Trung Quốc đang bị bao vây trên Biển Đông?
Các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng xích lại gần hơn phía Mỹ nhằm tìm kiếm một đối trọng với tham vọng ngày càng rõ ràng của Trung Quốc, đặc biệt là trên vùng biển Đông, nơi được coi là huyết mạch hàng hải của thế giới.
Ngày 4/4, 200 lính thủy quân lục chiến của Mỹ đã tập kết tại Australia, mở đường cho việc tăng cường thêm khoảng 2.500 binh sỹ Mỹ đồn trú tại Australia, tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngày 4/4/2012, một đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ với khoảng 200 binh sĩ đã đến Darwin, miền bắc Australia, mở đường cho khoảng 2.500 binh sĩ sẽ đến đồn trú tại căn cứ này theo thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước đồng minh Mỹ – Australia.
Trước đó, Singapore cũng đã đưa các tàu chiến ven bờ tốc độ cao của mình liên kết với các lực luợng Hải quân của Mỹ. Phillipines liên tục có các cuộc đàm phán với Washington nhằm tổ chức các cuộc tập trận trên biển nhiều hơn với Hải quân Mỹ, đồng thời đồng ý tăng thêm số lượng Hải quân Mỹ cập cảng và đồn trú tại Phillipines.
Video đang HOT
Bên cạnh các nước này, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác lại chọn giải pháp âm thầm nhưng không ngừng có những sự chuẩn bị nhằm bảo vệ lợi ích của mình tại Biển Đông, theo sau đó là các động thái tương tự của Malaysia.
Các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tiến hành huấn luyện và tổ chức các cuộc tập trận ở căn cứ Bắc Australia. “Mỹ sẽ nỗ lực duy trì trách nhiệm to lớn trong việc định hướng các khu vực và đảm bảo sự phát triển ổn định của nó trong tương lai” – Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh nhằm trấn an các đồng minh trước những mối lo ngại cắt giảm những khoản chi khổng lồ trong ngân sách quốc phòng của Mỹ.
Thái Bình Dương sẽ dậy sóng?
Trong một phát biểu tại Hàn Quốc, Obama tái khẳng định kế hoạch cắt giảm này không có các chi phí cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. “Các lực lượng vũ trang của Mỹ sẽ ở lại và luôn sẵn sàng để trấn áp kịp thời các mối đe dọa” – ông này nói thêm.
Nhật Bản và Mỹ dự kiến sẽ hoàn tất một thỏa thuận vào cuối tháng này để di dời 4.700 thủy quân lục chiến Mỹ từ đảo Okinawa (Nhật Bản) đến Guam – vùng lãnh thổ Mỹ với các căn cứ quân sự lớn ở Tây Thái Bình Dương. Cách bố trí lực lượng mới giúp dàn đều thủy quân lục chiến, lực lượng tấn công mặt đất, không quân và các đơn vị hậu cần thành một vòng cung các căn cứ quân sự bao lấy bờ biển phía đông của Trung Quốc với mũi nhọn tấn công là thủy quân lục chiến.
Sự chia nhỏ này khiến cho các cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ của Mỹ trở nên khó khăn hơn nhưng lại dễ dàng hơn cho quá trình tiếp cận vào các cơ sở quân sự của Trung Quốc và thuận lợi hơn cho các hoạt động cứu trợ thiên tai và cứu trợ nhân đạo.
Mỹ cũng sắp xếp lại các lực lượng ở Tây Thái Bình Dương nhằm tập trung nguồn lực để bảo vệ tuyến đường hàng hải và nguồn cung cấp nhiên liệu từ Ấn Độ Dương đến Đông Nam Á được thông suốt vì sự ổn định của khu vực nói trên chính là chìa khóa cho tăng trưởng toàn cầu.
Việc Trung Quốc muốn hạn chế các hoạt động quân sự của nước ngoài tại khu vực Biển Đông rộng lớn đã rung lên hồi chuông báo động đối với Mỹ, Nhật Bản và rất nhiều nước trong khu vực.
Hầu hết các hoạt động giao thương quốc tế, bao gồm cả nhập khẩu năng lượng của Australia đều đi qua Biển Đông. Hay Nhật Bản và Mỹ vốn chỉ có thể hỗ trợ cho các đồng minh của mình tại Châu Á trong điều kiện tự do đi lại và tự do triển khai các hành động quân sự tự vệ trên vùng lãnh hải quốc tế tại khu vực này.
Cho nên ngoài sự hiện diện của thủy quân lục chiến Mỹ, Australia đồng thời mở rộng thêm các sân bay quân sự ở miền Bắc Australia và các căn cứ quân sự ở gần Perth. Về lâu dài, Australia có thể cho phép Mỹ sử dụng một số sân bay trên đảo Cocos và vùng lãnh thổ Keeling ở Ấn Độ Dương, phía nam Indonesia. Từ đây, Mỹ có thể triển khai những chuyến bay trinh sát hàng hải tầm xa bằng máy bay không người lái trên biển Đông.
Trung Quốc nhìn nhận hành động này như một phần của chiến lược bao vây khu vực chống Trung Quốc, tờ China Daily cho rằng ” cơ sở tiềm năng mới của Mỹ trên đảo Cocos là nhằm do thám trên biển biển Đông”.
Trung Quốc tỏ rõ tham vọng muốn khống chế các vùng biển bao gồm Hoàng Hải, vùng biển phía Đông và phía Nam Trung Quốc nhằm biến chúng thành vùng đệm an ninh bảo vệ cho đại lục đồng thời khai thác nguồn lợi thủy sản cũng như các nguồn tài nguyên dưới thềm lục địa bao gồm dầu mỏ, khí đốt và khoáng chất.
Trung Quốc ngang ngược đưa ra những lời tuyên bố chủ quyền với 3 vùng biển trên bất chấp sự phản đối quyết liệt của các nước láng giềng cũng như các khiếu nại hàng hải của cộng đồng quốc tế.
Bắc Kinh đòi hỏi độc chiếm 3,5 triệu km2 trên biển Đông cùng hầu hết các quần đảo và vùng nước xung quanh, chiếm tới 80% diện tích khu vực và đang không ngừng đẩy nhanh các hành động xây dựng cũng như khai thác trên các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Vùng tranh chấp gay gắt nhất hiện nay là quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các đảo đá lân cận. Trung Quốc vấp phải sự phản đối quyết liệt của Việt Nam, Đài Loan, Phillipines, Malaisia và Brunei do yêu sách đường lưỡi bò hết sức tham vọng và phi lý của mình.
Theo Infonet