lên kế hoạch xâm chiếm.
Chính quyền VNCH đã liên tục khẳng định chủ quyền, phản đối các hành động chiếm đóng trái phép của nước ngoài trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng táo bạo và bất chấp lẽ phải, luật pháp quốc tế để ra tay xâm chiếm.
Năm 1972, Trung Quốc và Mỹ ký "Thông cáo chung Thượng Hải". Sau đó, ngày 11/1/1974, Trung Quốc ra tuyên bố việc sát nhập các quần đảo Trường Sa theo sắc lệnh số 143/NV vào tỉnh Phước Tuy ngày 22/10/1956, trước đó 8 năm, là "lấn chiếm lãnh thổ Trung Quốc" và khẳng định yêu sách với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 12/1/1974, Chính phủ VNCH tuyên bố bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc.
Ngày 15/1/1974, Trung Quốc triển khai một lực lượng hải quân hùng hậu, trong đó nhiều tàu chiến ngụy trang thành tàu đánh cá tiến đến Hoàng Sa.
Tàu HQ-4 tham gia hải chiến Hoàng Sa. Ảnh tư liệu
Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974
Trước khi tiếng súng bắt đầu nổ ra tại Hoàng Sa vào lúc 10h25, ngày 19/1/1975, ngày 16/1/1974, Chính phủ VNCH đã tuyên cáo rộng rãi với thế giới bác bỏ những luận cứ vô lý của Trung Quốc và đưa ra những bằng chứng lịch sử, pháp lý được thế giới công nhận của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sau khi phát hiện sự có mặt của quân đội Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại vùng Hoàng Sa với cờ dựng trên các đảo Quang Anh (Money), Hữu Nhật (Robert), lực lượng quân đội VNCH được tăng cường với khu trục hạm Trần Khánh Dư, tuần dương hạm Trần Bình Trọng, hộ tống hạm Nhật Tảo. Lực lượng tăng cường của VNCH có các toán biệt hải được lệnh đổ bộ đến các đảo hạ cờ của quân đội Trung Quốc. Vài vụ xô xát đã xảy ra, súng đã nổ trên đảo Quang Hoà (Duncan) và một đảo khác.
Lực lượng hai bên bắt đầu chuẩn bị, các chiến hạm cách nhau chừng 200m. Cuộc hải chiến bắt đầu diễn ra vào lúc 10h25 ngày 19/1/1974. Một chiến hạm của TQ bị bốc cháy. Các chiến hạm của TQ mang số 281, 182 dồn sức đánh trả khiến chiến hạm Nhật Tảo bị trúng đạn trên đài chỉ huy và hầm máy chính, hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh.
Sau hơn 1 giờ giao tranh, hai chiến hạm của TQ chìm, 2 chiếc khác bị bắn cháy. Bên lực lượng VNCH ngoài hộ tống hạm Nhật Tảo bị chìm, còn có một số chiến hạm bị thương tổn, trong đó có một số binh sĩ bị bắt và mất tích.
Lầu Năm Góc khi đó được chính quyền Sài Gòn yêu cầu can thiệp, nhưng quyết định đứng ngoài cuộc xung đột. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Arthur Hummel cho chính quyền Sài Gòn biết Mỹ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.
Ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 26/1/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ngày 14/2/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.
Nếu như Mỹ là đồng minh của Chính phủ VNCH đã làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa thì Liên Xô lại phản đối. Ngày 27/1/1974, Báo Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô đã có bài xã luận lên án gay gắt hành vi xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc và cảnh báo âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông và Đông Nam Á. Bài xã luận khẳng định: "Hành động quân sự của Trung Quốc tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ là đe dọa cho các quốc gia châu Á. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp đất đai, lãnh thổ là không thể nào tha thứ".
Một số nước Nam Á đã lên tiếng phản đối hành vi dùng vũ lực của Trung Quốc.
Ngày 30/3/1974, đại biểu chính quyền VNCH khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội đồng Kinh tài Viễn Đông họp tại Colombia. Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền VNCH công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặc cho những sự phản đối này, Trung Quốc vẫn chiếm giữ trái phép toàn bộ Hoàng Sa và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trên quần đảo cho đến nay. Nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975 luôn tuyên bố khẳng định rõ ràng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Theo một số nhà phân tích, cuộc hải chiến Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng vũ lực công khai vào thời điểm khó khăn, phức tạp nhất của Việt Nam để chiếm đoạt Hoàng Sa, điều mà từ thời nhà Mãn Thanh và Quốc Dân đảng chưa dám thực hiện.
Giới nghiên cứu cho rằng, lúc bấy giờ Trung Quốc đã bước vào giai đoạn dùng vũ lực để mở rộng lãnh thổ, lãnh hải. Dù bị thế giới lên án, tại biển Đông, Trung Quốc đã nhảy vào cưỡng chiếm Hoàng Sa, với rắp tâm biến vùng lãnh thổ của quốc gia khác thành "vùng tranh chấp".
(Còn nữa)
Duy Chiến (Theo VNN)
Kiểm ngư Việt Nam tiếp tục tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 Vào lúc 7g30 sáng 15-6, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã tiếp tục cơ động theo đội hình biên đội hướng về vị trí giàn khoan Hải Dương - 981 thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Theo tin phóng viên đang có mặt tại hiện trường khu vực quần đảo Hoàng Sa - Việt Nam, vào lúc 8g30...