Trung Quốc có dụ dỗ được Ấn Độ “im lặng” về biển Đông ở G20?
Trung Quốc đang tìm mọi cách để chắc chắn rằng Ấn Độ sẽ không đưa vấn đề biển Đông vào Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 9 tới tại Hàng Châu.
Trong bài phân tích trên tạp chí Diplomat, tác giả Wang Jin từ Trường khoa học chính trị, Đại học Haifa, Israel đánh giá, Hội nghị thượng đỉnh G20 là cơ hội hiếm có cho Trung Quốc để thể hiện “thiện chí tốt” của một cường quốc có trách nhiệm.
Để tạo thuận lợi cho năm đầu tiên đăng cai Hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tuần trước và có cuộc đối thoại chiến lược với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj.
Theo những gì ông Vương tuyên bố, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được những đồng thuận quan trọng liên quan đến việc hai nước cam kết ủng hộ lẫn nhau khi mà năm nay song phương đều đăng cai tổ chức những sự kiện lớn: Hội nghị G20 sắp tới ở Hàng Châu, Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tổ chức ở Goa, Ấn Độ.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj (phải) tiếp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 13/8. (Ảnh: Flickr)
Vấn đề nhạy cảm nhất giữa Trung-Ấn
Trung Quốc xem Ấn Độ, cũng là một thành viên của G20, như một đối thủ trong các diễn đàn quốc tế và khu vực cả về kinh tế lẫn chính trị.
Theo Wang Jin, vấn đề nhạy cảm nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Hội nghị G20 lần này có lẽ là về biển Đông.
Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narenda Modi luôn nhấn mạnh tôn trọng nguyên tắc “tự do hàng hải và thương mại” ở biển Đông, một quan điểm đồng thuận vói Mỹ.
Bắc Kinh tin rằng một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ tìm cách để đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự của G20 để “làm mất mặt” Trung Quốc, đặc biệt sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ kiện biển Đông hôm 12/7.
Để tránh kịch bản này xảy ra, lựa chọn cần thiết cho Bắc Kinh là bằng mọi cách thỏa hiệp để Ấn Độ phải “im lặng” về vấn đề biển Đông ở Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.
Và đúng như dự đoán, Trung Quốc đã dùng công cụ ngoại giao quen thuộc “cây gậy và củ cà rốt” trong đàm phán với Ấn Độ.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến thăm Ấn Độ ít nhiều có hàm ý đe dọa.
Ông Vương đề cập G20 cùng với Hội nghị BRICS ở Goa, Ấn Độ để cảnh cáo rằng Trung Quốc sẽ “để mắt” tới Ấn Độ: Nếu New Delhi đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20, Trung Quốc sẽ “trả thù” ở Hội nghị BRICS Goa.
Đồng thời, ông Vương cũng hứa mang “củ cà rốt” cho New Delhi thông qua việc ủng hộ tư cách thành viên của Ấn Độ trong Nhóm các quốc gia cung ứng hạt nhân (NSG), để đổi lại lời hứa “không nêu vấn đề biển Đông” tại G20.
Video đang HOT
Thành phố Hàng Châu, Trung Quốc – Địa điểm tổ chức Hội nghị G20 năm nay. (Ảnh: Xinhua)
Chiến thuật của Trung Quốc vô hiệu?
Tuy nhiên, chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc nhiều khả năng không thể bảo đảm rằng Ấn Độ sẽ “im lặng”.
Thứ nhất, “cây gậy” mà Trung đưa ra dường như không có nhiều tác dụng. Mặc dù Vương Nghị ám chỉ rằng sẽ “để mắt” đến Ấn Độ, song Trung Quốc lại không thể “một mình che phủ bầu trời” ở Hội nghị BRICS, vốn là diễn đàn mà Bắc Kinh xem như một cơ hội quan trọng để nâng cao “hình ảnh quốc tế tích cực” của mình ra thế giới.
Trung Quốc thực sự thiếu một công cụ hiệu quả để kiềm soát được lợi ích cốt lõi của Ấn Độ. Mặc dù Ấn Độ cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong cuộc xung đột ở Kashmir với Pakistan, nhưng Trung Quốc có lẽ cần nhiều sự hợp tác hơn từ Ấn Độ trong nhiều vấn đề từ Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương đến chống khủng bố.
Mặt khác, “củ cà rốt” của Bắc Kinh lại không đủ sức hấp dẫn với Ấn Độ. Gia nhập vào NSG là quan trọng với tham vọng cường quốc của Ấn Độ, nhưng trong bối cảnh mà Trung Quốc bị xã hội quốc tế chỉ trích vì hành vi bành trướng ở châu Á-Thái Bình Dương, lãnh đạo Ấn Độ sẽ nêu vấn đề biển Đông trong cuộc Hội nghị G20 một khi Mỹ hay nước khác đề cập chủ đề này.
Với Ấn Độ, vấn đề biển Đông là cơ hội quan trọng để đoàn kết với các đồng minh khu vực chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc với chính sách “Một vành đai, một con đường”.
Trong khi đó, nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc ngày càng hiện hữu đang thúc đẩy New Delhi tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và các đối tác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo các chuyên gia, Biển Đông là một chủ đề nóng ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, do đó vấn đề này chắc chắn sẽ được đề cập và thảo luận trong Hội nghị G20.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã rất nỗ lực, nhưng họ thiếu công cụ hiệu quả để ngăn Ấn Độ lên tiếng. Do đó, vấn đề biển Đông rất có thể là một chủ đề trọng tâm tại Hàng Châu vào tháng sau./.
Theo Soha News
Putin - thượng khách của ông Tập ở G20
Tổng thống Nga Putin sẽ được tiếp đãi nồng hậu tại hội nghị G20 ở Trung Quốc, khi Moscow và Bắc Kinh ngày càng xích lại gần nhau vì những lợi ích chung.
Tổng thống Nga Putin (cà vạt đỏ) đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quan sát lễ duyệt binh kỷ niệm 70 kết thúc Thế chiến II tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh tháng 9/2015. Ảnh: AP
Khi Nga và Trung Quốc tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II với các cuộc duyệt binh lớn ở Moscow và Bắc Kinh năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đứng vai kề vai ở vị trí trung tâm, cùng nhau hướng về phía đoàn diễu hành.
Những hình ảnh này đã khiến nhiều người suy đoán rằng ông Putin sẽ lại "sát cánh" cùng ông Tập khi Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới) ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vào tháng 9.
Một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc đã bật mí rằng, ông Putin đến với hội nghị G20 năm nay với tư cách khách mời số một. Điều này trái ngược so với những gì ông Putin đã trải qua khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014 tại Brisbane, Australia, nơi ông rời hội nghị sớm sau khi chịu nhiều sức ép của phương Tây về khủng hoảng Ukraine. Ông Putin ra về trước khi thông cáo chính thức được đưa ra với lý do ông cần có thời gian nghỉ ngơi.
Những nhà lãnh đạo sẽ tham dự cuộc gặp mặt quan trọng nhất năm nay ở Trung Quốc bao gồm: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Ông Tập và ông Putin đã thường xuyên gặp mặt trong những năm gần đây. Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm cá nhân về các vấn đề thế giới và phát triển mối quan hệ cá nhân. Nhiều nhà quan sát ghi nhận mối quan hệ cá nhân ngày càng khăng khít giữa hai ông là điều góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
"Trung Quốc sẽ đối đãi với ông Putin như một thành viên quan trọng của G20, chẳng hạn như trong việc sắp xếp chỗ đứng khi các nhà lãnh đạo chụp ảnh", ông Alexander Gabuev, chuyên gia phân tích cao cấp và là người phụ trách chương trình châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm Carnegie ở Moscow, bình luận.
Phát triển quan hệ
Một số nhà quan sát so sánh sự ấm lên trong quan hệ Trung - Nga với bước chuyển biến trong quan hệ Trung - Mỹ năm 1972, khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc. Giới quan sát cũng nhận định rằng, mối quan hệ Nga - Trung mở ra triển vọng của việc hình thành một liên minh mới, để thách thức sự thống trị trong các vấn đề toàn cầu của phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Thực tế, không có nhà lãnh đạo nào từ các nước Mỹ, Anh, Pháp - khối đồng minh trong Thế chiến II, tham dự hai cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm Thế chiến II kết thúc. Điều này củng cố ý kiến cho rằng thế giới đang chia thành hai phe lớn, Trung Quốc và Nga về một bên, và phương Tây do Mỹ dẫn đầu ở bên còn lại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân ngồi bên phải Tổng thống Nga Putin trong lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng ở Moscow. Ảnh: Reuters
Trong khi ý kiến cho rằng thế giới đang chia ra làm hai phe vẫn tồn tại nhiều sự tranh luận, hầu hết các nhà quan sát đồng ý rằng Trung Quốc và Nga hiện có nhiều lý do để hợp tác. Giới quan sát cho rằng ông Tập sẽ tận dụng vị trí của mình với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay để giới thiệu tình bạn Trung - Nga như một tấm gương sáng của mối quan hệ tốt, đồng thời thúc đẩy vị trí của hai nước trên trường quốc tế.
"Vì Trung Quốc là chủ nhà năm nay, sẽ có những nỗ lực để cho thấy ông Putin là một đối tác tích cực và ông ấy không bị cô lập", ông Gabuev, chuyên gia phân tích tại Viên nghiên Cứu chính sách Carnigie Moscow nói. Những gì diễn ra sẽ hoàn toàn trái ngược với hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông Putin gặp nhiều trở ngại.
Các nhà ngoại giao sẽ tập trung vào sự tương tác giữa ông Tập và ông Putin tại hội nghị, họ sẽ tìm kiếm bất kỳ manh mối nào về sự phát triển của một trong những mối quan hệ song phương có ảnh hưởng nhất thế giới.
Ông Wang Xianju, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu liên kết giữa Đại học Nhân dân Trung Quốc và Đại học St Petersburg, cho biết những phát triển từ chuyến thăm của ông Putin tới Trung Quốc hồi tháng 6 càng khiến nhiều người chú ý đến quan hệ hai nước.
Đứng đầu trong số đó là sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài hôm 12/7 ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc với nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò". Một yếu tố nữa là mối quan hệ Trung - Hàn nguội lạnh, khi Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nhằm đối phó với chương trình hạt nhân đầy tham vọng của Triều Tiên. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng xấu đi do căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông.
Ông Wang cho rằng những vấn đề này sẽ rất được chú trọng trong chương trình nghị sự giữa ông Tập và ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20.
Một loạt thay đổi địa chính trị đã góp phần cải thiện quan hệ Trung - Nga, như leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ do những hợp tác an ninh trong khu vực của Mỹ dựa trên chính sách "xoay trục đến châu Á". Một yếu tố khác là quan hệ Nga - phương Tây xấu đi khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt với Nga do Nga sáp nhập Crimea và khủng hoảng tại Ukraine.
Mối quan hệ Trung - Nga đã chính thức được "nâng tầm" ba lần kể từ khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991.
Năm 1992, hai nước tuyên bố thiết lập quan hệ "đối tác xây dựng". Năm 1996, mối quan hệ nâng tầm lên "quan hệ đối tác chiến lược". Năm 2001, hai bên trở thành "đối tác toàn diện" bằng cách ký Hiệp ước Láng giềng tốt và Hợp tác thân thiện.
Nhưng mối quan hệ chỉ thực sự bắt đầu đơm hoa sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012. Trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên với tư cách chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, ông Tập đã cùng ông Putin thiết lập "một mối quan hệ đặc biệt", với những hợp tác tăng cường an ninh, kinh tế, ngoại giao và hợp tác quân sự.
Tổng thống Nga Putin (trái) tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị G20 tại St Petersburg. Ảnh: Xinhua
Thực chất hay thực dụng
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích thấy rằng mối quan hệ Nga - Trung được thành lập dựa trên những lợi ích thực dụng chứ không phải là liên minh chiến lược và chính trị. Nga cần thị trường và nguồn vốn của Trung Quốc do khó khăn đến từ những lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi Bắc Kinh coi Moscow là bên hỗ trợ ngoại giao và nhà cung cấp năng lượng quan trọng.
"Sự phát triển trong mối quan hệ Nga - Trung là sản phẩm của cuộc hôn nhân vì lợi ích chứ không phải vì tình cảm lãng mạn thực sự", ông Benjamin Herscovich, một nhà phân tích cao cấp tại Wikistrat - trung tâm phân tích địa chiến lược và tư vấn kinh doanh có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
"Bắc Kinh và Moscow ngày càng thắt chặt mối liên kết về ngoại giao và kinh tế vì những ảnh hưởng của chính sách thực dụng", ông nói.
Khi Moscow bị cô lập, Trung Quốc là đối tác chào đón những doanh nghiệp Nga, ông Herscovitch nói. Khi phương Tây và Mỹ áp đặt những lệnh trừng phạt lên Nga, Bắc Kinh vẫn vui vẻ hợp tác với Moscow và sẽ lên tiếng ủng hộ nếu cần thiết.
Hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Nga đã bùng nổ trong thế kỷ này. Kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 6 lần từ mức 15,8 tỷ USD năm 2003 lên con số 95,3 tỷ USD năm 2014, theo số liệu của hải quan Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga, chỉ sau EU. Moscow đã khởi động các dự án dầu và khí đốt lớn với Bắc Kinh, trở thành một trong những nhà cung cấp dầu hàng đầu của đất nước gần 1,4 tỷ dân.
Một số nhà quan sát cho rằng quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung đã phát triển lên tầm cao hơn là chỉ đơn giản nhắm tới những lợi ích.
Các quan chức Trung Quốc và Nga nói đó là sự hợp nhất Âu - Á, bắt đầu với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" mà ông Tập khởi xướng nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông khu vực, và Liên minh liên kết kinh tế Á - Âu (EEU), được ra đời năm ngoái, bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Bắc Kinh và Moscow có kế hoạch mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với mong muốn biến SCO trở thành một liên minh quân sự tương tự NATO.
Tuy nhiên, chỉ có một vài nhà phân tích tin rằng một trục Trung - Nga đang được hình thành.
"Tôi không nghĩ rằng sẽ có một trục đặc biệt giữa Trung Quốc và Nga", ông Gabuev nói. "Hai nước ít khả năng trở thành đồng minh".
Ông cho rằng Nga sẽ tăng cường bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc, như thỏa thuận bán tổ hợp phòng không S-400 năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ là đối tác cung cấp một số bộ phận quan trọng cho các thiết bị quân sự của Nga, chẳng hạn như những vi mạch điện tử trong chương trình không gian. "Mảng hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển", Gabuev nói.
Tuy không nhận được sự niềm mở của phương Tây, ông Putin lại có nhiều người mến mộ ở Trung Quốc. Dù vậy, không nhiều người Trung Quốc tin rằng ông là một người bạn thực sự của nước mình. Họ đã chứng kiến nhiều sự thay đổi của cả bạn bè và đối thủ ngoại giao trong những năm qua, họ coi sự thân mật như một sản phẩm của chủ nghĩa ngoại giao thực dụng.
Một số người lo lắng rằng mối quan hệ Trung - Nga có thể bị suy yếu nếu ông Putin hết nhiệm kỳ tổng thống, dự kiến vào năm 2018.
Các nhà phân tích cho biết, yếu tố quan trọng trong tình bạn giữa Trung Quốc và Nga là cả hai cùng có mong muốn kiềm chế vị trí siêu cường duy nhất trên thế giới của Mỹ, bằng cách xây dựng một thế giới đa cực - với cả hai quốc gia cùng vươn lên vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Mối quan hệ cá nhân giữa ông Tập và ông Putin quan trọng "vì hai nhà lãnh đạo đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy quan hệ song phương", Gabuev nhận xét.
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Trung Quốc nếu xây đảo ở Scarborough sẽ tiến hành sau G20 Nếu tiến hành xây dựng trên bãi cạn Scarborough chiếm từ Philippines, Trung Quốc sẽ tiến hành sau hội nghị G20 tổ chức ở Hàng Châu tháng tới nhưng sẽ trước bầu cử tổng thống Mỹ. SCMP trích nguồn tin thông thạo vụ việc nói việc xây đảo nhân tạo trên Scarborough nếu tiến hành sẽ diễn ra sau G20 và trước bầu...