Trung Quốc gửi thông điệp tới Iran giữa căng thẳng với Israel
Ngoại trưởng Trung Quốc nói với Iran rằng hai nước có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong tương lai, cho thấy mối quan hệ giữa họ vẫn vững chắc sau cuộc tấn công chưa từng có của Tehran vào Israel.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bloomberg ngày 17/4, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian trong cuộc điện đàm mới đây: “Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác thực tế một cách đều đặn trong nhiều lĩnh vực khác nhau với Iran và phát triển hơn nữa quan hệ Trung Quốc – Iran”.
Ông Vương Nghị cũng cho biết Trung Quốc nắm được quan điểm của Iran rằng hành động quân sự của nước này là hạn chế và nước này đang thực hiện quyền tự vệ. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, Bắc Kinh tin rằng Iran có thể xử lý tình hình để tránh tình trạng hỗn loạn hơn nữa.
Bloomberg lưu ý, bình luận của ông Vương Nghị cho thấy Trung Quốc hỗ trợ ngoại giao Iran sau cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Israel. Tehran cho biết động thái này là để trả đũa vụ tấn công Đại sứ quán Iran ở Syria. Đây là lần đầu tiên Iran tấn công Israel từ lãnh thổ của mình.
Ông Vương Nghị không nói rõ loại hình hợp tác nào mà Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy với Iran nhưng Bắc Kinh đã đưa ra những cam kết tương tự trước đây. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ tăng cường quan hệ sau cuộc gặp với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Bắc Kinh.
Video đang HOT
Chỉ vài tuần trước đó, Mỹ đã tuyên bố rằng họ sẽ tăng áp lực lên Trung Quốc để nước này ngừng mua dầu của Iran. Trung Quốc là khách hàng chính mua dầu Iran, mặc dù vào tháng 1 năm nay, Tehran đã từ chối xuất khẩu để đề nghị giá cao hơn. Bắc Kinh cũng là cường quốc đàm phán chủ chốt trong các cuộc đàm phán đang bị đình trệ nhằm vực dậy thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trung Quốc đã giúp Iran và Saudi Arabia đạt được thỏa thuận vào năm ngoái nhằm dịu bớt nhiều năm bế tắc ngoại giao giữa hai đối thủ ở Trung Đông. Trung Quốc cũng đẩy mạnh mở rộng khối BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil) và Iran trở thành thành viên bắt đầu từ năm 2024.
Đầu tuần này, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật để ngăn Trung Quốc mua dầu thô Iran trong khuôn khổ gói dự luật được đưa ra để phản ứng với động thái của Tehran tấn công Israel.
Liệu Trung Quốc có thể giúp tránh một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông?
Trong khi Trung Quốc lo ngại xung đột lan rộng hơn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và thương mại của nước này trong khu vực - đặc biệt là các hợp đồng năng lượng, thì Bắc Kinh tin rằng nguyên nhân sâu xa là do cuộc xung đột ở Gaza.
Máy bay tấn công không người lái Karrar của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về căng thẳng leo thang ở Trung Đông sau khi Iran phóng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa trong một cuộc tấn công trả đũa chưa từng có vào Israel, làm dấy lên nguy cơ xảy ra xung đột rộng hơn ở khu vực mà Bắc Kinh đã cam kết đóng vai trò kiến tạo hòa bình, theo bình luận của kênh CNN (Mỹ) ngày 15/4.
"(Trung Quốc) kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế để ngăn chặn leo thang hơn nữa", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố, coi những căng thẳng mới nhất là "sự lan tỏa từ cuộc xung đột ở Gaza" - điều mà nước này cho rằng nên được giải quyết để chấm dứt càng sớm càng tốt.
Bộ trên lưu ý thêm: "Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước có ảnh hưởng, đóng vai trò mang tính xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực".
Các cuộc tấn công của Iran, mà Tehran cho biết là để trả đũa vụ đánh bom tòa nhà lãnh sự Iran ở Damascus vào đầu tháng này, đánh dấu lần đầu tiên Tehran tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel.
Quyết định tấn công trực tiếp vào Israel của các nhà lãnh đạo Iran đã đẩy cuộc chiến "ngầm" giữa hai đối thủ trong khu vực trở thành công khai. Israel đang được các đồng minh phương Tây kêu gọi giảm căng thẳng khi lo ngại về một cuộc chiến toàn diện trong khu vực ngày càng gia tăng - một kịch bản mà Washington đang tìm cách tranh thủ sự giúp đỡ của Bắc Kinh để tránh.
Sau cuộc tấn công vào tòa nhà lãnh sự Iran ở Damacus mà Tehran cho biết đã khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có hai chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị - và những người đồng cấp khác ở Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia - để "làm rõ rằng leo thang không phải là hành động phù hợp vì lợi ích của tất cả các bên và các nước nên hối thúc Iran không leo thang tình hình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo.
Đó không phải là lần đầu tiên Mỹ đề nghị Trung Quốc gây ảnh hưởng đến Iran kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái.
Sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ cuối năm ngoái, các quan chức Mỹ đã nhiều lần tìm cách hối thúc Bắc Kinh gây áp lực lên Tehran - nơi được cho là hỗ trợ Houthi - để kiềm chế các cuộc tấn công.
Sự bùng phát căng thẳng mới nhất một lần nữa đặt ra câu hỏi về việc liệu "Trung Quốc có sử dụng đòn bẩy với Iran và liệu Bắc Kinh có sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình hay không". William Figueroa, Phó Giáo sư tại Đại học Groningen ở Hà Lan, nêu quan điểm: "Trên lý thuyết, Trung Quốc có rất nhiều đòn bẩy tiềm năng đối với Iran".
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran trong thập kỷ qua và mua 90% lượng dầu xuất khẩu của Iran, mang lại nguồn thu "huyết mạch" cho Tehran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các công ty Trung Quốc cũng cung cấp cho Iran thiết bị an ninh và giám sát.
Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc khó có thể sử dụng những đòn bẩy này để tác động đến Iran, chuyên gia Figueroa nói: "Vũ khí hóa các mối quan hệ thương mại này, đặc biệt là theo cách gây chú ý như vậy, sẽ làm suy yếu chiến lược khu vực lớn hơn của Bắc Kinh trong việc phát triển các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ trên khắp Nam toàn cầu".
Trung Quốc đã mở rộng đáng kể dấu ấn kinh tế và chính trị của mình ở Trung Đông. Trong những năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ "đóng góp để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Trung Đông" như một phần của Sáng kiến An ninh Toàn cầu nhằm đưa ra một giải pháp thay thế cho trật tự an ninh do phương Tây chi phối.
Các nhà phân tích cho biết, năm ngoái, Bắc Kinh đã môi giới để hàn gắn mối quan hệ lịch sử giữa Saudi Arabia và Iran, hai đối thủ lâu năm trong khu vực, nhưng việc kiềm chế Iran trong cuộc xung đột đang diễn ra có thể là một nhiệm vụ khó khăn hơn đối với Trung Quốc. Và trong khi Trung Quốc thực sự lo ngại về nguy cơ một cuộc xung đột rộng hơn ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và thương mại của nước này trong khu vực - đặc biệt là các hợp đồng năng lượng, thì Bắc Kinh tin rằng nguyên nhân sâu xa nằm là do cuộc xung đột ở Gaza.
Chuyên gia Figueroa kết luận: "Do đó, Trung Quốc nhận thấy giải pháp thực sự không phải là họ kiềm chế Iran, mà là ở việc Mỹ kiềm chế Israel và đưa đưa ra một kế hoạch thương lượng bao gồm giải pháp hai nhà nước".
Tại sao cuộc tấn công của Iran khó có thể dẫn đến xung đột toàn diện với Israel? Hành động của Iran trước, trong và sau cuộc tấn công cho thấy nước này có thể hài lòng với phản ứng của họ và dường như muốn tránh leo thang thêm, trừ khi cần thiết. Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia sau vụ tấn công quy mô lớn của Iran vào...