“Trung Quốc chưa thay đổi tham vọng ở Biển Đông thì tình hình khó dịu đi”
“Nguồn gốc của căng thẳng thì chúng ta đã biết là tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông không thay đổi. Cho nên chúng ta cũng không nên hi vọng rằng khi Trung Quốc chưa thay đổi thì có nghĩa là tình hình sẽ dịu đi”, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, phát biểu.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII, với chủ đề: “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, tại TP Nha Trang, ngày 14/11, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng, sau phán quyết vụ kiện Biển Đông, một số nước đã tiến hành các hoạt động ngoại giao, điều chỉnh lập luận về mặt pháp lý để thích ứng với tình hình mới. Trung Quốc cũng bắt đầu mở ra một số tiến trình về ngoại giao, cũng đàm phán, cũng có một số các biểu hiện hòa dịu trong quan hệ, kể cả với Philippines.
- Có ý kiến đánh giá rằng, sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc thì tình trạng pháp lý tại Biển Đông sẽ thay đổi. Theo ông, sau phán quyết đó thì những vấn đề pháp lý gì còn tồn tại?
- Theo ý kiến riêng của tôi, vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một bước tiến rất lớn về mặt pháp lý vì phán quyết của tòa là phán quyết ràng buộc và cuối cùng. Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm cho các vấn đề pháp lý trước thì đang tranh cãi, bây giờ nó trở thành rất rõ ràng.
Ví dụ như “đường chín đoạn” thì bây giờ tòa đã bác bỏ giá trị của lời tuyên bố về “đường chín đoạn”. Nó sẽ mở ra những cơ hội cho các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Chúng ta sẽ thấy và đã thấy, ngay sau khi tòa ra phán quyết thì một số nước cũng đã xây dựng các lập luận của mình dựa trên các phán quyết của tòa và đã tiến hành một số các hoạt động ngoại giao, tiến hành một số các điều chỉnh lập luận về mặt pháp lý để thích ứng với tình hình mới. Chúng ta nhìn thấy những chuyển động, như là trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc; trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước, trong đó có Việt Nam, Malaysia… cũng đang đi theo hướng đấy.
PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ngày 14/11
Quá trình này sẽ không suôn sẻ, không thẳng, trải qua nhiều diễn biển phức tạp vì có nhiều yếu tố khác chen vào, trong đó có yếu tố khó đổi là yếu tố về tham vọng của Trung Quốc, trong đó có yếu tố mới về chính trị Mỹ, chính trị Philippines và có những chuyển động khác ở trong khu vực về kinh tế, về chiến lược. Thế nhưng, phán quyết của tòa tạo ra một cơ sở rất tốt để chúng ta nhìn thấy những sự kiện tiếp tục chuyển biến.
- Trên thực tế, Trung Quốc vẫn đang củng cố vị thế của mình ở Biển Đông, vẫn tăng cường xây dựng các căn cứ quân sự cũng như dân sự ở Hoàng Sa, Trường Sa. Cùng với sự thay đổi Tổng thống mới của Mỹ, ông có nghĩ rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ bước sang một giai đoạn mới hay không và ông nhận định nó sẽ tiến triển theo hướng như thế nào?
- Nguồn gốc của căng thẳng thì chúng ta đã biết là tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông không thay đổi. Cho nên chúng ta cũng không nên hi vọng rằng khi Trung Quốc chưa thay đổi thì có nghĩa là tình hình sẽ dịu đi. Chúng ta cũng phải tiếp tục cẩn trọng, nhất là vẫn phải đề phòng cho những tình huống căng thẳng ở Biển Đông.
Nhưng nó có những yếu tố mà chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng, căng thẳng đấy không quá mức như chúng ta lo ngại. Chúng ta cũng thấy rằng, Trung Quốc bắt đầu mở ra một số tiến trình về ngoại giao, đàm phán, cũng có một số các biểu hiện hòa dịu trong quan hệ, ngay cả với Philippines.
Trung Quốc cũng rất lo ngại về việc Tổng thống mới đắc cử ở Mỹ nhưng Trung Quốc cũng là một trong những nước đầu tiên gọi điện chúc mừng, và đặt vấn đề 2 bên có những biện pháp để quán triệt mối quan hệ Mỹ – Trung. Đấy là những tín hiệu tuy là ban đầu nhưng mà cũng để chúng ra nghĩ rằng, có thể tình hình nó sẽ không phát triển cực đoan.
Video đang HOT
Tuy nhiên, vấn đề chốt nhất vẫn là tham vọng của Trung Quốc. Cái này thì chúng ta tiếp tục theo dõi và tiếp tục cảnh giác.
- Theo ông, những giải pháp căn cơ nào hiện nay để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông?
- Tôi nghĩ rằng, đối với Việt Nam thì biện pháp tốt nhất là biện pháp ngoại giao. Đây là nằm chung trong luồng tư duy của các nước nhỏ – ngoại giao bao giờ cũng là mặt trận hàng đầu để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi của đất nước.
Biện pháp quân sự sẽ là biện pháp phiêu lưu. Biện pháp kinh tế thì chúng ta cũng phải chờ đến khi lực lượng kinh tế mạnh lên và chúng ta phải tạo được chỗ đứng trong phân công lao động khu vực và quốc tế.
Biện pháp ngoại giao, trong đó có biện pháp pháp lý và biện pháp đàm phán hòa bình, vẫn là biện pháp tốt nhất dành cho những nước nhỏ và là biện pháp khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII, với chủ đề: “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, tại TP Nha Trang
- Thưa ông, trong phiên khai mạc ông có nói đến yếu tố tân Tổng thống Mỹ là một yếu tố bất ngờ. Hiện chưa rõ chính sách của ông ấy, nhưng theo ông sẽ tác động như thế nào đến Châu Á?
- Như chúng ta biết, sự có mặt của Mỹ ở khu vực trong giai đoạn gần đây là một yếu tố tạo nên sự ổn định. Sự có mặt này thì có mặt cả về kinh tế và có mặt cả về địa chiến lược. Lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông cũng có giá trị rất tốt đối với việc làm giảm căng thẳng trên Biển Đông.
Chúng ta cứ tưởng tượng rằng, nếu không có những lập luận, những lời tuyên bố phản bác lại những hành động cực đoan của Trung Quốc thì tình hình cũng sẽ khác. Chúng ta cũng biết rằng, nếu Mỹ tiếp tục can dự về mặt kinh tế ở khu vực thì cũng tạo ra động lực về mặt phát triển kinh tế cho các nước trong khu vực, tất nhiên cũng tạo ra tăng trưởng ngay cả phía Mỹ.
Bây giờ còn quá sớm để phân tích xem là nước Mỹ sẽ chọn chính sách nào đối với Châu Á – Thái Bình Dương. Cái này chúng ta cần chờ thêm một thời gian nữa. Cá nhân tôi nghĩ rằng, lợi ích của nước Mỹ vẫn yêu cầu nước Mỹ có mặt ở khu vực, làm ăn với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – khu vực đang có tăng trưởng kinh tế nhiều nhất và cơ hội kinh tế cao nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Viết Hảo (ghi)
Theo Dantri
Căng thẳng ở Biển Đông chưa hạ nhiệt do vẫn còn va chạm trên thực địa
Các học giả trong nước và quốc tế cho rằng, hiện nay căng thẳng ở Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do vẫn còn có sự va chạm, vẫn còn các hoạt động thay đổi nguyên trạng trên thực địa, chưa kể máy bay Trung Quốc - Mỹ nhiều lần đối đầu trong khu vực.
Sáng nay, 14/11, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật Gia Việt Nam đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII, với chủ đề: "Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực".
Tại hội thảo lần này, các chuyên gia, học giả hàng đầu thế giới về Biển Đông tham gia trình bày khoảng 30 tham luận về các lĩnh vực: Quan hệ quốc tế, luật quốc tế, an ninh biển, hợp tác biển...
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết, cuộc hội thảo lần thứ VIII với sự góp mặt của hơn 200 học giả trong nước, quốc tế có uy tín hàng đầu hiện nay.
"Trong 8 năm qua, hội thảo quốc tế về Biển Đông đã trở thành diễn đàn uy tín. Từ hơn 50 học giả quốc tế tham dự hội thảo đầu tiên, đến nay hội thảo đã xây dựng một mạng lưới gần 400 học giả thường xuyên kết nối, trao đổi, thảo luận về tình hình Biển Đông.
Đến nay, hội thảo đã có sự có mặt, tham dự của các học giả đến từ hơn 30 nước, vùng lãnh thổ trải khắp Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương. Đặc biệt lần đầu có sự tham dự của học giả đến từ khu vực Mỹ La-tinh...", PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng mở đầu bài phát biểu.
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII với chủ đề: "Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực", tại TP Nha Trang, sáng 14/11.
Theo ông Tùng, với hơn 200 bài tham luận mà các học giả đóng góp qua 7 lần hội thảo và 30 bài tham luận tại hội thảo lần này, đây là một kho tư liệu có giá trị tham khảo về tất cả các khía cạnh về vấn đề Biển Đông cho cộng đồng quốc tế. Trong đó, nhiều bài tham luận đã, đang và sẽ xuất bản rộng rãi thành sách trên thế giới, nhất là nhiều sáng kiến đã được đưa ra và chuyển cho các Chính phủ liên quan để cân nhắc, lồng ghép vào chính sách của các nước trong khu vực.
"Trong năm qua, căng thẳng ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, do vẫn còn có sự va chạm, vẫn còn có các hoạt động thay đổi nguyên trạng trên thực địa. Kể từ hội thảo lần thứ VII đến nay, có gần 20 vụ đụng độ ở mức độ nguy hiểm giữa các tàu cá, tàu chấp pháp của các nước ven Biển Đông ở trong khu vực Trường Sa, đặc biệt là Hoàng Sa, chưa kể nhiều vụ đối đầu giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc ở trong khu vực", ông Tùng khái quát lại tình hình Biển Đông.
Theo Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, hiện nay tình hình cải tạo đảo và quân sự hóa ở các khu vực tranh chấp ngày càng phức tạp, trong khi đó tình hình môi trường tiếp tục xấu đi, hơn 20 bãi san hô ở Trường Sa có dấu hiệu bị hủy hoại nghiêm trọng, ngoài ra có hàng trăm m2 san hô đã hoàn toàn bị hủy diệt.
Theo ông Tùng, sau phán quyết vụ kiện Biển Đông hồi tháng 7 năm nay, phản ứng của các nước liên quan đối với kết quả vụ kiện cho thấy vẫn còn có nhiều khác biệt trong việc diễn giải luật pháp, nhất là trong việc lồng ghép vào những tính toán địa chiến lược của các nước liên quan, nhất là các nước lớn.
Hội thảo đã quy tụ nhiều học giả trong nước và quốc tế hàng đầu về vấn đề Biển Đông, tham dự
"Trong những năm tới, các khác biệt này sẽ tiếp tục là cơ sở cho những bất đồng, tranh chấp, nhất là các cuộc chuyển giao quyền lực, hoặc tái cơ cấu quyền lực đã, đang và sẽ diễn ra trong khu vực liên quan đến thay đổi trong nội trị của nhiều nước", PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng nhận định.
Trong tham luận "Diễn biến của tranh chấp Biển Đông: Ghi nhận từ một Sử gia", TS Ulises Granados, Điều phối Chương trình Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương, Viện Công nghệ Mexico, cho rằng, bản thân việc nghiên cứu tranh chấp ở Biển Đông đã có một lịch sử lâu dài, kể từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, kể từ khi việc xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông thì công luận chú ý nhiều hơn. TS Ulises Granados cho rằng, hiện nay vấn đề nhức nhối là quyết định tăng cường sự hiện diện trên Trường Sa của Trung Quốc.
"Trung Quốc hiện nay đang nâng cấp 7 thực thể mà nước này chiếm đóng và đưa bãi cạn Scarborough trở thành trọng tâm trong tính toán địa chiến lược của mình kể từ năm 2012, song song với việc nâng cấp mạnh mẽ lực lượng Hải quân phòng thủ trên Hoàng Sa", TS Ulises Granados cảnh báo.
Trong tham luận "Địa chính trị ở Trường Sa: Các tuyến đường biển bí mật và tàu ngầm", TS. Francois-Xavier Bonnet, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, (Pháp), tiết lộ rằng, từ trước Thế chiến thứ II, như từ năm 1925-1938, Hải quân Anh, Nhật đã tiến hành các cuộc khảo sát và họ đã khám phá ra các "vùng biển bí mật dọc vùng nguy hiểm" từ phía Nam đến phía Bắc.
Theo các học trong nước và quốc tế, hiện nay căng thẳng ở Biển Đông "chưa có dấu hiệu hạ nhiệt" do vẫn còn có sự va chạm, vẫn còn có các hoạt động thay đổi nguyên trạng trên thực địa
Những năm 1935, Hải quân Mỹ tiến hành các khảo sát bí mật, quan tâm đến việc lập bản đồ, độ sâu của khu vực này, đồng thời Hải quân Mỹ cũng khám phá ra một tuyến đường biển theo hướng Đông - Tây. TS. Francois-Xavier Bonnet lập luận, kể từ năm 2012 tình hình Biển Đông xấu đi đáng kể, đặc biệt là yêu cầu của Philippines kiện Trung Quốc.
TS. Francois-Xavier Bonnet cho rằng, trong vấn đề Biển Đông, các quốc gia "phải tôn trọng lẫn nhau" và vai trò của ASEAN rất quan trọng hiện nay.
Trong buổi sáng 14/11, các học giả đã kết thúc việc thảo luận phiên 1 và sẽ tiếp tục thảo luận các phiên 2, 3 và 4 trong chiều cùng ngày.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII diễn ra trong 2 ngày, bao gồm 7 phiên thảo luận chính, gồm: phiên 1: "Nguồn gốc của tranh chấp Biển Đông: Khía cạnh lịch sử"; phiên 2: "Căng thẳng Biển Đông sẽ đi đến đâu?"; phiên 3: "Luật pháp quốc tế và Biển Đông"; phiên 4: "Kinh tế chính trị của Biển Đông: Vấn đề và triển vọng"; phiên 5: "An ninh, chính trị và ngoại giao"; phiên 6: "Tương tác và phối hợp trên biển"; và phiên 7: "Cơ chế quản lý căng thẳng ở Biển Đông".
Viết Hảo
Theo Dantri
Vũ khí bí mật của Trung Quốc sau phán quyết Toà Trọng tài Sau phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông, cùng với khát vọng quyền lực của Trung Quốc, các chiến binh mạng của nước này đã ném một cơn giận sau khi thua trong cuộc chiến pháp lý với Philippines ở The Hague. Theo tạp chí The Diplomat, chỉ vài giờ sau phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ đường lưỡi...