‘Trung Quốc làm vậy không tốt’
Trong cộng đồng người Hoa ở Q.5 (TP.HCM), bà Lý Kim Mai là một gương mặt rất thân quen. Nhiều người thân mến gọi bà là “má Mai”.
Bà Lý Kim Mai – Ảnh: Đình Phú
Trước ngày thống nhất đất nước, bà Mai có thời gian dạy học ở Trường Tuệ Thành – là nơi học tập của đông đảo con em người Hoa từ tiểu học đến THCS (nay là trường THCS mang tên liệt sĩ người Hoa Mạch Kiếm Hùng ở Q.5). Bây giờ đã 71 tuổi, má Mai vẫn ngày ngày chăm lo công tác khuyến học cho con em trên địa bàn quận.
Để động viên các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, má Mai rất tích cực vận động các nhà hảo tâm quyên tiền trao học bổng, tặng sách vở. Mỗi năm, chỉ tính riêng bậc đại học, má Mai đã trao hơn 100 suất, trong đó có gần một nửa dành cho con em đồng bào người Hoa. Không chỉ nhiệt thành làm công tác từ thiện trên địa bàn quận, má Mai còn đi xuống miền Tây, lên các tỉnh Tây nguyên trao học bổng, xây trường giúp học sinh vùng khó khăn.
Video đang HOT
Má Mai bảo rằng cả cuộc đời bà và cả đại gia đình đều đã trải qua nhiều năm sinh sống tại VN, cùng hòa mình vào công cuộc dựng xây đất nước ngay từ những ngày đầu gian khó. Trong cuộc chuyện trò với tôi, má Mai đã tự nhắc đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan xâm phạm vùng biển VN với thái độ rất bức xúc. “Trung Quốc làm như vậy không tốt, không chỉ gây tổn thương đến tình cảm của người dân hai nước mà còn khiến cho đồng bào người Hoa bất bình lắm”, bà nói và đề nghị “lãnh đạo hai nước phải làm thế nào đó để giải quyết ổn thỏa vấn đề theo biện pháp hòa bình để mỗi người dân tiếp tục có cuộc sống ổn định, yên tâm làm ăn buôn bán và phát triển kinh tế – xã hội đất nước”.
Khi xảy ra tình trạng phản ứng thái quá của một số công nhân do đối tượng xấu kích động, lợi dụng, má Mai đi gặp gỡ nhiều người để giải thích cặn kẽ, rõ ràng để cho mọi người thấu hiểu nội tình. Bà kể: “Có người hỏi tôi chuyện xảy ra có sợ không? Tôi trả lời ngay rằng có gì đâu mà sợ. Từ xưa giờ cũng không có gì sợ cả. Tôi thấy chẳng có ai hoang mang hay lo lắng. Mọi người vẫn chuyên tâm làm ăn buôn bán bình thường”.
Những ngày này, má Mai đang tất bật lo chuẩn bị tổ chức đợt trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo năm 2014. Trị giá mỗi suất học bổng năm nay tăng lên so với những năm trước với mức 2,5 triệu đồng/suất…
Theo TNO
Xung đột trên biển Đông tạo hậu quả khôn lường cho khu vực và thế giới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 30.5 về vụ việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển VN.
Tàu kiểm ngư VN bị tàu Trung Quốc đâm phá làm hư hỏng ngay trong vùng biển VN - Ảnh: cục Kiểm ngư cung cấp
Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết tại cuộc trả lời phỏng vấn, Thủ tướng nêu rõ hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực.
Tiếp tục mở cửa các thị trường Trả lời về tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Kinh tế VN năm 2013 tăng trưởng hơn 5,4%. Tình hình 5 tháng đầu năm 2014 đang trong chiều hướng phát triển tích cực, theo đúng mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát đã được kiểm soát tốt, dự trữ ngoại tệ tăng cao, xuất khẩu tăng mạnh khoảng 16%, dự kiến GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8%. Về câu hỏi liên quan đến việc mở cửa thị trường tài chính ngân hàng và việc Chính phủ VN có xem xét việc tăng phần trăm sở hữu của người nước ngoài đối với doanh nghiệp VN cao hơn tỷ lệ 49% hiện nay, Thủ tướng cho biết: "VN sẽ tiếp tục mở cửa các thị trường, trong đó có thị trường tài chính, ngân hàng theo lộ trình thích hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và điều kiện cụ thể của nền kinh tế VN".
Thủ tướng khẳng định VN kiên quyết đấu tranh và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của mình. VN cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của VN.
Trả lời các câu hỏi liên quan đến quan điểm, cách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Đảng và Nhà nước VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "VN đã và sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình bằng biện pháp hòa bình, vì độc lập chủ quyền của Tổ quốc VN là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo VN đang cân nhắc giải pháp này".
Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển VN nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực và thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép nằm rất gần đường hàng hải huyết mạch của thế giới trên biển Đông với khoảng 2/3 khối lượng hàng hóa thương mại
toàn cầu được vận chuyển qua đây. Thủ tướng nêu rõ chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và các nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
Trả lời câu hỏi về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc trong tình hình hiện nay, Thủ tướng cho rằng: "Các quốc gia hợp tác kinh tế với nhau đều trên cơ sở kinh tế thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. VN với Trung Quốc cũng như vậy. Đến giờ này, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch VN - Trung Quốc nhìn chung vẫn đang diễn ra
bình thường. Việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của VN đã có một số tác động đến một vài lĩnh vực của kinh tế VN. Việt Nam đã có những giải pháp ứng phó thích hợp".
Việt Nam gửi Công hàm phản đối Trung Quốc lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Từ ngày 28.5, Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ đã gửi thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối Trung Quốc không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế của VN theo quy định của Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 mà cả VN và Trung Quốc đều là thành viên. VN kiên quyết bác bỏ lập luận của phía Trung Quốc, cho rằng vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 là thuộc vùng biển của cái gọi là "quần đảo Tây Sa" và một lần nữa khẳng định rằng "quần đảo Tây Sa" mà Trung Quốc đề cập đến chính là quần đảo Hoàng Sa của VN mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực năm 1974. VN yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của VN, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực. Văn kiện trên đồng thời phản đối đến quan điểm của Trung Quốc, cho rằng VN đã phân 57 lô dầu khí, trong đó có 7 mỏ cùng 37 giàn khoan đang hoạt động tại vùng biển tranh chấp. VN khẳng định quan điểm này của Trung Quốc được đưa ra mà không căn cứ vào một cơ sở pháp lý nào, do vậy, VN kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này đồng thời khẳng định rằng mọi hoạt động dầu khí của VN đều tiến hành trên thềm lục địa của VN, được xác định phù hợp với quy định của Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. Công hàm của VN khẳng định sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên sẽ trao đổi ngay các biện pháp kiểm soát ổn định tình hình và các vấn đề trên biển giữa hai nước. Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ đề nghị Tổng thư ký LHQ cho lưu hành văn bản trên như một tài liệu chính thức của khóa 68 Đại hội đồng LHQ. Tiếp đó, ngày 29.5, Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ đã ra Thông cáo báo chí về vụ việc trên. Trước đó, hôm 9.5, LHQ cũng đã cho lưu hành một Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của nước ta. TTXVN
Theo TNO
Ông Tập Cận Bình: Trung Quốc sẽ đáp trả hành động 'khiêu khích' trên biển Đông Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters (TNO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tuyên bố Bắc Kinh sẽ không gây bất ổn ở biển Đông, nhưng cảnh báo sẽ phản ứng lại những hành động "khiêu khích" từ các quốc gia liên quan, Tân Hoa xã đưa tin ngày 31.5. Ông Tập đưa ra phát ngôn trên...