Trung Quốc đã lôi kéo Nga vào vấn đề Biển Đông như thế nào?
Ngoại trưởng Trung Quốc tăng cường vận động hành lang ở Nga, trong bối cảnh cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông bị phản đối quyết liệt
Hải quân Trung Quốc chuẩn bị lên đường tham gia RIMPAC 2014. Ảnh: Chinanews
Mới đây, nghị sĩ Mark Takai đại diện cho tiểu bang Hawaii của Mỹ đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc được mời tham gia vào cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016, quy tụ đông đảo tàu chiến, thủy thủ quân đội nhiều nước trên thế giới diễn ra tại Trân Châu Cảng, theo National Interest.
Lý do mà ông Takai đưa ra cho sự phản đối của mình là cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông thể hiện sự “trái ngược hoàn toàn với các mục tiêu của Mỹ”, và việc mời Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia RIMPAC chẳng khác nào sự tán thưởng cách hành xử đó.
Ngoài hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên các bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa, kéo tên lửa, pháo phòng không, máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc còn có một loạt hành động “xấu” mà ông Takai coi là chưa bị trừng phạt, chẳng hạn như những vụ đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ hay tuyên bố thành lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
Theo Shirley Kan, cựu chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Trung Quốc chỉ đơn giản là không nhìn về một phía với các lợi ích an ninh của Mỹ và đồng minh, và Bắc Kinh cũng không chơi theo luật quốc tế giống như các nước khác. Trung Quốc đang “một mình một ngựa” trên Biển Đông, gây tác động xấu đến an ninh khu vực, và hành động đó đang khiến họ tự cô lập mình trước cả cộng đồng quốc tế.
Trong hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ở Singapore hồi tháng 5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố rằng trên Biển Đông, “Trung Quốc đang đi chệch hướng khỏi cả thông lệ và quy tắc quốc tế vốn là nền tảng cho kiến trúc an ninh châu Á – Thái Bình Dương, cũng như sự đồng thuận về ưu tiên giải pháp ngoại giao, tránh sử dụng vũ lực của khu vực”.
Bà Kan chỉ ra rằng cách hành xử của Bắc Kinh trên Biển Đông ngày càng tồi tệ hơn, bằng các dự án xây đảo nhân tạo phi pháp hay tuyên bố về “đường lưỡi bò” mơ hồ đóng vai trò như một “biên giới quốc gia” trên Biển Đông mà không dựa vào bất cứ căn cứ nào trong luật pháp quốc tế.
Hải quân Nga và Trung Quốc diễn tập chung trên biển Hoa Đông. Ảnh: Chinanews
Theo chuyên gia này, bằng việc không mời Trung Quốc tham dự RIMPAC 2016, Mỹ sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ đến các nước đồng minh và đối tác, rằng Washington luôn nỗ lực dẫn đầu trong việc bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế.
Video đang HOT
Bà Kan cho rằng chính phủ Mỹ và Lầu Năm Góc cần xem xét tới sự phản đối của những nghị sĩ như ông Takai để thể hiện sức mạnh, quyết tâm của mình trong việc buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành động ngang ngược của mình trên Biển Đông, buộc Bắc Kinh hiểu rằng họ sẽ bị cả thế giới cô lập nếu tiếp tục cách hành xử trái với luật pháp quốc tế.
Lôi kéo Nga
Ngày 20/4, tờ SCMP đưa tin Trung Quốc đang tích cực vận động hành lang để kêu gọi sự ủng hộ của Nga trong nỗ lực phản đối vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Trong các cuộc hội đàm diễn ra ở Moscow hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov rằng hai nước cần phải “bắt tay nhau phản đối việc quốc tế hóa” các tranh chấp trên Biển Đông.
“Cả Trung Quốc và Nga cần phải cảnh giác trước những hành động lợi dụng hình thức trọng tài ràng buộc”, ông Vương tuyên bố.
Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Vương, ông Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán và nhất trí giữa các bên có liên quan.
Hồi tuần trước, trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng đã tuyên bố rằng các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết bằng đàm phán song phương, tránh quốc tế hóa vấn đề này. Tuyên bố của ông Lavrov đã được nhiều tờ báo, hãng tin của Trung Quốc dẫn lại.
Các chuyên gia phân tích cho rằng hoạt động vận động hành lang của ông Vương chính là cách Trung Quốc chuẩn bị để đối phó với phán quyết mà PCA dự kiến đưa ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới về “đường lưỡi bò” phi pháp mà nước này tuyên bố trên Biển Đông.
Mới đây, ông Hugo Swire, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh đặc trách Đông Á, tuyên bố rằng phán quyết của PCA phải mang tính ràng buộc, và Anh ủng hộ lập trường của Mỹ trong việc buộc các nước có liên quan phải tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế.
Ông Lavrov (trái) và ông Vương Nghị trong cuộc họp báo hôm 19/4 ở Moscow. Ảnh:Reuters
Hồi đầu tháng, Liên minh châu Âu cũng đã hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của tòa án quốc tế, trong khi ngoại trưởng các nước G7 bày tỏ quan ngại về những căng thẳng trên Biển Đông, phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích hoặc cưỡng ép, đe dọa đơn phương làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng.
Các quan sát viên quốc tế cho rằng tuyên bố của ông Vương Nghị tại Moscow cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép ngoại giao rất lớn từ cộng đồng quốc tế, khi ngày càng có nhiều nước thể hiện sự ủng hộ đối với vụ kiện của Philippines, buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm sự ủng hộ của các nước khác.
“Trung Quốc gần như bị cô lập trong vụ việc này”, Li Xing, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhận định. “Là các đối tác chiến lược, Trung Quốc và Nga đang quan tâm đến lợi ích cốt lõi của nhanh và phối hợp hành động cùng nhau”.
Nga cũng đang phải đối mặt với vụ kiện của một doanh nhân Ukraine trước PCA về quyền điều hành một sân bay dân sự của ông này ở Crimea, sau khi bán đảo được sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Moscow đã tuyên bố rằng PCA không có quyền xét xử vụ việc.
Ngoài hợp tác chính trị, các khoản đầu tư của Trung Quốc cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga vốn đang gặp rất nhiều khó khăn vì lệnh cấm vận của phương Tây hiện nay. Mới đây, Nga thông báo sẽ sớm chuyển giao cho Trung Quốc những chiếc tiêm kích Su-35 tối tân đầu tiên trong năm 2016.
“Những thương vụ bán vũ khí của Nga giúp Trung Quốc tăng cường năng lực quốc phòng rất lớn. Đây có vẻ như là một thương vụ đôi bên cùng có lợi”, Li Lifan, chuyên gia về Nga tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, tuyên bố.
Theo Danviet
"Dằn mặt" Trung Quốc, Mỹ phải điều tàu sân bay tới Biển Đông
Thượng nghị sĩ quyền lực nhấn mạnh, đây là thời điểm để Mỹ hành động vượt khỏi những hành động mang tính biểu tượng và phát động một chiến dịch tự do hàng hải mạnh mẽ. Không chỉ điều tàu sân bay thị uy mà còn cần triển khai thêm các lực lượng lục quân, không quân và hải quân tới khu vực.
Viết trên tờ Financal Times, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ nhắc lại sự kiện Đô đốc Harry Harris, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương gần đây đã được Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ yêu cầu điều trần về những mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. "Trung Quốc tìm cách làm bá chủ ở Đông Á", ông Harris trả lời.
Đô đốc Harris kết luận: "Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông". Bất chấp đề nghị "ba không" của chính quyền Obama: Không bồi lấp xây đảo, không quân sự hóa và không sử dụng đe dọa, Bắc Kinh vẫn đang ráo riết thực hiện cả ba việc trên.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương
Theo thượng nghị sĩ John McCain, điều không muốn nhất của Mỹ là nguy cơ dẫn tới một chính sách ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi bá quyền trên biển thất bại, trong khi gây mơ hồ và báo động đối với các đồng minh và đối tác khu vực của Mỹ.
Ông John McCain cho rằng đã đến lực thay đổi khi bước vào một giai đoạn hai tháng quan trọng đối với chính sách của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế (Hà Lan) được trông đợi sẽ ra một phán quyết vào đầu tháng 6 tới trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách "đường lưỡi bò" ngang ngược ở Biển Đông.
Đối mặt với khả năng về một phán quyết bất lợi, Trung Quốc có thể sử dụng những tháng sắp tới hòng củng cố những lợi ích hiện tồn hoặc thúc đẩy những dạng thức đe dọa mới nhằm bành trướng mạnh hơn. Việc này có thể bao gồm ráo riết bồi lấp, xây đảo và quân sự hóa các vị trí chiến lược như bãi cạn Scarborough, mưu toan xua đuổi các nước khác khỏi khu vực tranh chấp hoặc tuyên bố thiết lập một khu nhận diện phòng không ở một phần hoặc toàn bộ Biển Đông.
Để đáp trả, ông McCain khuyên Mỹ cần xem xét ngay một số lựa chọn chính sách. Như một phần của cuộc tập trận thường niên Balikatan với Philippines trong tháng này, chính quyền Mỹ nên xem xét điều một cụm tác chiến tàu sân bay tuần tra gần bãi cạn Scarborough nhằm biểu dương sức mạnh chiến đấu của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nên bày tỏ rõ trong chuyến công du tới Philippines rằng Manila là một đồng minh trong hiệp ước an ninh của Mỹ. Và chính quyền Mỹ nên khẩn trương làm việc Philippines cũng như các đối tác khác trong khu vực nhằm phát triển các chiến lược ngăn chặn Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa trong cuộc tập trận
Chiến đấu cơ F-18 Hornet cất cánh từ tàu sân bay đi làm nhiệm vụ
Nếu như Trung Quốc tuyên bố thiết lập một khu nhận diện phòng không ở Biển Đông, Mỹ cần phải chuẩn bị thách thức ngay lập tức động thái này bằng cách điều các chiến đấu cơ vào khu vực, không cần thông báo kế hoạch bay, liên lạc radio hay đăng ký trước.
Thượng nghị sĩ quyền lực nhấn mạnh, đây cũng là thời điểm để Mỹ hành động vượt khỏi những hành động mang tính biểu tượng và phát động một chiến dịch tự do hàng hải mạnh mẽ. Mỹ cần tăng cường nhịp độ và phạm vi chương trình tuần tra thực thi tự do hàng hải để thách thức yêu sách biển của Trung Quốc, cũng như tăng số ngày lưu trú của chiến hạm Mỹ trên Biển Đông. Các cuộc tuần tra và tập trận chung nên được mở rộng, cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc tuần tra giám sát biển để thu thập thông tin tình báo ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Cuối cùng, để thay đổi cán cân quân sự, Mỹ cần tập trung tăng cường sức mạnh và vị thế quân sự trên toàn khu vực. Phù hợp với một báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược trình quốc hội, Mỹ cần triển khai bổ sung các lực lượng lục quân, không quân và hải quân tới khu vực nhằm trấn an các đồng minh của mình.
Theo ông McCain, trong nhiều năm qua, Trung Quốc không hành xử như một "quốc gia cầm chịch có trách nhiệm" trong trật tự dựa trên luật pháp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà như một kẻ bắt nạt. Những mối đe dọa tiềm tàng Trung Quốc gây ra ở Biển Đông trong những tháng sắp tới đòi hỏi một sự thay đổi để có thể tái bảo đảm các cam kết của Mỹ đối với khu vực và thể hiện với Bắc Kinh rằng theo đuổi chủ nghĩa bá quyền chắc chắn sẽ vấp phải sự đáp trả cương quyết.
Theo VietTimes
Mỹ cảnh cáo Trung Quốc làm càn ở Biển Đông, Bắc Kinh: "Không cần làm rùm beng" Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 31/3 lên án những phỏng đoán là nước này sẽ tuyên bố một vùng nhân dạng phòng không ở bên trên Biển Đông có tranh chấp, sau khi Mỹ cho biết đã nói thẳng với Trung Quốc rằng sẽ không công nhận một vùng phòng không như vậy. Trung Quốc vẫn đang ráo riết bồi lấp, xây...