Trung Quốc chiết xuất kim loại quý từ hàng triệu smartphone cũ
Là quốc gia có lượng rác thải điện tử khổng lồ, chính phủ Trung Quốc đang từng bước thay đổi cục diện vấn đề thông qua những biện pháp tích cực.
Điện thoại bị rã xác để tái chế
Theo SCMP , khi càng có nhiều người Trung Quốc “lên đời” smartphone mới, số rác thải điện tử mỗi năm cũng ngày càng tăng. Trung Quốc từng là bãi rác điện tử của thế giới, thành phố Guiyu ở tỉnh Quảng Đông có hàng nghìn xưởng nhỏ chuyên đập vỡ máy tính và thiết bị điện tử cũ để chiết xuất vật liệu tái chế.
Nghiên cứu của tổ chức môi trường Greenpeace East Asia ước tính tỷ lệ tái chế smartphone của Trung Quốc nằm dưới 2%, nghĩa là chỉ có 2/100 chiếc điện thoại được tái chế đúng cách, còn lại bị lãng quên trong góc tủ đầy bụi.
Nhưng tất cả chuyện đó đã là quá khứ. Hiện tại chính phủ Trung Quốc đang mạnh tay hơn trong việc cấm nhập khẩu “rác ngoại”, tăng cường giám sát quá trình xử lý thiết bị điện tử nhằm ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm gây hại cho sức khỏe người dân.
Tại nhà máy của TES ở ngoại ô Thượng Hải, các công nhân mặc đồng phục màu xanh lam, đeo kính bảo hộ và khẩu trang có nhiệm vụ rã xác smartphone đã qua sử dụng, phân loại vỏ, màn hình, pin và bảng mạch điện thoại để chuẩn bị cho bước tái chế tiếp theo.
Video đang HOT
Richard Wang – giám đốc tiếp thị của TES ở Trung Quốc giải thích quá trình tiếp theo bắt đầu bằng cách sử dụng phương pháp xử lý hóa học nhằm hòa tan và tinh chế các kim loại quý như vàng có trên bảng mạch. Bước tiếp theo là nghiền nát các bảng mạch thành bột, tách đồng và nhựa.
Phương pháp tĩnh điện được dùng để chiết xuất bột có chứa kim loại như đồng, còn những phương pháp tương tự được dùng để chiết xuất bột có chứa các nguyên tố phi kim loại.
Về lý thuyết, việc tái chế 100 triệu chiếc điện thoại có thể tạo ra hơn 120 kg vàng với độ tinh khiết trên 99,9% sau khi tinh chế.
Liu Hua – chuyên gia chiến dịch về rác thải và tài nguyên tại Greenpeace East cho biết các nhà sản xuất smartphone như Huawei thường hợp tác với các công ty xử lý rác thải điện tử để tái chế thiết bị.
Cũng theo Greenpeace East, kim loại bị loại bỏ dưới dạng rác thải điện tử ở Trung Quốc được dự báo sẽ có giá trị 23,8 tỉ USD vào năm 2030. Có thể thu hồi khoản tiền này thông qua tái chế và “khai thác đô thị”, đỡ tốn kém hơn việc chiết xuất kim loại từ khai thác quặng.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất smartphone chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình tái chế. Ví dụ, điện thoại Huawei được tháo rời trong một khu vực riêng trong nhà máy TES, các thành phần riêng lẻ được chia thành nhiều mảnh nhỏ hơn trước khi trải qua quá trình chiết xuất vàng và đồng.
Richard Liu – giám đốc phát triển bền vững thuộc nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei cho biết công ty đang nỗ lực làm cho smartphone dễ tái chế hơn. Anh chia sẻ với SCMP : “Một số công nhân tái chế nhận thấy điện thoại cũ của chúng tôi rất khó tháo rời, pin sẽ vỡ và cháy trong quá trình này”.
Thách thức đối với ngành tái chế là thay đổi nhận thức của người dân. Nhiều người Trung Quốc có thói quen giữ điện thoại đã qua sử dụng vì vẫn còn tâm lý tiếc của, không muốn bán điện thoại cũ với giá vài trăm nhân dân tệ vì ban đầu đã tốn hàng nghìn nhân dân tệ để mua chúng.
Liu Hua nhận định: “Không giống như điều hòa hay TV, khi bạn nâng cấp lên cái mới, bạn không còn chỗ để chứa cái cũ, nhưng smartphone thì khác. Smartphone nhỏ và không chiếm nhiều diện tích nếu gia đình muốn giữ chúng lâu”.
Bảo vệ môi trường không chỉ là bỏ củ sạc
Giới chuyên gia cho rằng nhà sản xuất smartphone nên tạo những sản phẩm sử dụng lâu dài, đồng thời cần có giải pháp xử lý rác thải điện tử.
Apple vừa ra mắt loạt iPhone 12 hồi giữa tháng 10. Máy chỉ bán kèm cáp Lightning, không có củ sạc và tai nghe. CEO Tim Cook cho biết quyết định này là để "bảo vệ môi trường".
"Bảo vê môi trường" cũng là lý do mà CEO Xiaomi Lei Jun đưa ra khi quyết định không bán củ sạc kèm máy đối với mẫu Mi11 sắp tới. Ngoài ra, Samsung và Huawei được cho là sẽ bán ra smartphone mới của mình mà không kèm củ sạc.
Smartphone cũ, hư hỏng thường bị vứt bỏ thay vì được mang đi tái chế. Ảnh: Alberto Giacomazzi .
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các hãng công nghệ vẫn liên tục tung ra hàng loạt điện thoại mới mỗi năm, trong khi cũng không ít điện thoại cũ bị vứt theo những cách khác nhau. Một phần chúng được thu gom để tái chế, nhưng phần lớn sẽ ra bãi rác và được đốt hoặc chôn lấp.
Theo thống kê của Gartner đầu 2019, gần 153 triệu smartphone đã được bán ra trong 2018. Tính trung bình, người dùng giữ điện thoại của họ trong hai năm. Giờ đây, không ít trong số chúng đã trở thành rác thải điện tử. Thời gian tới, nghiên cứu cho thấy làn sóng nâng cấp smartphone sẽ ồ ạt hơn do sự phổ biến của 5G trên toàn cầu.
Kyle Wiens, CEO của iFixit, website chuyên "mổ xẻ" các thiết bị di động, những smartphone cũ bị bỏ đi không dễ quản lý. "Chúng ta không có giải pháp về mặt công nghệ để xử lý smartphone cũ. Chẳng hạn lấy một xe tải chứa đầy iPhone cũ, tách các thành phần, nghiền nhỏ và tạo ra iPhone mới. Đó là điều không thể xảy ra về mặt vật lý", Wiens nói.
John Shegerian, CEO của ERI, công ty chuyên về lĩnh vực tái chế rác thải điện tử, cho rằng việc tái chế smartphone và máy tính bảng gặp phải thách thức lớn do kết cấu của chúng. "Rất nhiều sản phẩm điện tử hiện nay không còn gắn với nhau bằng ốc vít nữa, thay vào đó là keo dán. Keo dán làm cho mọi thứ rất khó tháo rời để thu hồi nguyên vật liệu. Kể cả khi tháo được, giá trị của chúng cũng suy giảm", Shegerian cho biết.
Theo Global E-Waste Monitor, một nhóm nghiên cứu theo dõi rác thải điện tử, khoảng 6,9 triệu tấn rác điện tử đã được sản xuất chỉ riêng tại Mỹ trong năm 2019. Trọng lượng này tương đương 19 tòa nhà Empire State - một trong những tòa nhà cao nhất Mỹ. Dù vậy, chỉ 15% trong số này được mang đi tái chế. "Những chất có trong rác thải điện tử không có giá trị. Chúng thậm chí rất độc hại khi ngấm xuống đất", đại diện Global E-Waste Monitor chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, những công ty như Apple, Samsung cần tạo ra một smartphone phù hợp để có thể sử dụng trong bốn hoặc năm năm mới cần nâng cấp và đây sẽ là cách có thể "tạo ra khác biệt rất lớn". Cho đến khi smartphone có vòng đời lâu hơn, những nhà sản xuất điện thoại cần có nhiều giải pháp hơn trong việc tái chế rác thải điện tử, đồng thời người dùng cũng cần có trách nhiệm hơn khi mua và thải bỏ thiết bị của họ.
'Đào' vàng từ núi rác thải điện tử Trung bình trong bo mạch của 10 triệu chiếc điện thoại bỏ đi có 120 kg vàng. Báo cáo Giám sát chất thải điện tử toàn cầu năm 2019 của Liên hợp quốc cho thấy có 54 triệu tấn rác thải điện tử được tạo ra khắp thế giới. Khối đồ điện tử hư hỏng đó chứa lượng vàng, bạch kim và các...