Trung Quốc đã bóp méo sự thật biển Đông trong giáo dục như thế nào?
Tổ chức triển lãm về đời sống sinh vật hải dương là một trong những cách chính phủ Trung Quốc nhằm nhồi nhét nhận thức sai lệch cho thế hệ trẻ về “lịch sử biển Đông”.
Yomiuri, một tờ báo lớn uy tín tại Nhật Bản, ngày 11/8 đăng bài bài viết của tác giả Hiroyuki Sugiyama nhằm vạch trần những luận điệu xuyên tạc về biển Đông mà Trung Quốc đang cố nhồi nhét vào đầu thế hệ trẻ nước này.
Xuyên tạc lịch sử
Theo đó ngày 11/7, Bắc Kinh đã tổ chức buổi triển lãm về đời sống tự nhiên ở biển Đông tại một bảo tàng thiên nhiên gần công viên Thiên Đàn, chỉ 1 ngày trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) công bố phán quyết bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” cũng như yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông.
Ngày 11/7/2016, Trung Quốc kỷ niệm lần thứ 12 Ngày hàng hải Trung Quốc (2005 – 2016). Đây được coi như một ngày lễ quan trọng của nước này.
Năm nay, chuỗi hoạt động tuyên truyền cho cái gọi là “phổ cập và nâng cao ý thức an toàn và bảo vệ chủ quyền biển đảo” cho quần chúng được chính quyền Bắc Kinh tổ chức rầm rộ hơn bao giờ hết nhằm phản ứng phán quyết của PCA về vụ kiện biển Đông.
Viện bảo tàng trưng bày nhiều mẫu vật như san hô, cá mập và các loại cá khác nhằm thể hiện sự đa dạng sinh thái ở vùng biển này.
Video đang HOT
Tuy nhiên, điều khiến ông Sugiyama ngỡ ngàng nhất chính phần thuyết minh mang nặng màu sắc chính trị trên các tấm biển quảng cáo ở cửa ra vào.
“Các đảo ở biển Đông là lãnh thổ cố hữu bất khả xâm phạm của Trung Quốc, biển thì thuộc vùng biển lịch sử của đất nước [Trung Quốc]. Các đảo lớn hiện đang bị [nước khác] chiếm đóng(?!)”, một tấm bảng giới thiệu đã cố tình “bẻ cong” trắng trợn lịch sử.
“Các nguồn tài nguyên biển ở biển Đông phải được phát triển để bảo vệ chủ quyền của [Trung Quốc]?!”, tấm bảng khác trắng trợn viết.
Chính phủ Trung Quốc bao biện cho những hành động sai trái bằng cách “viết lại lịch sử về chủ quyền biển Đông”, mà trên thực tế đây là kết quả từ hành vi xâm chiếm trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của ông Sugiyama, một cuốn sách giáo khoa môn Địa lý cho học sinh trung học đã trắng trợn bóp méo kiến thức: “Đất nước chúng ta [Trung Quốc] không chỉ là một vùng đất rộng lớn mà còn là một vùng biển bao la”.
Trang tiếp theo là tấm bản đồ lớn in “đường chín đoạn”, thể hiện tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần 80% diện tích biển Đông, bất chấp phán quyết của PCA đã bác bỏ cơ sở pháp lý của yêu sách này.
Đặc biệt, cuốn sách hướng dẫn cho giáo viên cũng ngang nhiên xuyên tạc: “Các vùng biển Trung Quốc kiểm soát dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) có diện tích 3 triệu km vuông. Biển Đông chiếm khoảng 2/3 diện tích khu vực này?!”.
Điều này được nhấn mạnh là một trong những điểm phải “cẩn thận giảng dạy” cho học sinh.
Học sinh Trung Quốc đã được nhồi nhét những nhận thức sai lệch về biển Đông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. (Ảnh: enorth.com.cn)
Nhằm tạo ra một thế hệ trẻ “rập khuôn”
Theo Yomiuri, tại buổi triển lãm, khi được hỏi về phán quyết của PCA, một học sinh đã trả lời ngay rằng: “Một phiên tòa không thể giải quyết được vấn đề. Trung Quốc phải nâng cao sức mạnh toàn diện quốc gia, bao gồm kinh tế, khoa học, công nghệ và quốc phòng”.
Một học sinh khác lại nói rằng: “Vấn đề biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại. Nếu không được, Trung Quốc sẽ không ngại tiến hành chiến tranh”.
Có thể thấy, những câu trả lời trên hoàn toàn mô phỏng theo những tuyên bố sai lầm, ngang ngược thường thấy của chính phủ Trung Quốc khi coi phán quyết của PCA chỉ là “một mớ giấy lộn”, đồng thời thể hiện thái độ nhăm nhe tiến hành mở rộng tầm kiểm soát vùng biển bằng vũ lực.
Học sinh Trung Quốc đã được dạy về một điều hoàn toàn đi ngược lại với phán quyết của PCA.
Nguy hiểm hơn, Bắc Kinh vẫn ngoan cố không đính chính những luận điệu sai trái trong sách giáo khoa sao cho phù hợp với phán quyết quốc tế.
Đặc biệt, luận điệu sai trái về biển Đông còn tiếp tục được nước này tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, truyền hình, Internet và trong các viện bảo tàng.
Giới quan chức Trung Quốc đang lo lắng vì Bắc Kinh “bị cô lập”. Tuy nhiên, điều này không được phép “đưa đến tai” thế hệ trẻ.
Những chiêu trò cũ nhằm nhồi nhét nhận thức sai lệch cho thế hệ trẻ và “tẩy não” dư luận thế giới về cái gọi là “chủ quyền trên biển Đông” được nước này dùng đi dùng lại đến nhàm chán.
Gần đây nhất chính là lần chiếu đoạn video tuyên truyền dài 3 phút 12 giây tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ với tần suất 120 lần/ngày, xuyên tạc về cái mà Trung Quốc gọi là “chủ quyền biển Đông” .
Và theo trang BuzzFeed (Mỹ), “nếu xem đoạn video này, bạn đã lãng phí 3 phút 12 giây cuộc đời”.
Bắc Kinh cần hiểu rằng, những yêu sách trên biển Đông được xây dựng bằng ngọn lửa tham vọng sẽ không nhận được sự đồng tình của dư luận. Tôn trọng luật pháp quốc tế mới là mục đích tối thượng mà một nước lớn nên làm.
Theo Soha News