Trung Quốc không muốn bàn về Biển Đông với ASEAN
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm nay cho rằng vấn đề Biển Đông không nên được đưa ra thảo luận trong một cuộc gặp của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bởi nó không phù hợp.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân. Ảnh: SCMP.
“Vấn đề (Biển Đông) không nên được thảo luận”, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu bên lề Hội nghị Các ngoại trưởng ASEAN ( AMM) lần thứ 48, khai mạc vào ngày mai ở Kuala Lumpur, Malaysia. “Đây không phải diễn đàn phù hợp. Đây là diễn đàn thúc đẩy hợp tác. Nếu Mỹ đưa ra vấn đề này thì chúng tôi sẽ phản đối. Chúng tôi hy vọng họ sẽ không làm như vậy”.
Ông Lưu cho rằng AMM nên tránh bàn về vấn đề nhạy cảm và các quốc gia ngoài ASEAN không nên can thiệp.
Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức nhưng được kỳ vọng sẽ là vấn đề nóng được đưa ra thảo luận trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở vùng biển giàu tài nguyên này.
Mỹ lo ngại trước việc Trung Quốc ngày càng kiên quyết ở Biển Đông và dự kiến sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh dừng cải tạo đất trên những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ và Trung Quốc không thuộc ASEAN nhưng đều được mời tham dự AMM.
Video đang HOT
Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Mỹ không đứng về phe nào trong tranh chấp trên biển đang leo thang ở khu vực. Bắc Kinh tuần trước cáo buộc Washington “đang quân sự hóa” Biển Đông bằng cách tổ chức tuần tra và tập trận chung tại đây.
“Các quốc gia bên ngoài đang tìm cách quân sự hóa khu vực”, ông Lưu nhắc lại.
ASEAN và Trung Quốc còn dự kiến thiết lập đường dây nóng để xử lý các vấn đề liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông. Theo ông Lưu, đường dây nóng là một cơ chế “hữu ích” nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn nào về vấn đề này.
“Chúng ta cần các nguyên tắc để hoạt động. Do đó, chúng tôi đang đề nghị có một nhóm làm việc chung để soạn ra hướng dẫn”, ông nói.
AMM 48 sẽ chính thức diễn ra từ ngày mai và kéo dài đến ngày 6/8 với sự tham gia của 27 quốc gia, gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, New Zealand, Australia và một số đối tác khác.
Như Tâm
Theo VNE
Giải pháp cho Biển Đông: Con đường gian nan
Tranh chấp Biển Đông tiếp tục sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48. Tuy nhiên, con đường đi tìm tiếng nói chung về vấn đề này xem ra còn khá gian nan...
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48 đang diễn ra tại Malaysia - Ảnh: Lam Yên
Ngày 3.8, ngoại trưởng 10 nước ASEAN tập trung tại Kuala Lumpur (Malaysia) để tham dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48 (từ ngày 1 đến ngày 6.8). Trưởng đoàn VN là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trong khuôn khổ Hội nghị còn có Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần 22 với sự tham dự của 10 ngoại trưởng ASEAN cùng 17 nước đối tác đối thoại, sẽ thảo luận các vấn đề chính trị và an ninh hiện tại của quốc tế và trong khu vực.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết các nhà lãnh đạo sẽ tham gia thêm Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng (PMC) về các vấn đề liên quan đến ASEAN, và thảo luận cùng 10 đối tác chiến lược tiềm năng như Úc, Trung Quốc, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Liên minh Châu Âu và Mỹ.
Những năm gần đây, các tranh chấp trên Biển Đông ngày càng gia tăng và có xu hướng căng thẳng. Giữa năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam đã gây căng thẳng trong khu vực. Phía Philippines cũng tìm sự ủng hộ của trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp và chỉ trích Trung Quốc như một "kẻ lật lọng" khi làm trái các cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán. Khi căng thẳng tiếp tục bùng phát trên các vùng biển tranh chấp, Trung Quốc đã công khai cảnh cáo Nhật và Mỹ không nên tham gia vào cuộc xung đột này.
Vì vậy, một sự đồng thuận về giải pháp cho Biển Đông là cần thiết hơn lúc nào hết.
Tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị, Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman cho biết Hội nghị lần này sẽ xem xét một số đề xuất nhằm giải quyết căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia và sự cần thiết để thực thi các đoạn văn có liên quan của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). "Đây là một bước tiến quan trọng đối với việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)", ông nói.
Cuối tháng 7 vừa qua, tại Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) tổ chức tại Thiên Tân (Trung Quốc), ASEAN và Trung Quốc đã đồng thuận tiến tới giai đoạn đàm phán tiếp theo để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm ràng buộc các bên tranh chấp không "châm ngòi nổ" cho các xung đột tại khu vực; đồng thời thành lập "đường dây nóng" để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông.
Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày, đầu tháng 8 Trung Quốc lại "thả" hơn 10.000 tàu cá tràn vào Biển Đông và kêu ca an ninh biển đang bị đe doạ. Hành vi "bất nhất" của Trung Quốc càng làm hy vọng tìm được tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị càng nhỏ dần.
Cạnh đó, bất chấp lời kêu gọi thống nhất quan điểm, một số thành viên ASEAN có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc vẫn có những chương trình nghị sự phân kỳ. Điều này cũng khiến việc thảo luận vấn đề Biển Đông trở nên "nhạy cảm" và khó giải quyết hơn.
Lam Yên
(từ Kuala Lumpur)
Theo Thanhnien
ASEAN-Trung Quốc nhất trí thương thảo quy tắc ứng xử trên Biển Đông ASEAN và Trung Quốc nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phù hợp với lợi ích chung, có lợi cho thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN phát triển lành mạnh. Hình ảnh do máy bay do thám của Mỹ ghi được cho thấy Trung...