Trung Quốc cảnh báo hỗn loạn tại Hồng Kông
Trung Quốc đã cảnh báo hỗn loạn tại Hồng Kông và bày tỏ sự ủng hộ đối với người đứng đầu chính đặc khu hành chính này trong cuộc đối phó với những người biểu tình, vốn đe dọa chiếm các văn phòng chính quyền nếu ông này không từ chức vào cuối ngày hôm nay 2/10.
Người biểu tình tại Hồng Kông xuống đường phản đối các quy định bầu cử mới của Bắc Kinh.
Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay đã đăng tải một bài xã luận nói rằng “chính quyền trung ương hoàn toàn tin tưởng lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh và rất hài lòng với công việc của ông”.
Bài báo nói thêm rằng Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ cảnh sát Hồng Kông – vốn bị chỉ trích vì sử dụng hơi cay nhằm vào người biểu tình hồi cuối tuần qua – nhằm “xử lý các hành động trái pháp luật”.
Trong bài bình luận, tờ báo cũng cho biết luật pháp phải được bảo vệ “để hiện thực hóa sự phát triển lành mạnh của dân chủ và chính trị tại Hồng Kông”.
“Nếu giải quyết các vấn đề không thông qua luật pháp, xã hội Hồng Kông có thể rơi vào hỗn loạn”, bài báo cảnh báo.
Video đang HOT
Tờ báo đã miêu tả những người biểu tình là “ích kỷ, đang làm phá vỡ trật tự xã hội theo cách gây tổn hại cho ổn định xã hội và sự thịnh vượng kinh tế tại Hồng Kông”.
Các cuộc biểu tình đường phố kéo dài cả tuần do hàng nghìn người biểu tình tiến hành nhằm kêu gọi các cuộc bầu cử tự do tại Hồng Kông là thách thức lớn nhất đối với Bắc Kinh kể từ khi đặc khu hành chính này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997.
Người biểu tình phản đối quyết định của chính quyền trung ương Trung Quốc hồi tháng 8, trong đó có tất cả các ứng viên tham gia cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông năm 2017 phải được một ủy ban gồm những người ủng hộ Bắc Kinh phê chuẩn. Các nhà hoạt động nói rằng Trung Quốc đang vi phạm lời hứa rằng lãnh đạo Hồng Kông phải được lựa chọn thông qua bầu cử tự do.
Các lãnh đạo sinh viên, vốn đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc biểu tình, ban đầu muốn gặp ông Lương Chấn Anh, nhưng sau các vụ xô xát với cảnh sát hôm 28/9, họ đã gia tăng kêu gọi ông này từ chức và yêu cầu chính phủ trung ương tại Bắc Kinh chú ý tới các yêu cầu của họ về cải cách dân chủ thực sự.
Trong một động thái nhằm gia tăng sức ép, các lãnh đạo sinh viên ngày 1/10 đã yêu cầu ông Lương phải từ chức trước nửa đêm ngày 2/10. Nếu ông Lương không từ chức, họ sẽ tăng cường hành động, trong đó có việc chiếm các tòa nhà trung tâm.
Cảnh báo trên đã gây ra viễn cảnh về một vụ xô xát khác với cảnh sát, hiện đang bảo vệ các tòa nhà chính quyền. Kể từ hôm thứ Hai, các cuộc biểu tình diễn ra hòa bình.
Nhiều người biểu tình đã ngủ trên đường phố quanh các tòa nhà chính phủ vài ngày qua.
Vào sáng nay, vài chục người biểu tình trẻ tuổi đã cố gắng chặn một con đường bên ngoài lối vào văn phòng của ông Lương Chấn Anh trong khu tòa nhà chính quyền. Cảnh sát đã dựng các rào chắn tại một ngã tư gần đó, trong khi đám đông biểu tình tụ tập ở phía bên kia, mang theo những chiếc ô.
“Chúng tôi không yêu cầu ông Lương Chấn Anh đối thoại với chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu ông ấy từ chức”, May Tang, sinh viên 21 tuổi tại Đại học Lingnan, nói.
Chính phủ Trung Quốc dường như đang mất kiên nhẫn. Một bài xã luận được đọc trang trọng trên truyền hình quốc gia vào tối ngày 1/10 nói rằng tất cả người dân Hồng Kông nên ủng hộ giới chức trong nỗ lực nhằm “triển khai cảnh sát một cách quyết đoán” và “phục hồi trật tự xã hội tại Hồng Kông càng sớm càng tốt”.
Lãnh đạo Hồng Kông nhiều khả năng không từ chức
Những người biểu tình xem ông Lương Chấn Anh là “tay sai” của Bắc Kinh và các lãnh đạo biểu tình muốn tối hậu thư của họ phải được đáp ứng.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc các hành động khác nhau trong những ngày tới, trong đó có việc chiếm đóng những nơi khác như các văn phòng chính quyền quan trọng”, Agnes Chow, một trong những người biểu tình thuộc phong trào sinh viên Scholarism, nói.
Một số nhà phân tích cho hay nhiều khả năng ông Lương sẽ không từ chức.
“Nếu Bắc Kinh buộc ông ấy phải từ chức, họ sẽ bị xem là nhượng bộ trước sức ép từ những người biểu tình. Họ có thể đưa ra các tín hiệu rằng ông ấy bị cho “ra rìa”, nhưng khả năng ông ấy bị sa thải ngay tức thì là không cao”, Willy Lam, một học giả tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc, nhận định.
Tuy nhiên, ông Lam nói thêm rằng nếu các cuộc biểu tình càng kéo dài và ảnh hưởng tới Hồng Kông thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải hành động.
“Nếu ông ấy bị xem là thất bại trong việc kiểm soát tình hình trong hơn 2 hoặc 3 tuần, ông ấy sẽ hứng chịu những chỉ trích (trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc) và trong trường hợp đó việc sa thải ông Lương Chấn Anh là một khả năng”, ông Lam nói thêm.
An Bình
Theo Dantri/AP, AFP