Trung Quốc giảm sở hữu tại các công ty công nghệ trong nước
Quỹ bán dẫn do chính phủ Trung Quốc chống lưng đã giảm tỷ lệ sở hữu tại một số công ty công nghệ trong nước, bất chấp ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vốn vào lĩnh vực công nghệ này.
Chính phủ Trung Quốc bất ngờ cắt giảm tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp bán dẫn
Theo Reuters, Quỹ Đầu tư Mạch tích hợp Quốc gia Trung Quốc (National Integrated Circuitry Investment Fund), còn được gọi là “ Big Fund”, đã lên kế hoạch cắt giảm mức sở hữu tại công ty bán dẫn Gigadevice Semiconductor, nhà sản xuất chip Shenzhen Goodix Technology và Hunan Goke Microelectronics khoảng một phần trăm ở mỗi công ty.
Theo thông báo của các công ty này, quỹ quốc gia hiện nắm giữ lần lượt 9,7%, 6,6% và 15,6% cổ phần ở ba công ty trên. Họ không nói rõ lý do cắt giảm. Nhưng kế hoạch này được đưa ra sau khi cổ phiếu của các công ty đều thăng hoa, theo đó Gigadevice Semiconductor, Shenzhen Goodix và Goke tăng lần lượt là 213%, 160% và 93%.
Ước tính, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót tới 190 tỉ nhân dân tệ (khoảng 27,1 tỉ USD) thông qua Stock Connect trong năm 2019 sau khi mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán công nghệ Shenzhen Stock Exchange.
Trước đó, Bắc Kinh đã thành lập quỹ “Big Fund” này để hỗ trợ ngành sản xuất chip trong nước, vào tháng 10 vừa qua một quỹ quốc gia dành cho lĩnh vực bán dẫn mới được thành lập với số tiền lên tới 204,2 tỉ nhân dân tệ, nhằm tìm kiếm các nỗ lực tự cung tự cấp về công nghệ trong bối cảnh Mỹ gia tăng kiểm soát chặt chẽ các công ty công nghệ Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng ra mắt sàn giao dịch chứng khoán STAR Market theo phong cách Nasdaq của Mỹ vào tháng 7 vừa qua.
Video đang HOT
Theo Thanh Niên
Hai công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang hợp tác để tạo ra một "hệ điều hành nội địa" mới - Liệu có thoát được cái bóng quá lớn của Windows?
CS2C và Thiên Tân Kylin công bố kế hoạch phát triển một hệ điều hành mới của riêng Trung Quốc. Đại diện 2 công ty China Standard Software và Thiên Tân Kylin công bố sẽ hợp tác để phát triển một hệ điều hành mới.
Hai công ty phần mềm nằm trong số những công ty công nghệ lớn nhất tại Trung Quốc đã công bố kế hoạch vào tuần trước để hợp nhất và cùng nhau xây dựng một "hệ điều hành nội địa" mới.
Hai công ty China Standard Software (CS2C) và Thiên Tân Kylin Information (TKC), là những công ty phần mềm quy mô lớn, có mối quan hệ với chính phủ Bắc Kinh. Công ty CS2C đã từng tạo ra "bản sao Windows XP của Trung Quốc" - được gọi là hệ điều hành NeoKylin, còn TKC là công ty tạo ra hệ điều hành mang tên Kylin.
CS2C và TKC dự kiến thành lập một công ty mới mà họ là hai nhà đầu tư chính. Công ty liên doanh của họ sẽ có nhiệm vụ phát triển hệ điều hành, quyết định các kỹ thuật sẽ áp dụng, tiếp thị, làm thương hiệu, huy động tài chính và bán hàng.
CS2C và TKC có thỏa thuận miệng về kế hoạch đầu tư và một thỏa thuận chính thức sẽ được ký kết trong tương lai - hai công ty cho biết trong một cuộc họp báo chung được tổ chức vào thứ Sáu tuần trước, ngày 6 tháng 12.
Hai hệ điều hành Kylin và NeoKylin hiện tại sẽ đóng vai trò là cơ sở cho hệ điều hành mới. Như một dấu hiệu của sự hợp nhất giữa hai bên, "hệ điều hành nội địa" mới sẽ kết hợp logo Kylin OS hiện tại (một con kỳ lân màu xanh) và logo NeoKylin OS (một con kỳ lân màu đỏ). "Hệ điều hành nội địa" mới chưa có tên gọi dự kiến.
Lịch sử các hệ điều hành tự chế của Trung Quốc
Gốc gác của cả hai hệ điều hành nói trên là hệ điều hành Kylin do các nhà khoa học của Đại học Công nghệ Quốc phòng tạo ra vào năm 2001.
Hệ điều hành Kylin gốc được viết dựa trên FreeBSD và được phát triển thông qua "Chương trình 863" - một dự án được Chính phủ hỗ trợ vào những năm 80 nhằm kích thích sự phát triển của công nghệ nội địa giúp nước này không bị phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Phiên bản Kylin dựa trên FreeBSD chưa bao giờ thực sự thành công. Nó chỉ được triển khai trên một số mạng quân sự của Trung Quốc và chưa bao giờ được triển khai ngoài các dự án nghiên cứu và học thuật.
Vào năm 2016, hệ điều hành này đã chịu tiếng xấu khi một sinh viên Trung Quốc có biệt danh là Dancefire công bố phát hiện của mình. Dancefire nói rằng Kylin sao chép phần lớn mã nguồn phiên bản FreeBSD v5.3 mà không sửa đổi chút nào. Khi so sánh thấy sự tương đồng lên tới 99,45%.
Một phiên bản khác, được phát triển trên nền nhân Linux, đã được phát hành vào năm 2009 và đến năm 2014 nó được chuyển giao từ Đại học Công nghệ Quốc phòng sang cho công ty TKC phát triển.
TKC đã mở rộng sự phát triển của Kylin và hiện đã có phiên bản Kylin cho máy tính để bàn, máy chủ và các thiết bị nhúng, có cả bản thương mại và miễn phí.
Các phiên bản Kylin dựa trên nhân Linux thành công hơn nhiều so với phiên bản FreeBSD. Nó đã được cài đặt trong hai siêu máy tính Thiên hà 1 và Thiên hà 2 của Trung Quốc. Đây là 2 siêu máy tính nhanh nhất thế giới vào thời điểm ra mắt vào năm 2010 và 2013. Hiện tại cả hai siêu máy tính đều chạy phiên bản hệ điều hành Kylin có tên là Galaxy Kylin.
Phiên bản cộng đồng của hệ điều hành Kylin vẫn miễn phí và TKC cho biết nó được tải xuống 24 triệu lần mỗi năm.
Trong khi đó, hãng CS2C đã phân tách mã Kylin ban đầu vào năm 2010 và tạo ra một phiên bản thân thiện hơn với người dùng gọi là NeoKylin. CS2C, thông qua công ty con Winning Software, đã phát triển NeoKylin thành một hệ điều hành phổ dụng. NeoKylin hiện tương thích với hơn 4.000 sản phẩm phần mềm và phần cứng, được cài đặt sẵn trên hầu hết các máy tính được bán ở Trung Quốc, thậm chí đánh bại cả hệ điều hành của TKC trên các máy tính để bàn.
Tất nhiên, cả Kylin và NeoKylin đều không thể cạnh tranh với hệ điều hành của Apple và Microsoft trong phân khúc máy tính gia đình. Thay vào đó, họ chiếm 90% thị phần máy tính của chính phủ.
Nỗ lực mới để thay thế phần mềm của nước ngoài tại Trung Quốc
Tin tức về "hệ điều hành nội địa mới" được hai công ty Trung Quốc phát triển được tung ra cùng lúc tờ Financial Times đưa tin Bắc Kinh đang ban hành một chính sách nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào phần cứng và phần mềm phương Tây.
Financial Times cho biết Bắc Kinh đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức công cộng phải thay thế phần cứng và phần mềm do nước ngoài sản xuất bằng các sản phẩm của Trung Quốc trong 3 năm tới theo tỷ lệ 5-3-2 (năm đầu tiên thay thế 50%, năm tiếp theo thay thế tiếp 30% và năm thứ ba thay thế nốt 20%).
Với kế hoạch thay thế tất cả phần cứng và phần mềm nước ngoài từ các hệ thống chính phủ trong vòng ba năm tới, các đơn đặt hàng có thể đã được gửi từ Bắc Kinh để hợp nhất hai hệ điều hành Kylin và NeoKylin thành một nền tảng chung.
Rõ ràng, những động thái này của chính phủ và các công ty Trung Quốc bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Quốc gia tỷ dân ý thức được phải tự chủ, tránh phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Theo VietTimes
Văn phòng hoành tráng xịn xò của công ty công nghệ Việt Nam: Cây xanh bao la, quán cà phê, hồ bơi, phòng gym, tha hồ tụ tập VNG Campus là một trong những văn phòng làm việc lớn nhất tại Việt Nam, được thiết kế mở, thân thiện môi trường nhằm khuyến khích nhân viên sáng tạo tối đa, làm việc hiệu quả, hướng đến mục tiêu toàn cầu. VNG Campus là trụ sở làm việc mới nhất mới đưa vào hoạt động của tập đoàn VNG đặt tại Khu...