Trung Quốc không áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh của EU
Ngày 29/8, Trung Quốc khẳng định sẽ không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Rượu vang từ Pháp được trưng bày tại một triển lãm ở New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không có kế hoạch áp thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu của EU, mặc dù cuộc điều tra vào đầu năm nay kết luận rằng các nhà sản xuất rượu ở EU đã bán phá giá từ 30,6% đến 39% tại thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ người, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước. Quyết định này cho phép hai bên có thêm thời gian để thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng.
Trung Quốc bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu của EU từ ngày 5/1 năm nay nhằm đáp trả việc EU hạn chế xuất khẩu xe điện của nước này. Động thái này được cho là chủ yếu nhằm vào Pháp vì hầu như tất cả rượu mạnh của EU xuất khẩu sang Trung Quốc đều được sản xuất tại Pháp. Cuộc điều tra tập trung vào các sản phẩm rượu mạnh trong các thùng chứa dưới 200 lít.
Trung Quốc đã vận động 27 quốc gia thành viên EU bác đề xuất của Ủy ban châu Âu (EU) về việc áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 36,3% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 10 tới. Vì vậy, quyết định không áp thuế đối với rượu mạnh của EU có thể được xem là bước đi có lợi cho Bắc Kinh.
Sau thông báo của Trung Quốc, cổ phiếu của các nhà sản xuất rượu mạnh của Pháp Remy Cointreau và Pernod Ricard đã tăng khoảng 8%. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất Campari của Italy tăng 4,5%.
Trung Quốc có thể áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU
Ngày 20/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này có thể áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), theo kết quả điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này mà Trung Quốc tiến hành từ ngày 17/6 vừa qua.
Sản xuất các sản phẩm từ thịt lợn tại nhà máy ở Wolfsburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn của bộ trên, ông Hà Á Đông cho biết nếu kết quả điều tra ban đầu cho thấy thiệt hại đối với các ngành liên quan của Trung Quốc, nước này có thể áp đặt thuế chống bán phá giá tạm thời theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như của Trung Quốc. Người phát ngôn này nói thêm rằng, sau khi hoàn tất cuộc điều tra, Bộ Thương mại sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và thuế chống bán phá giá có thể được áp đặt theo các quy định liên quan.
Trước đó, ngày 17/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn nhập khẩu từ EU, theo kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi đại diện cho ngành chăn nuôi trong nước.
Theo đó, cuộc điều tra tập trung vào thịt lợn và phụ phẩm từ lợn có nguồn gốc từ EU từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023. Cuộc điều tra dự kiến kết thúc trước ngày 17/6/2025, nhưng có thể kéo dài thêm nửa năm trong những trường hợp đặc biệt.
Động thái trên được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) ngày 12/6 thông báo sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng tới. Đây là một phần trong chính sách thương mại mới của EU nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của EU trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Thái Lan điều tra chống bán phá giá đối với nhôm Trung Quốc Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với nhôm đùn từ Trung Quốc sau khi các nhà sản xuất Thái Lan phàn nàn về thiệt hại do hàng nhập khẩu gây ra. Mối lo ngại về hàng hóa nước ngoài giá rẻ tràn ngập Thái Lan và cạnh tranh không lành...