Trung Quốc cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng
Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng nhập khẩu than đá và điều chỉnh giá điện theo cung – cầu của thị trường, trong bối cảnh nước này rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng.
16 trong số 31 tỉnh thành của Trung Quốc phải cắt điện luân phiên để giảm phát thải khí carbon (Ảnh: AP).
Cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc gần đây đã trở nên nghiêm trọng sau khi hơn một nửa tỉnh thành ở nước này phải chịu đựng tình trạng cắt điện luân phiên.
Theo SCMP , việc cắt điện là khá phổ biến ở Trung Quốc nhưng thường chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghiệp. Nhưng tần suất mất điện đã tăng lên kể từ nửa cuối năm ngoái và đến nay xảy ra ở các hộ gia đình.
Tổng cộng có 16 trong số 31 tỉnh thành ở Trung Quốc đã phải cắt điện luân phiên nhằm đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải hàng năm mà chính phủ đề ra, sau khi không đạt được mục tiêu này vào đầu năm.
Không đạt mục tiêu giảm phát thải khí carbon hàng năm do chính phủ đưa ra, chính quyền nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp gấp rút như cắt điện luân phiên trên diện rộng, nhưng tình trạng thiếu nguồn than cũng là nguyên nhân làm bùng nổ cuộc khủng hoảng thiếu điện hiện nay.
Việc cắt điện luân phiên đã tác động tới nhiều ngành sản xuất tại Trung Quốc, từ công nghiệp nặng cho tới công nghiệp nhẹ, và làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Video đang HOT
Trước tình trạng trên, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, hôm 29/9 thông báo sẽ “thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường điều chỉnh cung và cầu”, nhưng không tiết lộ chi tiết về kế hoạch cải cách giá điện. “Giá điện và khí đốt phục vụ sinh hoạt của người dân về cơ bản vẫn ổn định, theo đúng chính sách giá”, NDRC khẳng định.
Điện tại Trung Quốc thường được bán theo tỷ giá quy định, cho phép các tỉnh được tăng hoặc giảm tối đa 10%. Một số tỉnh đã tăng tối đa 10%, vì vậy họ có thể phải tăng thêm để bù vào giá than tăng cao chót vót.
Trước đó, vào tháng 7, NDRC đã ám chỉ rằng cơ quan này có thể thay đổi cách thiết lập giá điện dân dụng để thích ứng tốt hơn chi phí nguồn cung điện.
NDRC cũng cho biết sẽ “nâng năng lực sản xuất than”, “đảm bảo rằng các nhà máy điện than được phân phối đầy đủ” và “tăng cường nhập khẩu than một cách có trật tự”.
Tổng công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc hôm 27/9 thông báo sẽ bắt đầu thực hiện các chính sách để giải quyết tình trạng cắt điện và đảm bảo khôi phục nguồn cung cấp điện và sinh kế cho người dân.
16 tỉnh thành bị cắt điện luân phiên
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) , cuộc khủng hoảng nguồn cung cấp điện của Trung Quốc đã leo thang trong tuần qua, với hơn một nửa đất nước phải chịu dựng tình trạng cắt điện, khiến nó trở thành một trong những ví dụ điển hình nhất về việc phân bổ năng lượng trong lịch sử Trung Quốc, đặc biệt là khi xem xét tác động của nó đối với các hộ gia đình.
Tháng trước, NDRC đã chỉ trích “mức độ tiêu thụ điện cao” của 9 tỉnh gồm Quảng Đông, Giang Tô, Vân Nam, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Quảng Tây, Ninh Hạ, Thanh Hải và Tân Cương. Những tỉnh này bị cảnh cáo vì ngày càng sử dụng nhiều năng lượng thay vì cắt giảm.
Bà Meng Wei, phát ngôn viên của NDRC, cho biết: “Thêm 10 tỉnh không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tiêu thụ điện và tình hình tiết kiệm năng lượng quốc gia đang rất nghiêm trọng”.
Một năm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia không còn phát thải carbon vào năm 2060. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã vạch ra những chiến lược nhằm tăng cường nỗ lực kiểm soát việc sử dụng năng lượng quốc gia bằng cách cắt giảm 3% mức tiêu thụ điện trên mức tương ứng với GDP vào năm 2021.
Cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn vào những tháng cuối năm, do các tỉnh thành ở Trung Quốc đứng trước sức ép phải đạt mục tiêu đề ra. Đây thực sự là “thời hạn khó” vì các tỉnh thành sẽ không còn thời gian và cơ hội để khắc phục thiếu sót như thời hạn đầu năm.
Chính quyền Bắc Kinh cũng tăng gấp đôi các nỗ lực bằng cách thúc giục các chính quyền địa phương hạn chế các hoạt động tiêu thụ nhiều điện cũng như các dự án phát thải khí carbon lớn.
Tuy nhiên, đã có những lo ngại rằng việc hạn chế sử dụng điện của các tỉnh thành như hiện nay là thiển cận và không công bằng đối với người sử dụng, đặc biệt là người tiêu dùng hộ gia đình.
Hôm 26/9, Nhân dân Nhật báo của chính phủ nước này đã có bài viết chỉ trích các quan chức địa phương sử dụng các biện pháp “cưỡng bức” để đạt được các mục tiêu hàng năm về môi trường. Theo tờ báo này, chính quyền các tỉnh thành không nên áp dụng cách tiếp cận quá cứng nhắc như vậy.
Cựu Phó chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Liu Shijin cũng chỉ trích các tỉnh thành quá quan liêu trong việc thúc đẩy các mục tiêu giảm phát thải, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Hai nguyên nhân chính
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân bùng nổ cuộc khủng hoảng thiếu điện hiện nay ở Trung Quốc không chỉ là do mục tiêu giảm khí thải carbon, mà còn do tình trạng thiếu than đá trầm trọng khiến giá cả tăng vọt.
Giáo sư Yunhe Hou tại Khoa Kỹ thuật Điện và Điện tử (Đại học Hong Kong) cho rằng: “Khó có thể nói đâu là nguyên nhân chính, thiếu than hay vì mục tiêu giảm khí thải cacbon. Nhưng tình trạng thiếu than hiện nay nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đây”.
Theo ông, thứ nhất là do giá than quá cao; thứ hai là chất lượng than của Trung Quốc quá kém nên không tạo ra đủ lượng điện. “Ngoài ra, một số vùng đã bắt đầu tích trữ than cho mùa đông, điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu than đá”, ông nói thêm.
Giá nguyên liệu thô đã có xu hướng tăng trong cả năm và lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây vì không chỉ Trung Quốc mà các nước khác, bao gồm cả Ấn Độ, đang thiếu nguồn than khẩn cấp. Tuần trước, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia đã thúc đẩy một số tỉnh Tây Bắc tăng sản lượng sản xuất than đá.
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) ngày 28/9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 từ mức 8,2% xuống mức 7,8%, do tình trạng cắt điện trên toàn quốc đã ảnh hưởng đến hàng triệu hộ gia đình nước này, đồng thời khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất, trong đó có cả một số nhà cung cấp cho Apple và Tesla.
Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo Bloomberg Intelligence, ít nhất 17 tỉnh và khu vực - chiếm 66% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc - đã thông báo một số hình thức cắt giảm điện trong những tháng gần đây, chủ yếu nhắm vào các cơ sở sản xuất công nghiệp nặng.
Gần 60% nền kinh tế Trung Quốc sử dụng nhiên liệu từ than, tuy nhiên nguồn cung này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, cũng như trong bối cảnh chịu áp lực lớn bởi các mục tiêu khí thải trên toàn cầu và tác động từ sự sụt giảm nhập khẩu than trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Australia.
Hồi đầu tháng này, giá than đã đạt mức cao kỷ lục, với những hạn chế đè nặng lên các doanh nghiệp và các hộ gia đình trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Cơ quan quản lý Năng lượng quốc gia Trung Quốc cho biết nhu cầu điện của nước này trong nửa đầu năm nay đã vượt mức độ trước đại dịch.
Goldman Sachs là cơ quan tài chính thứ hai đã hạ cấp dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong những ngày gần đây. Ngày 27/9, các nhà phân tích thuộc tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản) cho biết số các nhà máy buộc phải ngừng hoạt động tại Trung Quốc đã gia tăng đột biến vì hai lý do: để đáp ứng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải hoặc do tình trạng thiếu than. Tập đoàn này đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc xuống còn 7,7%.
Trung Quốc tăng cường cắt điện luân phiên để giảm khí phát thải Trung Quốc đang mở rộng chính sách cắt điện luân phiên và giảm sản lượng của các nhà máy do gặp trở ngại về nguồn cung điện, cũng như muốn thúc đẩy mục tiêu giảm khí phát thải. Chính sách cắt điện của Trung Quốc gây tác động đến sản lượng của các doanh nghiệp. Ảnh: Reuters Tờ Bloomberg đưa tin biện pháp...