Trung Quốc gửi lời cảm ơn, xác nhận hàng cứu trợ của Việt Nam đến Vũ Hán
Trung Quốc ngày 10/2 gửi lời cảm ơn chân thành tới mọi sự ủng hộ và giúp đỡ dành cho nước này và xác nhận đưa hàng cứu trợ Việt Nam tới Vũ Hán.
Trong cuộc họp báo thường kỳ trực tuyến tổ chức chiều nay (10/2), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác nhận, hàng hóa cứu trợ của Chính phủ Việt Nam gửi đến Chính phủ và người dân Trung Quốc đã được đưa đến Vũ Hán và gửi lời cảm ơn chân thành tới mọi sự ủng hộ và giúp đỡ dành cho nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. (Ảnh tư liệu)
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV tại Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng cho biết, vật tư y tế của chính phủ Việt Nam gửi tới Trung Quốc, bao gồm quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế… hôm nay (10/2) đã được đưa tới Vũ Hán. Ông nhấn mạnh: “ Chúng tôi bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới tất cả mọi sự ủng hộ và giúp đỡ chân thành dành cho phía Trung Quốc.”
Về cách thức Trung Quốc sử dụng số hàng hóa viện trợ này, ông cho biết, toàn bộ vật tư do các quốc gia và tổ chức quốc tế gửi tặng phía Trung Quốc sẽ do Bộ Thương mại nước này tiếp nhận.
Theo thống kê của phía Trung Quốc, tính đến 12h ngày 8/2 giờ địa phương, nước này đã nhận được trang thiết bị, vật tư y tế cứu trợ của 21 quốc gia và 1 tổ chức quốc tế.
Người phát ngôn cũng cho biết, tính đến 8h hôm nay (giờ địa phương), có tổng cộng 27 người nước ngoài tại Trung Quốc bị nhiễm virus corona chủng mới, trong đó 3 người đã ra viện, vẫn còn 22 người đang cách ly chữa trị; đồng thời xác nhận có 2 người, 1 quốc tịch Mỹ, 1 quốc tịch Nhật Bản tử vong tại Vũ Hán.
Trong khi đó, người phát ngôn Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc Mễ Phong xác nhận, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ đến Bắc Kinh trong ngày hôm nay (10/2). Hai bên sẽ thảo luận về những sắp xếp cụ thể của Nhóm khảo sát liên hợp giữa chuyên gia Trung Quốc và WHO. Mục đích chính của đợt khảo sát lần này là đi sâu trao đổi về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống hiện nay, nhằm đưa ra các khuyến nghị giúp Trung Quốc và các quốc gia có dịch bước tiếp theo cùng nhau nỗ lực triển khai công tác phòng chống dịch.
Theo BÍCH THUẬN (VOV-Bắc Kinh)
Tòa nhà ở Thâm Quyến cắt nước để buộc người Hồ Bắc ra trình diện
Sống trong tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh hô hấp do virus corona gây nên, người Hồ Bắc đang phải đối mặt với sự phân biệt và kỳ thị từ người dân các tỉnh khác của Trung Quốc.
Một tay cầm theo chiếc ba lô hình con thỏ, và tay kia đỡ người bà bị tật nguyền của mình, Shi Zhiyu đang đi từng bước không vững trên con đường cao tốc không một bóng người. Cô đang trên hành trình một chiều vượt qua sông Dương Tử để trở về quê nhà.
Video đang HOT
Nhà cô chưa bao giờ trở nên xa đến thế.
Shi đang đỡ bà của mình tại đầu cầu bên phía Cửu Giang, chờ cảnh sát chấp thuận cho cha mình lái xe từ Hồ Bắc sang đón hai bà cháu. Ảnh: Washington Post.
"Như một thế giới khác"
"Cô sẽ không được quay lại đâu", một sĩ quan cảnh sát cảnh báo tại chốt chặn cuối cùng trước cây cầu dẫn sang tỉnh Hồ Bắc - vốn đang bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do virus corona gây nên.
Kể từ ngày 24/1, cây cầu nối thành phố Cửu Giang của tỉnh Giang Tô với phía đông tỉnh Hồ Bắc - vốn thường ngày nhộn nhịp người qua lại - đã bị chặn lại trong một nỗ lực chưa từng có tiền lệ của chính phủ Trung Quốc nhằm chặn đứng sự lây lan của virus chết người.
Mỗi đầu cầu có 18 sĩ quan cảnh sát canh gác, và loa phóng thanh liên tiếp thông báo: "Cư dân và phương tiện từ tỉnh Hồ Bắc không được phép đi qua".
Đối với một số ít những người may mắn, với giấy tờ hợp lệ và không có vấn đề gì về sức khỏe, cây cầu là một lối thoát để họ có thể ra khỏi vùng dịch. Nhưng đối với những cư dân Hồ Bắc bị kẹt ở bên ngoài như Shi và bà của mình, cây cầu giống như hành lang đưa họ vào tới một vùng đất siêu thực, nơi họ sẽ bị cô lập trong hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng.
Đối với đất nước, cây cầu chính là tượng trưng cho sự cô lập bất ngờ mà chính quyền trung ương áp đặt lên tỉnh Hồ Bắc. Thành phố tháng trước còn là trung tâm giao thông, liên kết của quốc gia hiện hoàn toàn bị cắt đứt với phần còn lại.
Sau khi dịch bệnh bùng phát từ thủ phủ Vũ Hán của tỉnh, người dân những nơi khác gần đây đã quay lưng lại với người đến từ Hồ Bắc - một hình ảnh thu nhỏ cho sự kỳ thị mà người Trung Quốc đang phải đối mặt ở khắp nên trên thế giới.
Khách sạn từ chối tiếp nhận du khách với căn cước Hồ Bắc. Các nhân viên soát vé tàu sốt sắng hỏi hành khách xem họ có đi qua hoặc đến từ Hồ Bắc hay không.
Trong khi đó, những người Hồ Bắc tại các tỉnh khác bị hàng xóm theo dõi, cách ly hay nhốt tại nhà. Tại Trú Mã Điếm, thành phố thuộc tỉnh Hà Nam kế bên, giới chức địa phương thậm chí còn trao thưởng cho ai báo cáo về những trường hợp đến từ tỉnh Hồ Bắc.
Chính quyền cảnh báo những người "cố tình" truyền bệnh bằng cách né tránh các quy định kiểm dịch có thể phải đối mặt với án tử hình. Trên các trang mạng xã hội, người dùng cũng lên án 5 triệu người được coi là "kẻ thù của công chúng" khi đã trốn khỏi thành phố Vũ Hán trong những ngày trước và sau lệnh phong tỏa của chính phủ.
Tại Cửu Giang, cách Vũ Hán 225 km về phía nam, người dân cho biết sự gần gũi về mặt địa lý với tâm điểm của đợt bùng phát khiến cho đời sống bị xáo trộn và thương mại trở nên đình trệ. Nhưng đối với thành phố này - vốn có sự gắn kết lịch sử với tỉnh Hồ Bắc về giao thương và văn hóa - mọi chuyện còn phức tạp hơn thế.
Cảnh sát canh gác ở đầu cầu bên phía Cửu Giang, ngăn không cho người dần từ Hồ Bắc đi sang. Ảnh: Washington Post.
Cây cầu đột ngột đóng cửa vào tháng 1, khi Shi đang ở bên kia sông để thăm người bà đang phải nhập viện ở Cửu Giang vì bị đột quỵ.
"Chúng tôi vẫn thường đến đây để xem phim và mua sắm. Chỉ mất 20 phút đi xe buýt", Shi nói và đỡ bà mình ngồi lên một chiếc khăn len, trong khi đợi cảnh sát chấp thuận cho cha cô lái xe qua cây cầu vắng vẻ để đón hai bà cháu.
"Bây giờ, nó như một thế giới khác", cô gái 15 tuổi chia sẻ.
"Nên được thông cảm"
Ởchiều ngược lại, đi từ Hồ Bắc về phía Cửu Giang là một nữ nhân viên bán hàng tên Gui, người đã dậy lúc 8h sáng để đi taxi đường dài rồi chấp nhận đi bộ 90 phút dọc cây cầu. Cô gái xin không đưa ra tên thật vì lo sợ bị phân biệt.
Cô chỉ được phép qua cầu vì có bằng chứng là tấm vé đi tới Thâm Quyến được cô mua trước khi có lệnh phong tỏa, và giấy tờ chứng minh cô đã trải qua giai đoạn cách ly mà không có dấu hiệu sốt.
"Tôi không phàn nàn về lệnh phong tỏa. Đất nước đã làm điều phải làm", Gui chia sẻ một cách nhẹ nhõm vì đã được ra khỏi Vũ Hán.
Gần đó, ông Zhang Hubin, một chủ cửa hàng, không được vui vẻ như vậy.
"Thật là không đúng khi có thành kiến, nhưng khi tôi nghe khách hàng nói giọng Vũ Hán, tôi cảm thấy lo lắng", ông Zhang chia sẻ và nói thêm rằng hoạt động kinh doanh đã sụt giảm một nửa sau khi nhà chức trách địa phương yêu cầu các cửa hàng ở vùng giáp ranh tỉnh Hồ Bắc ngừng hoạt động.
Chính quyền Cửu Giang ghi nhận 87 ca nhiễm virus corona. Hai bệnh viện ở thành phố vào tuần trước đã lên mạng xã hội để cầu cứu, xin được hỗ trợ khẩu trang cầu và quần áo bảo hộ. Bệnh viện tương đối vắng, nhưng hai y tá thừa nhận rằng đang có sự thiếu hụt các thiết bị y tế.
Tại làng Thạch Môn Động ở Cửu Giang, một số người dân làng đã tình nguyện làm bảo vệ, ngăn không cho người lạ vào làng. Những người khác có nhiệm vụ tìm kiếm những ai vừa từ Hồ Bắc về nhà ăn Tết.
"Tổ trưởng dân cư đã gõ cửa từng nhà để xác định những người đến từ Hồ Bắc. Chúng tôi đều cách ly họ tại nhà để giám sát. Thật may là chưa có ai bị ốm", một người tên Hu cho biết.
"Việc này nên được thông cảm", ông Hu nói thêm.
Những người dân Hồ Bắc từ khắp nơi trên đất nước cũng chia sẻ về sự kỳ thị và phân biệt mà họ phải đối mặt. Ở Bắc Kinh, một cô gái người Hồ Bắc cho biết bạn cùng phòng đã khóa cửa, không cho cô vào phòng vì sợ bị lây bệnh. Tại Thâm Quyến, ban quản lý một tòa nhà đã quyết định cắt nước để buộc người thuê đến từ Hồ Bắc ra trình diện.
Tại thủ phủ Nam Xương của tỉnh Giang Tây, các khách sạn bắt du khách phải khai lịch sử di chuyển của mình. Lễ tân của một chuỗi khách sạn lớn còn đảm bảo với du khách rằng ở đây không có ai đến từ Hồ Bắc.
Một khu dân cư ở Cửu Giang, thành phố tiếp giáp tỉnh Hồ Bắc, đang được khử trùng. Ảnh: AFP.
"Chúng tôi đều từ chối tiếp nhận họ", người này cho biết.
Một số quan chức, bao gồm bí thư Vũ Hán đã chú ý đến tình trạng này và kêu gọi người dân Trung Quốc không đối xử với đồng bào của mình với sự kỳ thị.
Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng yêu cầu mọi người "không giữ thành kiến hay đối xử lạnh lùng với người dân Vũ Hán".
"Hơn ai hết, họ muốn dịch bệnh được loại bỏ, muốn có sự an toàn, đảm bảo và được quan tâm", tờ báo viết.
Theo news.zing.vn
Đại dịch Corona: Người Trung Quốc săn lùng cư dân đến từ Vũ Hán Nhiều cộng đồng ở Trung Quốc đang trao thưởng bằng tiền mặt cho bất cứ ai phát hiện cư dân đến từ Vũ Hán - tâm dịch Corona cố gắng vào khu vực họ sống, theo Digitaljournal. Thời dịch Corona bùng nổ, người dân Trung Quốc ở nhiều nơi không ngại ngần gõ cửa và đặt câu hỏi cho những người cố gắng...