Trung Quốc đòi bảo tồn cả di sản của… Việt Nam?
Những hành động của TQ một lần nữa thể hiện thái độ coi thường luật quốc tế của một nước được xem là nước lớn trên thế giới.
Với tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc hiện đang không ngừng thúc đẩy các hình vi nhằm củng cố các yêu sách của mình trên Biển Đông. Một trong những động thái gần đây nhất của nước này kế hoạch đăng ký Con đường tơ lụa trên biển lên UNESCO và đề nghị công nhận đây là một di sản văn hoá thế giới của TQ.
Song song với việc đệ trình đơn lên UNESCO, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tiến hành khai quật các con tàu bị đắm xung quanh hai đảo Hoàng Sa và Quan Ảnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong vòng hai năm tới. Đồng thời nước này cũng đã lên chương trình bảo tồn trên đảo Hữu Nhật và đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa từ đầu năm nay.
Trên thực tế, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hoá dưới nước được quy định khá rõ ràng và chi tiết trong một số điều ước quốc tế quan trọng, trong đó quan trọng nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Công ước UNESCO về bảo vệ các di sản văn hoá và di sản thiên nhiên thế giới 1972 (Công ước UNESCO 1972) và Công ước UNESCO về Di sản văn hoá dưới nước 2001 (Công ước UNESCO 2001).
Đòi bảo tồn cả di sản của Việt Nam
Đầu tiên, cần phải lưu ý rằng hiện nay cả Việt Nam và Trung Quốc đều không phải là thành viên của Công ước UNESCO 2001, vì thế Công ước này không có giá trị ràng buộc với cả hai nước. Do đó, trong trường hợp này, chỉ có UNCLOS 1982 và Công ước UNESCO 1972 sẽ được áp dụng.
Công ước UNESCO 1972 đặt ra nghĩa vụ xác minh, bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hoá trong phạm vi lãnh thổ của mình. Việc Trung Quốc đưa luôn cả những cổ vật, di sản nằm trong các vùng nước thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào các chương trình bảo tồn và đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới là hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của của Công ước UNESCO 1972.
Công ước UNCLOS 1982 đặt ra nghĩa vụ chung cho tất các các quốc gia phải “bảo vệ các di vật khảo cổ và lịch sử trên biển” và phải “hợp tác vì mục đích này”. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các vùng đáy biển, cho dù quy chế pháp lý của vùng đó là gì.
Ngoài ra, Công ước cũng đưa ra các quy định cụ thể hơn áp dụng cho hai vùng biển là vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đáy biển nằm ngoài quyền tài phán của quốc gia có tên là Vùng. Theo đó, trong vùng tiếp giáp lãnh hải, Công ước cho phép các quốc gia thực hiện mọi sự kiểm tra cần thiết để ngăn chặn và trừng phạt việc di dời các di vật khảo cổ và lịch sử khỏi đáy biển thuộc vùng này. Trong Vùng, Công ước quy định tất cả các di vật khảo cổ hoặc lịch sử đều phải được bảo tồn hoặc sử dụng vì lợi ích của nhân loại nói chung.
Đối với các vùng biển khác, cụ thể, trong vùng nội thuỷ và lãnh hải nơi mà quốc gia ven biển có đầy đủ chủ quyền, các quy định nội luật của quốc gia đó sẽ được áp dụng để điều chỉnh việc khai quật, sử dụng các di vật. Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, việc khai quật, sử dụng hay bảo tồn các di sản trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không được Công ước nhắc đến. Tuy vậy, cần lưu ý rằng, mặc dù quốc gia ven biển có quyền chủ quyền, tức là quyền được ưu tiên khai thác, sử dụng các “tài nguyên thiên nhiên” trong hai vùng biển này, thuật ngữ này không bao gồm các di vật khảo cổ và lịch sử.
Vì thế, hầu hết các học giả đều đồng ý rằng quy chế tự do biển cả sẽ được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến các di vật này. Khi ấy, quyền lợi chính đáng của tất cả các bên liên quan đều phải được tính đến đúng theo tinh thần của Điều 59 UNCLOS 1982, theo đó những xung đột về quyền lợi giữa quốc gia ven biển và các quốc gia khác sẽ được giải quyết trên cơ sở công bằng và các hoàn cảnh hữu quan, có tính đến lợi ích của các bên cũng như của cộng đồng quốc tế.
Video đang HOT
Hiện nay, qua những tuyên bố của các quan chức Trung Quốc, Con đường tơ lụa trên biển mà TQ dự định đệ trình lên UNESCO bao gồm cả các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì thế, theo quy định của UNCLOS 1982, Trung Quốc không có quyền đơn phương tự ý khai quật các cổ vật, thực hiện các chương trình bảo tồn như đã đề ra hay yêu cầu UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Đảo Hoàng Sa thuộc cụm Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: google Earth/ TNO.
TQ không có quyền độc chiếm di vật
Dù các cổ vật, di sản nằm trong vùng biển nào thì nghĩa vụ quan trọng nhất mà UNCLOS 1982 đặt ra cho các quốc gia thành viên là nghĩa vụ hợp tác để bảo vệ các di sản văn hoá dưới nước. Đây là một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, theo đó khi quốc gia từ chối hoặc phớt lờ các yêu cầu hoặc đề nghị của các quốc gia khác để bảo vệ và bảo tồn các di sản dưới nước, quốc gia này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế.
Các quy định này cho thấy các quốc gia không thể tiến hành đơn phương bất cứ hành động nào liên quan đến các di vật khảo cổ, văn hoá dưới biển. Ngược lại, các học giả đều khẳng định rằng các tuyên bố và quyền lợi của quốc gia khác cần phải được xem xét đến trong quá trình bảo tồn hoặc sử dụng các di sản này.
Công ước UNESCO 2001 (dù không ràng buộc với Việt Nam và Trung Quốc) cũng quy định rất rõ và nhấn mạnh nghĩa vụ hợp tác thông báo, tham vấn với các nước có liên quan. Điều này càng khẳng định tinh thần chung của luật quốc tế đối với việc trục vớt, khai thác di sản dưới nước là đề cao tinh thần hợp tác giữa các bên.
Như vậy, có thể thấy cho dù quy chế pháp lý của các vùng biển mà Trung Quốc dự kiến khai quật hay của Con đường tơ lụa mà Trung Quốc dự định đệ trình lên UNESCO là như thế nào, luật quốc tế đã chỉ rõ Trung Quốc không có quyền độc chiếm các di vật và thực hiện các hoạt động này một cách đơn phương.
Hơn nữa, đáng chú ý là, khu vực mà Trung Quốc yêu cầu UNESCO công nhận là di sản và dự định tiến hành chương trình bảo tồn là vùng biển nằm trong tranh chấp với các quốc gia láng giềng khác, bao gồm cả Việt Nam. Trong khu vực tranh chấp, UNCLOS 1982 quy định các bên phải có nghĩa vụ đàm phán và nếu có thể, áp dụng các biện pháp tạm thời, tránh làm thay đổi hiện trạng.
Hơn nữa, điều 300 của Công ước cũng đặt ra cho các quốc gia nghĩa vụ phải áp dụng Công ước một cách thiện chí và không được lạm dụng các quyền tự do của mình theo Công ước. Những hành động của Trung Quốc như trên rõ ràng đã đi ngược lại hoàn toàn với các yêu cầu này, một lần nữa thể hiện thái độ coi thường luật quốc tế của một nước được xem là nước lớn trên thế giới.
Theo báo Vietnamnet
Cấp cứu Hoàng thành, nhanh còn kịp
GS Nguyễn Quang Ngọc, ủy viên Hội đồng tư vấn của UBND TP Hà Nội về di sản Hoàng thành Thăng Long khẳng định phải sửa sai "sớm giờ nào tốt giờ ấy", trước thực trạng khu di sản 18 Hoàng Diệu bị xâm phạm.
Không thể chấp nhận
Ba hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Di sản Văn hóa Việt Nam, Khảo cổ học Việt Nam đồng đứng đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ ban ngành khác, liên quan đến việc bảo vệ Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Trước đơn kêu cứu khẩn cấp này, hôm 16/7, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội gửi báo cáo công tác phối hợp thực hiện Dự án xây dựng cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật khu di tích 18 Hoàng Diệu, lên lãnh đạo Bộ VHTT&DL và UBND TP Hà Nội.
Hố khai quật bị ngập nước
Trong đó khẳng định những vi phạm nghiêm trọng đến khu lõi di sản C-D như: toàn bộ khu Di sản C-D thành nơi tập kết vật liệu của công trường xây dựng Nhà Quốc hội khiến cán bộ bảo tồn của Trung tâm khó thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di tích hằng ngày; trở thành nơi tập kết sinh hoạt của công nhân với bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đặt trong Khu Di sản gây mất vệ sinh và ảnh hưởng cảnh quan...
Trong bản kêu cứu, chuyên gia của ba Hội nêu rõ: "Tại khu vực giáp ranh giữa Nhà Quốc hội và Khu di sản, đã xây xong phần lớn các thành phần của con đường cứu hỏa và một bức tường bằng bê tông cốt thép nằm trong phạm vi di sản, có chỗ cao đến 3 - 4m ở sát thành hố khai quật và một số đoạn đường ống thoát nước cũng đào sâu vào phần đất của khu Di sản. Như vậy là một bộ phận của di sản khảo cổ nằm dưới con đường này đã bị phá hủy nghiêm trọng".
Theo đó, "hậu quả tai hại" bao gồm: các hố khảo cổ bị ngập nước, thành hố xói lở, các di tích trong lòng hố bị xâm hại cực kỳ nghiêm trọng. Công nhân tự do ra vào khu di sản, quanh các hố khảo cổ trong điều kiện không có cán bộ bảo tồn giám sát nên không tránh khỏi va chạm làm một số di tích, di vật trong các hố khảo cổ bị xê dịch và có thể mất mát.
Nhiều hố khảo cổ bị rác, vật liệu xây dựng vứt ném bừa bãi làm hư hỏng các di sản khảo cổ đã xuất lộ. Kết luận của các chuyên gia: "Những việc làm trên là sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và Công ước quốc tế bảo vệ Di sản Thế giới của UNESCO".
"Rõ ràng cách xây dựng như thế này là tìm cách lấn được sang khu di sản tí nào hay tí ấy. Tôi cho rằng đó là cách hành xử thiếu văn hóa đối với di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia đặc biệt, là kết tinh giá trị văn hóa Việt Nam", GS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển nói.
Phải nhanh hơn UNESCO
"Nếu không khắc phục khẩn cấp và hiệu quả, chắc chắn khu Di sản sẽ bị UNESCO cảnh báo và có nguy cơ bị rút khỏi danh sách Di sản thế giới", các chuyên gia khuyến cáo. "Đây là điều đáng tiếc, bởi chúng ta tìm mọi cách để UNESCO công nhận di sản văn hóa, xong rồi lại thiếu ý thức như thế", GS Ngọc bức xúc.
Năm 2009, thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) bị đưa ra khỏi Danh sách Di sản thế giới, vì người ta cho xây dựng cây cầu đường bộ Waldshloschen gồm bốn làn xe bắc qua sông Elbe, giảm ách tắc giao thông cho nội đô, nhưng theo cơ quan tư vấn của UNESCO là phá vỡ cảnh quan thiên nhiên có một không hai.
Vậy phải sửa sai thế nào? "Việc sửa sai phải được thực hiện sớm giờ nào hay giờ đó. Khi xây dựng phần tường Nhà Quốc hội anh làm ngày làm đêm như thế nào, thì việc khắc phục cũng cần phải được tiến hành với tốc độ như vậy", GS Ngọc nói.
Có ý kiến rằng bản kiến nghị này công khai ra, chuyện sẽ bung bét khiến UNESCO xét đến danh hiệu Di sản thế giới của Hoàng thành Thăng Long. "Chúng ta sửa ngay từ bây giờ một cách triệt để, còn giữ được di sản. Nếu giấu giếm thì khi UNESCO kiểm tra, chuyện mất di sản là không tránh khỏi", ông Ngọc nhấn mạnh.
Phần cuối kiến nghị, các chuyên gia cũng đề xuất một số hành động cấp thiết: Xem xét cử đoàn thanh tra, đánh giá tình hình xây dựng vi phạm Luật Di sản văn hóa tại khu di sản, đánh giá nguyên nhân để xảy ra tình trạng đáng tiếc nói trên tại khu di sản C-D.
Thủ tướng chủ trì hoặc ủy nhiệm một Phó Thủ tướng chủ trì buổi họp gồm các thành phần liên quan và đại diện Hội đồng tư vấn khoa học, đánh giá mức độ xâm hại, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức, đưa giải pháp khắc phục.
Trong các giải pháp khắc phục, các chuyên gia đề nghị: Giao cho Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tiến hành cứu nguy các hố khai quật bị ngập nước và hư hỏng, nghiên cứu và thực hiện biện pháp lấp cát bảo tồn di tích trong lòng đất.
BQL Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội phải chịu sự giám sát của cơ quan bảo tồn, thu dọn ngay nhà ở của công nhân, nhà vệ sinh công cộng và tất cả tình trạng bừa bãi hiện nay, trả lại mặt bằng của Khu di sản.
Từng có cam kết về Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
Ngày 23/7/2010, Chính phủ có Công văn số 5129/VPCP-QHQT cam kết thực hiện khuyến nghị của ICOMOS đối với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, để di tích được Ủy ban Di sản thế giới công nhận.
Trong 8 điều cam kết có: Thường xuyên quản lí vùng đệm và vùng chuyển tiếp, bảo đảm sự an toàn và cảnh quan hài hòa với di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp ở phía bắc, đông và nam khu di sản. Bảo đảm việc thi công xây dựng Nhà Quốc hội không ảnh hưởng đến sự an toàn của di sản.
Theo Tiền Phong
Xúc động lễ kết nạp Đảng ngay giữa biển trời Hoàng Sa Chuyện về một kiểm ngư viên trẻ được kết nạp Đảng ngay trên tàu đang làm nhiệm vụ giành chủ quyền mang lại một xúc cảm kỳ lạ. Trong chuyến công tác đặc biệt của chúng tôi theo con tàu HP 926 ra đấu tranh đẩy đuổi việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam...