Trung Quốc định phá nổ trên sông Mekong, dân Thái Lan giận dữ phản đối
Kế hoạch của Trung Quốc cho phát nổ phần sông Mekong chảy qua khu vực giữa Thái Lan và Lào nhằm tạo đường cho tàu chở hàng cỡ lớn di chuyển đang vấp phải phản đối từ người dân địa phương.
Những người dân Thái Lan phản đối cho rằng không những hủy hoại môi trường, dự án này sẽ chỉ mang lại lợi nhuận thương mại cho Trung Quốc.
Đội nghiên cứu của Trung Quốc trên phần sông Mekong chảy qua Chiang Rai. Ảnh: Reuters
Theo Bangkok Post, một đội nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc từ hôm 18/4 đã tiến hành cuộc khảo sát kéo dài 50 ngày về thác ghềnh Khon Pi Long ở Chiang Rai (Thái Lan).
Tờ Bangkok Post đưa tin Trung Quốc dự định nghiên cứu về 15 phần thuộc thác ghềnh Khon Pi Long trải dài trên 96km của sông Mekong, khởi điểm từ Tam giác vàng (vùng núi biên giới 3 quốc gia Thái Lan, Lào và Myanmar) tới Kaeng Pha Dai tại Chiang Rai.
Động thái này khiến các nhà môi trường học địa phương lo sợ Trung Quốc có ý định loại bỏ thác ghềnh bằng thuốc nổ để tạo đường thuận lợi cho tàu bè lớn di chuyển. Điều này được cho là sẽ gây tổn hại lớn đến hệ sinh thái của con sông cũng như cuộc sống người dân địa phương.
Hãng thông tấn Reuters dẫn lời chuyên gia quan hệ quốc tế Paul Chambers tại Đại học Naresuan (Thái Lan) nhận định rằng Bắc Kinh muốn bỏ phần đá và bãi cát trên khu vực này của sông Mekong nhằm tạo đường cho các tàu hàng khoảng 500 tấn di chuyển từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tới Luang Prabang (Lào).
Ông Niwat Roykaew, Chủ tịch Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong đang tham gia phản đối dự án của Trung Quốc, nhận định rằng việc phát nổ trên dòng Mekong sẽ phá hủy môi trường sinh sản của cá, ngắt quãng đường di trú của các loài chim và tăng lượng nước chảy gây xói mòn đất đai nông nghiệp bên bờ sông.
Sự phản đối này là một minh chứng phản ánh thách thức đối với tham vọng của Trung Quốc trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” nhằm xây dựng con đường tơ lụa hiện đại qua châu Á và châu Âu.
Video đang HOT
Hãng thông tấn Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về thông tin liên quan tới dự án này.
Thái Lan, Lào và Myanmar đã đồng ý để Trung Quốc tiến hành công việc khảo sát thực địa với nguồn kinh phí do phía Bắc Kinh đảm nhận tuy nhiên đề xuất phá nổ trên dòng Mekong sẽ cần thêm nghiên cứu sâu và nhiều sự cho phép khác.
Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nêu rõ rằng nếu đưa ra cân nhắc thì việc cân bằng môi trường quan trọng hơn phát triển kinh tế.
(Theo Tin Tức)
Hồi sinh sông Danube - bài học lịch sử cho dòng Mekong
Con sông Danube, "mạch sống của châu Âu", từng bị tàn phá nặng nề nhưng đang dần hồi sinh nhờ sự chung tay góp sức của nhiều quốc gia.
Đập Iron Gates trên sông Danube. Ảnh: reformrivers.eu
Danube là con sông dài thứ hai ở châu Âu, chỉ sau sông Volga, Nga. Sông bắt nguồn từ vùng Rừng Đen của Đức, chảy qua 19 nước ở Trung và Đông Âu rồi đổ vào Biển Đen. Cũng giống dòng Mekong, Danube có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của hàng chục triệu người tại những quốc gia mà con sông chảy qua.
Dòng sông được mệnh danh là "mạch sống châu Âu" này lại từng bị tàn phá nặng nề trong suốt hơn một thế kỷ. Sự xuất hiện của hàng chục con đập trên sông làm gián đoạn dòng chảy, ngăn chặn quá trình vận chuyển trầm tích từ thượng lưu xuống hạ lưu, gây ra tình trạng xói mòn ở nhiều nơi, khiến 80% vùng đất ngập nước của sông biến mất.
Bên cạnh đó, tập tính di cư của các loài cá cũng thay đổi theo. Hậu quả là tính đa dạng sinh học của khu vực giảm đi đáng kể, đồng thời đẩy những người dân có cuộc sống phụ thuộc vào con sông này lâm vào cảnh khó khăn.
Mọi chuyện bắt đầu chuyển biến khi 19 quốc gia mà sông chảy qua thành lập Ủy ban Quốc tế Bảo vệ sông Danube (ICPDR) vào năm 1998. Mục tiêu của tổ chức là thực hiện công ước về bảo vệ sông Danube bằng cách thúc đẩy việc quản lý, điều phối nguồn nước hợp lý, bảo tồn, cải thiện môi trường nước và áp dụng Chỉ thị Khung về nước của Liên minh châu Âu (EU).
Theo chuyên gia Fred Pearce, cố vấn môi trường cho tạp chí NewScientist, dù nỗ lực đến đâu đi chăng nữa thì con sông cũng không thể trở lại như thuở nguyên sơ và sự tồn tại của các đập trên sông vẫn là điều cần thiết. Dù vậy, để có thể bảo vệ và khai thác một cách bền vững nguồn tài nguyên quý giá mà con sông mang lại, sự chung tay góp sức của tất cả các nước có liên quan vẫn là yếu tố then chốt.
Chỉ thị Khung về Nước năm 2000 của EU yêu cầu tất cả các con sông phải trở lại "trạng thái tốt" vào năm 2015, với ý tưởng chấm dứt việc biến sông thành những hệ thống cống phục vụ công nghiệp hay các tuyến vận chuyển được kè hóa, bê tông hóa, cũng là một động lực chính trị mạnh mẽ khiến các nước phải không ngừng dốc sức vào công cuộc hồi sinh dòng Danube.
Từ đây, các vùng đất ngập nước của sông Danube dần trở lại. Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) năm 2006 xác nhận việc khôi phục các vùng đất ngập nước đã góp phần ngăn chặn đáng kể tình trạng lũ lụt trên dòng Danube.
Phần lớn sông hiện tại không còn tình trạng ô nhiễm, đủ tiêu chuẩn để có thể bơi lội mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. Dù vậy, vấn đề đảm bảo dòng chảy thông suốt vẫn chưa được tháo gỡ.
Thời Trung cổ, những con cá tầm Beluga khổng lồ với kích cỡ gần bằng một chiếc xe buýt nhỏ thường bơi ngược dòng Danube để tới các khu vực xa xôi của nước Đức. Song gần 60 con đập mọc lên ở thượng nguồn đã cắt đứt tuyến đường di cư của loài cá này.
WWF đang phối hợp với ICPDR xây dựng một phương án giúp khai thông dòng chảy, mở đường di cư cho cá tầm cùng nhiều loài sinh vật khác. Một kế hoạch hành động đã được ICPDR thông qua, đặt ưu tiên hàng đầu vào việc bảo vệ loài cá tầm trên sông Danube.
Sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Như Danube, dòng chảy của sông Mekong hiện cũng chịu ảnh hưởng của nhiều con đập lớn. Ngoài lợi ích trước mắt, chúng cũng gây ra những thiệt hại khó có thể đong đếm cho những quốc gia mà con sông Mekong chảy qua, đặc biệt là các nước ở vùng hạ lưu.
Danube chảy qua 19 nước ở châu Âu. Ảnh: Danube Research
Trung Quốc đã xây dựng trên đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ của mình 6 con đập lớn. Nước này dự kiến xây dựng một chuỗi 7 đập trên đoạn sông trên, và nhiều khả năng sẽ gây ra những thay đổi nhanh chóng về mực nước cùng các tác động khác đối với khu vực hạ lưu, nơi hàng chục triệu dân của 4 nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan sống phụ thuộc rất lớn vào dòng sông.
"Mỗi con đập mà Trung Quốc xây lên đều tạo ra nguy cơ làm cạn kiệt dòng chảy lớn hơn, đặc biệt là khi cả đập Tiểu Loan và Nọa Trác Độ đều có vai trò là những đập trữ nước, hạn chế dòng chảy của sông", ông Milton Osborne, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Lowy, một tổ chức tư vấn chính sách quốc tế ở Sydney, Australia, nói.
Chuyên gia này khẳng định rằng việc Trung Quốc đồng thời đưa tới 6 con đập vào hoạt động "sẽ gây tác động lâu dài tới vùng hạ lưu", trong đó có việc ngăn chặn dòng nước chứa phù sa nhiều dưỡng chất chảy xuôi dòng.
Các đập thủy điện đã và sắp được xây dựng trên sông Mekong. Đồ họa: Michael Buckley
Tương tự, hai nước ở hạ lưu sông Mekong là Campuchia và Lào cũng đang lên kế hoạch xây dựng một loạt đập thủy điện trên con sông này. Trong tương lai gần, sẽ có khoảng 11 đập thủy điện chia cắt dòng sông Mekong thành từng đoạn nhỏ.
Mới đây, truyền thông Singapore và Campuchia đưa tin Thái Lan đang hút một lượng nước lớn từ sông Mekong để dự trữ, đồng thời sắp xây một số cửa chắn nước từ các nhánh sông Mekong và xây ba hồ chứa nước dự trữ phục vụ nông nghiệp nước này. Chuyên gia dự báo, tất cả những điều này sẽ làm cho tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc lượng mưa sụt giảm nghiêm trọng, càng thêm tồi tệ, gây ra những nguy cơ chính trị và xung đột lớn cho khu vực và cả thế giới.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Giam hãm dòng Mekong, Trung Quốc có thể gây bất ổn toàn cầu Hàng loạt đập thủy điện Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong làm thay đổi nghiêm trọng dòng chảy, có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới. Đập Nọa Trát Độ cao 261,5 m, đập thủy điện lớn nhất ở thượng nguồn sông Mekong. Ảnh: Flickr Khi hãng tin Xinhua của Trung Quốc loan báo rằng đập Nọa Trát Độ,...