Trung Quốc không thể dùng đảo nhân tạo để củng cố chủ quyền Biển Đông
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương, ông Daniel Russel ngày 13.5 cho biết hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng khu vực và không thể giúp Bắc Kinh củng cố những tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương, ông Daniel Russel – Ảnh: Reuters
Ông Russel đưa ra phát biểu trên trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 13.5, trước thềm chuyến thăm Trung Quốc cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào cuối tuần này, theo hãng tin AP (Mỹ).
Theo ông Russel, dù cho Trung Quốc có xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam có lớn đến cỡ nào đi chăng nữa thì Bắc Kinh cũng không thể “sản xuất ra chủ quyền” của nước này tại đây.
Ông Russel cho biết, Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, và những hành động gây hấn của Trung Quốc làm tổn hại đến chính hình ảnh của nước này. Mỹ có vai trò đảm bảo an ninh khu vực, “Nếu chiến lược của Trung Quốc nhắm vào việc loại trừ chúng tôi, nước này sẽ bị phản pháo, nhưng ngoại giao vẫn tiếp tục là giải pháp đầu tiên”, ông Russel nói.
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tiến hành phiên điều trần sau khi Lầu Năm Góc đang cân nhắc việc điều động máy bay quân sự và tàu chiến tuần tra quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây trái phép ở Trường Sa, nhằm đảm bảo tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông.
Video đang HOT
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố những đảo nhân tạo thuộc chủ quyển của nước này. Nhưng ông David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, khẳng định rằng Trung Quốc không có chủ quyền tại những đảo nhân tạo mà họ đang xây dựng.
Các công trình Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên nền đảo nhân tạo trên Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tháng 2.2015 – Ảnh: Asahi Shimbun
Trong phiên điều trần, các thượng nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ lo ngại và yêu cầu chính quyền Tổng thống Barack Obama có những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ phàn nàn chính quyền ông Obama thiếu “chính sách chặt chẽ”, và tranh cãi về quan điểm của chính quyền Obama cho rằng Trung Quốc đang mất dần tầm vóc quốc tế vì những hành động gây hấn của họ.
“Tôi thấy Trung Quốc chẳng phải trả giá gì cho những hành động của họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hoàn toàn không. Sự thật tôi thấy chính chúng ta mới phải trả giá. Chúng ta nhìn thấy bạn bè của chúng ta lo ngại, tự hỏi chúng ta đang ở đâu, cam kết bảo vệ họ ở mức độ nào”, ông Corker nói.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin cũng không hài lòng khi cho rằng đôi lúc Mỹ chỉ phản ứng trước những hành động gây hấn của Trung Quốc bằng “thông cáo báo chí”.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Indonesia tuyên bố tạo ổn định cho Biển Đông 'bằng nhiều cách'
Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục gia tăng sự ổn định tại Biển Đông thông qua nhiều phương pháp khác nhau, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia, ông Abdurrahman Mohammad Fachir tuyên bố ngày 11.5.
Một tàu chiến của Hải quân Indonesia đang tuần tra tại biển Java - Ảnh: Reuters
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới lợi ích chung thông qua việc áp dụng những phương pháp nhất định. Lợi ích chung mà chúng tôi muốn đạt được là sự ổn định", hãng tin Antara (Indonesia) dẫn lời ông Fachir phát biểu tại một hội nghị ở Jakarta.
Quan chức ngoại giao Indonesia này còn cho biết thêm Jakarta sẽ cố gắng ngăn chặn xung đột ở Biển Đông.
"Thông qua nhiều cách thức khác nhau, qua các hội thảo trong nước lẫn quốc tế, Indonesia sẽ tuyên truyền rằng xung đột không phải là giải pháp để giải quyết tranh chấp", ông Fachir nói.
Mặc dù Indonesia đưa ra tuyên bố chính thức rằng nước này không liên quan đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc vẽ ra đã chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Indonesia, do đảo Natuna của nước này nằm ở phía nam Biển Đông.
Chuyên san The National Interest (Mỹ) cho biết mặc dù không muốn đối đầu với Bắc Kinh, nhưng Jakarta vẫn tỏ ra khá cứng rắn trước đường 9 đoạn của Trung Quốc.
Một số tàu cá Trung Quốc đã bị bắt giữ hồi năm 2013, và vụ việc dẫn đến một cuộc đụng độ nhỏ giữa tàu Trung Quốc với một tàu tuần duyên Indonesia, theo The National Interest.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Singapore, Malaysia, Indonesia sẽ cùng tuần tra Biển Đông Để đối phó nạn cướp biển đang gia tăng trong khu vực, hải quân Singapore, Malaysia và Indonesia đang thảo luận khả năng mở rộng tuần tra chung ở Biển Đông, nơi được xem là "điểm nóng" về hải tặc. Tàu tuần tiễu lớp Fearless RSS Daring của Hải quân Singapore - Ảnh: Hải quân Singapore Nhật báo Today (Singapore) ngày 11.5 dẫn...